Hội thảo UEH - World Bank “Thúc đẩy Tăng trưởng xanh và mô hình khí hậu ở Việt Nam”

13 tháng 05 năm 2024

Vào ngày 6-7/5/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề "Green Growth & Climate Modelling in Vietnam". Sự kiện này được tổ chức kết hợp trực tiếp tại UEH và trực tuyến dành cho các báo cáo viên quốc tế và đại biểu tham dự từ Hà Nội. Hội thảo đã quy tụ hơn 50 đại biểu từ các đơn vị nghiên cứu ở TP. HCM, Cần Thơ và Hà Nội, tham gia chia sẻ kiến thức và thảo luận các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

GS.TS. Sử Đình Thành phát biểu khai mạc buổi Workshop

Tham dự Hội thảo về phía Ngân hàng thế giới gồm có TS. Muthukumara S. Mani - Lead Environmental Economist; TS. Dorsati Madani - Senior Country Economist; TS. Vu Hoang Quyen - Senior Governance Specialist; TS. Vaideeswaran S. - Senior Consultant; TS. Leonardo Garrido - Senior Consultant; TS. Sacha Dray -  Economist and Modeler; TS. Lilit Mitik Beyene - Senior Economist and Modeler; TS. Ira Irina Dorband - Economist and Modeler; TS. Thu Thi Le Nguyen - Research analysis and Modeler; and PGS.TS. Harald Heubaum - World Bank Consultant.

Về phía UEH có sự tham gia của GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH; PGS.TS. Phạm Khánh Nam – Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á; cùng quý Thầy Cô lãnh đạo các Khoa, Viện và nghiên cứu sinh trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH.

Vào ngày đầu tiên, đại diện Ngân hàng Thế giới đã trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu từ các công trình nghiên cứu tăng trưởng xanh hiện Ngân hàng thế giới đang thực hiện ở Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực quan trọng như kinh tế biển, chính sách tài chính xanh, thích ứng và giảm nhẹ các thiệt hại do biến đổi khí hậu. Các chuyên gia của UEH cũng đã chia sẻ và bổ sung kết quả nghiên cứu liên quan đến vấn đề quản trị, tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng tái tạo và quy hoạch không gian biển. 

TS. Dorsati Madani trình bày về chủ đề Biến đổi khí hậu

Nhiều kết quả nghiên cứu đã được thảo luận sôi nổi như:

  • Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong bốn thập kỷ qua nhưng phải trả giá đắt về môi trường, với mức suy thoái môi trường ước tính tương đương 10% GDP.
  • Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, có khả năng gây thiệt hại 13% GDP vào năm 2050 theo kịch bản lạc quan.
  • Lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều carbon của Việt Nam phải đối mặt với rủi ro về khả năng cạnh tranh do thiếu năng lượng và thay đổi quan điểm toàn cầu đối với sản xuất và tiêu dùng xanh.
  • Việc không hành động có thể gây tốn kém, trong khi các khoản đầu tư thích ứng hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.
  • Để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ cần có cách tiếp cận tổng hợp, bao gồm định giá carbon, các chính sách bổ sung (khuyến khích, quy định, tiêu chuẩn).
  • Kinh tế biển là động lực kinh tế quan trọng, nhưng các hoạt động không bền vững như đánh bắt quá mức, ô nhiễm và mất hệ sinh thái đang đe dọa tiềm năng tăng trưởng của ngành.

 Đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp cho các đại diện đến từ World Bank

Đại biểu đã thảo luận sôi nổi các chiến lược giải quyết những thách thức này, chẳng hạn như tăng cường dữ liệu và công cụ ra quyết định, thực thi lập kế hoạch dựa trên rủi ro, đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng, cơ sở hạ tầng cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu, và tăng cường quản lý nghề cá.

Phần thảo luận với diễn giả trực tuyến PGS.TS. Harald Heubaum 

 Phía đại diện Ngân hàng Thế giới thảo luận cùng với đại biểu

Vào ngày thứ hai, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu các phương pháp, công cụ và mô hình nghiên cứu về tăng trưởng xanh hiện đang được áp dụng, như Mô hình cân bằng tổng thể ứng dụng cho giảm nhẹ, thích ứng và công nghệ mới (the mitigation, adaptation and new technologies applied general equilibrium - MANAGE), Mô hình đổi mới trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và việc làm năng động với cơ cấu carbon thấp (model of innovation in dynamic low-carbon structural economic and employment transformations - MINDSET), Công cụ đánh giá định giá carbon (Carbon Pricing Assessment Tool - CPAT) để phân tích chính sách. Ngân hàng Thế giới cũng giới thiệu về Triple Dividend Methodology, một cách tiếp cận có hệ thống nhằm đánh giá các phương án chính sách khác nhau để xác định phương án tốt nhất tạo ra phúc lợi cao nhất cho xã hội bằng cách so sánh lợi ích và chi phí kinh tế và xã hội của các phương án, bao gồm (1) tránh được tổn thất, (2) khai thác tiềm năng kinh tế, và (3) đồng lợi ích về xã hội, môi trường và kinh tế của dự án.

Diễn giả Ira Irina Dorband trình bày về mô hình MINDSET

Xuyên suốt hội thảo, các chuyên gia học thuật đã tích cực đóng góp kiến thức, thúc đẩy sự trao đổi ý tưởng phong phú và cam kết chung về phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.

Buổi tập huấn và thảo luận về mô hình MANAGE

 Người tham dự chụp ảnh lưu niệm với đại diện UEH và đại diện World Bank

Hội thảo Tăng trưởng xanh nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết các thách thức môi trường đồng thời theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế. Bằng cách quy tụ các bên liên quan đa dạng và thảo luận nghiên cứu chuyên sâu, sự kiện này đã mở đường cho các bên liên quan hành động cùng nhau hướng tới một tương lai xanh hơn, kiên cường hơn cho Việt Nam. Dự kiến các buổi chia sẻ và tập huấn tiếp theo sẽ được Ngân hàng thế giới phối hợp với UEH triển khai trong Học kỳ hè 2024.

Tin, ảnh: Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Phòng Marketing - Truyền thông

Chia sẻ