UEH đăng cai tổ chức Hội nghị Lập kế hoạch Quốc gia Dự án Kỹ năng số để thành công 2025
04 tháng 04 năm 2025
Với tinh thần "Từ ý tưởng đến hành động", Hội nghị lập kế hoạch quốc gia Dự án "Kỹ năng số để thành công" (Digital Skills to Succeed - DS2S) năm 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong hai ngày 26-27/3/2025 tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH). Chương trình có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện 6 trường đại học đối tác, cùng các chuyên gia và điều phối viên của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
- UEH tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số; cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” tại Đà Nẵng
- [CTD Learning & Sharing] | Hội thảo phygital - Xu hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch
- UEH đăng cai tổ chức chuỗi Hội thảo SMA lần thứ 4 năm 2018
Hội nghị có sự tham dự của nhiều đại biểu quan trọng, đại diện cho các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và các trường đại học đối tác. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), có sự hiện diện của TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học. Đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị là Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc Đại học, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách UEH, PGS.TS. Trịnh Thùy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH. Về phía Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), tham dự hội nghị có Bà Sabrina Garcia - Giám đốc Dự án và Bà Sita Zimpel - Quản lý Dự án DS2S tại Việt Nam. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia tích cực của thành viên dự án từ các trường đại học đối tác trong nước, bao gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đai học Quốc gia Hà Nội (USSH-VNU), Trường Đại học Việt Đức (VGU), Học viện Phụ nữ Việt Nam (VWA), Học viện Hành chính và Quản trị công (APAG/NAPA).
Các đại biểu tham dự Hội nghị lập kế hoạch quốc gia Dự án "Kỹ năng số để thành công"
Dự án “Kỹ năng số để thành công” (DS2S) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, hướng tới nâng cao kỹ năng số của sinh viên đại học, đặc biệt là nữ giới tại Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam. Tại Việt Nam, dự án quy tụ 6 trường đại học đối tác cùng đồng hành trong việc thiết kế và triển khai các khóa học micro-credentials - từ nền tảng, chuyên sâu đến chương trình đào tạo giảng viên (FDP).
TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Đại học báo cáo tổng quan bối cảnh giáo dục đại học và chính sách năng lực số của Bộ GD&ĐT
Sau giai đoạn khởi động và xây nền tảng trong năm 2024, năm 2025 đánh dấu bước chuyển quan trọng của DS2S với chủ đề “Từ ý tưởng đến hành động” (From Concept to Action). Dự án hướng đến phát triển kỹ năng số cho sinh viên - đặc biệt là nhóm không chuyên công nghệ - nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Ba nhóm nội dung trọng tâm đang được triển khai hiệu quả là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Phân tích dữ liệu và Doanh nghiệp số. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và tổ chức quốc tế, DS2S đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái giáo dục số bền vững và linh hoạt trong khu vực.
Bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án tại Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án DS2S tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Dự án DS2S phản ánh sự gắn kết sâu sắc trong mối quan hệ 50 năm Việt Nam - Đức. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ ‘bứt phá quốc gia’, các trường đại học giữ vai trò then chốt trong đào tạo nhân lực kỹ thuật số. Chúng tôi tin rằng từ những micro-credentials đầu tiên, các trường sẽ từng bước làm chủ nội dung và nhân rộng mô hình đào tạo hiện đại này.”
Các nội dung nổi bật của hội nghị diễn ra xuyên suốt hai ngày làm việc với nhiều phiên thảo luận chuyên sâu và chia sẻ thực tiễn. Trong ngày đầu tiên, hội nghị tập trung vào việc định hình lộ trình và cập nhật kết quả hoạt động. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày báo cáo tổng quan về bối cảnh giáo dục đại học cùng chính sách phát triển năng lực số tại Việt Nam. Các đại biểu cũng được cập nhật kết quả triển khai của Dự án DS2S trong năm 2024 và cùng nhau chia sẻ kỳ vọng cho năm 2025. Những chương trình trọng điểm được giới thiệu bao gồm FMC3 - Micro-Credential cơ bản về Khởi nghiệp số, và FDP5 - Chương trình phát triển năng lực giảng viên về phương pháp giảng dạy sáng tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học đối tác đã tham gia thảo luận nhóm nhằm xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết và tăng cường phối hợp trong năm tới.
Ngày làm việc thứ hai, hội nghị tập trung vào chủ đề công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và hợp tác đại học - doanh nghiệp. Các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng AI trong giảng dạy đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, đồng thời tìm hiểu lộ trình học tập chuyên đề “Trí tuệ nhân tạo vì lợi ích xã hội (SMC11)” và “Phân tích dữ liệu cơ bản (SMC10)”, cùng các phiên thảo luận về mô hình hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo đại học.
PGS.TS. Trịnh Thùy Anh chia sẻ kinh nghiệm của UEH tại Tọa đàm về Mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học
Trong phiên trình bày trọng điểm của UEH, PGS.TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc UEH - đã giới thiệu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện tại nhà trường, với triết lý kết nối nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Kể từ năm 2020, UEH đã triển khai chương trình “Kết nối cộng đồng - Lan tỏa tri thức - Hành động bền vững” với mục tiêu “Hành động vì một tương lai bền vững - For a More Sustainable Future". Một số kết quả nổi bật trong mô hình UEH bao gồm:
- Hơn 150 startup được ươm tạo, hoạt động trong các lĩnh vực như AI, EdTech, E-commerce…;
- Kết nối hơn 12.000 cơ hội việc làm, 7.600+ sinh viên thực tập, 136 doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình đào tạo;
- Hệ thống cơ sở vật chất đổi mới như Open Lab, Design Studio, 3D Factory, và các chương trình đặc thù như Hackathon, FinTechNovation, Incubation Program;
- Hơn 112 tỷ VNĐ học bổng được huy động để hỗ trợ phát triển tài năng và lan tỏa tri thức đến cộng đồng.
PGS.TS. Bùi Quang Hùng chia sẻ về Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại UEH
Thông qua hệ sinh thái này, UEH không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm và đóng góp trực tiếp cho đổi mới xã hội.
Đặc biệt, đoàn chuyên gia đã có chuyến thăm hệ sinh thái học tập và đổi mới sáng tạo tại UEH. Các đại biểu bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với hệ thống phòng lab hiện đại, UEH Maker Space, studio sáng tạo, không gian học tập thực hành và vườn ươm khởi nghiệp được UEH đầu tư bài bản, phục vụ hiệu quả cho hoạt động đào tạo kỹ năng số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của sinh viên.
Chương trình khép lại với lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa GIZ và Trường Đại học Việt Đức (VGU) - đánh dấu một bước tiến mới trong mở rộng mạng lưới hợp tác chiến lược của dự án.
Một số hình ảnh khác của hội nghị:
Tin, ảnh: Dự án DS2S, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác
Chia sẻ