Mùa xuân xưa trong thơ mới

02 tháng 02 năm 2023

Trời đất vần xoay với 4 mùa xuân hạ thu đông, mỗi mùa có một diện mạo, một sắc đẹp riêng. Không biết từ bao giờ người ta gán cho mùa thu cái tên “mùa của thi nhân”, mùa gợi bao xúc cảm để thi hứng của các nhà thơ dào dạt tuôn trào. Dù vậy, là mùa khởi đầu cho một năm - với sức sống căng đầy, với vẻ đẹp trẻ trung, đầy ước hẹn, với cây lá xanh tươi, muôn hoa khoe sắc - mùa xuân cũng là mùa được các nhà thơ dành cho rất nhiều thi hứng...

Đối với người Việt - khi nói đến mùa xuân, không ít thì nhiều đều gợi cho mỗi người nhớ đến Tết cổ truyền - Tết Nguyên đán, là dịp để mọi người dù đang ở đâu xa cũng gắng tìm về sum họp với gia đình để cùng chào biệt năm cũ và chung đón năm mới. Trong niềm nhớ Tết đó, nhà thơ Nguyễn Bính trong những ngày lưu lạc ở phương Nam đã có một bài thơ rất hay tả nỗi lòng kẻ xa nhà lúc năm hết Tết đến, khi “xuân đã đem mong nhớ trở về”: “Xuân này chưa chắc em về được/ Em gởi về đây một tấm lòng”. Bài thơ u uẩn chất chứa nỗi buồn lưu lạc và bất đắc chí của Nguyễn Bính: “Cột nhà hàng xóm lên câu đối/ Em đọc tương tư giữa giấy hồng/ (...)Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết/ Một mình em vẫn cứ tay không”. Trong một bài thơ khác, ông lại tả tâm trạng nôn nao của người phải mưu sinh phương xa trên đường về quê ăn Tết: “Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn/ Có đàn trâu trắng lội ngang sông/ Có cô thợ ruộm về ăn Tết/ Sương gió đường xa rám má hồng”. Với nhà thơ có cuộc đời lang bạt như Nguyễn Bính - ngày tết, dịp gia đình sum họp - dường như đã trở thành một niềm ước vọng trong thơ ông với bao nỗi cảm hoài: “Sáng ngày mồng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi, nước đượm hương/ Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực viết lên trên”, hay cảnh ngày Tết làng quê với những hình ảnh thân thương, gần gũi: “Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng Nam Mô”...
 
Trong các nhà thơ viết về Tết, về xuân, Đoàn Văn Cừ được mệnh danh là nhà thơ đã mang “hồn Tết Việt” vào trong thi ca. Tết trong thơ của ông đậm đà hương vị của đất làng quê kiểng, nơi trầm lắng và lưu giữ sâu đậm nhất những tập tục cổ truyền của dân tộc. Hãy xem cảnh một phiên chợ Tết ngày xưa: “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/ ...Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/ ...Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ Nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”, những người dân quê đi chơi xuân trong những bộ trang phục truyền thống: “Cụ già quần nhiễu đỏ lòa/ ...Đàn ông khăn nhiễu đội đầu/ Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe/ Đàn bà yếm đậu vàng hoe/ Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng” hay cảnh ngày đầu năm: “Sáng hôm mồng một Tết/ Đèn nến thắp xong rồi/ Bà tôi ngồi trong ổ/ Mặc áo đỏ cho tôi/ ...Giờ lâu tràng pháo chuột/ Đì đẹt nổ trên hè/ Con gà mào đỏ chót/ Sợ hãi chạy le te”... Thơ Tết của Đoàn Văn Cừ sinh động, đầy màu sắc, gợi nhớ đến những bức tranh Tết làng Hồ dân gian vui tươi, ngộ nghĩnh, thắm đượm tình yêu nồng nàn quê hương đất nước. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng viết về Đoàn Văn Cừ như sau: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gấp ghi chép thì rồi chẳng còn biết tìm kiếm vào đâu”, và Hoài Thanh bảo: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết...”.
 
 
Tết đến, xuân về khí trời giao hòa, lòng người nhàn tản. Người dân Việt quanh năm vất vả mưu sinh đến lúc này thường tìm đến với những thú chơi cầu kỳ tao nhã, tìm thấy niềm vui từ sự thưởng thức cái đẹp trong nghệ thuật chơi hoa và cây cảnh ngày xuân, chơi tranh Tết làng Hồ, và cũng có thể là chơi câu đối, chơi chữ “Rượu ngon nhấp giọng đưa vài chén/ Bút mới xô tay thử một hàng”. Cảnh Tết xưa qua thơ Vũ Đình Liên lại cho chúng ta thấy một nét đẹp văn hóa khác của dân tộc: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”, người ta tìm đến những nhà nho hay chữ để xin chữ, xin đôi câu đối về treo trong nhà chơi xuân: “Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắt ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”. Treo những chữ Hán cổ có nét đẹp như phượng múa rồng bay đó đến nay vẫn là niềm hứng thú ở nhiều người, nhiều gia đình. Vào dịp Tết đến, cùng với “cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” người ta vẫn không quên câu đối đỏ và nhiều người vẫn tìm tới những người biết chữ Hán và viết chữ Hán đẹp để xin chữ. Xin được chữ Phúc, chữ An, chữ Lộc cũng là một cách khai bút cầu may mắn cho cả gia đình. 
 
 
Ngày Tết - Ngày xuân phong cảnh tốt tươi, cũng là lúc nhà nhà đi thăm viếng chúc xuân lẫn nhau và trai thanh gái lịch cũng nhộn nhịp du xuân. Xuân trong thơ Hàn Mặc Tử mang vẻ rộn ràng, tươi mát của một sáng mùa xuân tuyệt đẹp: “Mai sáng mai, trời cao rộng quá/ Gió căng hơi và nhạc lên mây/ Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm/ Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay”. Và dù đã thấy, đã chiêm ngưỡng và hưởng biết bao mùa xuân, trước vẻ đẹp rạng ngời của trời đất lúc xuân sang, nhà thơ vẫn cứ phải thốt lên: “Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết/ Hoa lá hồ nghi sự lạ đời” như thể đó là “Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời...”. Cái mùa xuân của Hàn Mặc Tử miêu tả có một gì thoát tục, vừa xa vừa gần với buổi chiều xuân cách đó trên trăm năm của Hồ Xuân Hương “Êm ái chiều xuân tới khán đài/ Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai”…
 
Trở đi trở lại những bài thơ nói về tết dân tộc của một số nhà thơ mới, chúng ta thấy dường như hầu hết đều tả về những phong tục, tập quán, những cảnh quan đón Tết, đón xuân sang của làng quê, nông thôn Việt Nam là chủ yếu, hình ảnh tết nơi thị thành, phồn hoa đô hội (như bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên) rất ít. Phải chăng nơi sâu xa tâm hồn của các nhà thơ, chốn làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi họ đón những mùa xuân đầu tiên đã âm thầm đi sâu vào trong tiềm thức, trong tâm cảnh? Đến như nhà thơ Vũ Hoàng Chương - được xem là nhà thơ của chốn kinh kỳ, đô hội - khi viết về xuân thì nét xuân tươi tắn nhất cũng là nét xuân dành cho chốn làng quê mộc mạc: “Thuyền nhỏ sông lam yểu điệu về/ Cỏ chen màu liễu biếc chân đê/ Tình xuân ai chở đầy khoang ấy/ Hương sắc thanh bình ngập lối quê”. Hay phong cảnh một buổi chiều xuân êm đềm ở một nơi nào đó của nông thôn Việt Nam trong thơ của nữ sĩ Anh Thơ: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ ...Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ/ Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ/ Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió? Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”. Hoặc một đêm xuân trong làng khi mưa xuân vừa dứt: “Trong các ngõ, người đi ra từng tụm/ Những đàn ông vào điếm họp quân bài/ Các cô gái ra bờ sông hát đúm/ Mấy bà già cõng cháu đến nhau chơi”...
 
Và vì vậy, cho dù đến nay nửa thế kỷ đã trôi qua với bao biến cải “sông kia rày đã lên đồng/ chỗ làm nhà ở chỗ trồng ngô khoai” (Trần Tế Xương), quang cảnh làng quê Việt đón Tết đón xuân với bao tập tục tươi đẹp đã thuộc về quá vãng “Những người muôn năm cũ/ Hồn bây giờ ở đâu?” (Vũ Đình Liên), thế nhưng cứ mỗi khi xuân về Tết đến, trong tâm khảm mỗi người Việt Nam lại lấp ló một nỗi niềm gì đó như là nỗi hoài nhớ. Người đang tạm xa quê ra chốn thị thành mưu sinh thì rộn rạo muốn gạt bỏ bớt công việc để “về quê ăn Tết”, người thị thành đã đánh mất quê hương thì cũng se lòng nghĩ về một nơi chốn êm đềm nào đó của làng quê cũ với tiếng vọng vang hư ảo của “chùm khánh sành” trong tiềm thức “Cây nêu trồng ngoài ngõ/ Soi bóng dưới lòng ao/ Chùm khánh sành gặp gió/ Kêu lính kính trên cao” (Đoàn Văn Cừ). Và ngày xuân, với niềm hoài nhớ về quê hương ấy, đọc lại những câu thơ cũ viết về xuân, về Tết để thấy yêu hơn nước non, dân tộc mình và thấy ấm lòng vì: “Năm mới tháng giêng mồng một tết/ Còn nguyên vẹn cả một trời xuân” (Nguyễn Bính).
 
Chia sẻ