Hội thảo khoa học quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - Lần 2”
13 tháng 06 năm 2022
Môi trường kinh tế - tài chính toàn cầu hiện đang đối mặt với nhiều bất định, liên tục các tác động chồng lấn lên nhau từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, đến cuộc xung đột Nga - Ukraine… đã đưa đến những đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sự gia tăng trong lạm phát toàn cầu. Trước những bất định trên, nhằm tìm kiếm những chính sách phát triển cho Việt Nam, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Báo Sài Gòn Giải Phóng Đầu tư Tài chính tổ chức hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - Lần 2” vào sáng ngày 10/06/2021 tại Cơ sở B (279 Nguyễn Tri Phương, Phường 5, Quận 10, TP.HCM).
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã phần nào được kiểm soát, tuy nhiên các hệ lụy của nó cùng với các rủi ro mới đang cản trở sự phục hồi của các hoạt động kinh tế toàn cầu. Covid-19 đã đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao nhất trong nửa thế kỷ, làm gia tăng nghèo đói, bất bình đẳng về thu nhập, khả năng tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, thất nghiệp.
Trên toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn, lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Sự gia tăng trong lạm phát buộc các chính phủ phải thực thi các biện pháp thắt chặt tiền tệ, trước khi nền kinh tế thực sự phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát lại gây ra một nỗi lo khác, thậm chí còn lớn hơn - đó là nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế. Các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho hai năm tới đang trở nên kém lạc quan.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, đi kèm với các trừng phạt áp đặt từ các bên đã và đang làm trầm trọng sự gián đoạn của chuỗi cung ứng vốn đang còn yếu ớt, đẩy giá nhiều hàng hóa chiến lược tăng cao, trong đó điển hình là giá dầu mỏ và năng lượng, và tiếp đến có thể là giá lương thực, xúc tác thêm cho áp lực lạm phát, đồng thời tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu.
Cục diện địa chính trị toàn cầu đang có nhiều thay đổi, sự tái định hình vị thế của các khu vực. Châu Á ngày càng nổi lên như nhân tố chủ chốt định hình mạng lưới tài chính toàn cầu, khi mà các trung tâm tài chính tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh… dường như đang mất dần vị thế sau cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008, Brexit, và các áp đặt trừng phạt lên tài sản đầu tư và hệ thống thanh toán kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Song song đó, trong bối cảnh thế giới tài chính số đang là xu hướng không thể cưỡng lại, các thách thức để các quốc gia mới nổi châu Á có được vị thế trên bản đồ tài chính quốc tế là không hề nhỏ. Đi kèm là sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia lớn ngày càng gay gắt để tranh dành vị trí dẫn dắt. Vị thế của Hoa kỳ và vai trò tiền tệ quốc tế của đồng đô la có thể bị suy giảm? Khả năng vươn lên để trở thành quốc gia dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu và đưa Nhân dân tệ trở thành tiền tệ quốc tế? Cùng nhiều vấn đề đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách trước những thay đổi cục diện toàn cầu.
Như vậy, nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất định. Các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, cần phải có những chiến lược gì để thích ứng và nâng cao lợi thế cạnh tranh trước một loạt các bất định đề cập ở trên là vấn đề lớn đang đặt ra cho các nhà làm chính sách, các học giả, và các doanh nghiệp.
Trước bối cảnh trên, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư Tài chính đã phối hợp đồng tổ chức hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - Lần 2” cùng với sự tham gia của các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo, về phía UEH có: GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH; PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Chiến lược và Chính sách; PGS.TS. Bùi Thanh Tráng - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh UEH, Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing,… cùng toàn thể Quý Thầy Cô, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nghiên cứu sinh UEH tham dự hội thảo.
Về phía báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính có: Ông Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Ông Nguyễn Nhật - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Sài gòn giải phóng - phụ trách Báo SGGP - Đầu Tư Tài Chính.
Về phía khách mời có sự hiện diện của các thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: TS. Nguyễn Đức Kiên, TS. Chu Khánh Lân, TS. Trương Văn Phước, TS. Trần Du Lịch; các thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: GS.TS. Trần Ngọc Thơ, GS.TS. Trần Thọ Đạt, TS. Cấn Văn Lực, PGS.TS. Trần Đình Thiên… cùng sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Phát biểu mở đầu hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước các bất định nối tiếp như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Đại dịch Covid 19, Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tạo ra những thách thức đối với hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu. Những bất định này có tính chất dai dẳng, khó lường, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế, đó là làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá cả của nhiều hàng hóa chiến lược tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát, tác động tiêu cực đến các mặt hoạt động đầu tư, tiêu dùng và đời sống xã hội. Cùng lúc đó, cục diện địa chính trị toàn cầu đang có nhiều thay đổi, sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia lớn đang ngày càng trở nên gay gắt, sự tái định hình vị thế của các khu vực, trong đó vai trò châu Á ngày càng nổi lên như một nhân tố quan trọng trong việc định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới tài chính số đang là xu hướng tất yếu của thời đại. Sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) hầu như đã định hình lại nhiều dịch vụ tài chính mới, dẫn đến các mạng lưới kinh doanh mới ở các nước châu Á. Tuy nhiên, các thách thức để các quốc gia mới nổi trong khu vực Châu Á có được vị thế trên bản đồ tài chính quốc tế là không hề nhỏ. Để tạo kênh thông tin cho các diễn giả, khách mời, các nhà nghiên cứu cùng chia sẻ, thảo luận về các xu hướng, cơ hội, thách thức đi kèm với những bất định nói trên, và Việt Nam cần có những chiến lược nào để thích ứng và ghi tên mình trên bản đồ tài chính khu vực và thế giới, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh dã phối hợp, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cùng Báo Sài gòn Đầu tư Tài chính, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - Lần thứ 2” ngày hôm nay. Mong rằng qua các nội dung trao đổi trong hội thảo, chúng ta có thể đưa ra các đề xuất chiến lược cho Việt Nam để tận dung các cơ hội mà sự định hình lại hệ thống tài chính-tiền tệ toàn cầu đang mang lại, đồng thời giảm thiểu các thách thức đi kèm.”
GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm từ các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp,… với hơn 80 bài tham luận tham dự. Các bài được chọn trình bày và đăng trong kỷ yếu hội thảo xoay quanh 04 chủ đề gồm:
1. Hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược cho Việt Nam: Thảo luận các chính sách tài chính tiền tệ cho Việt Nam trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, sự thay đổi dòng thương mại quốc tế, phát triển thị trường tài chính… nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.
2. Chính sách tài chính, tiền tệ và tăng trưởng kinh tế: Trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu về bất ổn chính sách, giá dầu và lạm phát toàn cầu, tác động của tín dụng tư nhân đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người, tác động của chính sách tiền tệ đến rủi ro hệ thống của các tổ chức tài chính…
3. Kinh tế số và FinTech: Thảo luận các vấn đề về rủi ro, khung pháp lý và xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế và ngành tài chính.
4. Tài chính, Kinh doanh và Quản trị công ty: Thảo luận các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng và quản trị doanh nghiệp trong môi trường thế giới bất định.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã trình bày tham luận “Ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới”. Dưới tác động mới của 3 bối cảnh thế giới quan trọng: (1) Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, (2) Lạm phát tăng cao, (3) Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm là những căn cứ quan trọng trong hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng trình bày tham luận “Ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh mới”
Tiếp theo đó, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã trình bày tham luận “Rủi ro tài chính - tiền tệ trong bối cảnh mới và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam”. Cùng nhìn về những bối cảnh toàn cầu chi tiết trên 5 yếu tố: Chiến sự Nga-Ukraine; Phục hồi không đồng đều, Trung Quốc tăng trưởng chậm; Giá cả hàng hóa, lạm phát leo thang; Chuỗi cung ứng còn đứt gãy; Xúc tác chuyển đổi số, tiền kỹ thuật số, kinh tế xanh, TS Cấn Văn Lực đưa ra những khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế tài chính - tiền tệ cho Việt Nam thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trình bày tham luận “Rủi ro tài chính - tiền tệ trong bối cảnh mới và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam”
Nội dung “Chính sách nào cho Việt Nam?” tiếp tục được thảo luận tại phiên thảo luận ở chủ đề 1 giữa các nhà khoa học, các thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự và hưởng ứng nhiệt tình của các khách mời, thông qua đây giúp đề xuất các chiến lược cho Việt Nam để thích ứng với các biến đổi toàn cầu, đồng thời giảm thiểu các thách thức đi kèm.
- Xem kỷ yếu hội thảo tại đây
Một số hình ảnh khác của hội thảo:
GS.TS. Sử Đình Thành tiếp đón quý đại biểu, chuyên gia tại phòng Khánh tiết
GS.TS. Sử Đình Thành phát biểu khai mạc
Các chuyên gia trình bày tham luận
GS.TS. Sử Đình Thành tặng hoa lưu niệm cho 2 chuyên gia
Các phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo
GS.TS. Sử Đình Thành phát biểu bế mạc hội thảo
Quý đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Khoa Tài chính, Phòng Tổng hợp COB
Cơ quan báo chí đưa tin:
1. Báo Tuổi Trẻ: Thể chế thị trường tài chính như môn bóng đá, cầu thủ chơi bóng bằng tay, trọng tài thổi lại bị đánh
2. Báo Sài Gòn Đầu tư tài chính: Hội thảo quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam - lần 2”
3. Báo Sài Gòn Giải Phóng: Bất ổn hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam
4. Tri thức & Cuộc sống: “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”
5. Thời báo tài chính Việt Nam: Tìm giải pháp ứng phó trước bất ổn tài chính toàn cầu