Xách balo lên và đi: Sống xanh qua từng hành trình

23 tháng 04 năm 2025

Du lịch bền vững ngày càng phổ biến và có những tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế và bảo tồn văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đang hướng đến phát triển loại hình du lịch này để đem lại những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ cho du khách. Đặc biệt khi mùa lễ đến với nhiều dự định về những chuyến đi, chắc hẳn bạn cũng cần một vài đề xuất cho cuộc khám phá đó đây của mình. Hãy cùng Ban Chăm sóc người học (DSA) tìm hiểu loại hình du lịch đặc biệt này để có cho mình kiến thức hữu ích trong mùa du lịch nhé!

Du lịch bền vững là gì?

Theo Liên Hợp Quốc (UN), du lịch bền vững (Sustainable tourism) là loại hình du lịch xem xét đầy đủ các tác động của hoạt động du lịch đến kinh tế, xã hội và môi trường trong hiện tại và tương lai nhằm đáp ứng các nhu cầu của du khách, của ngành du lịch, môi trường và cộng đồng địa phương. Nói cách khác, loại hình du lịch này kết hợp giữa trải nghiệm khám phá và trách nhiệm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của du khách để phát triển du lịch mà không gây tổn hại đến thiên nhiên và đời sống cộng đồng địa phương. Các hoạt động du lịch bền vững quản lý các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, giảm thiểu tối đa các chi phí và tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời tối đa hóa lợi ích cho các bên liên quan.

Du lịch bền vững – phương thức du lịch kiểu mới (Nguồn: Internet)

Tầm quan trọng của du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay

Mối quan hệ giữa du lịch bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững  (Nguồn: Turismo Sustentável)

Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong các hoạt động du lịch truyền thống, du khách thường tiêu thụ một lượng lớn bao bì, cũng như đồ nhựa dùng một lần. Những rác thải này có thể mất gần 1.000 năm để phân hủy. Bên cạnh đó, sự tích tụ đồ nhựa trong môi trường biển, đất liền đã và đang gây ô nhiễm môi trường sống của các sinh vật, thậm chí có thể dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học. Chẳng hạn như những lớp nhựa phủ lên các rạn san hô đã ngăn cản chúng nhận đủ ánh sáng và oxy, từ đó gây ra cái chết của san hô và các sinh vật sống dựa vào chúng. Nếu thực hành du lịch bền vững, du khách sẽ được khuyến khích mang theo đồ dùng cá nhân như chai nước, túi vải để chủ động chứa các vật phẩm thiết yếu khi đi tham quan, hạn chế đồ dùng nhựa một lần. Những ảnh hưởng không tốt cũng vì thế được giảm đi đáng kể. 

Bên cạnh đó, du lịch bền vững tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, xe đạp và đi bộ trong những đợt di chuyển của du khách. Các cơ sở lưu trú cũng như địa điểm nghỉ lại cho khách du lịch thường sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để vận hành. Một ví dụ đặc trưng của loại hình kiến trúc này là nhà hàng bền vững Azurmendi ở Tây Ban Nha. Nhà hàng này sử dụng năng lượng mặt trời, địa nhiệt và nước mưa tái sử dụng để cung cấp dịch vụ đi lại và đáp ứng những nhu cầu liên quan đến điện năng của khách. Ngoài ra, nhân viên của nhà hàng sẽ đến tận trang trại để chọn lọc và lấy vừa đủ nguyên liệu nấu ăn để dùng trong một ngày nhằm tránh lãng phí. Các nỗ lực như vậy đã làm giảm bớt lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, giúp chúng ta giảm thiểu mức độ biến đổi khí hậu.

Khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất cao do biến đổi khí hậu, du lịch bền vững là giải pháp du lịch thích ứng cao với bối cảnh này. Nhiều mô hình ứng dụng du lịch bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, không sử dụng hoá chất độc hại như Nông trang xanh (Củ Chi), Suối Tiên farm (TP. Thủ Đức) đã tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển song song với tác động của biến đổi khí hậu.

Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa

Trong danh sách hoạt động của một chuyến du lịch bền vững, những chuyến ghé thăm công viên quốc gia, khu bảo tồn di sản xuất hiện thường xuyên. Trải nghiệm khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, thế giới hoang dã và hành trình tìm hiểu văn hóa, văn hiến sẽ giúp khách du lịch nâng cao nhận thức bảo vệ cảnh quan tự nhiên cũng như các khu di tích. Ngoài ra, các hoạt động du lịch được lồng ghép vào cuộc sống của cộng đồng dân cư, ngăn ngừa sự thất truyền của các ngành nghề truyền thống. Khoản phí vào cổng được thu từ du khách sẽ góp phần quan trọng vào các nỗ lực bảo tồn, gìn giữ nét đẹp của những địa điểm, ngành nghề truyền thống. 

Các nguyên tắc cơ bản phát triển du lịch bền vững (Môi trường, Kinh tế, Xã hội)

Môi trường 

Bảo vệ môi trường tự nhiên là yếu tố then chốt của du lịch bền vững. Du lịch bền vững đặt mục tiêu quản lý đa dạng tài nguyên tự nhiên và sinh thái theo hướng bền vững. Điều này bao gồm việc phục hồi các khu vực tài nguyên bị xâm hại và xác định rõ các hình thức tham quan phù hợp với môi trường. Mục tiêu là bảo vệ và bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, đặc biệt là các khu phòng hộ. Các SDGs liên quan đến nguyên tắc này như SDG 6, 12, 13, 14, 15. Theo đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên cần được cân nhắc hợp lý, giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên, gây ảnh hưởng xấu đến các thành phần của môi trường Trong suốt quá trình triển khai chuỗi hoạt động của một chuyến du lịch bền vững, những phương pháp có tác động tối thiểu đến môi trường tự nhiên luôn được ưu tiên. Mọi tác động đến môi trường đều được giám sát nhằm đảm bảo duy trì tính ổn định của các nhân tố bị tác động, để bảo tồn môi trường tự nhiên và sự đa dạng sinh học. 

Kinh tế

Phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế địa phương và góp phần cải thiện nền kinh tế quốc gia.  Du lịch bền vững cần tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh như bán hàng thủ công và nông sản địa phương, cho thuê nhà ở…. Nhờ vậy, tạo ra cơ hội việc làm từ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng, đến các ngành nghề thủ công truyền thống để cải thiện thu nhập cho cộng đồng. 

Xã hội

Để phát triển du lịch bền vững, việc thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định là vô cùng quan trọng. Quá trình hiện thực hóa các sáng kiến trong hoạt động du lịch bền vững cần gắn liền với cộng đồng xã hội, xem trọng đề xuất của họ. Bên cạnh đó, những tác động xã hội nên được đánh giá để giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối đa hóa yếu tố tích cực. Du lịch bền vững gắn liền với tôn trọng văn hóa bản địa, bảo tồn và phát huy tính đa dạng về văn hóa và xã hội. Thông qua ảnh hưởng tích cực đến thu nhập và nhận thức người dân, du lịch bền vững góp phần vào sự phát triển toàn diện của cộng đồng. 

Các cách thực hiện du lịch bền vững

Lựa chọn đơn vị thực hiện du lịch bền vững

Để có những chuyến đi thực sự bền vững thì du khách có thể ưu tiên các đơn vị áp dụng tiêu chuẩn bền vững trong cung ứng dịch vụ du lịch. Chẳng hạn như công ty dẫn tour du lịch có chứng nhận về tổ chức hoạt động du lịch bền vững, công khai và minh bạch danh sách hoạt động, có quy định cho người tham quan trong suốt hành trình. Khi đưa hành khách trải nghiệm văn hóa địa phương hoặc một địa danh, đơn vị luôn thể hiện sự tôn trọng văn hóa, phong tục ở đó.

Ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Để góp phần vào du lịch bền vững, hãy ưu tiên lựa chọn đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo khi di chuyển. Với những chuyến đi trong nước và đường đi bằng phẳng, bạn có thể ưu tiên sử dụng xe điện, tàu lửa, xe buýt thay vì lựa chọn các chuyến bay nội địa. Bởi máy bay tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến phát thải một lượng khổng lồ khí CO2 và các khí nhà kính khác. Ngay cả những chuyến bay ngắn và trung bình cũng có thể tạo ra từ 0,2 đến 1,5 tấn khí thải. Việc ta đổi thói quen đi lại không những giúp giảm lượng khí thải ra môi trường, mà những hành trình chậm rãi còn tạo điều kiện để bạn tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của từng địa điểm, và cảm nhận sự độc đáo, thú vị của loại hình du lịch này.

Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần 

Một mẹo vặt cho những du khách muốn hành trình của mình trở nên bền vững hơn, đó là mang theo đồ dùng cá nhân như bình nước, túi vải để chủ động đựng đồ cá nhân của mình. Nếu không trang bị các đồ dùng này, du khách sẽ phải mua đồ nhựa dùng một lần, dẫn đến lượng lớn rác thải nhựa thải ra môi trường.

Những điểm đến lý tưởng cho du lịch bền vững

Các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, những làng du lịch cộng đồng, nơi phát triển du lịch cùng với bảo vệ di sản văn hóa là các điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch bền vững mà bạn có thể xem xét.

Một số địa điểm du lịch bền vững nổi tiếng như Hà Giang, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên). Mỗi điểm đến sở hữu nét đặc sắc riêng. Những dãy núi đá vôi hùng vĩ, đường đèo dốc quanh co, bản làng mờ ảo trong sớm với văn hoá đậm đà bản sắc chất miền Đông Bắc Việt Nam của Hà Giang ắt hẳn là lựa chọn hàng đầu của du khách yêu thích sống xanh. Những ai đam mê hoạt động đạp xe khám phá, trải nghiệm phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường thì nên xem xét Đà Nẵng – thành phố ven biển với các cung đường thoáng đãng, rợp bóng cây xanh. Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu làng nghề truyền thống, chế tác đồ thủ công, khám phá vẻ đẹp của phố cổ, bạn có thể lựa chọn Hội An. Hoặc bạn muốn tìm hiểu phương pháp nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm du lịch cộng đồng hướng tới truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, Sông Cầu (Phú Yên) hoặc Quy Nhơn (Bình Định) là nơi dừng chân lý thú.

Nhìn chung, du lịch bền vững đang phát triển mạnh mẽ, trở thành giải pháp cho ngành du lịch thế giới thích ứng với biến đổi khí hậu. Du lịch bền vững không chỉ cho thấy tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tích cực đến môi trường, nâng cao nhận thức cho dù khách về trách nhiệm của bản thân với hành tinh và cộng đồng trong những chuyến đi của mình. Tại Việt Nam, loại hình du lịch này đang được đẩy mạnh và hứa hẹn những thành tựu lớn về kinh tế, môi trường và xã hội. Nếu bạn đang có dự định du lịch, hãy xuất phát bằng hành trình xanh, trải nghiệm du lịch bền vững để từ hành động nhỏ tạo tác động lớn. Bắt đầu thay đổi cách đi du lịch để không chỉ “đi xa” mà còn “gần gũi” hơn với thiên nhiên và văn hóa. 

Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

Sustainable development. (n.d.). UN Tourism.

https://www.unwto.org/sustainable-development#:~:text=%22Tourism%20that%20takes%20full%20account,the%20environment%20and%20host%20communities%22

ThS. Mai Anh Vũ. (2020, March 31). Mục tiêu cơ bản và các nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch. Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch. Cục Du Lịch Quốc Gia Việt Nam. https://vietnamtourism.gov.vn/post/31856

Bình Phước : Cổng thông tin điện tử. (2024, November 1). Ảnh hưởng rác thải nhựa đối với sinh vật biển. Bình Phước : Cổng Thông Tin Điện Tử. https://binhphuoc.gov.vn/vi/stttt/tuyen-truyen-ve-phong-chong-rac-thai-nhua/anh-huong-rac-thai-nhua-doi-voi-sinh-vat-bien-2201.

Loan N. (2024, January 26). Một số rác thải nhựa cần 1.000 năm để phân huỷ. Báo Điện Tử VTC News. https://vtcnews.vn/mot-so-rac-thai-nhua-can-1-000-nam-de-phan-huy-ar849739.html

Sự B. T. (2018, May 27). Azurmendi – Nhà hàng thân thiện môi trường. BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/doi-song/azurmendi-nha-hang-than-thien-moi-truong-20180527174229831.html

Chia sẻ