Tọa đàm về Nghiên cứu Kinh tế học lao động trong sự biến động của thế giới

09 tháng 02 năm 2021

Tại tọa đàm do Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES), Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức ngày 21/01/2021, hơn 30 học giả quốc tế đến từ các nước trong khu vực châu Á đã cùng nhau thảo luận về những cơ hội, thách thức và hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu quản lý châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Kinh tế học lao động là chủ đề lớn, bao quát nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đề cập đến các vấn đề xã hội như: Việc làm, mức lương, việc kết hôn, sinh con, bất bình đẳng, di cư… Năm 2020 là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động bởi sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Sự bùng phát dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức, cơ hội chưa từng có ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Các chính sách của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan COVID-19 có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của mỗi nước. Do đó, các kịch bản và dự đoán liên quan đến các tác động đối với kinh tế và kinh doanh của các nước cần phải được xem xét sau đợt bùng phát đại dịch COVID-19. Hội nghị chuyên đề  “Kinh tế và Kinh doanh: Hội nghị về sự bất ổn toàn cầu” (Economics and Business: Agendas for the Uncertain World) gồm chuỗi các tọa đàm liên quan đến kinh tế và kinh doanh, nhằm định hướng nghiên cứu trong bối cảnh bất ổn toàn cầu đang xảy ra (như đại dịch COVID-19).

Tọa đàm JABES Seminar Talks (JST 2021) tháng 1 với chủ đề Nghiên cứu Kinh tế học lao động trong sự biến động của thế giới (An Agenda for Labour Economics Research in an Uncertain World) trình bày bởi giáo sư Kevin Lang - khách mời tham dự với tư cách là diễn giả - là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi sự kiện Hội nghị được tổ chức vào ngày 21/01/2021 tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH). Sự kiện đã thu hút hơn 60 khách mời tham dự online và gần 20 khách mời có liên quan đến kinh tế và kinh doanh tham dự trực tiếp.

Khung cảnh đại biểu tham dự tọa đàm

Khai mạc tọa đàm, ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn, đại diện Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á đã tuyên bố lý do và bối cảnh của việc tổ chức buổi tọa đàm liên quan đến chủ đề cơ hội và thách thức đối với quản lý kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế châu Á.

ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn - Phát biểu tuyên bố lý do tổ chức JST 2021

 Đến với buổi tọa đàm, Giáo sư Kevin Lang đã thuyết minh chủ đề “Nghiên cứu Kinh tế học lao động trong sự biến động của thế giới”. Giáo sư Kevin Lang hiện là giáo sư khoa Kinh tế tại trường Đại học Boston (Mỹ), đồng thời, là thành viên ban nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research), và là tân Chủ tịch Hiệp hội các nhà kinh tế học lao động (Society of Labor Economists). Giáo sư Kevin Lang còn là Tổng biên tập của Tạp chí Kinh tế học Lao động (Journal of Labour Economics).


Giáo sư Kevin Lang gửi lời chào đến đại biểu tham dự Tọa đàm JST 2021

Giáo sư Kevin Lang nhận định kinh tế học lao động là nền tảng rất quan trọng vì nó đề cập đến các bộ phận quan trọng của nền kinh tế, giải thích cho nhiều vấn đề như: Việc làm, mức lương, bất bình đẳng, di cư…. Giáo sư nhận thấy hiện nay có lỗ hổng trong nghiên cứu thực nghiệm về các vấn đề như: Cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy, thị trường lao động tại Mỹ dưới sự phân biệt chủng tộc…

Theo đó, các vấn đề liên quan đến kinh tế học lao động hiện nay được đặt ra gồm: Liệu việc tăng lương tối thiểu có làm giảm bất bình đẳng thu nhập gia đình hay không? Việc khen thưởng cho giáo viên để kiểm tra thành tích của học sinh sẽ làm tăng chất lượng giáo dục hay làm giảm chất lượng giáo dục? Yêu cầu trợ cấp thôi việc làm tăng hay giảm việc làm?

Để phân tích các vấn đề trong kinh tế học lao động, giáo sư Kevin Lang sử dụng phương pháp suy luận nhân quả (Causal Inference), thường được gọi là phương pháp tiếp cận dạng rút gọn hoặc phương pháp thử nghiệm tự nhiên; trong nhiều nghiên cứu, giáo sư Kevin đã áp dụng mô hình Y tế (The Medical Model), mô hình Mô phỏng chính sách (Policy Simulation). Bằng việc đưa ra các ví dụ minh họa phù hợp với từng mô hình, cũng như phân tích tác động của chương trình tiêm chủng COVID-19 đối với những người gần 65 tuổi, giáo sư đưa ra nhận xét rằng mỗi cách tiếp cận đều có ưu và nhược điểm riêng, có những chính sách không thể được đánh giá bằng dữ liệu hiện có hoặc thực nghiệm xác đáng, và hiệu quả của chúng có thể phụ thuộc vào sự lựa chọn lý thuyết của chúng ta hoặc có thể phụ thuộc vào các thông số mà khó có thể ước tính được.

Cuối buổi trao đổi tại tọa đàm, giáo sư Kevin cho rằng các nhà nghiên cứu nên sử dụng dữ liệu quốc gia mình có để phân tích các vấn đề liên quan kinh tế học lao động dựa trên các bài nghiên cứu thực nghiệm của các quốc gia khác trước đó; từ đó, dựa vào kết quả có được để đưa ra các giải pháp tốt hơn nhằm bổ sung, cải thiện chính sách chính phủ. Khả năng tiếp cận dữ liệu, am hiểu về thể chế và chính sách sẽ giúp các chuyên gia đưa ra mô hình phân tích để có thể giải quyết các vấn đề xã hội bắt nguồn từ kinh tế học lao động.

Tọa đàm đã diễn ra thành công, tốt đẹp, định hướng được các vấn đề nghiên cứu liên quan đến kinh tế học lao động trong bối cảnh đầy bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm JST 2021:

                             

Khách mời tập trung bài thuyết trình của Giáo sư Kevin Lang

ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn mời đại biểu tiếp tục vào phần đặt câu hỏi cho Giáo sư Kevin Lang                     

           Các nhà nghiên cứu làm việc và trao đổi học thuật với Giáo sư

ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn tổng kết buổi tọa đàm cùng lời chúc tốt đẹp đến Giáo sư Kevin Lang

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tin, ảnh: JABES, Phòng Marketing - Truyền thông

 

Chia sẻ