Workshop về Mô hình UEH Zero Waste Station: Sáng kiến kỳ vọng giảm 65% khối lượng Rác thải chôn lấp tại UEH
21 tháng 04 năm 2022
UEH Zero Waste Station - Mô hình phân loại, xỷ lý và quản lý rác thải trường đại học là chủ đề thảo luận sôi nổi của hơn 50 chuyên gia môi trường, chuyên gia dự án và các thầy cô đến từ các Đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong buổi Workshop trực tiếp và trực tuyến, được Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức chiều ngày 20/04/2022.
- Ready For Next - SUDOC 2022: Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức”
- Sinh hoạt học thuật định kỳ CELGS: “Impact On The Power Mix And Economy Of Japan Under A 2050 Carbon-Neutral Scenario: Analysis Using The E3me Macro-Econometric Model”
- [Podcast] UEH hướng đến trung hòa carbon: Bước đi đầu tiên
Với mục tiêu hướng đến Đại học đa ngành và bền vững giai đoạn 2021-2030, UEH đã phối hợp cùng đối tác triển khai Dự án UEH Zero Waste Campus. Năm 2021, Dự án đã tạo các nền tảng và triển khai nhiều hoạt động truyền thông kiến thức, lan toả các giá trị sống xanh và thông điệp “Rethink & Be Green” đến UEHers, cộng đồng và xã hội. Dự án đã xuất sắc đạt giải quán quân của cuộc thi quốc tế “Thử Thách Thành Phố Không Rác Thải” do tổ chức phi chính phủ Waste Aid cùng nhiều nhà tài trợ quốc tế tổ chức. Năm 2022, UEH tiếp tục triển khai 03 nhóm hoạt động, giải pháp tiên phong đi đầu trong cộng động các đại học tại Việt Nam bao gồm: UEH Living Lab, Mô hình UEH Zero Waste Station - Phân loại rác tại nguồn và thực hiện truyền thông hai chiều, trao quyền cho các bạn trẻ cùng chung tay chủ động lan tỏa và thực hành “lối sống xanh, không rác thải” không chỉ trong phạm vi trường học.
Nhằm thảo luận và xác định phương án mô hình phân loại, xử lý và quản lý rác thải trường đại học cùng các chuyên gia đầu ngành về môi trường, Workshop UEH Zero Waste Station - Mô hình phân loại, xỷ lý và quản lý rác thải trường đại học đã được tổ chức thành công và thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chiều ngày 20/04/2022.
Đến tham dự chương trình, về phía UEH có TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng, các thầy cô thành viên Ban Đề án Đại học bền vững và thành viên phụ trách Dự án UEH Zero Waste Campus. Về phía khách mời, có sự tham dự của gần 30 chuyên gia lĩnh vực môi trường, phân loại & quản lý Rác thải cùng các thầy cô chuyên trách đến từ các đại học khác trên địa bàn thành phố.
Toàn cảnh chương trình
Phát biểu tại Workshop, TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: "Với mục tiêu chính là xây dựng đại học không rác, khuôn viên xanh, đem lại môi trường học tập xanh – sạch – đẹp, thoáng mát cho sinh viên, giảng viên và cán bộ, viên chức, “UEH Zero Waste Campus” giai đoạn I với thông điệp “Rethink - Be green” đã được triển khai trong năm 2021 giúp sinh viên, viên chức nhà trường hiểu được chính xác thế nào là không rác. Đây là dự án mở đầu cho lộ trình xây dựng và phát triển UEH đa ngành và bền vững, thể hiện trọng trách của UEH trong sứ mệnh thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Ngay từ đầu, dự án được Nhà trường đặc biệt chú trọng, là “người thật, việc thật”, không chỉ dừng lại như một hoạt động phong trào hay truyền thông mà là các hoạt động thiết thực, trao cơ hội cho sinh viên để trở thành một công dân toàn cầu hành động vì sự phát triển bền vững. Vì vậy, Nhà trường rất mong muốn được lắng nghe chia sẻ, tư vấn từ các chuyên gia, góp ý cho Mô hình để triển khai hiệu quả. Đồng thời, kết nối cộng đồng, lan tỏa và chia sẻ kinh nghiệm đến các trường học khác tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, tác động tích cực đến kinh tế, môi trường và xã hội”.
TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ tại Workshop
Đại diện Ban Đề án Đại học bền vững UEH, ThS. Lê Thị Hạnh An đã chia sẻ về định hướng dự án, mô hình UEH Zero Waste Station, cùng nguyên tắc bóc tách, phân loại Rác tại UEH. Với mục tiêu giảm được 65% khối lượng rác thải chôn lấp tại UEH, “UEH Zero Waste Station” đề ra các sáng kiến đổi mới sáng tạo nhằm: Bóc tách, phân loại Rác - Tập kết, trung chuyển - Kết nối với các đối tác tái chế, biến rác thải thành Tài nguyên - Thực hành tái chế (recycle), tái sử dụng (reuse), tái làm đầy (refill) tại chỗ.
Mô hình UEH Zero Waste Station - Giải pháp đổi mới được nhiều Đại học tham khảo, học hỏi
Dưới sự điều phối của TS. Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý -Trưởng ban Đề án UEH bền vững, các chuyên gia lĩnh vực môi trường và các thầy cô đến từ các trường Đại học trên địa bàn thành phố đã nhiệt tình trao đổi, góp ý về cách thức phân loại rác thải tại UEH cũng như cách phân luồng & xử lý rác thải tại Trường theo hệ thống thùng rác đặt tại Campus & UEH Zero Waste Station. Trong đó, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc truyền thông 2 chiều, tác động đến nhận thức của người học, hướng đến hành vi chủ động phân loại rác, bảo vệ môi trường. Đặc biệt tại chương trình, UEH tiếp tục kết nối với các chuyên gia, tổ chức Liên minh không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance - VZWA) và đơn vị liên quan như TC Ball, Recycle One, Veca, Lagom,… hỗ trợ thu gom, tái chế rác thải thành tài nguyên hữu ích, đơn vị sở hữu các chương trình đổi rác lấy quà, cùng đơn vị xử lý các tác động môi trường.
TS. Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý -Trưởng ban Đề án UEH bền vững điều phối phần Thảo luận tại chương trình
Các chuyên gia tham dự trực tiếp và trực tuyến đóng góp ý kiến cho dự án
Workshop UEH Zero Waste Station – Mô hình phân loại, xỷ lý và quản lý rác thải trường đại học là cơ hội tuyệt vời để UEH học hỏi, hợp tác với các đơn vị, cùng nhau ươm tạo, phát triển tối đa dự án. Từ những tư vấn, hỗ trợ của các bên liên quan, UEH sẽ điều chỉnh để các hoạt động triển khai đi vào thực tế, đạt được kết quả tốt nhất và loại bỏ được những rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt hơn là mở rộng các kết nối, mạng lưới hợp tác của UEH, kết nối cộng đồng với các trường Đại học trên địa bàn thành phố cùng nhau thực hiện nhiều dự án hơn - hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Tin, ảnh: Ban Đề án Đại học bền vững, Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ