“Trí thông minh văn hóa”- Vững bước hòa nhập với xu hướng đa văn hóa

29 tháng 12 năm 2022

Trong sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu hóa ngày nay, khi chỉ số EQ (trí thông minh cảm xúc) đang ngày càng được người trẻ đánh giá cao, thì các doanh nghiệp đang dần quan tâm hơn dạng chỉ số thông minh mới đó là chỉ số thông minh văn hóa - CQ (cultural quotient). Hãy cùng DSA tìm hiểu xem trí thông minh văn hóa là gì? Tầm quan trọng của nó như thế nào? Và làm thế nào để chúng ta có thể nâng cao chỉ số thú vị này nhé.

Giải mã “Trí thông minh văn hóa”
          Theo Harvard Business Review, “trí thông minh văn hóa” (cultural intelligence) được định nghĩa là một khả năng làm việc hiệu quả và giải quyết linh hoạt các sự khác biệt trong hành vi, lối sống, và cách hành xử trong môi trường có sự kết hợp giữa hai hay nhiều nền văn hóa. (Earley & Mosakowski, 2004)
Nguồn: Pinterest
          Trí thông minh văn hóa có liên quan mật thiết đến trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence). Chúng được giao thoa bởi thứ mang tên “văn  hóa”. Cũng giống như trí tuệ cảm xúc, trí tuệ văn hóa đòi hỏi phải đặt sở thích, cảm xúc vào văn hóa của người khác trong từng bối cảnh khác nhau. Những cá thể ở các nền văn hóa khác nhau sẽ có những cách suy nghĩ, tư duy, phong cách làm việc và lối sống khác nhau, tuy những điều này có thể sẽ không giống những điều bạn quen thuộc, nhưng ta phải biết trung hòa cả hai một cách hài hòa và hiệu quả nhất. (Earley & Mosakowski, 2004)
          Dần dần, trí thông minh văn hóa phát triển thành một dạng thông minh giống như IQ, EQ và cũng có thang đo riêng để tính chỉ số của loại thông minh này. Theo Livermore, có 4 yếu tố cấu thành trí thông minh văn hóa, đó là: (Livermore, 2016)
  • CQ Drive: sự tò mò và động lực cần thiết để làm việc tốt với những người khác. 
  • CQ Knowledge: sự hiểu biết về các văn hóa khác nhau nhằm thể hiện được những sự giống và khác nhau giữa nhóm văn hóa này với các nhóm khác mà không cần rập khuôn theo bất kì một nền văn hóa cụ thể nào. 
  • CQ Strategy: học cách lập kế hoạch để thích nghi và làm việc hiệu quả dựa trên sự khác biệt về văn hóa. 
  • CQ Action: có thể điều chỉnh linh hoạt hành vi và xử lý tình huống khi gặp các trường hợp khác nhau. 
Nguồn: Davidlivermore 
Tầm quan trọng của “trí thông minh văn hóa”
Tạo nên sự hòa hợp
           Việc nâng cao trí thông minh văn hóa giúp các thành viên trong nhóm thấu hiểu và nhạy cảm hơn những ý kiến ​​và nhận thức khác nhau. Khi các đồng nghiệp thích nghi và hòa nhập vào nền văn hóa của nhau, họ có thể phát triển một nền văn hóa chung nơi có sự hòa hợp, giúp công việc diễn ra trơn tru và hiệu quả hơn.  Những cử chỉ tuy nhỏ nhưng với mỗi quốc gia khác nhau nó có thể dẫn đến nhiều tầng nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Ví dụ, hành động đưa ngón tay cái thường được dùng để đánh giá một cái gì đó tốt, ổn. Tuy nhiên, ở một số nước như Ý, Hi Lạp, Iran và Irak, nó được xem là cử chỉ xúc phạm; hay ở Pháp cử chỉ đó nghĩa là vô nghĩa, không có giá trị; ngoài ra, ở Brazil, người ta cho đó là hành động phản cảm và kì thị cộng đồng LGBTQ+. Vì thế trong một đàm phán, những người đại diện từ các quốc gia khác nhau nếu hiểu và nắm bắt đặc trưng giao tiếp cũng như các cử chỉ hay hành động nên và không nên làm, buổi đàm phán sẽ diễn ra trơn tru, hiệu quả và dễ đi đến kết quả tích cực hơn.
          Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo có trí thông minh văn hóa cao sẽ dễ dàng xây dựng mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ trong nhóm. Các hoạt động xây dựng nhóm có thể khuyến khích các thành viên hiểu thêm về điểm mạnh và điểm yếu của nhau và cho phép họ cùng nhau giải quyết vấn đề. Một nhà lãnh đạo có trí thông minh về văn hóa sẽ có sức ảnh hưởng cao hơn bởi khả năng thấu hiểu, cảm thông và linh hoạt cách xử lý trong nhiều tình huống đối với nhiều đối tượng khác nhau. (Indeed Editorial Team, 2022)
Nguồn: Pinterest
           Song, trí thông minh văn hóa là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho quá trình giao tiếp trong môi trường làm việc trở nên hiệu quả và đi đến những kết quả tích cực hơn, đặc biệt là trong các công ty tập đoàn đa quốc gia nơi có sự kết hợp đa dạng các nền văn hòa. Giao tiếp tại nơi làm việc bao gồm cách nhìn nhận hành vi trong một môi trường mới lạ. Nhóm thành viên có sự thông minh về văn hóa có thể dễ dàng hiểu nhau hơn và tương tác hiệu quả hơn, giúp hạn chế thông tin sai lệch trong quá trình làm việc.
Tăng mức độ đổi mới
          Các tổ chức thường dựa vào khả năng của nhóm làm việc để xác định liệu nhóm có khả năng thay đổi hay tiến hành các kế hoạch kinh doanh, như phát triển và triển khai các chiến lược mới nhằm bán sản phẩm ở thị trường mới. Trí thông minh văn hóa có thể phát huy tối đa khả năng về giải quyết vấn đề để đẩy mạnh phát triển cho doanh nghiệp một cách linh hoạt và mới mẻ. Đồng thời tạo ra một môi trường mà mọi người đều cảm thấy đủ thoải mái và tự tin để nêu lên ý tưởng, quan điểm ​​của mình giúp cho doanh nghiệp ngày một phát triển. Không có sự phân biệt, mọi người đều sẵn sàng nêu những kế hoạch mang những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt, đôi khi những sự mới mẻ đó sẽ tạo nên sự đột phá với những bước nhảy cao. (Indeed Editorial Team, 2022)
Nguồn: Killerinnovation
Khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh.
          Khi toàn cầu hóa làm cho thế giới trở thành một môi trường kinh doanh năng động và cạnh tranh hơn, các tổ chức kết hợp sự đa dạng văn hóa có nhiều khả năng thu hút các doanh nghiệp và nhân tài hàng đầu. Bằng cách khuyến khích các ứng viên đa văn hóa thay vì chỉ chọn từ các ứng viên trong nước, các công ty có thể tăng cơ hội tuyển dụng những tài năng tốt nhất có trí tuệ văn hóa cao. (Indeed Editorial Team, 2022). Sự mở rộng này cải thiện hiệu suất của công ty trong thời kỳ cạnh tranh của thị trường toàn cầu bằng cách củng cố niềm tin vào sự tương tác từ các thị trường nội địa bên ngoài. Chúng ta có thể hình dung trong một công ty, sự tiếp nhận nhiều nguồn nhân lực từ đa dạng các nền văn hóa giúp mọi người nhìn nhận được những lợi ích trực tiếp của việc đa dạng nguồn nhân lực trong môi trường làm việc, tiếp nhận và sẵn sàng kết nối nhiều hơn với các thị trường nội địa xung quanh để nâng cao hiệu cạnh tranh trong thị trường quốc tế.
Làm thế nào để phát triển “Trí thông minh văn hóa”?
          Có thể thấy, trí thông minh văn hóa đòi hỏi con người ta phải luôn cố gắng để học hỏi, tiếp thu nhiều hơn những giá trị tinh hoa văn hóa đặc sắc đó. Trí thông minh văn hóa được cho là khả năng dường như bẩm sinh của một con người. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể được tôi luyện, rèn dũa qua các quá trình lắng nghe và tiếp xúc thực tế với nhiều môi trường đa văn hóa. Từ đó, nó có thể hình thành các phản xạ có điều kiện dựa trên những kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy được. 
          Luôn sẵn sàng làm việc với mọi người trong các cộng đồng và nhóm xã hội đa dạng văn hóa, dân tộc. Biết chấp nhận những ý tưởng mới lạ từ những suy nghĩ đa văn hóa giúp chúng ta mang một tư duy mở rộng hơn, và nhờ đó có một cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ không bị bó buộc tầm nhìn dưới một góc độ nào đó mà sẽ biết phân tích với góc độ khách quan hơn rất nhiều.
          Học và giao tiếp bằng ngoại ngữ hay ngôn ngữ vùng miền khác nhau là hành động nâng cao được trí thông minh văn hóa của mỗi người bởi ngôn từ là giúp chúng ta dễ dàng thấu hiểu nhau nhất. Bên cạnh đó, hãy sử dụng linh hoạt các kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân qua lời nói và phi ngôn ngữ. Điều đó sẽ đẩy mạnh khả năng tiếp thu, chọn lọc và tích lũy kiến thức đa văn hóa của mỗi người.
          Đưa ra những giả định của bạn về những người ở các nền văn hóa khác nhau bằng cách đặt những câu hỏi liên quan. Để có thể thấu hiểu thêm được nền văn hóa của những người xung quanh một cách tinh tế và thông minh, bạn có thể khéo léo đưa ra câu hỏi trực tiếp với đối tượng giao tiếp hoặc làm việc. Đặt ra những câu hỏi giả định tạo nên những tương tác giữa những người đồng nghiệp, đối tác cũng như nhân viên và sếp. Ngoài ra, việc đặt hỏi là một cơ hội cực kì tốt để xây dựng và gắn kết thêm các mối quan hệ xung quanh.
          Nghiên cứu hoặc đọc về các nền văn hóa khác nhau, ta có thể dùng một quyển nhật ký để ghi lại những suy nghĩ và quan sát của bạn về cách bạn rèn luyện trí thông minh văn hóa. Từ những giao tiếp, tương tác trong môi trường đa văn hóa hằng ngày, ta chắt lọc những đặc sắc văn hóa mà ta cảm thấy mới lạ. Những ghi chép đó sẽ là một bảng tóm tắt cũng như tập hợp những tri thức về văn hóa giúp luôn ôn luyện và củng cố kiến thức của chính mình.
Tôn trọng sự độc đáo của nền văn hóa khác cũng như các giá trị và truyền thống của họ. Chúng ta với luôn lắng nghe và tiếp nhận những khác biệt văn hóa với sự đồng cảm và không cho phép bản thân phán xét bất cứ sự khác biệt văn hóa nào. Tưởng tượng nếu một ai đó thái độ tiêu cực hay có bất kỳ lời nhận xét không tốt với những gì truyền thống cũng nền văn hóa của chính mình, bản thân ta cũng sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Việc tiếp nhận mọi đa dạng văn hóa giúp ta tăng lượng kiến thức cũng như rèn luyện trí thông minh văn hóa mạnh mẽ.
(Milton, 2022)
Nguồn: ChangeXperience
          Bên cạnh đó, nếu bạn có thể thiết lập cho mình một thói quen giải quyết các xung đột liên quan đến văn hóa và tìm hiểu tường tận nguyên nhân cho câu hỏi vì sao câu chuyện xung đột lại xảy ra. Điều đó sẽ giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn từ nhiều khía cạnh con người khác, cải thiện khả năng tư duy, và giúp công việc làm nhóm giảm thiểu được tối đa mức độ xung đột.
Lời kết
          Tóm lại, có thể thấy sự nhạy bén về khác biệt văn hóa giúp chúng ta tránh được những hiểu lầm không đáng có gây ra do khác biệt ngôn ngữ, cử chỉ, tư duy và thái độ đối mặt với các vấn đề phát sinh khi tương tác với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau, bất kể trong công việc hay cuộc sống. Việc hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh giúp nâng cao hiệu suất việc làm và tối ưu hóa được nhiều thời gian. Trong thời đại toàn cầu hóa, hầu hết các nước đều đang theo xu hướng hội nhập, các công ty đa quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó đòi hỏi những sinh viên thế hệ trẻ chúng ta càng phải có ý thức tự giác hơn nữa trong việc chủ động tìm hiểu, hòa nhập và luôn sẵn sàng nâng cao trí thông minh văn hóa. Càng hiểu nhiều về văn hóa các nước, chúng ta càng có thêm nhiều nền tảng để phát triển bản thân và mở rộng các mối quan hệ xung quanh. Với chủ đề về trí thông minh văn hóa này, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) mong rằng các bạn đọc sẽ phần nào góp nhặt cho mình được một số thông tin bổ ích giúp làm hành trang cho các bạn bước ra thế giới bao la và phát triển mạnh mẽ hơn.
 
Nguồn tham khảo:
Earley, P. C., & Mosakowski, E. (2004, October 1). Cultural intelligence. Harvard Business Review. https://hbr.org/2004/10/cultural-intelligence
Indeed Editorial Team. (2022, August 23). What Is Cultural Intelligence and Why Is It Important? Indeed. https://www.indeed.com/career-advice/career-development/cultural-intelligence
Livermore, D. (2016, July 18). Cultural intelligence 2.0: New insights for measuring and improving CQ – David Livermore. David Livermore – Global Thinker and Author. https://davidlivermore.com/2016/07/18/2260/
Milton, C. (2022, April 15). The value of cultural intelligence. Career Professionals of Canada. https://careerprocanada.ca/the-value-of-cultural-intelligence/
Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và Hỗ trợ người học
 
Chia sẻ