[CTD Learning and Sharing] Tọa đàm khoa học “Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration”

12 tháng 05 năm 2025

Chiều ngày 09/5/2025, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD) phối hợp cùng Trung tâm Ươm tạo Công nghệ & Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo (ISC) và Viện Đổi mới sáng tạo UEH (UII) đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề “Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration”. Chương trình thu hút sự tham dự của nhiều diễn giả uy tín đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng sự góp mặt của các nhà sáng lập, startup, chuyên gia công nghệ, giảng viên, sinh viên và đại diện doanh nghiệp quan tâm đến Trí tuệ nhân tạo (AI) và Đổi mới sáng tạo.

Tọa đàm khoa học “Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration” là sự kiện tiếp theo nằm trong Chuỗi hoạt động CTD Learning & Sharing - Một sáng kiến học thuật của CTD nhằm thúc đẩy chia sẻ tri thức, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu cho cộng đồng và tạo ra các giá trị thiết thực cho sự phát triển bền vững. Chương trình hướng đến mục tiêu chia sẻ tri thức đa ngành, lan tỏa giá trị giáo dục gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Qua các hoạt động đa dạng như seminar, tọa đàm, buổi chia sẻ chuyên đề, khóa bồi dưỡng chuyên môn... CTD mong muốn trở thành nền tảng bền vững kết nối giữa học thuật - doanh nghiệp - cộng đồng trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi số, sáng tạo xã hội và chuyển giao tri thức toàn cầu.

Toàn cảnh Tọa đàm khoa học “Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration”

Tham dự buổi tọa đàm, về phía Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD), có sự hiện diện của PGS.TS. Trịnh Thùy Anh - Phó Hiệu trưởng CTD, Trưởng khoa Thiết kế Truyền thông (SMD); ThS. Đào Thị Minh Huyền - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng CTD; ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo UEH. Về phía khách mời, có Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch ISC, Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, cùng các diễn giả: Ông Đỗ Huy - Chủ tịch SAVVi, Cố vấn Chiến lược & Nhà đầu tư; Ông Anthony Tuấn Phan - Chủ tịch & CEO AIAIVN, Nguyên Trưởng nhóm công nghệ cao cấp tại Meta, Ông Kenneth Katz - Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của TAU Investment Management. Ngoài ra, buổi tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp; các phóng viên; giảng viên, viên chức UEH và các bạn sinh viên quan tâm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Trịnh Thùy Anh, đại diện UEH-CTD, nhấn mạnh: "Tọa đàm lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai sâu rộng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Buổi tọa đàm ngày hôm nay không chỉ là cơ hội lan tỏa những kiến thức bổ ích trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và giáo dục, mà còn đem đến những thông tin mới nhất về các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; góp phần phát triển mối quan hệ hai bên vững mạnh."

PGS. TS. Trịnh Thùy Anh cũng cho biết, với sứ mệnh nâng tầm tri thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập và chuyển giao toàn cầu, UEH xác định rõ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các giá trị đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực số, đóng góp trực tiếp vào định hướng chiến lược quốc gia. UEH - thông qua các đơn vị trực thuộc như CTD, ISC và UII - đang từng bước xây dựng hệ sinh thái học thuật và công nghệ cởi mở, nơi học thuật giao thoa với thực tiễn, công nghệ song hành với trách nhiệm xã hội, và giáo dục kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp và cộng đồng.

PGS.TS. Trịnh Thùy Anh - Phó Hiệu trưởng CTD, Trưởng khoa Thiết kế Truyền thông (SMD) chia sẻ

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, đại diện ISC, cũng nhấn mạnh rằng: “Trong năm 2025, ISC và UEH-CTD đã lên kế hoạch phối hợp thực hiện chuỗi 12 hoạt động và kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong tương lai. Những nỗ lực này không chỉ phục vụ cộng đồng phi lợi nhuận mà còn góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho sự phát triển xã hội:.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, đại diện ISC phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm “Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration” là dịp đặc biệt để các chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư và học giả từ Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhìn lại những bước phát triển nổi bật trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời thảo luận về định hướng hợp tác chiến lược trong tương lai.

Trao đổi tại Tọa đàm, các diễn giả đã lần lượt chia sẻ góc nhìn từ chính trải nghiệm thực tiễn của mình trong việc ứng dụng AI để giải quyết các bài toán lớn của doanh nghiệp.

Không gian chia sẻ, trao đổi tại tòa đàm

Mở đầu là phần trình bày của diễn giả Anthony Tuấn Phan, từ kinh nghiệm điều hành các dự án AI trị giá hàng tỷ đô tại Meta, Amazon và các công ty toàn cầu, ông đã phân tích vai trò của nền tảng dữ liệu, đạo đức trong phát triển AI, và tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ kỹ sư AI ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông chia sẻ về tiềm năng ứng dụng AI không chỉ trong y tế mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, tài chính, ô tô, sản xuất, năng lượng, bao gồm khai thác dầu khí và khoáng sản. Ông cũng nhắc đến các ví dụ thực tế như phân tích dữ liệu địa chất bằng AI trong lĩnh vực khai khoáng và ứng dụng AI tại Vietcombank nhằm tối ưu hóa vận hành.

Ông Anthony Tuấn Phan - Chủ tịch & CEO AIAIVN chia sẻ tại Tọa đàm

Ông Đỗ Huy với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý công nghệ, đã phân tích cách các startup công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn và mạng lưới toàn cầu từ Hoa Kỳ để gia tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời nêu bật những yếu tố cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái AI có đạo đức, toàn diện và bền vững. Ông nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, điều này mở ra cơ hội kết nối nhà đầu tư, sự kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở chuyển giao công nghệ mà còn là chuyển giao tri thức, tư duy quản trị và năng lực lãnh đạo đổi mới sáng tạo. Ông cũng đề cập đến các chính sách hỗ trợ của Việt Nam như ưu đãi thuế, không gian làm việc miễn phí tại các khu công nghệ, và đề xuất chính sách visa mở để tăng cường hợp tác quốc tế.

Ông Đỗ Huy - Chủ tịch SAVVi, Cố vấn Chiến lược & Nhà đầu tư chia sẻ tại Tọa đàm

Tiếp nối là phần trình bày của ông Kenneth Katz – Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TAU Investment Management – người mang đến góc nhìn từ nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Ông đã phân tích cách thức các công ty đầu tư toàn cầu đang định hình lại danh mục đầu tư thông qua công nghệ AI, cũng như tiềm năng hợp tác với startup Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, chuỗi cung ứng thông minh và tự động hóa trong sản xuất. Ông chia sẻ về cách TAU Investment lựa chọn đầu tư thông qua các công ty trong danh mục, thay vì tài trợ trực tiếp. Ông cũng khuyến khích các trường đại học tìm kiếm cơ hội tiếp cận các quỹ tài trợ nghiên cứu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo AI.

Ông Kenneth Katz - Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TAU Investment Management chia sẻ tại Tọa đàm

Trong phiên thảo luận mở, các diễn giả đã cùng trao đổi về ba trục nội dung lớn:

  • Hợp tác AI và giáo dục: Vai trò của giáo dục và xây dựng hệ sinh thái; Ứng dụng AI trong đa ngành; Làm thế nào để các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu toàn cầu?...
  • Đầu tư và khởi nghiệp xuyên quốc gia: Những mô hình gọi vốn thành công và chiến lược mở rộng thị trường quốc tế cho startup công nghệ Việt Nam; Lợi thế hợp tác công nghệ Việt - Mỹ; Bài học và góc nhìn đầu tư cho startup…
  • Tăng cường năng lực sáng tạo và đạo đức AI: Ứng dụng AI trong vận hành doanh nghiệp; Cần làm gì để bảo đảm AI phát triển một cách có trách nhiệm, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững?...

Các đại biểu tham dự đã có phần trao đổi chuyên sâu với các diễn giả tại Phiên thảo luận mở tại Tọa đàm

Không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật, Buổi tọa đàm còn tạo điều kiện để người tham dự - đặc biệt là các nhà sáng lập, startup, giảng viên và sinh viên - mở rộng mạng lưới kết nối với chuyên gia đầu ngành, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thực tập và gọi vốn. Những chia sẻ thực tiễn từ các diễn giả giúp người tham dự định hình rõ hơn con đường phát triển sự nghiệp, từ đó chủ động tiếp cận các xu hướng công nghệ toàn cầu và khai thác tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn mới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm

Tin, ảnh: Trường Công nghệ và Thiết kế UEH, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác

Trụ cột: Nghiên cứu, Cộng đồng
Dự án: UEH Connecting

Cơ quan báo chí đưa tin:

1. Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư: Giao lưu Việt – Mỹ về trí tuệ nhân tạo và hợp tác công nghệ

2. Báo Nhân Dân: Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ

3. Thông tấn xã Việt Nam: Cơ hội kết nối và định hình chiến lược hợp tác công nghệ Việt Nam và Mỹ

4. Báo Giáo dục & Thời đại: Bàn chiến lược hợp tác AI, giáo dục, công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ

5. Báo Mới: Bàn chiến lược hợp tác AI, giáo dục, công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ

6. Cổng thông tin điện tử UBND TP.HCM: Lan tỏa giá trị giáo dục gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững

7. Tạp chí Nhà Đầu tư: Việt Nam có thể dẫn đầu thế giới nếu làm AI sức khoẻ

8. Chính sách & Cuộc sống: Kết nối giáo dục, hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

9. Vnanet (Thông tấn xã Việt Nam): Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ

10. Vietnam Plus: Vietnam – US tech seminar in Ho Chi Minh City explores AI, innovation

Chia sẻ