UEH tham dự Hội thảo Digital Skill to Success tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ
14 tháng 11 năm 2024
Từ ngày 6 đến ngày 9/11/2024, Hội thảo "Digital Skill to Success" do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ đã thu hút sự tham gia của 75 chuyên gia và giáo sư đến từ 16 trường đại học ở Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Đức. Đại diện Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách và PGS.TS. Trịnh Thuỳ Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH đã tham dự và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về phát triển kỹ năng số trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
- Chung kết cuộc thi UEH Biztech Hackathon 2022 - Top 16 sẵn sàng chinh phục thử thách 28 giờ và trình bày ý tưởng trước Ban Giám khảo
- [UEH Sharing - Career Fair 2024] Chuỗi Workshop định hướng nghề nghiệp, trau dồi các kỹ năng hội nhập thực tiễn cho sinh viên (29-31/03)
- Trung tâm đào tạo Công nghệ và Thiết kế mở đầu thành công chuỗi workshop với chủ đề phân tích dữ liệu
PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách đại diện UEH nhận quà tặng từ GIZ
Các chuyên gia đã có những phiên thảo luận sâu về nhu cầu, vai trò, tiềm năng phát triển của kỹ năng số trong giáo dục, học tập, đặc biệt các ngành học không liên quan đến công nghệ trong kỷ nguyên và thế giới số ngày nay; cũng như vai trò của lĩnh vực tư trong phát triển nguồn nhân lực thời đại mới. Đây là những thách thức và cơ hội lớn ở các nước Bangladesh, Việt Nam và Ấn Độ, dẫn dắt sự phát triển trong mạng lưới khu vực. Hơn lúc nào hết, cần có sự hợp tác, hợp lực và đồng sáng tạo từ các trường đại học, các cơ quan quản lý chính phủ, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kỹ năng số, từ đó nâng cao năng lực toàn diện cho thế hệ thanh niên trẻ.
Các kinh nghiệm về xây dựng một platform để thúc đẩy chuyển giao tri thức, nâng cao năng lực cho cộng đồng cũng được chia sẻ. Với mục tiêu nâng cao năng lực số cho công dân thế hệ mới - một trong những đòi hỏi hàng đầu hiện nay đối với các công dân toàn cầu, GIZ đã triển khai các khoá học micro-credentials được cung cấp miễn phí trên nền tảng số như cầu nối hiệu quả để thúc đẩy nâng cao năng lực người học trong toàn bộ cộng đồng.
Sự phát triển nhanh chóng của thế giới và công nghệ đã khiến cho học tập, đặc biệt năng lực tự học trở thành một chìa khoá mang lại sự thành công. Vậy tương lai nào cho việc học tập trong thế giới số ngày nay? Các chuyên gia đã thảo luận về việc học tập trong các lớp học truyền thống (classroom learning) và học tập từ xa (distant learning), sự khác biệt, thách thức và tiềm năng phát triển, cũng như nhu cầu cần có các công cụ đổi mới, như khoá học vi tín chỉ (micro-credentials). Trong đó, người học luôn đóng vai trò trọng tâm. Khi các trường đại học truyền thống đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, công nghệ và phương pháp hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo thì việc học tập từ xa sẽ phụ thuộc nền tảng platform và nội dung học liệu thiết kế. Sáng kiến của GIZ trong việc đưa ra các khoá học vi tín chỉ, nhằm mục tiêu kết nối, liên thông các học phần học tập, thông qua các lộ trình gợi ý dành cho người học - đây là một cách thức hữu hiệu để thúc đẩy việc chia sẻ và nâng cao kiến thức cho cộng đồng.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số trường đại học ở Việt Nam tham dự hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sắp tới sẽ đưa khung đào tạo năng lực số để triển khai trong các trường đại học. Đây sẽ là một điều kiện rất thuận lợi cho việc thúc đẩy năng lực số trong giáo dục đại học Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn trao đổi về các chủ đề như: Cách thức xây dựng mô hình hợp tác đồng sáng tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, để có thể khai thác nguồn lực từ xã hội cho việc đào tạo nguồn nhân lực của tương lai; làm sao để phát triển năng lực số cho các sinh viên học các ngành không liên quan đến công nghệ, dựa trên chiến lược đào tạo theo định hướng ứng dụng, đổi mới trong nền kinh tế số. Các chuyên gia cũng đề xuất lộ trình học tập sáng tạo như một công cụ hữu hiệu cho việc học tập trong tương lai, trong đó những người tham gia sẽ chia sẻ, tương tác và hợp tác trong một lộ trình tích hợp.
Phiên thảo luận đặc biệt
Bàn trưng bày giới thiệu các sản phẩm và thông tin của UEH tại hội thảo
Khoá học vi tín chỉ - Micro-credentials có thể coi là một giải pháp hữu ích để thúc đẩy phát triển không chỉ năng lực số mà còn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực chuyên môn. Các chuyên gia đã dành thời gian cùng nhau chia sẻ và thảo luận chi tiết về nội dung các khoá học và lộ trình học tập cho các khoá vi tín chỉ về Digital Entrepreneuship, Data, AI. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thiết yếu cho lực lượng lao động tương lai. Với định hướng này, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tiên phong xây dựng khóa học "Digital Entrepreneurship," mở ra cơ hội học tập mới và đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng số cho người học.
Tin, ảnh: Trường CTD UEH
Chia sẻ