CELG Seminar lần 3: “Refining the Right to Information in Vietnamese Consumer Law: Insights from Australia”

25 tháng 07 năm 2022

Sáng ngày 14/7/2022, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) tiếp tục tổ chức CELG Seminar lần 3 tại hội trường B1.1001 với chủ đề “Refining the Right to Information in Vietnamese Consumer Law: Insights from Australia”.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt

Chương trình có sự tham dự của TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng CELG, PGS.TS. Võ Tất Thắng - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI), TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật. Cùng các Thầy/Cô là giảng viên của CELG và nghiên cứu sinh hiện đang theo học các chương trình tiến sĩ tại trường.

TS. Lữ Lâm Uyên - Giảng viên Khoa Luật UEH đã mang đến buổi seminar lần 3 một chủ đề nghiên cứu hấp dẫn “Refining the Right to Information in Vietnamese Consumer Law: Insights from Australia” về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đặt trong góc nhìn so sánh với pháp luật bảo vệ người tiêu dùng quốc tế. 

TS. Lữ Lâm Uyên đang trình bày bài nghiên cứu

Bài nghiên cứu phân tích quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở Học thuyết Chủ quyền người tiêu dùng. Quyền của người tiêu dùng gồm quyền được an toàn, quyền thông tin, quyền tự do lựa chọn, quyền tham gia góp ý, xây dựng; quyền khiếu nại, tố cáo và quyền được tư vấn, hỗ trợ. Trong đó, quyền thông tin của người tiêu dùng được hiểu là cách người tiêu dùng được cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ để có sự lựa chọn tối ưu trong trải nghiệm mua sắm. Quyền thông tin nhìn nhận dưới góc độ 03 quyền cơ bản là quyền được thông tin, quyền tiếp cận thông tin và quyền được bảo vệ chống lại hành vi vi phạm quyền thông tin. Các quyền thông tin của người tiêu dùng xây dựng để khắc phục tình trạng thông tin bất đối xứng (Information asymmetry và Information imperfection) giữa người tiêu dùng và người cung ứng sản phẩm, dịch vụ do đặc điểm hành vi người tiêu dùng và những đặc tính khác của thị trường.

Học thuyết về bảo vệ người tiêu dùng phát triển qua từng giai đoạn với các cách tiếp cận ngày một hoàn thiện hơn. Giai đoạn đầu, luật bảo vệ người tiêu dùng bao gồm những quy định mang tính bắt buộc, tách biệt giữa luật và kinh tế. Ở giai đoạn thứ hai, quyền lợi người tiêu dùng tiếp cận dựa trên phân tích cân bằng. Người tiêu dùng trở thành nhân tố thị trường, tác động tích cực đến thể chế cạnh tranh lành mạnh. Đến giai đoạn thứ ba, cách tiếp cận quyền người tiêu dùng dựa trên tiêu chuẩn cơ hội, hướng đến đề cao phúc lợi người tiêu dùng, thúc đẩy tối đa hóa các lựa chọn cho người dùng, tiến tới khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hệ thống pháp luật hướng tới xây dựng hình ảnh người tiêu dùng tự tin, có quyền lựa chọn, cơ hội lựa chọn, tự do lựa chọn.

Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng để duy trì quyền được thông tin của người tiêu dùng, các quy định cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn thực hiện một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phúc lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích công bằng trong kinh doanh và thương mại. Mặc dù Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng vào năm 2010, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực này còn hạn chế về quy mô và phương thức áp dụng.

Bằng cách so sánh các quy định cấm hành vi gây hiểu lầm hoặc lừa dối trong Luật Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam và Luật Người tiêu dùng Úc, bài viết này xác định những điểm tương đồng và khác biệt nhất định giữa hai hệ thống pháp luật, từ đó làm rõ những thiếu sót có thể dẫn đến sự bất cập và kém hiệu quả và cung cấp nền tảng cho sửa đổi và hoàn thiện luật ở Việt Nam.

Chủ đề nghiên cứu hướng tới trao đổi nghiên cứu đa ngành và liên ngành, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp trong thời gian tới. Chủ đề nghiên cứu của TS. Lữ Lâm Uyên thu hút sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự với những trao đổi xung quanh tác động của kinh tế học hành vi đến tác động đến quyền thông tin và bảo vệ người tiêu dùng. Hoạt động thảo luận gợi mở nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần được phân tích và nghiên cứu trong tương lai.

Quý thầy, cô và nghiên cứu sinh tham dự hội thảo

Với tinh thần trao đổi học thuật tích cực, buổi sinh hoạt CELG Seminar lần 3 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Dự kiến buổi sinh hoạt tiếp theo trong chuỗi sinh hoạt khoa học định kỳ CELG Seminar sẽ diễn ra trong tháng 07/2022. Rất mong nhận được sự quan tâm tham gia từ quý nhà nghiên cứu.

Tin, ảnh: Phòng Tổng hợp CELG

 

Chia sẻ