UEH tăng cường ứng dụng công nghệ vào chương trình đào tạo giai đoạn 2021 - 2022
21 tháng 07 năm 2021
Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ trong đào tạo, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường lao động và làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã và đang triển khai đề án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại UEH”. Tính đến hiện nay, đề án đã đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn 1 và đang thực hiện giai đoạn 2 với định hướng ứng dụng công nghệ vào chương trình đào tạo 2021 - 2022.
Ngày 16/7/2021, tọa đàm “Tăng cường ứng dụng công nghệ vào chương trình đào tạo 2021-2022 tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh” đã diễn ra với sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH, cùng lãnh đạo các Phòng, Khoa, Viện, Trưởng các bộ môn, Giám đốc chương trình và thành viên nhóm đề án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”.
Tọa đàm diễn ra online với sự tham gia của nhiều đại diện Khoa, Viện, Phòng, Ban
Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 1 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2
Đề án Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh” là cơ sở nghiên cứu để đề xuất thực hiện phát triển, cải tiến các chương trình đào tạo kinh tế, quản trị, kinh doanh, luật, quản lý nhà nước và ngoại ngữ hướng ứng dụng công nghệ tại UEH nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn sắp tới.
Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 1 của đề án, ThS. Thái Kim Phụng - Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin kinh doanh - đại diện nhóm đề án cho biết, trong năm 2020, UEH đã tổ chức các hội thảo và workshop liên quan đến chủ trương của đề án như: Quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam: Công nghệ, thị trường và chính sách; Tọa đàm “Dạy và học trong kỷ nguyên cách mạng 4.0 tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh"; Hệ thống thông tin trong kinh doanh và quản lý (ISBM 2020) và một số hội thảo cấp khoa.
Bên cạnh đó, các Khoa cũng đã đưa môn học liên quan vào chương trình đào tạo của mình, điển hình như môn Khoa học dữ liệu, ERP (theo chuẩn chung) được áp dụng cho tất cả các Khoa và các môn học cụ thể riêng từng Khoa. Đồng thời, một số Khoa/Viện cũng đã có kế hoạch xây dựng môn học/chương trình đào tạo liên ngành như: Khoa Ngân hàng xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ Ngân hàng với 8 môn liên quan ứng dụng công nghệ, Khoa Kế toán điều chỉnh chương trình Kiểm toán với 4 môn công nghệ dữ liệu phục vụ cho kiểm toán, Viện Du lịch định hướng xây dựng chương trình đào tạo liên ngành về ứng dụng CNTT trong du lịch.
Từ thực tiễn kết quả của giai đoạn 1, đại diện nhóm đề án nhấn mạnh, bước sang giai đoạn 2 mọi hoạt động, công việc phải được đẩy mạnh và quyết tâm hơn. Cụ thể là triển khai những nội dung, như: tổ chức các workshop và khóa học ngắn hạn từ năm 2020 - 2022; bổ sung nội dung, môn học mới theo hướng ứng dụng công nghệ; xây dựng các ngành/chuyên ngành mới theo hướng ứng dụng công nghệ; tăng cường các phần mềm mô phỏng trong giảng dạy và đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
Tăng cường xây dựng và khai thác các trung tâm mô phỏng dữ liệu để đẩy mạnh tiến độ ứng dụng công nghệ vào đào tạo
Kinh nghiệm tích hợp ứng dụng công nghệ vào chương trình giảng dạy tại các đơn vị
Đồng lòng thực hiện Đề án, các Khoa/Viện, Giám đốc chương trình, Trưởng bộ môn đã tích cực chia sẻ quá trình ứng dụng công nghệ vào chương trình giảng dạy tại đơn vị. Trong đó, có rất nhiều ý kiến và đề xuất kinh nghiệm triển khai hiệu quả.
Nhìn tổng quan về góc độ kinh tế, TS. Phạm Khánh Nam - Trưởng khoa Kinh tế UEH đã chia sẻ chương trình tích hợp kinh tế số của Khoa với 2 phần chính gồm: kỹ thuật công nghệ (dữ liệu số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo AI...) và mô hình kinh tế/kinh doanh định hình bởi công nghệ (Grab, Mai Linh...). Trong đó, ở mô hình kinh doanh gồm mô hình mới xuất hiện và sự chuyển đổi số mô hình cũ.
Từ việc hiểu những xu hướng trên, Khoa sẽ đặt ra những yêu cầu và chiến lược tích hợp cụ thể về chương trình đào tạo (chuẩn đầu ra, tích hợp công nghệ trong môn học, xây dựng môn học mới); nghiên cứu (nghiên cứu vấn đề cũ nhưng sử dụng công nghệ, nghiên cứu cho vấn đề/mô hình hoàn toàn mới); hợp tác và liên kết với chuyên gia, doanh nghiệp để nghe nhu cầu của thị trường và tìm thấy vấn đề. Dựa trên những yêu cầu này, mỗi Khoa sẽ lập được những kế hoạch hành động cụ thể.
TS. Phạm Khánh Nam chia sẻ kinh nghiệm triển khai tích hợp công nghệ nghệ số vào giảng dạy
Trong khi đó, TS. Ngô Tấn Vũ Khánh - Giám đốc Chương trình cao học IDT UEH đề xuất 02 hình thức: xây dựng một chương mới về công nghệ, kỹ thuật số trong chương trình giảng dạy, hoặc bổ sung kiến thức vào từng chương đã có sẵn trong chương trình để người học tiếp cận.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng phòng đào tạo UEH, hiện nay phải định hình, gieo suy nghĩ và hành vi cho sinh viên ý thức được rằng, công nghệ là vấn đề cấp thiết hiện nay, nếu chỉ tiếp cận theo góc độ truyền thống sẽ không còn hiệu quả nữa. Bên cạnh đó, các Khoa nên có những học phần ngoại khóa hợp tác với doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ, ký kết với doanh nghiệp để tạo cơ hội cho sinh viên có những buổi thực tế, tham quan về công nghệ liên quan đến lĩnh vực mình đang học. Đối với chương trình giảng dạy, cần thay những môn truyền thống đã không còn phù hợp với thực tiễn, đưa vào những môn học ứng dụng công nghệ. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng môi trường thực tế ảo để đào tạo nhân viên mới, hoặc lập trình những game công nghệ để nhân viên hiểu về văn hóa doanh nghiệp. Do đó, đề xuất nghiên cứu xây dựng mô đun, game công nghệ hoặc phần mềm hiệu quả cho việc thực tập của sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo đề xuất nghiên cứu xây dựng các phần mềm công nghệ để sinh viên trải nghiệm
Yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ trong giai đoạn mới
GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Hiện nay các khoa đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo với cách làm khá đa dạng, bước đầu như vậy là rất tốt. Điều quan trọng để chúng ta có thể làm hệ thống và bài bản hơn là phải có kế hoạch cụ thể, đánh giá quá trình. Chúng ta phải tịnh tiến và ứng dụng công nghệ vào đổi mới quá trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, các khoa cần làm rõ nội hàm ứng dụng công nghệ đóng vai trò như thế nào với lĩnh vực của khoa mình.”
Để thực hiện những yêu cầu trên, GS.TS Sử Đình Thành yêu cầu các khoa thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường ứng dụng công nghệ vào chương trình đào tạo 2021-2022, phối hợp các nguồn lực bên trong và bên ngoài, học hỏi kinh nghiệm của đối tác.
Đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực đổi mới, quốc tế hóa và tiên phong ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động đào tạo. Đặc biệt, đề án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong kinh tế và cải tiến, phát triển chương trình đào tạo hướng ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh” sẽ là bước ngoặt lớn của nhà trường trong sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động và kinh tế toàn cầu trong thời đại 4.0.
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ