Hội thảo "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học"
27 tháng 12 năm 2017
Sáng ngày 25/12/2017, tại Phòng A.103 của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội phối hợp với trường đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học”. Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học (phía Nam) về hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học, nhất là tự chủ tài chính nhằm bổ sung cơ sở lý luận và thực tiển để thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học trinh Quốc hội vào năm 2018.
- Hội thảo thường niên của Hiệp hội Kinh tế-Luật Châu Á (Asian Law and Economics Association - AsLEA)
- Hội thảo "Pacific INFINITI Conference on International Finance" lần đầu tiên có mặt tại Châu Á
- UEH là thành viên của Ban Điều hành và Ban Tư vấn Cao cấp của Hiệp hội Swiss-ASEAN Learning and Teaching (SALT)
Sáng ngày 25/12/2017, tại Phòng A.103 của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội phối hợp với UEH đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học”. Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở giáo dục đại học (phía Nam) về hoàn thiện chính sách, pháp luật tự chủ đại học, nhất là tự chủ tài chính nhằm bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn để thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học trình Quốc hội vào năm 2018.
Tham dự Hội thảo, về phía Quốc hội, có sự hiện diện của đ/c Phan Thanh Bình - Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ; đ/c Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ; đ/c Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ; đ/c Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ; cùng các đồng chí uỷ viên Thường trực Ủy ban, các đại biểu quốc hội là thành viên của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật; Lãnh đạo Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phía Nam. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đ/c Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng; Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và đại diện các Vụ, Cục. Về phía UEH có GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng; TS. Trần Thế Hoàng - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Định - Chủ tịch Hội đồng tư vấn; PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó Hiệu trưởng. Hội thảo còn có sự tham gia của GS. Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; các nhà khoa học, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo các trường Đại học phía Nam.
Tại Hội thảo, đại diện nhiều trường cho biết những bất cập về quyền tự chủ trong việc tổ chức nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định, nâng cao chất lượng đội ngũ, cũng như chương trình đào tạo. Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục Đại học mới cần tạo môi trường pháp lý rộng mở để các trường đại học tự chủ hiệu quả hơn.
"Nếu muốn tự chủ tốt phải có nguồn lực từ xã hội, không chỉ là nguồn thu học phí. Nếu chỉ dựa vào học phí thì không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước khác, nguồn thu từ học phí chỉ chiếm 30-40% tổng thu của nhà trường). Tuy nhiên, Luật giáo dục đại học chưa có điều khoản nào rõ ràng để các trường có hành lang pháp lý huy động nguồn vốn từ bên ngoài hiệu quả nhất. Đây là rào cản rất lớn nếu các trường tự chủ bị cắt 100% ngân sách. Về vấn đề nhân sự, bước đầu nhà trường thu hút nhân sự từ nước ngoài, nhưng lại bị ràng buộc nhiều bởi các quy định ký hợp đồng lao động, thuế đối với sử dụng người lao động nước ngoài còn vài điều chưa hợp lý...Chúng tôi rất muốn được cụ thể hóa hơn, rõ ràng hơn để các trường tự chủ khi thực thi nhiệm vụ của mình không bị một câu “những điều này luật chưa quy định" hoặc vượt luật”, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu.
GS.TS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh công tác nhân sự và tự chủ về tài chính là hai nút thắt quan trọng nhất cần giải quyết. Nếu chưa giải quyết được hai nút thắt này thì tất cả những vấn đề về tự chủ đại học đều không có ý nghĩa.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác được đưa ra trao đổi. TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cũng đề xuất cần phân loại tự chủ: "Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích các trường công tự chủ. Tuy nhiên, trong 10 năm tới không thể tất cả các trường đại học tự chủ hoàn toàn. Cần phải có những trường đặc thù được hưởng ngân sách nhà nước và có những trường chỉ được hưởng một phần ngân sách, nên cần phân loại tự chủ.”
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra thực trạng: “Tự chủ hiện nay rất nửa vời, cái thành công nhất của tự chủ đại học hiện nay là tự chủ về mặt học thuật còn những vấn đề khác thì đang rất chồng chéo”. Trước thực tế này, ông Dũng đề xuất phải nhanh chóng xóa bỏ bộ chủ quản bởi người quản thì làm việc theo tư duy muốn quản, còn người lao động thì làm việc theo kiểu tư duy còn “bao cấp”, nên không hiệu quả.
Bàn về vấn đề học phí, GS. Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM đóng góp ý kiến: “Nên bổ sung vào luật từng bước tăng suất đầu tư cho sinh viên mỗi năm. Hiện tại, mức đầu tư này ở Việt Nam quá thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/ năm (trong khi ở Mỹ 22.000 USD, Đài Loan 7.000 USD), nên tăng mức đầu tư này lên khoảng 2.100 USD/ sinh viên/ năm. Vì vậy, cần phải tăng trách nhiệm của người học Đại học. Cụ thể là tăng học phí khoảng 2,5 lần so với hiện nay. Khi đó, cần phát triển các quỹ cho sinh viên vay vốn để đảm bảo công bằng xã hội vì hiện việc cho sinh viên vay từ ngân sách quy mô quá nhỏ và chỉ đủ trả học phí. Nhà nước nên nhiều quỹ cho vay, thậm chí nhà nước có thể đi vay quốc tế để lập quỹ này. Điều này còn tăng trách nhiệm với sinh viên thay vì gia đình như hiện nay.”
Với ý kiến nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Trưởng khoa Luật UEH bày tỏ: “Mục đích của sửa đổi luật giáo dục đại học để làm gì? Nếu sửa luật để phổ cập đại học thì không cần thiết vì theo cơ chế thị trường, vài năm nữa là toàn bộ người dân được phổ cập đại học, còn nếu sửa luật cho đúng thì phải bắt được bệnh chỗ nào rồi mới sửa”.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ Hội thảo, đ/c Phan Thanh Bình khẳng định, tài chính và nhân sự là hai vấn đề quan trọng trong tự chủ đại học.“Vì sao đại học phải có tự chủ? Đây là vấn đề được đặt ra. Vì nơi đây mật độ các nhà tri thức rất lớn, hãy để họ tư duy để tạo ra năng lượng cho xã hội. Muốn được như vậy phải tạo môi trường thoải mái, đấy là cái gốc của vấn đề tự chủ. Sự thăng hoa của tư duy trí tuệ ở đại học cực kỳ quan trọng, nằm trong khuôn viên của trường đại học. Còn khi bước ra ngoài, đại học phải tuân theo luật pháp của Nhà nước. Do đó, cái gốc của vấn đề tự chủ nó nằm ở chỗ thăng hoa cuối cùng của mỗi thầy cô giáo, sinh viên trong trường đại học đó. Hai vấn đề tự chủ mà ta nhấn nhiều nhất là tài chính và nhân sự.”
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu
Đ/c Phan Thanh Bình phát biểu khai mạc
GS.TS. Nguyễn Đông Phong phát biểu
PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt nêu ra những kết quả đạt được của UEH và một số vướng mắc sau một năm thực hiện thí điểm tự chủ tại UEH
GS.TS. Mai Hồng Quỳ phát biểu tại Hội thảo
Đ/c Nguyễn Văn Phúc báo cáo về việc hoàn thiện quy định pháp luật về tự chủ đại học, tài chính đại học
Chủ tọa Hội thảo
Quý đại biểu trao đổi tại Hội thảo
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Tin, Ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng, Phòng Công tác chính trị.
Chia sẻ