Tọa đàm JST tháng 3 với chủ đề “Một số luận điểm quan trọng về tố chất lãnh đạo”

26 tháng 04 năm 2022

Ngày 30/3/2022, JABES đã tổ chức thành công buổi tọa đàm đầu tiên trong kế hoạch tổ chức chuỗi tọa đàm JABES Seminar Talks (JST) năm 2022 về chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Tọa đàm về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World). Tọa đàm JST tháng 3 với chủ đề “Một số luận điểm quan trọng về tố chất lãnh đạo” do GS. Mark Learmonth (Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh, tổng biên tập tạp chí Human Relations) trình bày đã thu hút hơn 50 nhà nghiên cứu trong nước và từ các quốc gia khác (như: Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Pakistan, Nigeria, Trung Quốc) tham dự trực tuyến.

Tiếp nối thành công của năm 2020 và 2021, chuỗi tọa đàm về chuyên đề “Kinh tế và Kinh doanh: Tọa đàm về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) năm 2022 được JABES khởi động bằng buổi tọa đàm tháng 3 với chủ đề “Một số luận điểm quan trọng về tố chất lãnh đạo” (Critical Perspectives on Leadership).

GS. Mark Learmonth là Giáo sư tại Đại học Nottingham Trent, Vương quốc Anh.Trước khi gia nhập Đại học Nottingham Trent, ông đã làm việc tại nhiều cơ sở giáo dục lớn như Đại học Durham, Nottingham và York, và đã dành 17 năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình cho các vị trí quản lý trong Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh Quốc. Phần lớn nghiên cứu của ông xoay quanh các chủ đề về quản lý; quản lý dựa trên bằng chứng; bằng chứng và các lý thuyết trong nghiên cứu quản lý; các tranh luận về phương pháp luận… Hiện tại, ông đặc biệt quan tâm về đánh giá việc sử dụng các phương tiện truyền thông đối với định danh của nhà quản lý; bản chất thay đổi của ngôn ngữ trong quá trình quản lý được sử dụng để nhằm đại diện cho công việc và tổ chức; và các phương pháp nghiên cứu đa dân tộc học - đặc biệt là trong sự thay đổi xã hội.

Tại buổi tọa đàm, GS. Mark Learmonth tập trung trình bày về nghiên cứu của ông và đưa ra một số luận điểm về sự khác biệt giữa thuật ngữ lãnh đạo và quản lý, cũng như vai trò của tố chất lãnh đạo. Theo ông, thuật ngữ “Lãnh đạo” hoặc “Nhà lãnh đạo” (Leader) được sử dụng phổ biến, đơn giản như một từ đồng nghĩa với thuật ngữ “Quản lý” hoặc “Nhà quản lý” (Manager) truyền thống, hầu hết các lý thuyết lãnh đạo cổ điển cho rằng nhà lãnh đạo hoàn toàn khác với nhà quản lý; trong đó, điểm khác biệt lớn nhất về công việc của một người quản lý là nắm rõ công việc liên quan đến hành chính, xử lý giấy tờ, và chỉ đạo thực hiện công việc… trong khi đó “Nhà lãnh đạo” là những người truyền cảm hứng cho nhân viên. Khái niệm “Nhà lãnh đạo” được nhìn nhận theo những cách thu hút các giá trị và chuẩn mực xã hội được tôn vinh. Thuật ngữ “Lãnh đạo” hoặc “Nhà lãnh đạo” hầu như được sử dụng phổ biến hơn; tuy nhiên, trong nhiều tổ chức, việc thường xuyên gọi “Ông chủ” (Boss) là “Nhà lãnh đạo” (Leader) làm ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về thẩm quyền và quyền lực tại nơi làm việc. Đồng thời, ngôn ngữ của giới lãnh đạo làm căng thẳng, gây nên sự bất bình đẳng giữa những người nắm quyền và những người 'đi theo' và do đó phủ nhận lợi ích của những người lao động.

Người quản lý được mô tả như một nhân viên quan liêu nhàm chán, trong khi nhà lãnh đạo nghĩa là người có vai trò dẫn dắt, kết nối với nhân viên, cùng hướng tới mục tiêu chung. Trong những năm của thập niên 50 và 60, quản trị là thuật ngữ được dùng phổ biến khi nhắc đến công việc của một nhà quản lý. Nhưng đến thế kỷ XXI, các nghiên cứu về lý thuyết quản trị lại sử dụng thuật ngữ lãnh đạo để chỉ chung cho những người làm công việc quản lý. GS. Mark Learmonth cho rằng cần có thuật ngữ khác để chỉ những nhà lãnh đạo, là những người có vai trò xây dựng thương hiệu, có khả năng truyền cảm hứng và dẫn dắt tập thể, và nhận được tập thể tín nhiệm.

Bên cạnh đó, GS. Mark Learmonth cho rằng việc nâng cao năng lực lãnh đạo là cực kỳ quan trọng nhằm giúp xây dựng và điều hành một tổ chức vận hành theo đúng các mục tiêu đã đặt ra. Lãnh đạo là quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là cách thức làm việc theo nhóm, sự tham gia của nhân viên, thông tin minh bạch, và đặc biệt là sử dụng đúng năng lực của toàn bộ lực lượng lao động chứ không chỉ những người đứng đầu tổ chức.

Buổi Tọa đàm diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi và đóng góp về sự khác nhau giữa khái niệm quản lý, ông chủ và lãnh đạo.

Ngoài ra, nhằm định hướng cho nhà khoa học về hướng nghiên cứu tiếp theo, GS. Mark Learmonth đặt ra câu hỏi: Vấn đề lãnh đạo là người dẫn dắt, nhưng chúng ta nên dùng tiêu chí nào để xem xét người lãnh đạo đó làm việc đúng hay sai? Đây là vấn đề còn đang dang dở, cần được nghiên cứu bổ sung thêm.

 

Một số hình ảnh tại tọa đàm:

TS. Huỳnh Lưu Đức Toàn gửi lời chào đến GS. Mark Learmonth và toàn thể học giả tham dự

GS. Mark Learmonth thuyết trình chủ đề nghiên cứu của mình

GS. Mark Learmonth giải đáp các câu hỏi thảo luận được nêu ra trong tọa đàm

Khách mời tham gia thảo luận

GS. Nguyễn Trọng Hoài gửi lời cảm ơn GS. Mark Learmonth và các nhà khoa học đến tham dự

 

Thông tin thêm:

Tất cả các thông tin mới về JABES và các sự kiện nổi bật như: Hội thảo khoa học quốc tế ACBES 2022, chuỗi Tọa đàm JST sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:

JABES Facebook: https://www.facebook.com/jabes.ueh.edu.vn

JABES Website: http://www.jabes.ueh.edu.vn/

JABES on Emerald Group Publishing: https://www.emeraldgrouppublishing.com/journal/jabes

ACBES Website: https://acbes.ueh.edu.vn/

JABES Youtube: http://shorturl.at/jnoOR

Tin, ảnh: JABES

Chia sẻ