Tọa đàm “Lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế”

24 tháng 06 năm 2022

Sáng ngày 21/6/2022 tại Hội trường B1-1001, Khoa Luật,Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG) đã tổ chức Tọa đàm “Lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà tuyển dụng, cố vấn tại doanh nghiệp, các giảng viên Khoa Luật cùng các học viên đã và đang tham gia chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế.

Mở đầu chương trình, TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật đã trình bày tổng quan về chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh về mục tiêu của chương trình. Cụ thể, về mục tiêu chung, chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế của UEH đặt mục tiêu “đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về luật kinh tế. Nghiên cứu sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng để trở thành những nhà nghiên cứu độc lập, sáng tạo, có khả năng phát hiện và luận giải những vấn đề mới trong lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo còn có khả năng tham gia vào quá trình hoặc định, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế trong bối cảnh hội nhập.”

Về mục tiêu cụ thể, chương trình đào tạo có một số mục tiêu liên quan đến kiến thức, khả năng nghiên cứu và phương pháp tư duy. Cụ thể, chương trình sẽ “trang bị hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến, cập nhật và toàn diện về luật kinh tế, giúp nghiên cứu sinh nắm vững và có khả năng phân tích, bình luận, đánh giá các quan điểm, xu hướng đương đại về luật kinh tế, từ đó có thể luận giải và dự báo những vấn đề mới tỏng lĩnh vực luật kinh tế Việt Nam và thế giới.” Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh sẽ có phương pháp tư duy, nghiên cứu độc lập, sáng tạo và khả năng xây dựng mạng lưới nghiên cứu, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực luật kinh tế, bên cạnh khả năng phát hiện, phân tích, đánh giá và giải quyết những vấn đề mới để đáp ứng nhu cầu công việc tại cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Các đại biểu tham dự offline cùng các giảng viên Khoa Luật

Các khách mời tham dự online

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cũng đã trình bày một số ý kiến đánh giá, đề xuất hoàn thiện chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế. Cụ thể, PGS. Diệp đã nêu ra một số ưu điểm của chương trình, bao gồm việc xây dựng thành công chuẩn đầu ra. Việc xây dựng được các tiêu chí đầu ra một cách cụ thể và chi tiết, bao gồm cả tiêu chuẩn của từng thành phần, ở bậc học cao như tiến sĩ là một điểm cộng rất lớn và chứng tỏ được sự đầu tư của ban soạn thảo. Ngoài ra, chương trình cũng đã có sự cập nhật các quy định pháp luật mới nhất, cụ thể là Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ. PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp cũng đề xuất bổ sung thêm Kế hoạch đào tạo toàn khóa vào chương trình đào tạo, bên cạnh những góp ý về mặt kỹ thuật liên quan đến mã ngành và các chỉnh sửa liên quan đến mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của khoa đào tạo.

Đồng ý với những nhận xét, góp ý của PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp, ThS. Tô Thị Đông Hà - Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, chương trình được soạn thảo rất bài bản, có tính khoa học rõ ràng và tiệm cận với chuẩn quốc tế. Bà đặc biệt đề cao việc chương trình có học phần liên quan đến phương pháp nghiên cứu mang tính định lượng. ThS. Đông Hà cũng đưa ra một số nhận xét về mặt từ ngữ và đề xuất bổ sung thêm tiêu chí về mức tự chủ và trách nhiệm của nghiên cứu sinh, cụ thể là tiêu chí về liêm chính trong học thuật vào bộ tiêu chí đánh giá. Đồng quan điểm, TS. Đào Gia Phúc - Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của uy tín học thuật. Tiến sĩ đánh giá cao tiêu chí chuẩn đầu ra liên quan đến “kỹ năng thảo luận, trình bày kết quả nghiên cứu tại các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế, công bố kết quả nghiên cứu về luật kinh tế và cách lĩnh vực pháp luật liên ngành”.

Từ góc nhìn đối tác doanh nghiệp và người cố vấn, TS. Hồ Hoàng Đức - Trưởng phòng Pháp chế Tổng Công ty PETEC đánh giá rất cao việc nghiên cứu sinh tốt nghiệp sẽ “có khả năng ra phán quyết, quyết định mang tính chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chí này trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong doanh nghiệp. Ông cũng chia sẻ thêm về một số tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn tư vấn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. 

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Các nhà khoa học, cố vấn doanh nghiệp, luật sư đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn đầu ra liên quan ngoại ngữ của nghiên cứu sinh vì đây là nền tảng quan trọng để nghiên cứu sinh có khả năng nghiên cứu tài liệu nước ngoài và tiếp xúc với các vấn đề pháp lý ở mức độ quốc tế. Trả lời vấn đề trên, TS. Dương Kim Thế Nguyên cho biết, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, yêu cầu về ngoại ngữ hiện tại là tiêu chuẩn đầu vào. Vì vậy, ở đầu ra, nghiên cứu sinh mặc định sẽ có khả năng sử dụng ngoại ngữ tương đối thành thạo. Do đó, không cần thiết phải ghi nhận trong chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo. 

Bên cạnh đó, Luật sư Châu Huy Quang - Giám đốc điều hành Công ty Rajah & Tann LCT cũng đã chia sẻ về quá trình học Tiến sĩ tại Hoa Kỳ, cụ thể là một số vấn dề liên quan đến mức khống chế về thời gian học, các giai đoạn học và sản phẩm kỳ vọng của từng giai đoạn.

Tại buổi tọa đàm, các nghiên cứu sinh của Chương trình đào tạo Tiến sĩ Luật Kinh tế cũng đã trình bày một số ý kiến đánh giá, đề xuất hoàn thiện chương trình liên quan đến việc điều chỉnh thang điểm đánh giá kiến thức liên ngành. Cụ thể, chuẩn 4 về kiến thức liên ngành của nghiên cứu sinh trong Khung trình độ quốc gia nên được điều chỉnh lên chuẩn 5. Trong trường hợp này, kiến thức liên ngành nên chỉ được giới hạn trong phạm vi đề tài, lĩnh vực mà nghiên cứu sinh đang nghiên cứu, không phải toàn bộ các kiến thức liên ngành có liên quan. Ngoài ra, bên cạnh phương pháp định tính và định lượng, ban soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung thêm phương pháp thí nghiệm.

Ghi nhận các ý kiến, nhận xét từ đại biểu, TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Giám đốc Chương trình đào tạo Luật Kinh Doanh khẳng định, các đóng góp nói trên là vô cùng quý báu để đội ngũ soạn thảo có thể tiếp tục sửa chữa và hoàn thiện chương trình đào tạo.

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm

Tin, ảnh: Khoa Luật CELG UEH

 

Chia sẻ