Lan tỏa kiến thức về an ninh lương thực, phát triển bền vững cho cộng đồng

24 tháng 08 năm 2023

Trong nỗ lực phát triển với định hướng của một Đại học Đa ngành và Bền vững, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã không ngừng lan tỏa tri thức cho cộng đồng. Trong năm 2023, nhiều chương trình, hội thảo, tập huấn về kiến thức an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đã được UEH triển khai.

Đẩy mạnh các hội thảo, tọa đàm, seminar, training về an ninh lương thực

Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong” (tên tiếng Anh: Food loss in the Pangasius Catfish Value Chain of the Mekong River Basin) được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR - Australian Center for International Agricultural Research), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada (IDRC) và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện theo Quyết định số 2426/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2022. Theo đó, cơ quan chủ quản của dự án là Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ dự án là Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; đơn vị đề xuất là Viện nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khoẻ (HAPRI). Thời gian thực hiện dự án trong vòng 3 năm, từ ngày 01/4/2023 đến ngày 30/6/2026.

Dự án nằm trong Chương trình Thất thoát Thực phẩm mới được thành lập của ACIAR và IDRC. Giai đoạn đầu của chương trình này xác định những thách thức, tiềm năng và cơ hội mới tác động đến nguồn lương thực trong tương lai. Giai đoạn hai lên kế hoạch và thực hiện các dự án nghiên cứu, nhằm giải quyết các thách thức của nông dân sản xuất nhỏ ở các quốc gia đang phát triển.

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm, từ đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trong việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm đối với ngành cá tra ở lưu vực sông Mekong của Việt Nam. Dự án sẽ mang đến những giá trị thiết thực cho các đối tượng được thụ hưởng gồm:

  • Ngành công nghiệp cá tra, nông dân, các hiệp hội và các cơ quan chính phủ ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các quy trình hiệu quả và tốt nhất thu được thông qua việc tìm hiểu các thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện tại trong chuỗi giá trị cá tra.
  • Người nông dân và những bên tham gia trong lĩnh vực này sẽ có khả năng đưa ra giải pháp về thất thoát giá trị và lãng phí thực phẩm, cùng nhau thiết kế, thử nghiệm và đánh giá những phương án có tính tác động cao trong chuỗi giá trị cá tra ở Việt Nam.
  • Phụ nữ được hưởng lợi trực tiếp từ các giải pháp nâng cao cải thiện sự tham gia của họ trong chuỗi giá trị cá tra, các giải pháp cải thiện sinh kế, bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng.
  • Các nhà nghiên cứu trẻ được đào tạo để nâng cao năng lực về chuỗi giá trị, dự báo.

Ngày 14/7/2023, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo quốc tế khởi động dự án nghiên cứu “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”. Trong khuôn khổ chương trình nhiều nội dung quan trọng đã được chia sẻ như:

  • Bà Eleanor Dean - Tổng giám đốc, Chương trình truyền thông và nâng cao năng lực của ACIAR chia sẻ Tầm quan trọng của chương trình nghiên cứu thất thoát thực phẩm ACIAR/IDRC;

A person standing at a podium with flowersDescription automatically generated

  • PGS.TS. Võ Tất Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khoẻ giới thiệu các chính sách nông nghiệp trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và vai trò của Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khoẻ trong nghiên cứu các giải pháp chính sách nông nghiệp;

A person giving a presentation in a lecture hallDescription automatically generated

  • TS. Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản Việt Nam trình bày tổng quan về vai trò và vị thế của ngành cá da trơn (cá Tra) Việt Nam: Thách thức thất thoát và lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá Tra) ở ĐBSCL;
  • Tổng quan dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị Cá da trơn (cá Tra) ở lưu vực sông Mekong” (PGS.TS Danh dự Nguyễn Văn Kiền - Chủ nhiệm dự án, Viện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khoẻ/UNE; TS. Kim Alexander - Đồng chủ nhiệm, UNE);
  • Phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị để đánh giá thất thoát thực phẩm trong ngành cá da trơn (cá Tra) (TS. Craig Johns và TS. Theo Simos - Trung tâm Tài nguyên và Thực phẩm Toàn cầu (GFAR), Đại học Adelaide, Úc);
  • Sử dụng các phương pháp dự báo để khám phá các xu hướng, cấu trúc, thể chế và động lực của chuỗi giá trị trong tương lai của ngành cá da trơn (cá Tra) (GS danh dự Steve Cork - Đại học Quốc Gia Úc & PGS. Magnus Moglia - Đại học Công nghệ Swinburne);
  • Giải pháp & hoạt động không gian can thiệp và MEL (TS. Kim Alexander (đồng chủ nhiệm), Đại học New England, Úc);
  • Phương pháp tiếp cận về giới để đánh giá và nâng cao vai trò của giới trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá Tra) (TS. Silvia Larson - Chuyên gia về giới, Đại học New England, Úc);
  • Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến thất thoát và lãng phí thực phẩm trong ngành cá da trơn (cá Tra) tại Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam: Một nghiên cứu Tổng quan tài liệu có hệ thống (Nhóm nghiên cứu thuộc Viện NCCSNN&SK - UEH);
  • Thách thức thất thoát và lãng phí thực phẩm trong ngành cá da trơn (cá Tra) ở Lào (PGS.TS. Silinthone Sacklokham, Đại học Quốc Gia Lào);
  • Thách thức thất thoát và lãng phí thực phẩm trong ngành cá da trơn (cá Tra) ở Campuchia (TS. Kim Chhin SOK, Đại học Nông nghiệp Hoàng Gia Campuchia);
  • Thách thức và tiềm năng trong chuỗi giá trị cá Tra ở An Giang trong tình hình hiện nay (ThS. Trần Anh Dũng - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang);
  • Những thách thức về thực phẩm và thất thoát thực phẩm trong ngành cá da trơn (cá Tra) ở các doang nghiệp Việt Nam (Ông Đỗ Lập Nghiệp - Phó TGĐ. Công ty CP Nam Việt);
  • Khó khăn, thách thức và triển vọng nghề nuôi cá Tra ở tỉnh Bến Tre (Ông Nguyễn Văn Buội - PGĐ. Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre).

Bên cạnh đó, các chuyên gia nghiên cứu đã tham gia các phiên thảo luận độc lập nhằm thảo luận về bốn (04) câu hỏi chính của dự án gồm: Những thất thoát và lãng phí hiện nay đang xảy ra trong chuỗi giá trị cá tra tại Việt Nam, Campuchia và Lào là gì? Nguyên nhân chính gây thất thoát và lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị cá tra ở Việt Nam, Campuchia và Lào là gì? Làm thế nào phụ nữ và nam giới có thể được trao quyền và cải thiện sự tham gia/ sinh kế/an ninh lương thực của họ thông qua các can thiệp trong chuỗi giá trị? Những can thiệp hoặc đổi mới nào có thể hỗ trợ hiệu quả chuỗi giá trị cá tra để giảm thiểu thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện tại và trong tương lai?

Sự thành công của hội thảo đã đặt nền móng cho những hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của dự án, giải quyết những thách thức của nông dân và mở ra tiềm năng mới cho nguồn lương thực trong tương lai.

Tập huấn Lan tỏa tri thức “Đổi mới sáng tạo” cho địa phương

Đề tài “Phát triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Viện nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) là đối tác chính. Đề tài này được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Chương trình John Dillon Fellowship quản lý bởi trường Đại học New England (UNE, Úc). Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung năng lực lao động nông nghiệp và kỹ năng cốt lõi, xác định các khoảng trống và sự thiếu hụt năng lực, kỹ năng cốt lõi cho lao động; cung cấp thông tin và các lộ trình khả thi nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cốt lõi cho người nông dân trồng xoài trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu xoài của Việt Nam trong tương lai.

Trong khuôn khổ của đề tài, HAPRI và VNUA đã tiến hành phỏng vấn sâu các doanh nghiệp xuất khẩu tại Sơn La và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về các điều kiện xuất khẩu xoài. Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức thảo luận nhóm các thành phần trong chuỗi xuất khẩu xoài về các khó khăn trong quá trình sản xuất nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 2 đến ngày 4/3/2023, VNUA đã tổ chức khảo sát thực tế về tình hình canh tác nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng và bán xoài của các nông hộ ở tỉnh Sơn La. Đại diện của Viện HAPRI, Ths. Vũ Ngọc Tân cũng đã có mặt để hỗ trợ đoàn hoàn thiện bảng hỏi và học hỏi kinh nghiệm để tổ chức khảo sát ở ĐBSCL. Sau buổi khảo sát này, HAPRI tiến hành khảo sát nông dân trồng xoài xuất khẩu ở Đồng Tháp. Dự kiến chuyến khảo sát sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3. Song song đó, VNUA sẽ tiến hành nhập liệu, làm sạch và phân tích kết quả khảo sát tại Sơn La. Kết quả khảo sát tại hai địa điểm sẽ được trình bày trong báo cáo kết thúc dự án.

Qua các ngày làm việc tại tỉnh Sơn La, đoàn đã lần lượt tiến hành trao đổi và khảo sát người dân trồng xoài ở hai huyện Mai Sơn và Yên Châu. Thông qua sự hỗ trợ của cán bộ địa phương và các trưởng bản tại điểm nghiên cứu, đại diện các hộ nông dân trồng và bán xoài tại các xã Hát Lót và Chiềng Mung của huyện Mai Sơn và các xã Chiềng Hặc và Sặp Vạt của huyện Yên Châu.

Trong các buổi làm việc nhóm khảo sát đã chia sẻ và lắng nghe mong muốn của người lao động trồng và bán xoài về những khó khăn trong việc canh tác, cũng như trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ của chính quyền và người dân tỉnh Sơn La để hoàn thành tốt đợt khảo sát này.

Tại Đồng Tháp, từ ngày 16-17/02/2023, viện HAPRI đã tiến hành tổ chức 02 buổi thảo luận nhóm tại huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh nhằm phục vụ dự án “Phát triển năng lực và kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam”. Dự án nằm trong chuỗi các hoạt động của viện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và y tế tại Việt Nam.

ThS. Vũ Ngọc Tân, chuyên viên nghiên cứu thuộc viện HAPRI, thành viên chính thực hiện dự án, đã có buổi gặp mặt với ông Nguyễn Khắc Mỹ, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Cao Lãnh, ông Lê Chí Hiếu, lãnh đạo TTDVNN TP. Cao Lãnh, nông dân Nguyễn Văn Mách (Phó chủ nhiệm Minh Tâm hội quán), ông Võ Tấn Bảo (Giám đốc HTX DVNN Tịnh Thới), và các đại diện nông dân và Hội nông dân tại HTX Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và HTX Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh. Buổi gặp mặt nhằm tìm hiểu thực trạng sản xuất, tình hình liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu xoài và nhận thức của từng tác nhân về chuyển đổi số ở địa phương.

Hiện HTX Mỹ Xương và HTX Tịnh Thới là hai địa phương sản xuất xoài trọng điểm của Đồng Tháp. 3 loại xoài chính được trồng bao gồm xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, và xoài tượng da xanh, trong đó xoài cát Chu chiếm phần lớn tổng sản lượng. Hai HTX đang thực hiện thí điểm nhật ký điện tử để phục vụ quản lý trang trại và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, HTX Mỹ Xương còn thí điểm hệ thống tưới phun tự động và HTX Tịnh Thới đang bắt đầu áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến cải tạo đất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ từ giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc thay thế thuốc hóa học.

Sinh viên UEH hỗ trợ tuyên truyền kiến thức về nuôi trồng bền vững, bảo vệ môi trường cho bà con nông dân

Trong khuôn khổ Chiến dịch tình nguyện sinh viên kinh tế 2023, các chiến sĩ của UEH đã tích cực lan tỏa tri thức với những chủ đề “vì môi trường”, “chuyển đổi số”, “an sinh xã hội”, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trao tặng học bổng đến các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các lớp ôn tập hè, sinh hoạt hè nhằm phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con và thanh thiếu nhi địa phương. Cụ thể:

- Chủ đề “tình nguyện vì môi trường” với 9 hoạt động được tổ chức đã thu hút 690 thiếu nhi tham gia các tiết mục, tiểu phẩm kịch và đặc biệt là các gian hàng, trò chơi nhằm giáo dục các em về kiến thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn các em cách phân loại rác và giữ gìn vệ sinh nơi ở của mình, hạn chế rác thải.

- Chủ đề “tình nguyện tham gia chuyển đổi số” đã tổ chức 12 hoạt động về các lớp học kỹ năng tin học cho các em học sinh trung học, hướng dẫn các em về các công cụ như Google Sheet, Google Docx, Google Drive,... tạo điều kiện để các em có thể thực hành từ đó làm quen nhanh chóng với các tiện ích để có thể áp dụng cho công việc và công sống hằng ngày. Những hoạt động này đã thu hút 262 em tham gia.

- Chủ đề “tình nguyện uống nước nhớ nguồn, tham gia đảm bảo an sinh xã hội” với 11 hoạt động ý nghĩa như: đến thăm và trao tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bản 7 xã tại huyện Mang Thít, các hoạt động Uống nước nhớ nguồn, tổ chức đến viếng và thắp hương tại các khu Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn từng xã,… đã chăm lo cho 61 gia đình chính sách.

- Buổi tập huấn với chuyên đề “Tư duy đổi mới sáng tạo - Hành trang khởi nghiệp cho thế hệ thanh niên” đã cung cấp kiến thức cơ bản và thiết thực nhất về chủ đề khởi nghiệp cho 35 thanh niên tham gia, qua đó tạo bàn đạp cho những nhà khởi nghiệp phát triển.

- Tổ chức các lớp ôn tập, sinh hoạt hè, hướng dẫn kỹ năng mềm cho các em thiếu nhi tại địa bàn 7 xã thuộc huyện Mang Thít với hơn 50 buổi học.

Hướng đến nâng cao ý thức cho người dân về sự cấp thiết của các vấn đề môi trường vì sự phát triển bền vững, trong khuôn khổ Chiến dịch đã thực hiện 03 công trình phòng chống rác thải nhựa tại Mang Thít. Đồng thời, hỗ trợ nhân lực thực hiện phát quang, dọn dẹp và chăm sóc các tuyến đường hoa dài 63.300m trên khắp 07 xã đóng quân.

Kỳ vọng những nỗ lực của UEH sẽ lan tỏa tích cực tri thức về sự phát triển bền vững cho cộng đồng!

Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông

Chia sẻ