Xây dựng nền kinh tế Đông Nam Á xanh hơn, sạch hơn và phát triển toàn diện: Vai trò của Kinh tế Môi trường và các hướng tiếp cận xuyên ngành.
17 tháng 12 năm 2020
Tại hội thảo quốc tế do Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức vào ngày 9 - 11 tháng 12 vừa qua, hơn 300 nhà nghiên cứu kinh tế và môi trường khắp thế giới đã cùng nhau thảo luận về những nghiên cứu ứng dụng công cụ kinh tế học và tiếp cận xuyên ngành trong phân tích các thách thức môi trường liên quan đến chính sách về biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan, vì một Đông Nam Á xanh hơn, sạch hơn và phát triển toàn diện.
Trong 2 thập kỷ vừa qua, Châu Á nói chung và các nước đang phát triển đã đạt được những tốc độ tăng trưởng kinh tế rất đáng khích lệ, nhưng đi kèm theo đó là những lo ngại về vấn đề môi trường và chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng đang gióng lên hồi chuông nhắc nhở đến vấn đề cải thiện môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.
Tại hội thảo thường niên Đối tác Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (Economy & Environment Partnership for Southeast Asia) diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 12 năm 2020 vừa qua, bên cạnh các chủ đề nghiên cứu ứng dụng công cụ kinh tế học trong phân tích các thách thức môi trường, các nhà nghiên cứu trong khu vực đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến thích ứng, giảm thiểu thiệt hại từ môi trường và các chiến lược tăng trưởng xanh, hướng đến các nền kinh tế phát triển bền vững một cách toàn diện trong khu vực, bao gồm: các công cụ chính sách, kịch bản ứng phó, quản lý sự chuyển đổi và cả hợp tác quốc tế.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19, Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp (offline) tại TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và tại Khon Kaen (Thái Lan), đồng thời trực tuyến (online) với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Tham dự hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh có GS. TS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, Trưởng khoa Kinh tế; PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên Hội đồng lý luận Trung ương cùng các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường ở Việt Nam.
GS. TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc hội thảo.
Mở đầu buổi hội thảo, TS. Annie-Sophie Crepin đến từ Viện Kinh tế Sinh thái Beijer (Beijer Institute of Ecological Economics) tại Thụy Điển đã có bài phân tích về vai trò của kinh tế học trong việc ứng phó với sự thay đổi đột ngột của hệ sinh thái, từ quy mô địa phương đến quy mô toàn cầu. Như chúng ta đã biết, mặc dù với phần lớn thời gian, sự thay đổi trong hệ sinh thái diễn ra từ từ, nhưng đôi khi nó có thể xảy ra đột ngột khi trạng thái đạt đến ngưỡng giới hạn. Trong phần trình bày của mình, TS. Annie-Sophie cho thấy việc thừa nhận cẩn thận những động lực phức tạp như vậy trong hệ sinh thái có thể tạo ra những hiểu biết mới về cách hệ sinh thái được quản lý tốt nhất. Từ đó, bà cũng đã nêu bật nhiều công cụ và cách tiếp cận có thể được sử dụng để nghiên cứu những hiện tượng này.
TS. Annie-Sophie Crepin - Viện Kinh tế Sinh thái Beijer phân tích về vai trò của kinh tế học trong việc ứng phó với sự thay đổi đột ngột của hệ sinh thái từ quy mô địa phương đến quy mô toàn cầu.
Bên cạnh vấn đề về môi trường, các nhà nghiên cứu cũng thảo luận về đại dịch COVID-19 và những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế môi trường. Các nghiên cứu cho thấy phản ứng của các nhà hoạch định chính sách, cá nhân và doanh nghiệp đối với COVID-19 tương phản với phản ứng điển hình về các vấn đề môi trường. Ở hầu hết các quốc gia, các chính phủ đã sẵn sàng hành động một cách quyết đoán, để thực hiện các hạn chế tốn kém đối với công việc và cuộc sống cá nhân, ở một mức độ chưa từng được thấy trước đó.
Theo GS. Vic Adamowicz đến từ Đại học Alberta (Canada), COVID-19 đã đem đến một số bài học cho các nhà kinh tế môi trường. Trước hết, ngoài việc coi trọng môi trường tự nhiên, con người cũng rất coi trọng các tương tác xã hội, và hai giá trị này có thể tương tác với nhau. Ngoài ra, khả năng thích ứng có thể giảm đáng kể chi phí của các chính sách hạn chế tiếp xúc và cần được xem xét khi đánh giá các đề xuất chính sách. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp về cơ bản có thể giảm chi phí xã hội, bằng cách cho phép phản ứng nhanh hơn. Một điểm nhấn mạnh khác là sự phát triển của các công nghệ mới có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm các tác động bên ngoài. Đồng thời, hiệu quả của các chính sách cung cấp hàng hóa công có thể được nâng cao bởi các nhà lãnh đạo đáng tin cậy - những người cung cấp thông tin rõ ràng, hấp dẫn và nhất quán, nhấn mạnh cả lợi ích công và tư của việc tuân thủ quy định và hướng dẫn.
GS. Vic Adamowicz - Đại học Alberta, Canada trình bày về những bài học mà các nhà kinh tế môi trường có thể rút ra từ đại dịch COVID-19.
Đi cùng với 2 bài trình bày sâu về chuyên môn học thuật, TS. Eren Zink - Cố vấn Nghiên cứu của Đại sứ quán Thụy Điển tại Bangkok cũng đã thảo luận với các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường Đông Nam Á về vai trò của nghiên cứu, trong việc tạo ra sự khác biệt trong quản lý môi trường và phát triển phúc lợi con người, dưới góc độ của cơ quan tài trợ nghiên cứu. Trong đó, ông nhấn mạnh việc hình thành các cộng đồng nghiên cứu như Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) là bước tiền đề giúp tạo ra những đóp góp cho sự phát triển toàn diện trong khu vực.
TS. Eren Zink - Cố vấn Nghiên cứu của Đại sứ quán Thụy Điển tại Bangkok thảo luận về vai trò của nghiên cứu tạo ra sự khác biệt trong quản lý môi trường và phát triển phúc lợi xã hội dưới góc nhìn của cơ quan tài trợ nghiên cứu.
Trao đổi cùng với TS. Eren Zink, PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lời cảm ơn các tổ chức tài trợ nghiên cứu lớn trên thế giới, như: Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (Sida) hay Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada (IDRC), Worldfish đã tạo điều kiện cho nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu tại Việt Nam được nâng cao năng lực trong nghiên cứu cũng như hợp tác quốc tế về lĩnh vực kinh tế môi trường. Là một trong những người Việt Nam đầu tiên được tham gia vào Chương trình Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Program) từ những năm đầu thập kỷ 90 cùng với thầy Trần Võ Hùng Sơn (nguyên Trưởng khoa Kinh tế UEH), PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh đánh giá cao những kết quả mà chương trình đã đem lại. Với nỗ lực nghiên cứu và đóng góp chính sách không ngừng nghỉ của các nhà kinh tế môi trường trong nhiều năm qua, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã có một bước tiến dài khi có một chương mới được bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường “Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường”
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về những đóng góp của EEPSEA và các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á
Bên cạnh các bài phát biểu quan trọng, hội thảo cũng đã diễn ra 7 phiên thảo luận song song với các chủ đề liên quan đến Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á như: Biến đổi khí hậu, Thủy sản và Tài nguyên biển, Môi trường và Phát triển, Ô nhiễm và Sức khỏe, Du lịch và Dịch vụ sinh thái, Thiên tai và Chính sách thích ứng, và Định giá môi trường.
Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership) được phát triển chuyển tiếp từ Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA). Thành lập từ năm 2016, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tiếp nối truyền thống đó của EEPSEA và hoạt động như là một nền tảng trong khu vực ASEAN trong việc triển khai các nghiên cứu liên đa ngành để giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu. Viện đã phát triển thành một hệ thống gồm các tổ chức kinh tế và môi trường ở nhiều nước khác nhau trong khu vực, cùng nhau thực hiện các nghiên cứu liên đa ngành để xác định các giá trị của môi trường cũng như tổ chức các khóa đào tạo sử dụng công cụ và kỹ thuật kinh tế trong phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
TS. Phạm Khánh Nam - Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á phát biểu khai mạc hội thảo.
Các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường tại Việt Nam thảo luận về các công cụ kinh tế trong Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi QH/2020) mới được Quốc hội ban hành.
Thảo luận cùng với các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường trong khu vực Đông Nam Á về chiến lược Xây dựng nền kinh tế Đông Nam Á xanh hơn, sạch hơn và phát triển toàn diện
Các đại biểu thảo luận
Các nhà nghiên cứu kinh tế môi trường tại Việt Nam chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á
Chia sẻ