Động lực và Kỷ luật: Cặp đôi hoàn hảo cho sự thành công

29 tháng 01 năm 2024

Bạn có bao giờ đặt ra một danh sách kế hoạch, cảm thấy đầy năng lượng và sẵn sàng chinh phục tất cả nhưng cuối cùng lại bỏ cuộc chỉ sau 2, 3 hoặc thậm chí chỉ là 1 ngày không? Hay việc thức dậy mỗi sáng nhưng lại không biết nên làm gì và lại tự hỏi bản thân rằng có vấn đề gì với cuộc đời mình hay không?

Đây là hiện tượng khá phổ biến ngày nay, đặc biệt là ở những người trẻ hoặc ngay cả ở người trưởng thành. Một lực đẩy đột ngột có thể xuất hiện để thôi thúc sự tự tin của chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy như không có gì là không thể, nhưng cuối cùng đà đó không thể duy trì và mọi thứ bắt đầu đổ vỡ. Để thoát khỏi vòng lặp này, việc hiểu rõ về động lực và kỷ luật là vô cùng quan trọng. Hơn nữa, với sự nhận thức mạnh mẽ về động lực và kỷ luật sẽ giúp sinh viên UEH khai phá hết tiềm năng, vượt qua các rào cản để trở thành một công dân toàn cầu có trách nhiệm. Trong bài viết này, ta sẽ cùng đào sâu để tìm hiểu về động lực và kỷ luật cũng như mối liên hệ giữa chúng.

Hiểu về ý nghĩa của động lực:

Theo từ điển tâm lý học APA, động lực được định nghĩa là “sự thúc đẩy mang lại mục đích hay định hướng cho hành vi và được vận hành trong con người ở mức độ có nhận thức hoặc vô ý thức”. Nói một cách dễ hiểu hơn thì động lực chính là lực đẩy đằng sau những hành động, hành vi, dẫn dắt ta đến những mục tiêu để đạt được thành công.

Các nhà tâm lý học cũng chia động lực thành hai loại: động lực nội sinh (intrinsic motivation) và động lực ngoại sinh (extrinsic motivation).

Nguồn: Explore Psychology

Động lực nội sinh nghĩa là chúng ta đang cố gắng hoàn thành một mục tiêu bởi vì đó chính là mong muốn cá nhân. Nó không nhất thiết phải mang về những phần thưởng to lớn nhưng xuyên suốt quá trình thực hiện nó lại khiến ta cảm thấy thỏa mãn và đủ đầy. Ví dụ về động lực nội sinh có thể kể đến việc học một loại nhạc cụ vì nó đem đến sự thanh thản trong tâm hồn hay việc tập thể dục vì sức khỏe cá nhân.

Ngược lại, động lực ngoại sinh chỉ đến việc theo đuổi một hành động vì lo sợ sẽ bị trừng phạt hay làm để tìm kiếm phúc lợi. Mặc dù những trải nghiệm này có thể sẽ không được  thỏa mãn nhưng ta vẫn sẽ tiếp tục thực hiện vì mong đợi được đổi lại một điều gì đó hay để tránh bị trừng phạt. Ví dụ, theo đuổi một chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của cha mẹ hoặc làm thêm giờ để kiếm thêm tiền thưởng.

Tùy thuộc vào bối cảnh hoặc tính chất của nhiệm vụ hoặc mục tiêu, mỗi loại động lực sẽ có cách vận hành riêng và phát huy được sức mạnh của riêng nó. Trong khi động lực nội sinh mở đường cho mục tiêu dài hạn bền vững, động lực ngoại sinh thường được xem như sự khích lệ và củng cố.

Tuy nhiên, động lực thường được cho là thoáng qua và không đáng tin cậy. Nó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn và có thể giảm đi khi gặp khó khăn. Động lực không thể đảm bảo xuất hiện mỗi ngày. Tại một thời điểm nào đó, bạn có thể thấy rằng động lực không giúp bạn bước ra khỏi giường, tiếp tục công việc của mình, do đó, sẽ rất khó khăn nếu chỉ dựa vào động lực để đạt được kết quả lâu dài. Đây chính là lúc kỷ luật xuất hiện.

Hiểu về ý nghĩa của kỷ luật:

Nguồn: Collegenp

Sau khi động lực đã “nạp nhiên liệu” cho động cơ, bây giờ sẽ đến lúc kỷ luật xuất hiện để xem rằng liệu “cỗ máy” ấy có thể vận hành một cách trơn tru và bền bỉ không. Kỷ luật là khả năng tự kiểm soát ngay cả khi thiếu sự thúc đẩy từ bên ngoài. Khác với động lực - có thể không ổn định tại một số thời điểm, kỷ luật giúp cá nhân duy trì sự nhất quán trong một số hoạt động nhất định.

Kỷ luật đòi hỏi một sức mạnh tuyệt đối của ý chí, khả năng tránh xa mọi cám dỗ và thậm chí tự ép bản thân tuân theo một bộ quy tắc nghiêm ngặt. Mặc dù bản chất của kỷ luật đôi khi được xem là "nhàm chán", nhưng khi bạn càng có sự quyết tâm thì nó sẽ càng tạo thêm điều kiện để duy trì một lối sống ngăn nắp, dẫn tới sự thành công dài hạn.

Đặc điểm nổi bật nhất của tự kỷ luật là khả năng giúp hình thành một thói quen phù hợp với mục tiêu của bạn để đạt được kết quả tốt nhất. Có thể dễ dàng thấy được, mỗi khi chúng ta cố gắng hình thành một thói quen mới, thường chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì nó. Điều này có thể được giải thích bằng việc não bộ của chúng ta chống lại sự thay đổi và thích hợp với những điều quen thuộc. Do đó, mục đích chính của việc hình thành một thói quen là giúp những công việc khó khăn trở nên ít khó khăn và  quen thuộc hơn như việc đánh răng, tắm rửa hàng ngày. Tất nhiên, mọi thứ đều dễ nói hơn làm. Từ việc được thúc đẩy hình thành thói quen bằng việc thực hiện tự kỷ luật là một quá trình đầy gian nan và lâu dài.

Mối liên kết

Sẽ là bất khả thi để lựa chọn xem nhân tố nào quan trọng hơn; tuy nhiên, thay vì so sánh sự quan trọng giữa động lực và kỷ luật, sẽ tốt hơn nếu ta nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ của chúng để đạt được những kết quả lâu dài. Việc tìm cách hạn chế những khuyết điểm và tận dụng những ưu điểm của động lực và kỷ luật sẽ dẫn đến một hành trình  hiệu quả và bền bỉ hơn.

Nói như vậy, điều quan trọng là phải có một phương pháp toàn diện và phù hợp để phát huy được sức mạnh tổng hợp của động lực và kỷ luật. Tự kỷ luật là yếu tố chính giữ cho dòng chảy tiếp tục khi đang thiếu hụt động lực. Ngược lại, đôi khi một thói quen kỷ luật có thể sẽ dẫn đến kiệt sức; do đó, đây là lúc cần động lực để nạp năng lượng lại động cơ. Với sự kết hợp của những yếu tố này, bạn không chỉ có thể kiên trì với những mục tiêu cụ thể, mà còn có thể tìm thấy niềm vui trong việc làm điều đó. Động lực ngoại sinh là khởi đầu cho mọi thứ, nhưng liệu dòng chảy có thể duy trì hay không phụ thuộc chủ yếu vào động lực nội sinh và tự kỷ luật của chúng ta.

Để minh họa cho mối quan hệ chặt chẽ của động lực và kỷ luật, ta có thể kể đến việc học một ngôn ngữ mới. Các yếu tố như sự yêu thích về văn hóa, cải thiện kỹ năng giao tiếp hoặc mục tiêu cụ thể như du lịch hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình mong muốn của một người khi học một ngôn ngữ mới. Trong khi động lực ban đầu giúp định hình những bước đầu tiên, thì quyết tâm gắn bó của ta với sự tự kỷ luật và một kế hoạch học tập chặt chẽ mới giúp đảm bảo một hành trình lâu dài. Việc có một lịch trình học tập cụ thể, chi tiết kết hợp với các hoạt động thú vị như xem phim, nghe nhạc là quan trọng để làm cho quá trình học tập trở nên hấp dẫn hơn và tránh khỏi tình trạng kiệt sức. Ngoài ra, tự thưởng cho bản thân sau khi đạt được các mốc học tập hoặc chia sẻ tiến triển học tập với những người học khác cũng có thể là cách hiệu quả để nạp lại năng lượng cho bản thân.

Nguồn: Second Nature

Không thể phủ nhận tầm quan trọng, không thể thiếu của động lực và kỷ luật trong hành trình tìm kiếm thành công. Tùy thuộc vào sở thích và khả năng của mỗi cá nhân, sự ưu tiên giữa động lực và kỷ luật có thể khác biệt; do đó, sẽ là không thực tế khi áp dụng lối sống của người khác vào cuộc sống của chúng ta.

Đối với sinh viên UEH và những người đang theo đuổi hành trình học thuật hoặc tìm kiếm sự phát triển cá nhân, điều quan trọng nhất là sự nhận thức rõ ràng về điều kiện, khả năng của chính bản thân mình, hiểu được tiếp cận phương pháp nào là phù hợp nhất. Ở giai đoạn này, hãy cho phép bản thân mình khám phá và thử nghiệm mà không sợ hãi; thời gian và nỗ lực là cần thiết để tìm kiếm bản ngã của chính mình. Hơn nữa, việc đặt ra những mục tiêu thực tế cũng là quan trọng để tránh tình trạng thất vọng và mất động lực. Việc sử dụng hợp lý động lực và kỷ luật chính là cách để bản thân duy trì sự bền bỉ trong suốt hành trình. Trong khi yếu tố bên ngoài như truyền thông xã hội, người nổi tiếng có thể truyền cảm hứng cho chúng ta, nhiệm vụ của bản thân chính là xác định con đường của riêng của mình. Cân bằng giữa yếu tố động lực và kỷ luật là cách để hành trình trở nên ý nghĩa và đầy đủ hơn. Cuối cùng, đó là cuộc chiến giữa bạn và chính bản thân bạn trong hành trình cải thiện và phát triển cá nhân.

Tết Nguyên đán đang đến gần, tại sao không thử sức với một số thử thách như thử thách 31 Medium, thử thách 75 Hard, vv để khởi động năm mới với đầy đủ năng lượng? Những thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực hàng ngày của bạn đối với một bộ nhiệm vụ cụ thể để xây dựng thói quen thông qua việc tập luyện, ăn uống lành mạnh và thiền định. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe về mặt thể chất mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng đương đầu với khó khăn. Xuyên suốt quá trình ấy, ta có thể nhận ra sự tương hỗ giữa động lực và kỷ luật; từ đó, cho phép chúng ta có sự điều chỉnh cần thiết để cân bằng giữa hai yếu tố này.

Đường đi đến thành công chắc chắn sẽ đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể về thời gian và cả sự tận tâm. Thông qua những kiến thức sâu sắc về động lực và kỷ luật trong bài viết, UEH hy vọng rằng nó sẽ giúp đọc giả trên con đường tìm kiếm thành công và trở thành một công dân toàn cầu.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Tài liệu tham khảo:

https://www.secondnature.io/guides/mind/motivation/motivation-vs-discipline

https://www.linkedin.com/pulse/discipline-take-you-places-where-motivation-cant-hamza-khan/

https://medium.com/the-mission/motivation-doesnt-last-nor-do-you-want-it-to-here-s-what-does-eaef732ceb8e#:~:text=Motivation%20doesn%27t%20last%20because,dictated%20by%20our%20limbic%20brain.

https://blog.jostle.me/blog/motivation-vs-discipline#:~:text=Motivation%20provides%20you%20with%20the,re%20not%20feeling%20so%20motivated.

Chia sẻ