Giải mã cú đêm: Nắm lấy giấc mơ nhưng đừng đánh mất giấc ngủ

23 tháng 05 năm 2023

Nếu buổi sáng mang đến một nguồn năng lượng tràn đầy thì buổi đêm được cho là thời điểm mở ra một thế giới đầy sáng tạo. Vì vậy không ít người lựa chọn làm việc “cú đêm” với hy vọng mở ra được chân trời riêng và đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng DSA giải mã những bí mật liên quan tới khái niệm “cú đêm” và những bí mật đằng sau từ khóa này nhé.

Chân dung một “Cú đêm”

Theo Michelle Worley, giám đốc trung tâm y tế và trị liệu rối loạn giấc ngủ Aeroflow Sleep (North Carolina, Mỹ), “Cú đêm” là thuật ngữ mô tả những người có nhiều năng lượng hơn vào ban đêm và tỉnh giấc muộn vào ban ngày, giống như những con cú chuyên hoạt động vào ban đêm.

“Cú đêm” có xu hướng làm mọi thứ vào ban đêm (Nguồn: Pinterest)

Không khó để bạn nhận ra bản thân hay ai đó liệu có phải là một cú đêm hay không bởi cú đêm luôn có những hàng vi mang tính “thương hiệu” cho riêng mình. Một cú đêm thường sẽ luôn thức khuya, yêu thích việc ngủ nướng, cảm thấy mệt mỏi khi phải dậy sớm hay hoạt động vào ban ngày và tất nhiên những cú đêm thì luôn có nhiều năng lượng hoạt động vào ban đêm và cảm thấy mọi thứ được hiệu quả hơn khi làm trong khung thời gian này.

Ai sinh ra “Cú đêm”?

Cú đêm không tự sinh ra cũng không tự mất đi, vậy cú đêm đến từ đâu?

Đam mê ăn sâu trong máu

Nghe thì có vẻ vô lý nhưng trên thực tế một số người có xu hướng cú đêm là do nằm trong gen của bản thân. Mỗi người chúng ta đều có một chiếc đồng hồ sinh học bên trong giúp kiểm soát nhiều khía cạnh trong cuộc sống, bao gồm cả chu kỳ ngủ/thức của chúng ta. Tuy nhiên theo Houston Methodist: Sự thay đổi di truyền ở gen có tên CRY1 phổ biến ở những người mắc chứng rối loạn giai đoạn ngủ muộn hoặc DSPD. Và những người mắc chứng rối loạn giai đoạn ngủ muộn sẽ có đồng hồ bên trong chạy chậm khiến họ thức dậy muộn hơn bình thường vào buổi sáng và đi ngủ muộn hơn nhiều so với hầu hết mọi người vào buổi tối. Đặc trưng của nhóm người này chính là “Tôi không tìm cú đêm mà cú đêm tự tìm đến tôi.”

Khi giữa đêm là “khung giờ vàng”

Khung giờ vàng là thời gian một người làm việc hiệu quả nhất. Đây là khoảng thời gian sự tập trung, năng suất, sự sáng tạo của một người ở mức cao nhất, giúp người đó hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo Hạt giống tâm hồn khung giờ vàng của mỗi người là không giống nhau, bởi mỗi người đều có cách sống riêng, có một múi giờ riêng của mình, điều quan trọng là bạn biết tự tìm và sử dụng “khoảng thời gian hiệu quả” của mình. Và những người có khung giờ vàng lúc đêm muộn buộc phải chọn làm cú đêm để giải quyết công việc một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Mỗi người có “khung giờ vàng” của riêng mình (nguồn:  Pinterest)

Cú đêm bán thời gian khi phải gồng gánh lượng công việc quá tải

Khi deadline, công việc quá nhiều và bạn không thể giải quyết hết trong thời điểm buổi sáng thì nhiều người “ép” bản thân thành cú đêm parttime để có thể giải quyết hết công việc của mình. Tùy thuộc vào lượng công việc mà họ phải gồng gánh sẽ quyết định người đó liệu có cần hóa thân thành cú đêm để xử lý công việc hay không.

Làm việc quá sức, khi lượng công việc quá tải (Nguồn: Pinterest)

Bên cạnh đó, Nếu bản thân không có sự sắp xếp, lên kế hoạch hợp lý thì bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng không nhớ mình cần làm gì? Làm vào thời điểm nào? Sự lộn xộn này sẽ khiến bạn mất cân bằng, không kiểm soát được thời gian và trì hoãn quá nhiều công việc. Điều này cũng gián tiếp biến bạn thành cú đêm để đảm bảo rằng dù sớm hay muộn thì bạn cũng cần giải quyết xong các công việc của mình.

Cú đêm thực tế không phải là phản khoa học tuy nhiên việc trở thành một cú đêm sẽ đem lại không ít tác hại cho cơ thể của chúng ta cả về thể chất lẫn tinh thần. Liệu là một cú đêm, bạn có thực sự hiểu rõ về hệ lụy của nó?

Những tác hại vô cùng tai hại của cú đêm

Thể chất bị “mất chất”

Việc thức đêm trong một thời gian dài không chỉ khiến cho cơ thể của chúng ta luôn uể oải, mệt mỏi mà nó còn gây mất cân bằng đồng hồ sinh học, rối loạn nhịp sống của cơ thể sinh ra nhiều loại bệnh liên quan tới tim mạch, chuyển hóa và trao đổi chất, hormone. Nguy hiểm hơn, việc làm cú đêm sẽ khiến chúng ta mắc phải các tình trạng suy giảm trí nhớ, suy giảm các cơ quan chức năng trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài là nguyên nhân của các căn bệnh quái ác như alzheimer, ung thư,…

Khi cơ thể uể oải, mất sức (Nguồn: Pinterest)

Nhan sắc chỉ còn “nhan”

Nếu “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” thì nhìn vào đôi mắt thâm đen của người cú đêm ta sẽ chỉ thấy một tâm hồn đen tối theo đúng nghĩa. Hơn thế nữa, việc cú đêm quá nhiều sẽ khiến bạn sở hữu cho bản thân một làn da sạm màu và chi chít mụn. Kết luận theo một cách dễ hiểu hơn “Nhan sắc nào rồi cũng sẽ tàn phải nếu bạn là một cú đêm thực thụ!”

Tinh thần bị tuột dốc không phanh

Có thể bạn không biết, việc cú đêm không chỉ khiến bạn thiếu tỉnh táo, không có tinh thần mà sâu hơn đó, theo Doctor Anywhere thức đêm kéo dài sẽ ép cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol, việc kích thích cortisol diễn ra liên tục trong nhiều ngày khiến bạn bị stress nặng hơn, khó có thể tập trung như ban đầu, năng lượng trong cơ thể dần suy kiệt. Stress kéo dài khiến bạn trở thành con người cáu kỉnh, tính cách thay đổi thất thường và dần có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và mọi việc xung quanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực…

Tinh thần mang nhiều cảm xúc tiêu cực (Nguồn: Pinterest)

Hiệu quả sẽ trở thành hậu quả

Bạn có thể làm việc hiệu quả cao trong vài giờ lúc nửa đêm nhưng thực tế “vài giờ làm việc” là không đủ và cũng thật khó để duy trì hiệu quả này lâu dài với một cơ thể mệt mỏi và tinh thần uể oải. Chính điều này sẽ khiến hiệu quả công việc tưởng chừng như đi lên nhưng lại đang tuột dốc một cách nhanh chóng.

Khi có sức khỏe ta có ngàn ước mơ, các cú đêm thì không thiếu ước mơ nhưng sức khỏe thì thật sự đang ở mức báo động. Vậy phải làm sao?

Phải cùng DSA tìm cách thích nghi và thay đổi để nếu không là “chim sớm nhiều năng lượng” thì chúng ta cũng là một cú đêm “khỏe mạnh” ngay thôi.

Con đường sống lành mạnh

“Cài đặt” lại đồng hồ sinh học

Muốn hóa chim sớm thì điều đầu tiên một cú đêm phải làm là thay đổi chu kỳ ngủ/thức của mình. Việc thay đổi nhịp sinh học của cơ thể là không dễ dàng và không thể diễn ra trong một hai ngày. Bạn nên bắt đầu bằng việc xác định các khung thời gian ngủ/ thức của mình và tuân thủ nó hằng ngày. Hãy thử các giấc ngủ ngắn vào cuối ngày. Và áp dụng các liệu pháp ánh sáng để cải thiện giờ ngủ của mình nhanh hơn.

Điều chỉnh đồng hồ sinh học là vô cùng quan trọng (Nguồn: Pinterest)

Ăn uống lành mạnh

Chìa khóa cho một sức khỏe tốt là ăn uống đúng giờ và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bạn nên ăn nhiều hoa quả, rau xanh và uống thật nhiều nước mỗi ngày. Hãy giữ một cái đầu lạnh để tránh xa các chất kích thích như rượu bia, coffee, các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ…

Tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe

Nếu ăn uống lành mạnh là chìa khóa vàng thì tập luyện thể thao sẽ là chìa khóa bạc cho một sức khỏe lành mạnh. Tập luyện thể thao không chỉ củng cố sức khỏe thể chất, phòng ngừa bệnh tật, mang lại một cơ thể dẻo dai linh hoạt mà còn là liều thuốc tinh thần hiệu quả, duy trì khả năng tập trung, thái độ hạnh phúc. Không nhất thiết phải tập luyện một bộ môn nặng hay chuyên nghiệp mà bạn hoàn toàn có thể lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, cầu lông…phù hợp với sức khỏe và đúng với niềm yêu thích của bản thân.

Đa dạng bộ môn thể thao giúp nâng cao sức khỏe (Nguồn: pch.vector)

Sắp xếp thời gian biểu hợp lý

Kẻ thù của sự trì hoãn là một thời gian biểu hợp lý và nghiêm khắc. Vì vậy để có thể sống lành mạnh, cân bằng mọi thứ thì bạn không thể thiếu cho mình một thời gian biểu. Tips cho điều này đó là hãy liệt kê những công việc cần làm, thời gian diễn ra và sắp xếp chúng theo sự ưu tiên về tính cấp bách để bản thân có thể hoàn thành mọi công việc một cách hiệu quả. Với phương pháp này, bạn có thể tự tin “say no” với mọi deadline dù lớn hay nhỏ.

Sắp xếp thời gian hợp lý để làm việc hiệu quả (Nguồn: Pinterest)

Knute Nelson đã từng nói rằng “Trong những ngày tháng gian khó, sức khỏe và giấc ngủ tốt là điều làm ta thoải mái”. Vì vậy, với những chia sẻ nhỏ của mình, DSA mong rằng dù có vội vã, tất bật, có bao deadline, công việc thì các bạn cũng sẽ dành thời gian chăm sóc cho sức khỏe và giấc ngủ của bản thân. DSA tin rằng “Người có sức khỏe sẽ có hy vọng - Người có hy vọng sẽ có tất cả” vì vậy thôi chần chừ mà hãy lưu ngay những tips mà DSA chia sẻ để xây dựng lối sống lành mạnh cho bản thân nhé.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo.

Doctor Anywhere. (2021, 24/03). Thức đêm làm việc là một cách rút ngắn tuổi thọ của bạn. Doctor Anywhere.

Healthline. Is It Better to Be a Night Owl or Early Bird? Nhận từ  Night Owl vs. Early Bird: Benefits, Downsides, and How to Tell (healthline.com)

Katie McCallum. (Oct. 12,2020). So, You’re A Night Owl: Is that bad. Houston methodist.

Phan Thị Hà My. Cú đêm là gì? Liệu cú đêm hay chim sớm mới thực sự là thói quen tốt. Vieclam123.

Vinmec International Hospital. “Cài đặt lại” đồng hồ sinh học của cơ thể bạn. Nhận từ https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cai-dat-lai-dong-ho-sinh-hoc-cua-co-ban/

Xác định khung giờ vàng là kỹ năng: Mỗi người có múi giờ riêng của mình, dậy sớm không có nghĩa là tự giác (2021, 11/05). Hạt giống tâm hồn.

Chia sẻ