Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (UEH) tổ chức khóa tập huấn các phương pháp nghiên cứu hiện đại
25 tháng 12 năm 2019
Nhằm tăng cường năng lực và tạo lập mạng lưới nghiên cứu về kinh tế môi trường cho khu vực Đông Nam Á, từ ngày 09 đến ngày 17 tháng 12 năm 2019 vừa qua, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (Economy & Environment Partnership for Southeast Asia) đã tổ chức khóa tập huấn các phương pháp nghiên cứu hiện đại “Quasi-experimental and Experimental Methods for Environmental Economic Topics” (Phương pháp thí nghiệm và giả thí nghiệm trong nghiên cứu Kinh tế môi trường) cho 30 nhà nghiên cứu Kinh tế Môi trường và Tài nguyên đến từ các trường đại học ở 8 quốc gia Đông Nam Á.
- Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển tài trợ hơn 50 tỷ đồng cho Dự án hợp tác với Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á thuộc UEH
- Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á đồng hành cùng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trên hành trình gieo mầm xanh
- Hội thảo tập huấn về Kinh tế tuần hoàn khu vực phía Nam
Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á đã mang đến khóa tập huấn những chuyên gia hàng đầu về các phương pháp được huấn luyện.
GS. James Murphy đến từ Đại học Alaska - Anchorage đã chia sẻ về phương pháp thí nghiệm được ứng dụng rộng rãi trong nhiều nghiên cứu hiện đại ngày nay. Học viên tham dự khóa học được trải nghiệm các thí nghiệm thực tế, và lắng nghe giới thiệu tổng quan các phương pháp nghiên cứu liên quan dùng để giải quyết các vấn đề về kinh tế môi trường và tài nguyên. Bên cạnh đó, học viên còn tham gia thảo luận về việc thiết kế và tự mình triển khai các nghiên cứu thí nghiệm tương tự. Các chủ đề nghiên cứu thí nghiệm được đề cập bao gồm thí nghiệm về hàng hóa công, đấu giá, nguồn lực tài nguyên chung, thương lượng cũng như lựa chọn đóng góp tài trợ.
Trái ngược với thí nghiệm, dữ liệu được sử dụng trong hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm kinh tế tài nguyên và môi trường là dữ liệu quan sát. Dữ liệu quan sát không được tạo ra trong quá trình triển khai thử nghiệm có kiểm soát; vì vậy, việc hiểu mối quan hệ giữa các biến đòi hỏi các công cụ thống kê nâng cao. PGS. Corbett Grainger đến từ Đại học Wisconsin - Madison đã chia sẻ về phương pháp giả thí nghiệm, sử dụng kinh tế lượng ứng dụng để đưa ra các suy luận nhân quả dựa trên các dữ liệu quan sát này. Đồng thời, đi sâu về phân tích ứng dụng, trọng tâm các nghiên cứu gần đây, cho thấy sự phù hợp của phương pháp để phân tích tác động chính sách, vốn thường được các nhà kinh tế môi trường quan tâm.
Kết thúc khóa học, nhiều học viên đánh giá cao về nội dung và phương pháp giảng dạy. Tuy đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, nhưng phương pháp thí nghiệm và giả thí nghiệm vẫn còn khá mới lạ với nhiều nhà nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á. Khóa học này đã mang lại cơ hội cho các đề xuất dự án nghiên cứu đóng góp nhiều hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế tài nguyên và môi trường ở các quốc gia trong khu vực.
Khóa học do Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) và Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ kinh phí.
TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) phát biểu khai mạc khóa tập huấn
TS. Eren Zink, Cố vấn Nghiên cứu của Đại sứ quán Thụy Điển tại Bangkok chia sẻ về quá trình Sida đánh giá và tài trợ cho các hoạt động của EEPSEA
PGS. Corbett Grainger tập huấn về phương pháp giả thí nghiệm trong nghiên cứu Kinh tế môi trường và tài nguyên
TS. Phạm Khánh Nam giới thiệu về các quỹ tài trợ dành cho các nhà nghiên cứu Kinh tế môi trường khu vực Đông Nam Á
GS. James Murphy tập huấn về phương pháp thí nghiệm trong nghiên cứu Kinh tế môi trường và tài nguyên
Học viên chụp hình lưu niệm với PGS. Corbett Grainger và TS. Eren Zink
Học viên chụp hình lưu niệm với GS. James Murphy
Học viên chụp hình lưu niệm kết thúc khóa học
Học viên tham gia thí nghiệm, thảo luận và thiết kế nghiên cứu
Tin, ảnh: Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á,
Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.
Chia sẻ