Trường Kinh tế, Luật Và Quản lý nhà nước UEH tổ chức seminar “Khoảng cách giới và thị trường lao động: Nobel kinh tế 2023 và tiềm năng nghiên cứu ở Việt Nam”

13 tháng 11 năm 2023

Sáng ngày 03/11/ 2023, buổi sinh hoạt học thuật giới thiệu Giải Nobel Kinh tế năm 2023 đã thu hút gần 350 người tham dự tại Hội trường B1.302, cơ sở B - 279 Nguyễn Tri Phương, Phường 5, Quận 10. Buổi seminar nhận được sự quan tâm từ đông đảo giảng viên đến từ các đơn vị khác nhau trực thuộc UEH, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đại học chính quy từ các ngành đào tạo khác nhau.

Tham dự buổi seminar, về phía Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (UEH - CELG) có sự hiện diện của PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; PGS.TS. Võ Tất Thắng - Trưởng khoa Kinh tế đồng thời là nhà nghiên cứu về kinh tế học lao động; cùng Quý Thầy Cô đến từ các Khoa, Viện thuộc các trường thành viên UEH quan tâm.

Năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế cho Giáo sư Claudia Goldin, Đại học Harvard, Hoa Kỳ với nghiên cứu tiên phong về sự tham gia của phụ nữ trong thị trường lao động dựa trên bộ dữ liệu thu thập trong 200 năm về thu nhập và đóng góp của phụ nữ trong thị trường lao động. Buổi seminar đã giới thiệu và thảo luận xoay quanh 02 phần trình bày hấp dẫn sau:

Chủ đề 01: Nobel kinh tế 2023 về Giới và thị trường lao động được trình bày bởi TS. Đặng Đình Thắng - Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Sinh sản và Sức khỏe, Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc Na Uy tại Viện Y tế Công cộng Na Uy (NIPH), Nghiên cứu viên Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam) tại UEH.

TS. Đặng Đình Thắng đưa đến cho người tham dự cái nhìn tổng quát nhất về nghiên cứu xuất sắc đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2023 của GS. Claudia Goldin về những thay đổi trong vai trò của người phụ nữ vào thị trường lao động trong sự thay đổi của nền kinh tế theo thời gian tại Hoa Kỳ giúp hình thành nên mảng nghiên cứu kinh tế học về giới thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.

TS. Đặng Đình Thắng trình bày về Chủ đề 01

GS. Goldin là người tiên phong và khởi xướng trong việc đưa ra các nghiên cứu mang tính phổ quát về các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia vào thị trường lao động của nữ giới như gia đình, sinh con đầu lòng, thu nhập, kỳ vọng, mở rộng ngành nghề, mở rộng tính chất công việc, gia tăng tiếp cận giáo dục, phát minh và lan tỏa việc sử dụng thuốc tránh thai.Đồng thời, giáo sư cũng gợi ý về các khoảng trống nghiên cứu đối với thành tựu của nữ giới trong thị trường lao động như: các thí nghiệm tự nhiên về thay đổi chính sách đến khoảng cách về giới trong thị trường lao động; xem xét tác động về việc có con nhỏ đầu tiên; cấu trúc và sự linh hoạt của nơi làm việc; giải thích những nguyên nhân phi truyền thống khác nhau; công cụ chính sách bằng nhiều phương pháp nghiên cứu vĩ mô như so sánh dữ liệu giữa các quốc gia (Cross-country), vi mô như so sánh các dữ liệu cá nhân (Applied microeconomics).

Trong các nghiên cứu về nguyên nhân ảnh hưởng đến việc nữ giới tham gia thị trường lao động, GS. Goldin đề cập đến nguyên nhân đầu tiên là chính sách hỗ trợ thai sản của các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, chăm sóc con cái sau khi phụ nữ sinh con ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ phụ nữ quay lại làm việc. Tác động từ người thân, bạn bè (Family peer effects) cũng có thể ảnh hưởng đối với thiên hướng hành xử và quyết định của người phụ nữ, rõ nhất từ năm thứ 2 sau khi sinh con, khi kết thúc các chính sách hỗ trợ thai sản (Nicoletti, Salvanes & Tominey, 2018). Mặc khác, tác động về văn hóa và chuẩn mực xã hội (Culture and Social norms) thể hiện trong văn hóa của các nước xã hội chủ nghĩa cũng giúp tỷ lệ phụ nữ quay lại làm việc sau khi sinh con cao hơn tại các nước xã hội tư bản (Boelmann, Raute & Schonberg, 2022). Đặc biêt, dòng nghiên cứu này đã xem xét tác động của việc sinh con đầu lòng (Motherhood impact) thông qua chỉ số tổn thất của việc có con (Child penalty) cho thấy khi có con đầu lòng chi phí lao động của nam và nữ đều giảm, tuy nhiên nữ giới tạo ra ít thành tựu lao động hơn so với nam giới từ 20% trở lên (Kleven et al., 2019), điều này có ý nghĩa hơn trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ thai sản phù hợp hơn theo các đặc điểm cụ thể. Kleven, Landais và Leite-Mariante (2023) đã có nghiên cứu về chỉ số tổn thất của việc có con (Child penalty) tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác ở Việt Nam, nghiên cứu đã chỉ ra rằng tổn thất của việc có con đầu lòng đối với phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với các khu vực khác và chỉ số tổn thất của việc có con đầu lòng của toàn Việt Nam là 1,2%. Ngoài ra, một số nghiên cứu về liên quan như việc can thiệp chính sách của chính phủ các nước tác động đến việc phụ nữ đóng góp vào thị trường lao động (Bertrand et al., 2019), nghiên cứu về tác động của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ nữ giúp cải thiện thị trường lao động (Baranov et al., 2020), nghiên cứu về bạo hành và quấy rối nơi công sở (Folke & Rickne, 2022; Adams-Prassl et al., 2023), kinh tế học về giới thứ ba (LGBT) tại nơi công sở (Drydakis, 2022), thuộc chủ đề nóng hổi trong thời gian gần đây được công nhận tại các tạp chí nổi tiếng đóng góp cho mảng nghiên cứu kinh tế học về giới trên thế giới hiện nay.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động lớn nhất thế giới, trong đó tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động tại khu vực miền Bắc cao hơn miền Nam do ảnh hưởng của văn hóa xã hội chủ nghĩa khi có các cơ hội kinh tế mới (Huynh and Ku 2023). Tuy nhiên, hiện nay còn tương đối ít các nghiên cứu kinh tế học về giới và nhiều chủ đề tiềm năng có thể khai thác về sự khác biệt về giới trong thị trường lao động Việt Nam.

Chủ đề 02: Tiềm năng nghiên cứu kinh tế học về giới ở Việt Nam được trình bày bởi TS. Nguyễn Phúc Cảnh - Giảng viên khoa Tài chính Công, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH.

TS. Nguyễn Phúc Cảnh trình bày về Chủ đề 02 tại buổi seminar

Bất bình đẳng về giới thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, TS. Nguyễn Phúc Cảnh đã đưa ra các bằng chứng về những hành vi tiêu cực (harmful practices) tại Việt Nam đang tồn tại như việc bạo lực gia đình, tập tục, hành vi ảnh hưởng không tốt đến phụ nữ và trẻ em, những công việc bị xem là mặc định của phụ nữ và không được ghi nhận, hay việc tham gia lãnh đạo tại các doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tảo hôn ở trẻ em đã giảm, các hủ tục tại các khu vực dân tộc thiểu số cũng đã được giảm thiểu rõ rệt, phụ nữ có quyền tham gia vào các cơ quan nhà nước và các vị trí lãnh đạo cấp cao nhiều hơn (Nguồn: Inter-Parliamentary Union). Các nhóm chủ đề nghiên cứu về bất bình đẳng giới tính trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021 chủ yếu tập trung về thu nhập, vai trò trong xã hội, quyết định tài chính, hay tôn giáo giữa phụ nữ và nam giới. Nhưng giai đoạn gần đây, những chủ đề mới về bất bình đẳng giới được quan tâm như việc khởi nghiệp của phụ nữ, mối quan hệ của phụ nữ với bạn bè, người thân, hay việc tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp của nữ giới  (Belingheri và đồng sự, 2021).

Theo TS. Nguyễn Phúc Cảnh, đối với nghiên cứu bất bình đẳng về giới có thể tập trung ở các vấn đề về khả năng tiếp cận giáo dục, tác động của chính sách từ chính phủ, tác động của xã hội và các mối quan hệ, tác động từ gia đình. Đồng thời, chủ đề bất bình đẳng giới không chỉ xoay quanh phụ nữ và nam giới, giới tính thứ ba ngày càng được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới thì việc bình đẳng đối với người mang giới tính thứ ba cũng là chủ đề đáng quan tâm. Ngoài ra, về các nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới, có nhiều nguyên nhân cần được xem xét như về hiện trạng của bất bình đẳng giới sau dịch bệnh Covid-19; bình đẳng giới trong các nhóm dân tộc; giới tính thứ ba; bình đẳng giới với chuyển đổi xanh; hay bình đẳng giới trong thiết kế chương trình đào tạo.

Buổi chia sẻ CELG Seminar đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên tham sự với nhiều câu hỏi được đặt ra trong phần giao lưu.  Seminar cung cấp các ý tưởng cho nhà nghiên cứu, sinh viên cùng tham dự vào các chủ đề nghiên cứu kinh tế học về giới trong thời gian sắp tới. Việc nghiên cứu về kinh tế học về giới ở Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng một xã hội công bằng hơn. Các chia sẻ từ diễn giả giúp cho giảng viên, nhà nghiên cứu, học viên có thêm nhiều kiến thức và hướng đi mới cho việc nghiên cứu, đóng góp cho nghiên cứu và mục tiêu bất bình đẳng về giới của Liên hiệp quốc trong tương lai.

Phần trao đổi, thảo luận tại Seminar

Một số hình ảnh khác của buổi CELG Semninar:

Tin, ảnh: Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH

Tài liệu tham khảo:

  • Nicoletti, C., Salvanes, K. G., & Tominey, E. (2018). Response of parental investments to child’s health endowment at birth. In Health Econometrics (pp. 175-199). Emerald Publishing Limited.
  • Kleven, H., Landais, C., Posch, J., Steinhauer, A., & Zweimüller, J. (2019, May). Child penalties across countries: Evidence and explanations. In AEA Papers and Proceedings (Vol. 109, pp. 122-126). 2014 Broadway, Suite 305, Nashville, TN 37203: American Economic Association.
  • Boelmann, B., Raute, A., & Schonberg, U. (2021). Wind of change? Cultural determinants of maternal labor supply.
  • Kleven, H., Landais, C., & Leite-Mariante, G. (2023). The child penalty atlas (No. w31649). National Bureau of Economic Research.
  • Bertrand, M., Black, S. E., Jensen, S., & Lleras-Muney, A. (2019). Breaking the glass ceiling? The effect of board quotas on female labour market outcomes in Norway. The Review of Economic Studies, 86(1), 191-239.
  • Baranov, V., Frost, A., Hagaman, A., Simmons, J. G., Manzoor, M. S., Biroli, P., ... & Maselko, J. (2022). Effects of a maternal psychosocial intervention on hair derived biomarkers of HPA axis function in mothers and children in rural Pakistan. SSM-Mental Health, 2, 100082.
  • Folke, O., & Rickne, J. (2022). Sexual harassment and gender inequality in the labor market. The Quarterly Journal of Economics, 137(4), 2163-2212.
  • Abdel-Rahman, S., Awwad, F. A., Qasim, M., & Abonazel, M. R. (2023). New evidence of gender inequality during COVID-19 outbreak in the Middle East and North Africa. Heliyon, 9(7).
  • Drydakis, N. (2022). Sexual orientation discrimination in the labor market against gay men. Review of Economics of the Household, 20(3), 1027-1058.
  • Belingheri, P., Chiarello, F., Fronzetti Colladon, A., & Rovelli, P. (2021). Twenty years of gender equality research: A scoping review based on a new semantic indicator. Plos one, 16(9), e0256474.
Chia sẻ