Tọa đàm nghiên cứu kỳ 3: “Go green when you are pinned: Do climate action plans work? Evidence from Chinese firms”
19 tháng 04 năm 2022
Ngày 14/04/2022, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH (COB) đã tổ chức Toạ đàm nghiên cứu kì 3 (SRS 2022) với chủ đề: “Go green when you are pinned: Do climate action plans work? Evidence from Chinese firms”. Tọa đàm thu hút 30 giảng viên và nhà khoa học tham dự thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến Webex.
- Hội thảo Khoa học Quốc tế về Kinh tế và Kinh doanh Châu Á lần thứ 4 – ACBES 2022
- Hội nghị chuyên đề "The Environmental Impact of Industry-level Greenfield FDI: Evidence from 30 Chinese Provinces and 32 Economic Sectors"
- Sinh hoạt học thuật định kỳ CELGS: “Misallocation and shocks: Evidence from vietnamese villages”
Toạ đàm nghiên cứu kì 3 (SRS 2022) với chủ đề: “Go green when you are pinned: Do climate action plans work? Evidence from Chinese firms” có sự trình bày của hai diễn giả là TS. Huỳnh Lưu Đức Toàn và TS. Hoàng Khánh. Đây là lần đầu tiên hai tác giả phối hợp trình bày bài nghiên cứu và tham gia thảo luận cùng với khách mời tham dự. TS. Huỳnh Lưu Đức Toàn hiện là giảng viên cơ hữu trường Southompton (Anh Quốc) và Phó Tổng Biên tập Tạp chí JABES, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và TS. Hoàng Khánh hiện là giảng viên Đại học Lincoln (New Zealand) và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đánh giá phản ứng của các công ty Trung Quốc đối với các cam kết gần đây của chính phủ Trung Quốc về giảm khí thải nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Nhóm tác giả dự đoán rằng, các công ty thâm dụng năng lượng và phát thải khí nhà kính tại Trung Quốc sẽ gia tăng sử dụng chiến lược đa dạng hoá để đối phó với các cam kết mới của Chính Phủ về cắt giảm khí thải. Sử dụng thỏa thuận Paris tại sự kiện COP21 (năm 2015) làm điểm quan sát, nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các công ty phát thải nặng có xu hướng đa dạng hóa doanh thu của mình hơn so với các công ty khác. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra ba kênh truyền dẫn (bao gồm đổi mới công nghệ, sở hữu nhà nước và tính thanh khoản) mà qua đó các cam kết mới về cắt giảm khí thải đã ảnh hưởng đến chiến lược đa dạng hóa của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu hàm ý rằng, các phản ứng của các công ty phát thải nặng của Trung Quốc chủ yếu là phản ứng ngắn hạn và vì thế vẫn còn khá nhiều “uẩn khúc” trong kế hoạch cắt giảm khí thải của Chính phủ Trung Quốc.
Toàn cảnh Seminar
Phần trình bày đã diễn ra rất sôi nổi với rất nhiều câu hỏi trao đổi từ phía các giảng viên và khách mời tham dự trực tiếp và online. TS. Phan Chung Thủy - Khoa Ngân hàng mở đầu phần trao đổi về bối cảnh nghiên cứu và đề xuất làm rõ hướng nghiên cứu khi mà hướng nghiên cứu của tác giả dường như trái ngược với các hướng nghiên cứu trước đây. TS. Hồ Quốc Thông - Giảng viên Khoa Kinh tế trao đổi và đề xuất bổ sung thêm minh chứng cho thấy chiến lược đa dạng hoá gắn liền với giảm khí thải. Bởi vì điều này sẽ giúp luận giải tính hợp lý của giả thuyết nghiên cứu về chiến lược đa dạng hoá như là một cách để doanh nghiệp thích ứng với các cam kết về giảm khí thải. Ngoài ra, TS. Hồ Quốc Thông cũng đề xuất bổ sung thêm kết quả về sự thay đổi trong hành vi doanh nghiệp qua từng năm (sau sự kiện 2015) và phụ lục về mối quan hệ giữa chiến lược đa dạng hoá và hiệu quả doanh nghiệp.
TS. Hồ Quốc Thông đặt câu hỏi trao đổi
Bổ sung cho các đề xuất của TS. Phan Chung Thủy và TS. Hồ Quốc Thông, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, Trung Quốc là bối cảnh nghiên cứu hợp lý khi quan sát hành vi của doanh nghiệp đối với các cam kết chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, TS. Hồng Nhung cũng gợi ý một số lý giải cho chiến lược đa dạng hoá của các doanh nghiệp nhà nước và đề xuất nhóm tác giả cân nhắc bổ sung một số hành động khác của các doanh nghiệp khi phản ứng với các cam kết của chính phủ trong cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, TS. Vũ Thị Lệ Giang đề xuất bổ sung luận giải về sự thay đổi trong chiến lược đa dạng hoá của doanh nghiệp khi quan sát bằng biểu đồ và khung thời gian (chỉ 2 năm). TS. Giang đặt câu hỏi xoay quanh thời gian hiệu lực và lộ trình thực hiện cam kết cắt giảm khí thải của Trung Quốc. Tương tự, TS. Ngô Minh Vũ - Khoa Ngân hàng đặt câu hỏi xoay quanh cơ chế truyền dẫn của “sự đổi mới công nghệ” trong tương quan giữa rủi ro giảm khí thải với chiến lược đa dang hoá doanh nghiệp khi mà các doanh nghiệp đa dạng hóa theo hướng công nghệ. Cuối cùng, TS. Phạm Thị Anh Thư đặt câu hỏi và đề xuất nhóm tác giả bổ sung những thảo luận kết quả có liên quan đến sự tác động của các biến kiểm soát vĩ mô đến chiến lược đa dạng hoá doanh nghiệp.
Phần trả lời của TS. Hoàng Khánh
Ngoài những trao đổi trực tiếp, toạ đàm còn nhận được phần nhận xét chi tiết của TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước. TS Phạm Khánh Nam đã chỉ ra nhiều vấn đề trong bài nghiên cứu về khung lý thuyết, giả thuyết nghiên cứu, phương pháp đo lường rủi ro khí thải và đa dạng hoá cũng như các vấn đề khác trong phạm vi và phương pháp nghiên cứu. Tiêu biểu, TS. Phạm Khánh Nam cho rằng, bài viết chưa làm rõ về các cách phản ứng khác nhau (như đa dạng hoá và đầu tư công nghệ tái tạo) của doanh nghiệp đối với các quy định về môi trường. Bởi vì, TS. Phạm Khánh Nam cho rằng ngay cả khi các khoản đầu tư cho R&D thành công, việc thay thế toàn bộ công nghệ sản xuất sẽ rất tốn kém và vì thế dẫn đến giá vốn hàng bán và giá thành sản phẩm cao hơn. Các doanh nghiệp nhìn chung sẽ không đầu tư vào việc thay đổi công nghệ sản xuất mà thay vào đó, sẽ xem xét thị trường mua bán giấy phép xả thải. Trong khi đó việc mua bán giấy phép xả thải không phải là một thành tố của đa dạng hoá danh mục. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh rằng đa dạng hoá danh mục không có nhiều khác biệt với đa dạng hoá sản xuất hay thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Nhìn chung, phần lớn các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng nhằm giúp cho bài nghiên cứu được hoàn thiện và phát triển hơn trong tương lai.
Seminar đã kết thúc thành công tốt đẹp. Đây là hoạt động định kỳ thuộc Chuỗi tọa đàm Khoa học của Khoa Ngân hàng năm 2022 nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi học thuật giữa các giảng viên và nhà nghiên cứu của UEH, đặc biệt là cập nhật những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân hàng.
TS. Hoàng Hải Yến tặng quà lưu niệm cho TS. Huỳnh Lưu Đức Toàn và TS. Hoàng Khánh
Ban tổ chức chụp hình với diễn giả
Cùng với định hướng trở thành Đại học nghiên cứu có danh tiếng trong khu vực Châu Á, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động hội thảo khoa học, nghiên cứu khoa học và kết nối với cộng đồng các nhà khoa học để đóng góp những thành quả tri thức giá trị, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Tin, ảnh: Khoa Ngân hàng (Trường Kinh Doanh UEH), Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ