Kỹ năng mềm, bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng trong thời đại 4.0

14 tháng 07 năm 2024

Sự bùng nổ của công nghệ và mạng lưới kết nối toàn cầu đã mang đến nhiều cơ hội và thách thức mới. Để thành công trong môi trường làm việc hiện đại, bên cạnh kiến thức chuyên môn, mỗi người học cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm quan trọng. Bài viết này sẽ chia sẻ những kỹ năng mềm mà Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) đã và đang trang bị cho người học giúp họ chinh phục được những nhà tuyển dụng khó tính nhất.

Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi để ứng dụng vào công việc và cuộc sống tùy từng tình huống, bối cảnh giữa người với người. Ngoài ra, kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình vào, sống hay tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức. Bên cạnh việc đào tạo các kiến thức chuyên môn/kỹ năng cứng (hard skills), kỹ năng mềm được các trường đặc biệt chú trọng nhằm  giúp người học dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng và đạt được nhiều  thành công trong cuộc sống.

Kỹ năng mềm ngày nay rất quan trọng và là yếu tố bắt buộc trong tuyển dụng, bởi chúng giúp cho người lao động nâng cao khả năng làm việc hiệu quả, tạo và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, khách hàng. Đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của tổ chức. Các kỹ năng mềm có thể do bẩm sinh hoặc được phát triển qua học hỏi, rèn luyện và những trải nghiệm cá nhân. Theo một nghiên cứu về  IQ lãnh đạo, 89% sự thất bại của nhân viên mới là do kỹ năng mềm kém, họ thiếu các kỹ năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và động lực. Những loại kỹ năng này không chỉ cho nhà tuyển dụng thấy lý do tại sao ứng viên này phù hợp với công việc mà còn cho thấy người đó có nhiều khả năng thành công hơn khi đảm nhận vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đang cần.

Nguồn ảnh: mondo

Tuy nhiên, không phải tất cả các kỹ năng mềm đều có vai trò quan trọng như nhau trong mắt nhà tuyển dụng. Theo một cuộc khảo sát năm 2022 do Hiệp hội các trường đại học và nhà tuyển dụng quốc gia (NACE) thực hiện, 86% nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các lao động có kỹ năng giải quyết vấn đề, 76,3% họ đánh giá cao kỹ năng làm việc theo nhóm tốt của ứng viên. Vào năm 2021, 73,2% cho biết họ coi trọng những kỹ năng giao tiếp, trong đó đặc biệt chú trọng thêm kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, kỹ năng này đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong lực lượng lao động làm việc từ xa trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Trước bối cảnh này, câu hỏi đặt ra làm cách nào để người học không rơi vào tình trạng khủng hoảng, thiếu kỹ năng để thích ứng với môi trường việc làm số luôn thay đổi? Dưới đây là những kỹ năng mềm DSA đã và đang trang bị cho người học bao gồm:

1. Kỹ năng giao tiếp (Communication Skills): Trong môi trường làm việc đa quốc gia và đa văn hóa ngày nay, sử dụng kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả trở nên vô cùng quan trọng. Không chỉ dừng lại ở việc diễn đạt ý kiến rõ ràng, người lao động còn cần biết cách lắng nghe, thấu hiểu và phản hồi một cách phù hợp. Giao tiếp hiệu quả giúp tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và nâng cao sự hợp tác trong công việc.

2. Kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork Skills): Thời đại 4.0 yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các phòng ban và các tổ chức khác nhau. Kỹ năng làm việc nhóm giúp mỗi người học biết cách phối hợp với nhóm học tập, đồng nghiệp, chia sẻ trách nhiệm và tận dụng tối đa khả năng của mỗi thành viên. Sự hợp tác này không chỉ nâng cao hiệu quả công việc mà còn tạo điều kiện cho sự sáng tạo và đổi mới liên tục trong tổ chức.

3. Kỹ năng thích ứng, linh hoạt (Adaptability and Flexibility Skills): Công nghệ và thị trường luôn thay đổi, đòi hỏi cá nhân phải có khả năng thích ứng và linh hoạt. Khả năng này giúp họ dễ dàng chuyển đổi giữa các công việc, vai trò và môi trường làm việc khác nhau. Sự linh hoạt và thích ứng cũng giúp cá nhân vượt qua các thách thức và tận dụng được các cơ hội mới, dễ dàng thích nghi với các công nghệ mới và thay đổi trong môi trường làm việc. Sự linh hoạt và khả năng thích ứng này là yếu tố then chốt giúp họ duy trì sự nghiệp bền vững và phát triển.

4. Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creative Thinking Skills): Thời đại 4.0 nhà tuyển dụng khuyến khích và tìm kiếm sự sáng tạo và đổi mới ở ứng viên. Khả năng tư duy sáng tạo giúp cá nhân tìm ra những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới và giải pháp mới cho các vấn đề. Tư duy sáng tạo không chỉ mang lại giá trị cho doanh nghiệp mà còn giúp cá nhân khẳng định vị thế của mình trong môi trường cạnh tranh.

Học kỹ năng mềm giúp sinh viên UEH chủ động học hỏi và sáng tạo hơn

5. Kỹ năng quản lý thời gian (Time Management) : Nghe thì tưởng chừng rất đơn giản nhưng với khối lượng công việc lớn và đòi hỏi cao về hiệu suất, thì kỹ năng quản lý thời gian trở nên vô cùng cần thiết. Quản lý thời gian hiệu quả giúp cá nhân biết cách lập kế hoạch, ưu tiên công việc và hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Kỹ năng này không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng mà còn nâng cao năng suất làm việc. Đây là kỹ năng nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm ở ứng viên.

6. Kỹ năng học hỏi liên tục (Continuous Learning Skills): Kỹ năng này đòi hỏi mỗi cá nhân phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Khả năng học hỏi liên tục giúp họ thích nghi với những thay đổi của công nghệ và thị trường. Việc học hỏi không ngừng không chỉ giúp cá nhân đó phát triển bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của tổ chức, xã hội.

7. Kỹ năng lãnh đạo (Leadership): Ngày nay kỹ năng lãnh đạo không chỉ dành riêng cho những người đứng đầu mà còn cần thiết cho mọi cấp bậc trong tổ chức. Kỹ năng lãnh đạo giúp cá nhân biết cách định hướng, động viên và dẫn dắt nhóm làm việc hiệu quả. Khả năng lãnh đạo cũng bao gồm việc đưa ra quyết định đúng đắn và giải quyết xung đột một cách khéo léo.

Sinh viên UEH tích cực làm việc nhóm trong các lớp kỹ năng mềm

8. Kỹ năng tư duy hệ thống (Systems Thinking Skills): Tư duy hệ thống giúp ứng viên có cái nhìn toàn diện về các vấn đề phức tạp. Thay vì chỉ tập trung vào các yếu tố đơn lẻ, tư duy hệ thống khuyến khích xem xét các mối quan hệ và sự tương tác giữa các thành phần trong một hệ thống. Điều này giúp cá nhân hiểu rõ hơn về nguyên nhân và hậu quả của các hành động và quyết định, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả và bền vững. Trong nhiều tình huống, các vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng cách xem xét từng phần một cách độc lập. Tư duy hệ thống cung cấp cho ứng viên các công cụ và phương pháp để phân tích và giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách nhìn nhận chúng như là một phần của một hệ thống lớn hơn. Kỹ năng này giúp ứng viên tìm ra những giải pháp tối ưu, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản lý, kinh doanh, kỹ thuật, và khoa học.

9. Kỹ năng thiết lập quy tắc đạo đức cá nhân (Personal Ethical Development Skills): Trong quá trình học tập và phát triển, việc thiết lập quy tắc đạo đức cá nhân là một phần quan trọng giúp sinh viên hình thành và duy trì các giá trị cốt lõi của mình. Quy tắc đạo đức không chỉ giúp định hướng hành vi mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp và các mối quan hệ xã hội bền vững. Quy tắc đạo đức cá nhân đóng vai trò như một kim chỉ nam, hướng dẫn hành vi và quyết định của người học. Trong những tình huống khó khăn hoặc khi đối mặt với các lựa chọn đạo đức phức tạp, những quy tắc này giúp sinh viên cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra những quyết định dựa trên nguyên tắc và giá trị mà họ tin tưởng. Điều này không chỉ giúp họ tránh những hành động sai trái mà còn xây dựng được uy tín và sự tôn trọng từ người khác. Mặt khác, các quy tắc đạo đức cá nhân giúp sinh viên hành xử một cách đúng mực và tôn trọng người khác, từ đó xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội bền vững. Khi tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, người học thể hiện sự trung thực, công bằng và trách nhiệm, những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và sự tôn trọng trong các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và xã hội.

Thời đại công nghệ 4.0 mang đến nhiều cơ hội phát triển bản thân và nghề nghiệp, nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về kỹ năng từ các nhà tuyển dụng nhân sự. Việc trang bị và phát triển những kỹ năng mềm quan trọng không chỉ giúp người học chinh phục nhà tuyển dụng từ vòng phỏng vấn mà còn giúp họ tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong môi trường làm việc đầy thách thức và cạnh tranh. Hãy chủ động trong học tập và rèn luyện các kỹ năng mềm phù hợp để chinh phục những nhà tuyển dụng khó tính nhất, giúp người học nhanh chóng trở thành những công dân toàn cầu, chinh phục thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Từ tháng 8/2024, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học tiếp tục mở các lớp kỹ năng mềm tự chọn để hỗ trợ người học trang bị những kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng giao tiếp hiệu quả và chuyên nghiệp, kỹ năng tư duy hệ thống, kỹ năng thiết lập quy tắc đạo đức cá nhân…, Bạn có thể đăng ký TẠI ĐÂY. Ngoài ra người học hãy theo dõi và cập nhật thường xuyên trên trang dsa.ueh.edu.vn hoặc thông tin qua email UEH để nhận được những cơ hội học tập chất lượng.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Chia sẻ