An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững: Từ chính sách đến thực tiễn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

14 tháng 01 năm 2025

Năm 2024, Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI) đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc cung cấp tri thức và giải pháp thực tiễn về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Loạt nghiên cứu được công bố không chỉ tập trung vào các thách thức hiện hữu như biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và sinh kế nông dân, mà còn đề xuất các lộ trình ứng phó gắn liền với bối cảnh địa phương, qua đó đóng góp đáng kể vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Mâu thuẫn giữa chính sách và sinh kế tại ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng trọng điểm lúa gạo và thủy sản của Việt Nam – đang đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước và quản lý sinh thái. Nghiên cứu “Những hướng phát triển nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam: Quan điểm về quản lý thích ứng” do nhóm nghiên cứu HAPRI gồm TS. Trần Anh Thông, TS. Trần Đức Dũng và ThS. Võ Văn Ốc thực hiện, chỉ ra rằng các chính sách hiện tại ưu tiên nước ngọt cho sản xuất lúa gạo đã dẫn đến suy thoái đất, khan hiếm nước mùa khô và xung đột với nhu cầu nước lợ cho nuôi trồng thủy sản. Để giải quyết vấn đề này, nghiên cứu đề xuất áp dụng các chiến lược quản lý nước thích ứng, kết hợp sử dụng nước ngọt và nước lợ. Các mô hình nông nghiệp bền vững và bảo vệ sinh kế nông dân cần được hỗ trợ bởi sự hợp tác liên tỉnh, quản lý chất lượng nước, và chuyển đổi cây trồng thích ứng với khí hậu. Những giải pháp này không chỉ giúp duy trì sản xuất ổn định mà còn đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững như an ninh lương thực, nước sạch, và bảo tồn hệ sinh thái.

Cụ thể hơn, nghiên cứu “Khi chính sách nước làm chệch hướng kỳ vọng sinh kế: Sự chủ động của nông dân trong chính trị thường nhật tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam” của TS. Trần Anh Thông đã làm sáng tỏ sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu phát triển hạ tầng thủy lợi với nhu cầu sinh kế của nông dân. Các chính sách ưu tiên nước ngọt cho sản xuất lúa gạo đã làm tổn thương sinh kế dựa vào hệ sinh thái nước lợ hoặc mặn, dẫn đến mất mát đáng kể trong nuôi trồng thủy sản và làm suy giảm khả năng chống chịu của cộng đồng trước những biến động khí hậu. Những nông dân phụ thuộc vào hệ sinh thái nước lợ hoặc mặn để nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với mất mát sinh kế nghiêm trọng, trong khi tiếng nói của họ lại không được đưa vào quá trình hoạch định chính sách. Đề xuất quản trị đa bên, với sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan, đã được xem như một giải pháp thiết yếu nhằm đạt được sự cân bằng giữa phát triển hạ tầng và bảo vệ sinh kế bền vững.

Cống chính Ba Lai (a) và nghề nuôi tôm ẩn mình trong vùng nước ngọt xã Thạnh Trị (b). Nguồn: Trần Anh Thông

Đồng thời, trong bài báo “Hạn mặn ở ĐBSCL: Đâu là giải pháp căn cơ?”, TS. Trần Đức Dũng nhấn mạnh rằng tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại ĐBSCL do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Niño, và các đập thủy điện thượng nguồn không thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp thủy lợi truyền thống. Các chiến lược bền vững như phát triển rừng ngập mặn, xây dựng hồ chứa nước ngọt, và chuyển đổi sang cây trồng chịu mặn được xem là những giải pháp dài hạn để cân bằng giữa sản xuất và bảo vệ tài nguyên. Những đề xuất này đồng thời kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhằm tối ưu hóa quản lý nguồn nước và duy trì sinh kế.

Một người đàn ông cầm theo một chiếc xô nhựa đi ngang qua một ao nước đã khô cạn ở tỉnh Bến Tre vào tháng 3 năm 2024. Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images.

Trong mùa xâm nhập mặn, người dân ở nhiều khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long thậm chí phải mua nước ngọt để sử dụng hàng ngày. Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images.

Biến đổi khí hậu: Thách thức xuyên quốc gia và chuỗi tác động toàn cầu

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những vấn đề cục bộ tại ĐBSCL mà còn thay đổi chu trình thủy học toàn cầu, như trong nghiên cứu “Tác động thủy văn nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu: giải quyết nhu cầu cấp bách toàn cầu” của TS. Trần Anh Thông. Hiện tượng băng tan ở Himalaya và sự suy giảm nguồn nước ngọt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, đặc biệt tại các vùng đồng bằng phụ thuộc vào hệ thống sông lớn. Các giải pháp tái sử dụng nước, cải thiện hiệu suất tưới tiêu, và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên như bảo tồn đất và rừng được đánh giá là chìa khóa để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi hệ thống khuyến nông: Tăng cường năng lực cho nông dân

Để ứng phó với những thách thức phức tạp này, hệ thống khuyến nông hiện tại cần phải thay đổi mạnh mẽ. Nghiên cứu “Khuyến nông ứng phó thế nào với những thay đổi lớn trong nông nghiệp ở Đông Nam Á lục địa: Góc nhìn từ chuyên gia” của TS. Trần Anh Thông nhấn mạnh sự chuyển đổi nông nghiệp đang diễn ra ở các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong như Lào, Campuchia và Việt Nam, nơi các yếu tố nội tại và ngoại cảnh đang định hình lại hệ thống nông nghiệp và sinh kế nông thôn. Qua đó, cho thấy cần thiết phải có cách tiếp cận đa diện, nơi nông dân, các tổ chức phi chính phủ, và khu vực tư nhân cùng tham gia vào các nền tảng học tập để phát triển các giải pháp bền vững.

Cùng với đó, trong nghiên cứu “Sự thay đổi nông nghiệp trong lịch sử và mối liên hệ của nó với khuyến nông hiện đại ở Tây Bắc Campuchia”, TS. Trần Anh Thông đã phân tích cách quyền lực và lịch sử đất đai ảnh hưởng đến các chương trình khuyến nông tại khu vực này. Các chương trình hiện tại, tập trung vào năng suất và thương mại hóa, đã không đáp ứng được nhu cầu của nông dân nhỏ lẻ do bỏ qua bối cảnh địa phương và duy trì mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng. Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các chương trình khuyến nông dựa trên bối cảnh thực tế, giảm bất bình đẳng, và trao quyền cho nông dân, nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực bền vững.

Đặc biệt, nghiên cứu “Thách thức và cơ hội của nông dân quy mô nhỏ: Đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững” đã nêu bật những áp lực mà nông dân tại Tây Bắc Campuchia đang đối mặt, từ chi phí sản xuất tăng cao đến rủi ro thị trường. Các chiến lược như đa dạng hóa cây trồng, cải thiện hệ thống tưới tiêu và áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững đã giúp giảm bớt rủi ro, nhưng vẫn cần được hỗ trợ bởi các chính sách dài hạn về đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm sự phụ thuộc vào hóa chất nông nghiệp, bảo tồn tài nguyên đất và nước, cũng như cải thiện năng lực thích ứng cho nông dân, nhằm bảo vệ sinh kế và phát triển nông nghiệp bền vững trước những thách thức ngày càng gia tăng.

FDI và bảo vệ tài nguyên

Trong khi đó, nghiên cứu “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đất lâm nghiệp: Điều tra chuyên ngành” của TS. Nguyễn Phúc Cảnh đã cung cấp bằng chứng quan trọng về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong phát triển nông nghiệp. FDI vào các ngành nông nghiệp và khai khoáng, dù mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn, đã làm suy thoái đất và mất diện tích rừng. Ngược lại, FDI từ các ngành dịch vụ như tài chính và truyền thông đã cải thiện diện tích rừng nhờ ứng dụng công nghệ sạch, qua đó giảm áp lực lên tài nguyên đất. Điều này nhấn mạnh rằng chỉ có các chính sách kiểm soát chặt chẽ và khuyến khích FDI bền vững mới có thể đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường.

Cập nhật từ Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”, Xây dựng năng lực nghiên cứu giúp giảm thất thoát thực phẩm ở lưu vực sông Mê Kông

Một trong các mục tiêu chính của dự án là tăng cường khả năng nghiên cứu về thất thoát thực phẩm cho các nhà nghiên cứu của 3 nước tham gia dự án là Việt Nam, Lào và Campuchia. Bản cập nhật năm 2024 đã nhấn mạnh các thách thức lớn (sự thất thoát trong chuỗi cung ứng cá da trơn tại lưu vực sông Mê Kông) trong từng giai đoạn của chuỗi giá trị, bao gồm nuôi giống, thu hoạch, vận chuyển và chế biến.

Không chỉ tập trung vào nghiên cứu thực địa, dự án còn đặt trọng tâm vào việc xây dựng năng lực cho các nhà nghiên cứu trong khu vực. Thông qua các chương trình đào tạo và ứng dụng công cụ dự báo (foresighting), dự án đã giúp nâng cao khả năng phân tích chuỗi cung ứng, phát triển các giải pháp bền vững và dài hạn phù hợp với bối cảnh địa phương.

Tác động của dự án không chỉ dừng lại ở việc giảm thất thoát thực phẩm mà còn tạo ra các giá trị lớn hơn: cải thiện sinh kế cho người dân trong ngành cá da trơn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tăng cường an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Dự án “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá da trơn (cá tra) ở lưu vực sông Mekong”

Tổng hợp và định hướng tương lai

Những nghiên cứu trên không chỉ làm rõ các thách thức trong việc quản lý tài nguyên và sinh kế nông dân, mà còn đề xuất các giải pháp thực tiễn mang tính liên ngành và liên quốc gia. Từ các sáng kiến quản lý nước tại ĐBSCL đến cải cách hệ thống khuyến nông và kiểm soát FDI, các khuyến nghị đều hướng tới một mục tiêu chung: đảm bảo sinh kế bền vững, bảo vệ tài nguyên và đạt được an ninh lương thực.

Sự thành công của các giải pháp này đòi hỏi một sự thay đổi triệt để trong cách tiếp cận chính sách và tăng cường hợp tác đa ngành, không chỉ ở cấp quốc gia mà còn trên bình diện khu vực và toàn cầu. Việt Nam có thể sử dụng những bài học từ ĐBSCL để không chỉ đối phó với các thách thức hiện tại, mà còn định hình một tương lai bền vững hơn, hòa hợp hơn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tin, ảnh: Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe
 

Chia sẻ