Sứ mệnh cao cả của nghề giáo và Trí tuệ nhân tạo (AI)
17 tháng 11 năm 2023
Trong bối cảnh xã hội đề cao sự phát triển của công nghệ 4.0, nhiều nghi vấn được đặt ra về nguy cơ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể “xóa sổ” ngành giáo dục trong tương lai. Mặc dù, AI có thể hỗ trợ trong việc cung cấp một lượng thông tin vô cùng lớn, nhưng tuyệt nhiên sẽ không bao giờ có thể thay thế được vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của những người làm nghề giáo. Nhân ngày 20/11, hãy cùng Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) tri ân những giá trị tuyệt vời của ngày nhà giáo Việt Nam nhé!
- [UEH Sharing - Career Fair 2023] Chuỗi hội thảo/ Workshop chia sẻ, lan tỏa tri thức đa ngành cho doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo
- Khai thác sức mạnh của AI trong học tập
- Trường CELG UEH phối hợp cùng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức Toạ đàm “Phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy”
Bài giảng khắc ghi nhất là bài giảng xuất phát từ tâm
Sở dĩ nhắc đến nghề giáo là nhắc đến “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” cũng chính bởi vì sự kiến tạo miệt mài cho những giá trị tốt đẹp của sự nghiệp giáo dục và phát triển con người mà những bậc làm thầy, cô giáo đã cống hiến hết mình. Nhà giáo không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn gánh vác một phần trọng trách xây dựng nền tảng tâm hồn, hình thành một thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan đúng đắn, tích cực cho các thế hệ học sinh. Nhà giáo giúp học sinh hiểu rõ về tầm quan trọng của các đức tính tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc và nuôi dưỡng chúng, như: tình yêu nước, sự đoàn kết, trung thực và trách nhiệm.
Những bài giảng không chỉ là những dòng chữ mà còn là những câu chuyện, là những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Ký ức lưu lại nơi tâm trí bao thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng là bài giảng được truyền đạt qua giọng nói ấm áp, sự tận tâm trong từng con chữ qua những đêm thức trắng, cùng tình thương yêu thương bao la của “người lái đò” là những thứ mà AI mãi mãi không bao giờ có thể làm được. Qua mỗi cấp học, từ ngôi nhà nhỏ lớp mầm, đến mái trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, và giờ đây là đại gia đình UEH đã góp phần tu dưỡng, bồi đắp những giá trị tốt đẹp về thế giới quan, giá trị quan, “thắp lửa” cho những hoài bão, khát khao vươn mình, đóng góp giá trị ấy cho một xã hội bền vững của các thế hệ Việt Nam.
Một buổi học tràn đầy niềm vui của thầy và trò tại UEH
“Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc”
Con người có thể suy nhược vì đói khát, cũng có thể bội thực vì ăn quá nhiều. Thông tin cũng vậy, chúng ta có thể học hỏi, bổ sung nếu thông tin ít, nhưng cũng có thể lạc lối trong lượng thông tin khổng lồ. Chính vì thế, vai trò của người thầy giáo càng đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết. Trong một “núi” thông tin được trả về từ từ khóa tìm kiếm trên internet, thầy cô sẽ là người giúp học trò chọn lọc, điều chỉnh thông tin có giá trị sao cho đúng và phù hợp với nghi vấn. Nói cách khác, AI chỉ có thể là công cụ cung cấp thông tin, thầy cô giáo sẽ xử lý, tinh lọc và truyền đạt thông tin đến học sinh theo mỗi cách riêng.
Giảng viên chọn lọc và truyền đạt thông tin giá trị, phù hợp đến sinh viên
“Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ” - Galileo.
Mỗi người học là một cá thể khác biệt, mang màu sắc riêng, cá tính riêng và tài năng riêng. Vì thế, mỗi người sẽ được động viên, khích lệ phát triển theo những cách khác nhau đến từ thầy cô giáo. Nhà giáo sẽ là người đồng hành, kết nối cùng các bạn trong một khoảng thời gian dài dưới mái trường, tạo ra một môi trường học đường thân thiện, tích cực cho sự phát triển và trở nên tốt đẹp hơn của người học. Trong khi AI chỉ có thể cung cấp thông tin, nhưng không thể cảm nhận và khuyến khích sự khác biệt cá nhân như các thầy cô giáo đã và đang làm.
Giảng viên UEH làm mộc cùng sinh viên tại UEH MakerSpace
Người lái đò và hành trình “gieo con chữ” đến mọi miền tổ quốc
Ai đó đã nói, nghề dạy học như nghề chèo đò đưa khách sang sông. Và người ta ví von, mỗi thầy, cô giáo như những người lái đò cần mẫn, gieo con chữ, đưa đón biết bao thế hệ học trò cập bến đỗ tương lai. Chương trình “Việc tử tế” tháng 11 của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với chủ đề “Con đò năm tháng” đã mang đến ba câu chuyện xúc động của ba nhân vật Nhà giáo ở ba miền Tổ quốc về hành trình “gieo gặt con chữ”.
Tại chương trình, chúng ta thấy được hành trình 18 năm ròng rã chèo thuyền đưa trò qua sông của Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hòa, Đà Bắc, Hòa Bình; 30 năm và hành trình xóa mù chữ cho ngư dân làng chài ở Huế của thầy giáo Hòa; Thầy giáo đi bán vé số sau mỗi giờ dạy, lấy tiền lãi giúp đỡ bà con khó khăn tại miền sông nước Cần Thơ. Thế đấy, nhà giáo không chỉ được nhắc đến với quần áo sơ mi là lượt, tà áo dài bay bay bên bục giảng, người làm thầy vẫn đã, đang và sẽ luôn lặng lẽ mang cánh diều tri thức và tình thương yêu bay cao đến mọi miền tổ quốc. Mỗi người lái đò "chèo đò" ở địa hình, hoàn cảnh khác nhau, nhưng bằng tình yêu nghề, tình thương học trò, ai ai cũng nỗ lực gieo hạt yêu thương, ươm mầm nhân ái và chèo lái con thuyền tri thức vươn cao, vươn xa hơn giữ đời thường.
Sứ mệnh của Nhà giáo là vĩnh cửu và không thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo AI
Mặc dù AI mang lại nhiều tiện ích trong lĩnh vực giáo dục, nhưng không có nghĩa rằng AI sẽ “xóa sổ” những giá trị mà nghề giáo đã và đang kiến tạo cho xã hội. Nghề giáo vẫn giữ vững vai trò quan trọng của mình, thậm chí AI càng phát triển bao nhiêu, thì vai trò ấy của người làm Giáo dục sẽ càng to lớn bấy nhiêu. Nghề giáo không chỉ là công việc, mà là một sứ mệnh vĩnh cửu, sự ấm áp, tình cảm, và khả năng tương tác con người là những đặc điểm không thể bị thay thế bởi bất kỳ sự tiến triển công nghệ nào. Đó là sự kết hợp tinh tế giữa tri thức và tình cảm, tạo nên một môi trường giáo dục thực sự có tâm và có “tầm”.
Con người không chỉ lớn lên về thể xác, con người lớn lên về tâm hồn và trí tuệ và đó mới là điều quan trọng. Sự thật thì không ai dám giao con mình cho một cái máy để nuôi, lại càng không dám giao con mình cho một cái máy dạy dỗ, giáo dục. Tất cả những tiến bộ của công nghệ chỉ là công cụ phục vụ con người, còn dùng chúng thế nào cho phù hợp và đáp ứng tốt sự phát triển tất cả những tiềm năng độc đáo của con người phải do chính con người làm chủ. “Thầy cô là ai? Đó không phải là những người sẽ dạy dỗ mà chính là người truyền cảm hứng để sinh viên có thể nỗ lực hết mình khám phá những điều chưa biết” - Paulo Coelho, The Witch of Portobello. Vì vậy, tương lai của Nhà giáo vẫn sẽ và luôn ở vị trí vốn có của nó, thậm chí còn ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Chân thành tri ân giá trị vô hạn mà Nhà giáo Việt Nam đã kiến tạo cho sự nghiệp “trồng người”
Giảng viên UEH cùng các tân cử nhân tốt nghiệp năm 2023
“Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn” - Uyliam Batơ Dit. Sứ mệnh thiêng liêng và giá trị vĩnh cửu của “người đưa đò” không nằm ở số lượng kiến thức được truyền đạt đi, mà cốt lõi là ở cách truyền đạt và chữ “tâm” lớn lao đặt vào đó.
Nhân ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, một lần nữa chân thành tri ân công lao kiến tạo và “trồng người” của người làm Nghề Giáo đối với sự nghiệp phát triển Giáo dục lâu dài của đất nước. Đặc biệt, sự biết ơn sâu sắc nhất gửi đến tập thể giảng viên UEH vì sự cống hiến miệt mài cho một nền giáo dục UEH thân thiện, hòa nhập và tiên tiến. Các UEHer hãy luôn giữ mãi trong tim ngọn lửa tình yêu, lòng tự hào sâu sắc, sự biết ơn thầy cô vô cùng và lấy đó làm động lực phấn đấu, nỗ lực hơn nữa cho tương lai của bản thân và UEH thân yêu nhé!
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo:
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. (2021). Ngay cả khi công nghệ đe doạ ‘Xoá sổ’ Ngành Nghề Thì Nghề Giáo Vẫn Mãi Luôn là một nghề Cao quý, Quan Trọng VÀ không thể thay Thế!. Truy cập lần cuối ngày 19/11/1021. https://hiu.vn/tin-tuc/ngay-ca-khi-cong-nghe-de-doa-xoa-so-nganh-nghe-thi-nghe-giao-van-mai-luon-la-mot-nghe-cao-quy-quan-trong-va-khong-the-thay-the/
Chia sẻ