Hustle culture - Sống chậm lại giữa thế gian vội vã?

29 tháng 03 năm 2023

“Hard work pays off”, “No pain, no gain”,… Chắc hẳn là bạn đã từng nghe qua những cụm từ này ít nhất một lần trong đời. Chính xác thì đây là những cụm từ thường được nhắc đến khi ta nói về việc tìm kiếm động lực làm việc, đặc biệt với những người có văn hóa sống hối hả (Hustle culture). Đúng là những cụm từ này có thể giúp chúng ta làm việc chăm chỉ, hướng tới mục tiêu của mình, nhưng liệu việc nghe và chạy theo văn hóa sống hối hả có thực sự tốt? Hãy cùng tìm hiểu xem văn hóa hối hả là gì và gen Z nên tiếp xúc với văn hóa này với một thái độ như thế nào nhé!

Nguồn: Thythylittlethings

Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem Hustle được hiểu là gì?

Theo Oxford, hustle /ˈhʌs.əl/ (danh từ, động từ) là hối thúc ai đó, khiến ai đó di chuyển nhanh chóng bằng cách đẩy hoặc kéo họ theo. Ngoài ra, hustle cũng mang nghĩa là hành động một cách hăng hái và tràn đầy năng lượng. Nhìn chung, hustle được hiểu đơn giản là hối hả, vội vã.

Trong bối cảnh đi làm, gen Z dùng từ này để chỉ sự năng nổ, bận rộn và tất bật của nhân viên. Những chiếc deadline căng thẳng, những thông báo tin nhắn liên hồi ngoài giờ làm là ví dụ điển hình về hustle.

Văn hóa hối hả đến từ đâu, xuất hiện từ bao giờ mà lại trở nên phổ biến đến thế?

Từ đầu những năm 2000, “hustle” được chủ nghĩa tư bản sử dụng để khuyến khích nhân viên cống hiến nhiều hơn, sau đó từ khóa này lại mở rộng thành “hustle culture” (văn hóa làm việc hối hả). Nó khiến người lao động tin rằng mục đích quan trọng nhất của cuộc đời là đạt thành tựu lớn trong sự nghiệp, thông qua lao động không ngừng nghỉ. Văn hóa làm việc 996 nổi tiếng ở Trung Quốc cũng là một hiện tượng tương tự phong trào này.

Cuộc sống mà chỉ có làm việc thì cũng như những cỗ máy (Nguồn: Dame Magazine)

Văn hóa làm việc hối hả gieo vào người lao động niềm tin: nghỉ ngơi đồng nghĩa với rảnh rỗi, và bạn sẽ không thể gặt hái thành quả sớm nếu giảm giờ làm. Cùng với đó, trong thời đại làm việc từ xa, chủ nghĩa tư bản giám sát (surveillance capitalism) luôn kỳ vọng nhân sự hoạt động (active) mọi lúc mọi nơi như một minh chứng cho trách nhiệm, thái độ trong công việc.

Ngày nay, mạng xã hội đã góp phần lan truyền đã lan truyền văn hóa này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ta rất dễ bắt gặp những bài đăng của những người có sức ảnh hưởng, họ nói về việc mình làm 10-15 tiếng mà chỉ ngủ 4-5 tiếng một ngày, làm việc hết công suất mọi lúc mọi nơi để đạt được thành công, mua những thứ đắt tiền và có cho mình những chuyến du lịch xa xỉ. Đây chính là sự thúc đẩy mạnh mẽ cho văn hóa làm việc hối hả. Để rồi từ đó, những người dùng mạng xã hội thụ động không ngừng so sánh bản thân mình, vì họ tin rằng mình cũng phải làm như vậy thì mới có được thành công. Điều này cũng đã gây ra một áp lực vô hình - áp lực đồng trang lứa và tạo ra niềm tin sai lầm cho một bộ phận giới trẻ.

Hustle culture - động lực hay chán nản?

Nhìn theo mặt tích cực, văn hóa làm việc hối hả là để khuyến khích con người làm việc chăm chỉ để đạt được những mục tiêu cao cả. Ngoài ra, một nghiên cứu của Trường Kinh doanh ESSEC cũng cho thấy rằng, sự bận rộn khiến người lao động cảm thấy tràn đầy năng lượng và làm việc hiệu quả. Nhưng theo thời gian, nó có thể dẫn đến làm việc quá sức, giảm năng suất và động lực cũng như xung đột giữa công việc và cuộc sống.

“Trên con đường tới thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”, nhưng chăm chỉ không có nghĩa rằng bạn phải liên tục làm việc suốt cả ngày mà không nghỉ ngơi. Hậu quả của văn hóa hối hả không chỉ là giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều người ở lại văn phòng sau giờ làm đều không thực sự làm việc hiệu quả, họ chỉ đang cố chứng tỏ rằng bản thân đang năng suất nhưng thực tế thì không như vậy.

 

Burn out là một hậu quả của Hustle culture (Nguồn: Talkspace)

Văn hóa hối hả còn tạo ra một loại tư duy tiêu cực khác chính là ưu tiên số lượng hơn chất lượng. Chúng ta cố gắng làm càng nhiều càng tốt mà quên đi chất lượng cũng cần được ưu tiên. Không phải khi làm việc, mục đích chính là tạo ra giá trị và học hỏi sao? Hối hả làm việc nhưng sau cùng, khi nhìn lại thành quả công việc thì bạn không còn nhớ mình đã học được gì nữa.

Làm sao để không rơi vào sự tiêu cực của văn hóa hối hả?

Chúng ta đang sống trong một xã hội hào nhoáng và liên tục bận rộn. Bạn nên biết rằng thành công không đồng nghĩa với làm việc kiệt sức, điều bạn thực sự nên nghĩ đến là làm thế nào để làm việc hiệu quả. Bạn có thể định hướng, lập kế hoạch bằng cách thiết lập danh sách ưu tiên, hay lên lịch và giới hạn thời gian cho từng công việc cụ thể. Các bạn có thể tham khảo bài viết về kỷ luật về thời gian tại website của DSA.

Bên cạnh đó, có bao giờ bạn thử dừng lại và nghĩ xem bản thân liệu có đang là một nạn nhân của văn hóa hối hả, nhưng đồng thời cũng đang “tôn vinh” nó? Bạn bị chỉ trích vì không làm việc quá giờ nhưng chính bản thân bạn cũng đang cảm thấy mình thực sự sai và việc nghỉ ngơi làm bạn cảm thấy khó chịu. Tất cả những điều này đều là do trong thâm tâm bạn đang tôn vinh văn hóa này. Sống chậm lại một chút và yêu thương bản thân nhiều hơn, đừng quên cho bản thân thời gian để nghỉ ngơi và theo đuổi các mục tiêu mình thực sự mong muốn. Giữ cho bản thân một tư duy tích cực và tinh thần tỉnh táo, bạn cần xác định mình thực sự muốn làm gì và lắng nghe cơ thể mình. Biết đâu là điểm giới hạn của bản thân rất quan trọng, vì không phải đổ bệnh mới thực sự báo động, một tâm lý không ổn định cũng chính là một dấu hiệu xấu. Đừng vì ganh đua mà ôm đồm nhiều việc mà không dành thời gian chăm sóc bản thân. Sức khỏe tinh thần cũng là một phần quan trọng của cơ thể, hãy chăm sóc nó thật cẩn thận.

 

Hãy cân bằng cuộc sống của mình (Nguồn: estate agents community)

Vì vậy đừng nuôi dưỡng một nền văn hóa hối hả trong tâm hồn, hãy tập trung vào việc chăm sóc và tìm hiểu bản thân. Bởi, mọi con đường đều dẫn đến thành Rome, việc hiểu rõ bản thân sẽ giúp bạn chọn được con đường phù hợp. Nếu bạn đang cảm thấy mình đang “hustle” đến kiệt sức mà không biết làm sao để giải quyết, đừng ngần ngại liên hệ với Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học để được hỗ trợ tư vấn một cách tốt nhất nhé!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Tài liệu tham khảo

Afrina Arfa, Guest Contributor, The Truth About the Hustle Culture

Connor Rotheram, Is There a Problem With Hustle Culture?

Hà Phạm, Hustle - Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp brief mà quàng mail

Hoàng Ngân), Bạn có đang mắc kẹt trong văn hóa hối hả?

Hồng Nguyễn, Văn hóa hối hả trong giới trẻ hiện nay: Nên tiếp tục hay loại bỏ?

Huỳnh Hoa, Bạn có đang sống trong văn hoá hối hả ‘Hustle Culture’ không?

Thythylittlethings, Văn hóa hối hả và năng suất độc hại

Chia sẻ