UEH tổ chức hội thảo khoa học Nền Kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

04 tháng 12 năm 2018

Sáng ngày 03/12/2018, tại Cơ sở A, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo khoa học Nền Kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số và lĩnh vực này đã mở đường cho sự đổi mới và phát triển trên toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, nền kinh tế số của Việt Nam cần phải được xây dựng và phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng và tiềm lực của đất nước trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sáng ngày 03/12/2018, tại Cơ sở A, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo khoa học Nền Kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội thảo là diễn đàn tập hợp các ý kiến, quan điểm về cơ hội, thách thức, gợi ý của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế làm cơ sở đề xuất các hàm ý chính sách, những giải pháp cho nền kinh tế số của Việt Nam dưới góc nhìn đa chiều. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhấn mạnh vai trò, tầm ảnh hưởng của các trường đại học trong vấn đề nghiên cứu và đào tạo thông qua các các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, … nhằm đóng góp cho nền kinh tế số của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội thảo có sự tham dự của TS.Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông. Về phía UEH, có sự hiện diện của GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc UEH; các học giả, nghiên cứu sinh, giảng viên từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu.

Chủ trì hội thảo - GS.TS. Nguyễn Đông Phong phát biểu khai mạc:Trong thời đại kinh tế số, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới đã nhận thức được việc khai thác tài nguyên trí tuệ sẽ dần thay thế cho tài nguyên thiên nhiên như trước đây. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều thách thức lớn đang chờ đón đối với nền kinh tế số của Việt Nam trong các vấn đề về cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý, lao động,...

Trước bối cảnh đó, tầm ảnh hưởng của các nhà khoa học, sản phẩm của các trường đại học là đặc biệt quan trọng. Thông qua các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... các trường Đại học sẽ đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng và phát triển một nền kinh tế số Việt Nam, hòa cùng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4....”

Giáo sư Hiệu trưởng cũng “khuyến khích các đại biểu sau khi nghe bài tham luận chính của TS. Nguyễn Doãn Hợp về Tư duy và hành động thời công nghiệp 4.0 sẽ tham gia tích cực vào các nhánh của chủ đề, trao đổi, thảo luận các nội dung tập trung vào cơ hội thách thức trong nền kinh tế số, vai trò của các trường đại học và các gợi ý kiến nghị”. 

 GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc

Tham luận chính mở đầu do TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông trình bày với chủ đề “Tư duy và hành động thời công nghiệp 4.0”. Bài tham luận này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đổi mới về nhận thức, tư duy trong vấn đề hoạch định chính sách, tạo động lực cho nền kinh tế số của Việt Nam phát triển trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong thời đại toàn cầu về thị trường, công dân và nhân lực, Tiến sĩ đã khát quát 04 đặc điểm, 04 tư duy hành động. Bốn đặc điểm bao gồm: Khoa học công nghệ phát triển thần tốc, kỳ diệu, ngoạn mục, ngoài sức tưởng tượng; giúp con người cải tạo và tôn vinh con người; công nghệ thông tin làm trật tự kinh tế thế giới thay đổi nhanh chóng nhờ tính ứng dụng - kết nối - lan tỏa; công nghiệp công nghệ thông tin làm nguyên tắc quản lý trở nên đơn giản, trong sáng, minh bạch. Bốn tư duy gồm tư duy dũng cảm so mình với thế giới; tất cả vì con người; tất cả vì cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn đức, tài và bản lĩnh.

 TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông trình bày với chủ đề “Tư duy và hành động thời công nghiệp 4.0”

Hội thảo sau đó đã diễn ra bốn phiên song song ứng với bốn nhánh chủ đề chính gồm 20 bài tham luận về (1) chính phủ điện tử, quản trị nguồn nhân lực, sáng tạo đổi mới và khởi nghiệp; (2) giáo dục điện tử; (3) kinh doanh điện tử, thương mại điện tử và hệ thống thông tin kinh doanh; và (4) công nghệ tài chính (FinTech).

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Kết thúc bốn phiên hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi sôi nổi về những thách thức và cơ hội của nền kinh tế số của Việt Nam. Những ý kiến của đại biểu là cơ sở quan trọng để nhà trường đề xuất các giải pháp trong các đề án nghiên cứu trình lên chính phủ, các cơ quan ban ngành... nhằm xây dựng và thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH tổng hợp kết quả trao đổi nghiên cứu từ các chủ tọa của 04 phiên:Bốn phiên thảo luận song song đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về những ngành sẽ chịu tác động và các cơ hội trong bối cảnh nền kinh tế số như: du lịch, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ bảo hiểm (Insurtech),…và những ngành dịch vụ liên quan. Một số chủ đề đã cho thấy vai trò của chính phủ trong việc tạo ra hệ sinh thái gắn kết giữa đại học, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho người học trong quá trình đối mới, sáng tạo. Đặc biệt là những phiên liên quan đến trách nhiệm, vai trò của trường đại học trong việc thay đổi tiếp cận giảng dạy, thông qua kết hợp các thành tựu ICT như e-learning, online,…đào tạo các ngành mới, giảng dạy theo phương pháp đổi mới sáng tạo.”

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài đã đúc kết các thông điệp về cơ hội, thách thức và các gợi ý kiến nghị từ Giáo sư hiệu trưởng Nguyễn Đông Phong, TS. Lê Doãn Hợp và 04 chủ tọa các phiên: “Về cơ hội, nền kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra năng suất chuyển biến mạnh mẽ, giúp rút ngắn khoảng cách các quốc gia đang phát triển không chỉ trong các ngành mà còn ở mỗi người, doanh nghiệp, quốc gia. Thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo tài năng tiếp thu thành tựu kinh tế số. 

Về gợi ý chính sách, người học cần cố gắng trở thành công dân toàn cầu với năng lực và kỹ năng phù hợp trong thế kỷ 21. Các trường đại học cần thay đổi cách tiếp cận về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy đổi mới sáng tạo, không chỉ giảng dạy trực tiếp mà còn giảng dạy theo phương pháp e-learning, online, hoặc kết hợp… Chính phủ cần tạo ra hệ sinh thái, tận dụng và nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng cứng ICT của Việt Nam và tạo ra hệ sinh thái kết hợp giữa đại học, doanh nghiệp và người học, để đào tạo ra nguồn nhân lực tài năng phục vụ cho nền kinh tế số.”

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH cùng các chủ tọa của 04 phiên tổng hợp kết quả trao đổi nghiên cứu 

Đại biều chụp ảnh lưu niệm

Tin, Ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.

Chia sẻ