Viện Tài chính Bền vững UEH: Dấu ấn năm 2024 và hành trình đồng hành cùng các mục tiêu SDGs

12 tháng 01 năm 2025

Trong những năm qua, với sự tạo điều kiện của lãnh đạo Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), Viện Tài chính Bền vững (SFI) đã không ngừng nỗ lực để khẳng định vị thế của mình trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế và tư vấn chuyển giao. Bằng sự cam kết và đổi mới liên tục, Viện SFI đã và đang trở thành cầu nối tri thức, đồng hành cùng các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam và khu vực. Năm 2024, hoạt động của Viện tiếp tục để lại nhiều dấu ấn nổi bật.

Đào tạo

Viện Tài chính Bền vững (SFI) đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Dự án “Training for Trainer”, trong khuôn khổ chương trình Viet Nam Green Bond Readiness Program do GGGI và Bộ Tài chính phối hợp triển khai với sự tài trợ của Chính phủ Luxembourg, đã hoàn thiện bộ học liệu, bài giảng và hướng dẫn giảng dạy về tài chính bền vững, hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho các trường đại học về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chương trình Cao học Quản trị Bền vững Doanh nghiệp và Môi trường tiếp tục được đánh giá cao với nội dung giảng dạy gắn liền thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo thế hệ lãnh đạo có năng lực thực hiện chiến lược bền vững trong các doanh nghiệp. SFI còn không ngừng đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp và cộng đồng, qua đó khẳng định vai trò tiên phong trong việc lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng và tạo nền tảng phát triển bền vững cho các thế hệ nhân lực tương lai.

SFI tiên phong lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng

Nghiên cứu khoa học

Viện Tài chính Bền vững (SFI) đã vượt xa các chỉ tiêu nghiên cứu khoa học mà UEH giao, đạt được những thành tựu nổi bật trong năm 2024. Viện đã công bố 05 bài báo quốc tế trên tạp chí chuyên ngành có thứ hạng cao và 01 chương sách (book chapter) về các chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, liên kết chặt chẽ với các mục tiêu SDG 4, SDG 8, SDG 9, SDG 12, và SDG 13. Ngoài ra, Viện đã trình bày 03 bài báo tại hội thảo quốc tế CELG, nơi tập trung các chủ đề nghiên cứu về phương pháp tiếp cận chuyển đổi kép giữa số hóa và biến đổi khí hậu ở các quốc gia đang phát triển, cùng 01 bài trình bày tại hội thảo quốc tế do tạp chí JABES tổ chức, nơi thảo luận các vấn đề kinh tế, kinh doanh khu vực châu Á và chính sách công, tài chính công hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, đội ngũ SFI còn đóng vai trò chủ trì 5 phiên thảo luận (chairperson) tại các hội thảo quốc tế uy tín, khẳng định vị thế học thuật của Viện trên trường quốc tế.

Năm 2024, 01 đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về năng lượng tái tạo và 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững được duyệt tài trợ.

Nỗ lực trong các hoạt động NCKH hướng đến phát triển bền vững

Những thành tựu nghiên cứu này không chỉ phản ánh sự nỗ lực và chuyên môn của Viện mà còn góp phần hỗ trợ hoạch định chính sách, thúc đẩy các giải pháp tài chính và quản trị bền vững tại Việt Nam. Với chiến lược mở rộng nghiên cứu liên ngành, SFI đang từng bước khẳng định vai trò trong việc lan tỏa tri thức và kết nối cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu SDGs.

Quan hệ quốc tế, tư vấn chuyển giao

Viện Tài chính Bền vững (SFI) đã khẳng định vai trò là cầu nối tri thức và thực tiễn thông qua các dự án tư vấn và chuyển giao quốc tế tiêu biểu trong năm 2024. Nổi bật nhất là Dự án "Nature-based Solutions" (APN) với giá trị 135.000 USD, tập trung giải quyết các vấn đề khan hiếm nước và biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á. Dự án không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ mà còn mang lại những giải pháp dựa vào thiên nhiên thực tiễn tại Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, góp phần thực hiện các SDGs như SDG 6 (Nước sạch) và SDG 13 (Hành động vì khí hậu). Thông qua cách tiếp cận hợp tác, dự án tạo nền tảng chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan, từ nhà khoa học, chính quyền đến cộng đồng địa phương, đảm bảo các giải pháp được phát triển mang tính thực tiễn và bền vững. Dự án mang lại những hiểu biết sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu đối với cân bằng nước ở các thành phố được chọn thông qua các kịch bản khí hậu, với các báo cáo phân tích dữ liệu, đánh giá cấp nước và đề xuất quản lý nước bền vững.

Ngoài ra, Viện đã được lựa chọn là đại diện duy nhất tại Việt Nam hợp tác cùng Đại học York thực hiện Dự án Gender Equality Partnerships của British Council, hướng tới tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong giáo dục đại học tại Việt Nam. Dự án đánh giá các công cụ thúc đẩy quá trình tăng tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam thông qua cải thiện kỹ năng và sự tự tin lãnh đạo, đặc biệt cho nhóm phụ nữ trung niên và gần tuổi nghỉ hưu. Các chương trình đào tạo và hội thảo sẽ thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, mở rộng cơ hội cố vấn, đồng thời cung cấp khuyến nghị chính sách thực tiễn để giảm rào cản văn hóa. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Anh trong lĩnh vực bình đẳng giới và phát triển bền vững, gắn liền SDG4, SDG 5 và SDG 17.

SFI còn tham gia vào Mạng lưới Đại học Quốc tế trong Dự án viết case study cho World Resources Institute, cung cấp các tài liệu giảng dạy về tài chính bền vững và quản trị rủi ro khí hậu, đóng góp tích cực vào việc phát triển các chương trình đào tạo quốc tế. Những hoạt động tích cực này không chỉ nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu mà còn khẳng định sự nỗ lực của Viện trong việc chuyển giao tri thức, thúc đẩy sự phát triển bền vững và kết nối cộng đồng quốc tế.

Hướng tới tương lai năm 2025

Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyển giao, Viện Tài chính Bền vững đã khẳng định vai trò trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), qua đó nâng cao vị thế và mức độ tín nhiệm của xã hội đối với UEH - Đại học Đa ngành và Bền vững. Bước sang năm 2025, Viện đặt mục tiêu mở rộng tuyển sinh ở cả bậc đại học và cao học, với các chương trình giảng dạy liên kết thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, Viện tiếp tục tăng cường nghiên cứu liên ngành, tham gia các dự án quốc tế về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, và kinh tế tuần hoàn, gắn liền với các SDGs. Bằng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và lan tỏa tri thức, Viện Tài chính Bền vững cùng với các đơn vị của UEH sẽ không ngừng nâng cao uy tín học thuật, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu.

Tin, ảnh: Viện Tài chính Bền vững 

Chia sẻ