Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) thời gian qua đã có nhiều thành tựu đáng kể trong việc đổi mới và xây dựng một môi trường học thuật chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với GS.TS Nguyễn Đông Phong – Hiệu trưởng UEH xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng giảng và dạy của nhà trường, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng tốt cho thị trường lao động trong nước và khu vực ASEAN:
Thưa ông, trong thời gian qua, UEH có những hoạt động nào để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực?
GS. TS Nguyễn Đông Phong: Về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ lâu UEH đã hoàn chỉnh từ chuẩn đầu ra đến kết cấu, nội dung chương trình đào tạo và thực hiện tốt chương trình đào tạo hiện có cho các bậc học, loại hình đào tạo; nâng cao chất lượng luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Đồng thời chúng tôi hình thành nhiều ngành, chuyên ngành mới đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động: Chính sách công, Quản lý công, Quản lý kinh tế, Luật kinh doanh, Kinh tế và quản trị sức khỏe, Thống kê ứng dụng, Kinh doanh quốc tế…
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy cũng được UEH đặc biệt chú trọng. Chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo từ 2012 đến nay để triển khai thành công chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế, sử dụng giáo trình nước ngoài. Viện Đào tạo quốc tế (ISB) được hình thành tại UEH từ năm 2010, để triển khai đào tạo bằng tiếng Anh với 3 bậc học: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; và thông qua đó đẩy mạnh trao đổi SV với các trường đại học tiên tiến của châu Âu, Hoa Kỳ, Úc…
Về phía các hoạt động cho SV, nhà trường đã thúc đẩy SV nghiên cứu khoa học với nhiều giải thưởng Nhà kinh tế trẻ, Euréka của Thành đoàn và giải thưởng của Bộ. Ngoài ra, UEH tổ chức nhiều cuộc thi học thuật, tạo sân chơi tốt cho SV như: cuộc thi Dynamic - Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai, các cuộc thi học thuật ở các khoa chuyên ngành…
Xin ông nói rõ thêm về chương trình tiên tiến quốc tế mà trường đang triển khai?
GS. TS Nguyễn Đông Phong: Đây là chương trình đào tạo mới, tiên tiến quốc tế. Có thể nói, việc đào tạo những nhà quản trị, quản lý, tài chính, ngân hàng… trên thế giới như thế nào thì UEH đào tạo tương tự như vậy. UEH đã đầu tư mua sắm giáo trình quốc tế bằng tiếng Anh. Hai năm đầu nhà trường dịch sang tiếng Việt, hai năm sau sinh viên đọc nguyên bản tiếng Anh. Đây có thể nói là bước thay đổi đột phá của UEH. Sinh viên có điều kiện tiếp cận nguồn tài liệu lớn trên thế giới, có thể tự đào tạo suốt đời và tham gia thị trường lao động trong khu vực…
Được biết UEH có Đề án chuyển sang trường định hướng nghiên cứu, điều này có giúp ít gì cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường?
GS. TS Nguyễn Đông Phong: Đúng là UEH đang hoàn thành đề án chuyển sang trường định hướng nghiên cứu. Có thể tóm tắt các mục tiêu sau:
- Nâng cao chất lượng và số lượng tiến sĩ tốt nghiệp tại trường;
- Nâng cao số lượng tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên của trường từ 33% như hiện nay đến 35% năm 2016, 40-45% năm 2020;
- Đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế thông qua các giải pháp: Thưởng 35 triệu đồng cho bài báo được đăng tạp chí quốc tế có uy tín; hỗ trợ cho giảng viên từ 100 đến 200 triệu cho một bài được đăng ở tạp chí thuộc chuẩn Scopus, ISI; thúc đẩy giảng viên viết bài để tham dự và báo cáo ở hội thảo quốc tế…;
- Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế đất nước, từng địa phương và doanh nghiệp; tổ chức hội thảo đối thoại và tư vấn chính sách và công bố ấn phẩm nghiên cứu hằng năm;
- Tăng cường nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Với những giải pháp trên đã và đang nâng cao kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường về số lượng và chất lượng. Và tất nhiên thầy cô giáo có tham gia nghiên cứu khoa học thì nội dung giảng dạy sẽ được nâng cao chất lượng và không còn hiện tượng giảng “chay”, không có tình huống minh họa. Đây là hệ quả tất nhiên đã được khẳng định.
Với những nội dung như vậy có đảm bảo SV UEH ra trường hội nhập tốt với thị trường lao động trong nước và khu vực không, thưa ông?
GS. TS Nguyễn Đông Phong: Trước hết đây là mục tiêu và chiến lược hội nhập của nhà trường: mong muốn sinh viên ra trường không chỉ làm việc ở Việt Nam mà còn có thể ra thị trường khu vực trên tinh thần người ta làm được thì sinh viên UEH cũng làm được.
Đây là sự nỗ lực và tâm huyết của thầy cô giáo, sự đồng lòng quyết tâm của nhà trường. Học sinh được định hướng để vào trường là những học sinh có học lực từ khá, đạt trình độ tiếng Anh nhất định. Sinh viên được các thầy cô tư vấn và giảng dạy với nội dung và kiến thức tốt. Chúng tôi có hệ thống thư viện tốt, với cơ sở dữ liệu phong phú luôn cập nhật. Ngoài ra, các tổ chức Đoàn/Hội, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên có chương trình hỗ trợ, gắn kết với doanh nghiệp, cung ứng kỹ năng mềm cho sinh viên… Sinh viên cũng có sự quyết tâm cao trong môi trường học tập.
Tôi tin tưởng sinh viên UEH ra trường sẽ hội nhập tốt với thị trường lao động trong nước và khu vực; có bản lĩnh cạnh tranh trên thị trường lao động trong khu vực ASEAN.
Xin cảm ơn ông.