Để Hội đồng trường phát huy hết vai trò

23 tháng 10 năm 2018

GD&TĐ - Hội đồng trường (HĐT) được xem là tổ chức quan trọng trong quản trị, định hướng phát triển nhà trường, cũng như trong công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, do còn nhiều rào cản nên HĐT tại các trường ĐH thực chất vẫn chưa thể phát huy hết vai trò của mình. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Thế Hoàng - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đơn vị được đánh giá là có cơ chế quản trị hiệu quả, phù hợp - xung quanh đề tài này.

GD&TĐ - Hội đồng trường (HĐT) được xem là tổ chức quan trọng trong quản trị, định hướng phát triển nhà trường, cũng như trong công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, do còn nhiều rào cản nên HĐT tại các trường ĐH thực chất vẫn chưa thể phát huy hết vai trò của mình. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với TS Trần Thế Hoàng - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Kinh tế TPHCM, đơn vị được đánh giá là có cơ chế quản trị hiệu quả, phù hợp - xung quanh đề tài này.

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) quy định các trường ĐH bắt buộc phải có HĐT. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều HĐT ở các trường ĐH hoạt động chưa hiệu quả. Theo ông nguyên nhân ấy đến từ đâu?

- Thực tế thời gian qua, HĐT ở một số trường ĐH hoạt động chưa hiệu quả do một số nguyên nhân sau:

HĐT chưa thật sự là một tổ chức có quyền lực. Thực tế, vai trò hiện nay của HĐT chỉ có nhiệm vụ giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết. HĐT chưa có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Chính những rào cản trên cộng với việc hoạt động của HĐT còn phụ thuộc vào bộ máy tổ chức, nhân sự, đặc biệt là phụ thuộc về tài chính của ban giám hiệu khiến tính hiệu quả và thực chất của tổ chức này chưa cao.

TS Trần Thế Hoàng - Chủ tịch HĐT Trường ĐH Kinh tế TPHCM

Cá biệt, ở một số trường, Chủ tịch HĐT chưa từng kinh qua quản lý cấp trường mà thường là cấp trưởng phòng, trưởng khoa và chưa được đào tạo về quản trị đại học. Trong khi Luật GDĐH quy định cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm. Một số Chủ tịch HĐT thậm chí không có trong ban chấp hành Đảng bộ của trường ĐH đã khiến nhiều HĐT chưa thật sự “uy quyền”.

Điều quan trọng nhất của một HĐT là được quyền tham gia trong công tác quy hoạch cán bộ, bầu bán nhân sự chủ chốt của nhà trường. Thế nhưng, trong thực tế cơ chế giám sát và quyền bầu bán các vị trí chủ chốt (hiệu trưởng, hiệu phó) của HĐT vẫn rất nhỏ. Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM vấn đề này như thế nào? Kinh nghiệm của nhà trường trong việc tháo “nút thắt” này?

- Theo Luật GDĐH và Điều lệ trường đại học hiện hành, HĐT gần như không tham gia trực tiếp vào công tác quy hoạch, bầu chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Điều này cũng ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của HĐT trong hoạt động ở trường đại học.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy với HĐT; đảm bảo cơ cấu, số lượng các đồng chí đảng ủy viên trong HĐT, đặc biệt Chủ tịch HĐT là Phó bí thư thường trực Đảng ủy.

Tham gia góp ý cho Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, nhiều đại biểu cho biết trường ĐH tư thục có ban kiểm soát, nhưng ở trường công lập thì không. Vậy ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM ai là người giám sát vai trò và hoạt động của HĐT?

- Thời gian qua tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Đảng ủy là người giám sát vai trò và hoạt động của HĐT, được thể hiện qua cơ chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy với HĐT, cụ thể: Đảng ủy lãnh đạo toàn diện về mặt phương hướng, chủ trương, đường lối theo quy định của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT được quy định ở Luật GDĐH và Điều lệ trường đại học.

Trước một vấn đề nào đó quan trọng, Đảng ủy trường sẽ thảo luận và quyết nghị các nội dung mà Chủ tịch HĐT là đảng ủy viên chuẩn bị và sẽ trình xin ý kiến HĐT theo Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐT.

Đảng ủy nhận xét, đánh giá và thông qua việc đề cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên khác của HĐT trên cơ sở đề nghị của HĐT được quy định trong Điều lệ trường đại học; cử một số đảng ủy viên tham gia HĐT.

Đảng ủy thông báo với HĐT ý kiến của đảng viên về thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường. Chủ tịch HĐT thay mặt HĐT trao đổi với Đảng ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ và những chủ trương sắp tới của trường để Đảng ủy thảo luận, ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện.

Một buổi học của thầy trò ngành Quản trị Trường ĐH Kinh tế TPHCM

Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã theo cơ chế tự chủ tài chính khá lâu, và cũng là một trong ba trường ĐH được Bộ GD&ĐT đề nghị nghiên cứu, xây dựng cơ chế hoạt động không Bộ chủ quản. Để làm được điều này vai trò của HĐT là tối quan trọng. Ông có thể chia sẻ một chút về cơ cấu và hoạt động của HĐT hiện nay và lộ trình hoạt động khi không còn Bộ chủ quản?

- Vấn đề này hiện vẫn đang được trường nghiên cứu, xây dựng nên lộ trình cụ thể vẫn chưa có.

Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Chủ tịch HĐT có phụ thuộc Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy trường trong các quyết định nhân sự, tài chính hay không? Nếu không, thì cơ chế mở của ĐH Kinh tế TPHCM là gì?

- Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, quan hệ công tác giữa Chủ tịch HĐT, Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy được thể hiện trong Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐT.

Chủ tịch HĐT có nhiệm vụ chỉ đạo và điều hành HĐT thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học, Điều 9, 10 của Điều lệ trường đại học.

Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy, HĐT và Ban giám hiệu trong lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của nhà trường.

Theo ông, để một HĐT hoạt động hiệu quả, thể hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình với đường hướng phát triển, quản trị nhà trường…thì cần những gì?

- Để một HĐT hoạt động hiệu quả, thể hiện đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình với đường hướng phát triển, quản trị nhà trường … thì cần phải có các điều kiện sau: Chủ tịch HĐT đã từng tham gia quản lý cấp ban giám hiệu, phải được đào tạo về quản trị đại học và giữ chức vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy.

Các thành viên HĐT phải đảm bảo cơ cấu hợp lý, phù hợp giữa các thành viên trong và ngoài trường, giảm bớt nhân sự phó hiệu trưởng tham gia HĐT…

Tăng quyền quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt, công tác tài chính hàng năm cho HĐT.

Một trường ĐH tự chủ thành công đồng nghĩa với việc HĐT của đơn vị ấy có thực quyền. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thành viên HĐT có hiệu trưởng và hiệu phó trong đó. Như vậy theo ông, giải pháp nào để các thành viên trong HĐT thoát khỏi “cái bóng” quản lý trong các quyết định? Kinh nghiệm từ ĐH Kinh tế TPHCM?

- Vấn đề quan trọng để nâng cao vai trò của HĐT trong việc ra các quyết định chiến lược, đó là phải xây dựng nguyên tắc và phương thức hoạt động của HĐT.

Ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, mọi quyết định đều được thực hiện theo phương thức thảo luận, thông qua quyết nghị tập thể tại cuộc họp HĐT với nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số và sử dụng hình thức bỏ phiếu kín.

Xin cảm ơn ông!

Anh Tú (thực hiện)

Theo Báo Giáo dục thời đại.

 
Chia sẻ