Triển khai các chính sách nguồn nhân lực gắn với 17 SDGs hướng tới nỗ lực đóng góp trí lực cho mục tiêu phát triển bền vững.
27 tháng 01 năm 2025
Trong năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tiếp tục khẳng định sắc nét nhiều điểm mạnh vượt trội trong chính sách tuyển dụng, hướng đến một môi trường làm việc đa dạng, công bằng, không phân biệt đối xử, tạo cơ hội bình đẳng cho viên chức, người lao động có cơ hội khẳng định giá trị bản thân và phát triển cá nhân.
Chính sách tuyển dụng nhân tài và chế độ phúc lợi bình đẳng giới của UEH
UEH thúc đẩy văn hóa hòa nhập và coi trọng sự đa dạng thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích và ghi nhận đóng góp của tất cả các nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhà trường thực hiện chính sách tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm,… dựa trên thành tích cá nhân, bất kể giới tính, độ tuổi, màu da, tình trạng hôn nhân, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng giới tính, văn hóa, tín ngưỡng hoặc địa vị xã hội. Cụ thể:
- UEH tuân thủ Luật số 73/2006/QH11 về Bình đẳng giới của Chính phủ, trong đó, nam và nữ được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các hoàn cảnh làm việc khác. Nhà trường cam kết môi trường làm việc không có quấy rối tình dục và phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào.
- Khoản 3, Khoản 6, Điều 7 Quy tắc ứng xử của UEH quy định "Tôn trọng nguyên tắc không phân biệt đối xử về chủng tộc, giới tính, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo, khuyết tật", "Không quấy rối người khác trong mọi trường hợp".
Bên cạnh đó, UEH tuân thủ tuyệt đối các quy định của Nhà nước về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động được quy định tại Điều 8 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH 14. Theo đó, viên chức, người lao động tại UEH được đảm bảo:
-
Không phân biệt đối xử trong lao động.
-
Không ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
-
Không quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
-
Không lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, học nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người học nghề vào hoạt động trái pháp luật.
-
Không sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những ngành, nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
-
Không lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để lừa gạt viên chức, người lao động trong tuyển dụng với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
-
Không sử dụng lao động chưa thành niên trái quy định của pháp luật.
UEH tạo môi trường làm việc đa dạng, công bằng, không phân biệt đối xử và tạo cơ hội bình đẳng cho viên chức, người lao động
UEH luôn thực hiện nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài trong và ngoài nước - những chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên,… có khả năng đóng góp cho một UEH Đa ngành và Bền vững, cho nền giáo dục toàn diện của Việt Nam. Mức lương UEH trả cho giảng viên, viên chức và người lao động cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng và được điều chỉnh công bằng theo trình độ, kinh nghiệm làm việc, chức vụ... Không có sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính hoặc khuynh hướng giới tính. Tại UEH, tiền lương được tổng hợp, theo dõi và đo lường thường xuyên để đảm bảo không xảy ra bất công hay bất thường. UEH cam kết trả cho giảng viên, viên chức và người lao động ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Ngoài thu nhập từ tiền lương theo thang lương của Nhà nước, viên chức và người lao động được hưởng thêm thu nhập từ UEH, đảm bảo tổng thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu vùng và mức sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2024, UEH tiếp tục rà soát chính sách tiền lương, phúc lợi, tuân thủ chủ trương, chính sách của nhà nước đồng thời đảm bảo quyền lợi thu nhập cho viên chức, người lao động trên nguyên tắc công bằng, công khai và minh bạch.
Triển khai góp ý dự thảo chính sách tiền lương:
Căn cứ: i) Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; ii) Kế hoạch số 1083/KH-ĐHKT-QTNNL ngày 20 tháng 12 năm 2023 về cải cách chính sách tiền lương tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), ngày 17/5/2024, UEH đã triển khai Thông báo số 1112/TB-ĐHKT-QTNNL đến toàn thể viên chức, người lao động về việc góp ý dự thảo chính sách tiền lương mới. Đây là một hoạt động đảm bảo tính dân chủ trong việc triển khai các chính sách liên quan trực tiếp đến thu nhập của viên chức và người lao động ký hợp đồng trực tiếp với UEH; đảm bảo tuân thủ quy định về cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước, đồng thời đảm bảo tiền lương của viên chức, người lao động không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
- Tạo động lực phát triển đội ngũ giảng viên tại UEH, gia tăng tỉ lệ nghiên cứu sinh, tỉ lệ tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng giảng viên về số lượng lẫn về chất lượng tại UEH;
- Tạo điều kiện gia tăng tính quốc tế tại UEH. Giảng viên được khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp để tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín ở nước ngoài, góp phần tăng tính kết nối quốc tế cũng như tăng cường quốc tế hóa chất lượng đội ngũ;
- Tạo môi trường thi đua học tập tại UEH. Từ khi triển khai thực hiện Đề án 89, giảng viên tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập trung nghiên cứu để đáp ứng các yêu cầu của các cơ sở đào tạo, tạo môi trường thi đua học tập, nghiên cứu trong đội ngũ giảng viên;
- Tạo nguồn giảng viên có chất lượng phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Mặc dù việc tuyển chọn giảng viên nguồn tham gia xét tuyển còn hạn chế về số lượng, nhưng công tác tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn vẫn luôn được chú trọng thực hiện, điều này tạo nguồn giảng viên có chất lượng để tham gia Đề án 89, đồng thời bổ sung được số lượng giảng viên giảng dạy tại UEH.
Hoạt động vinh danh các cá nhân, tập thể xuất sắc trong năm của UEH
Ngoài ra, UEH thực hiện một số chính sách hỗ trợ về nơi lưu trú để viên chức, người lao động yên tâm làm việc. Cụ thể, UEH Hotel là "Khách sạn tri thức" với nhiều tiện nghi phục vụ, hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên lưu trú trong thời gian công tác. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, nghiên cứu viên, giảng viên, sinh viên, UEH Hotel triển khai nhiều chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng này: (i) Hỗ trợ 100% chi phí lưu trú cho cán bộ, giảng viên, đoàn công tác của các Phân hiệu của UEH khi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh; (ii) Hỗ trợ 20% chi phí lưu trú cho cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên của UEH khi lưu trú học tập và nghiên cứu khoa học. Phân hiệu UEH tại Vĩnh Long cũng có những chính sách hỗ trợ về nơi lưu trú cho viên chức và người lao động, bố trí ký túc xá cho giảng viên, viên chức làm việc tại Phân hiệu. Tại đây cung cấp đầy đủ tiện nghi cho giảng viên, viên chức làm việc, nghỉ ngơi, học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, ký túc xá còn gần với các cơ sở giảng dạy, làm việc của Phân hiệu, giúp giảng viên, viên chức tiết kiệm chi phí di chuyển, đồng thời hạn chế tối đa phương tiện cá nhân, góp phần truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Đối với giảng viên, viên chức có nhu cầu lưu trú tại các địa điểm khác ngoài ký túc xá, Phân hiệu UEH Vĩnh Long hỗ trợ chi phí lưu trú là 1.500.000 đồng/tháng cho mỗi giảng viên, viên chức, với mục đích hỗ trợ, động viên giảng viên, viên chức yên tâm công tác.
Trao quyền cho phụ nữ hướng tới nỗ lực đóng góp trí lực cho mục tiêu phát triển bền vững
Là một trong những đại học hàng đầu tại Việt Nam và từng bước khẳng định danh tiếng mạnh mẽ trên các bảng xếp hạng danh tiếng toàn cầu, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) từ lâu đã hình thành tư duy tích cực về bình đẳng giới và triển khai nhiều chiến lược quan trọng để tăng cường trao quyền cho phụ nữ. Từ năm 2023, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban lãnh đạo UEH các giải pháp cụ thể để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của nữ viên chức, người lao động tại UEH. Nhận thấy để phát triển bền vững tại nhà trường và xã hội, trước hết phải thúc đẩy bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới; UEH đặc biệt phát huy vai trò của mỗi viên chức, lao động nữ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Nhà trường.
Viên chức, người lao động UEH tích cực tham gia các hoạt động kết nối, hòa nhập tại UEH
Dựa trên kết quả khảo sát về sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới theo các mục tiêu tại Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT, dữ liệu năm 2024 ghi nhận UEH đã vượt chỉ tiêu ở nhiều tiêu chí, bao gồm có:
- Tỷ lệ viên chức và lao động nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý của các đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếp tục được gia tăng và cao hơn gần 20% (so với mục tiêu đề ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 75%). UEH đảm bảo, khuyến khích sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ và cơ hội bình đẳng trong công tác lãnh đạo.
- Mục tiêu về tỷ lệ thạc sĩ là nữ giới trong tổng số viên chức có trình độ thạc sĩ đạt 52.6% (so với mục tiêu đề ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 50%).
- Tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác tại UEH tăng từ 38.3% lên 38.5%. Bên cạnh đó, UEH cũng khuyến khích và hỗ trợ giảng viên, nhà nghiên cứu nữ làm chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Tiếp tục thực hiện đề án tái cấu trúc của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024 UEH đã triển khai tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị cấp phòng thành đơn vị cấp ban theo mô hình đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018. Cụ thể, 16 đơn vị quản lý chức năng, phục vụ đào tạo... tương đương cấp phòng thành 10 ban và 01 Trung tâm tương đương cấp phòng. Trong số 31 lãnh đạo ban lâm thời được bổ nhiệm có 11 viên chức quản lý là nữ, đạt tỷ lệ 35,48%. UEH luôn tạo nhiều điều kiện và cơ hội hơn nữa để viên chức và lao động nữ thể hiện và phát huy năng lực của mình. Đồng thời, nhà trường cũng chú trọng đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong công tác nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Bình đẳng giới tại UEH không chỉ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, học thuật,... mà còn trong các hoạt động văn hóa, thể thao, và nghệ thuật.
Viên chức UEH tham gia buổi báo cáo chuyên đề "Dinh dưỡng - Nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống"
Về sức khỏe sinh sản, ngoài chế độ hỗ trợ chăm sóc phụ nữ theo quy định, viên chức và lao động nữ tại UEH được hưởng 100% lương và thu nhập tăng thêm trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định. Ngoài ra, phụ nữ còn được nghỉ 1 giờ/ngày làm việc trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Đối với Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), bình đẳng giới không chỉ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và làm việc. Bình đẳng giới cũng được hiểu theo khái niệm của Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI). Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và nghệ thuật, bình đẳng giới cũng gạt bỏ rào cản, phá bỏ định kiến và tôn vinh năng lực của phụ nữ, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực hoạt động tại UEH.
Tin, ảnh: Ban Phát triển tổ chức - Nhân lực
Chia sẻ