Tọa đàm “Nâng cao chất lượng học phần Học kỳ doanh nghiệp”

21 tháng 12 năm 2021

Sáng ngày 21/12/2021 tại Hội trường B1-204, Khoa Luật Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG) đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng học phần Học kỳ doanh nghiệp” với sự tham gia của các doanh nghiệp đối tác tham gia học kỳ doanh nghiệp, các luật sư và cố vấn tại doanh nghiệp, các giảng viên Khoa Luật và các sinh viên đã tham gia học phần học kỳ doanh nghiệp.

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc, TS. Đinh Công Khải - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (CELG) đã khẳng định: “Học kỳ doanh nghiệp (HKDN) là học phần quan trọng trong chương trình đào tạo của UEH, rút ngắn khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Việc áp dụng chương trình HKDN có ý nghĩa thực tiễn cao, bên cạnh phương thức khóa luận tốt nghiệp. Mặc dù khi xây dựng Đề cương môn học HKDN đã có mục tiêu rõ ràng, mô tả rõ chuẩn đầu ra, tuy nhiên việc triển khai HKDN vẫn còn lúng túng, việc phối hợp giữa giảng viên và các luật sư, đại diện từ phía doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập. Để nâng cao chất lượng học phần này, Ban Giám Hiệu CELG rất quan tâm đến Toạ đàm này lần này để có thể rút kinh nghiệm chung cho các Khoa thuộc CELG.”

TS Đinh Công Khải - Phó Hiệu trưởng Trường CELG phát biểu khai mạc

TS. Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng khoa Luật cho biết: “Qua hai năm 2020, 2021, Khoa Luật đã phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện chương trình học phần HKDN. Toạ đàm lần này nhằm đánh giá kết quả thực hiện HKDN, thảo luận về các vướng mắc, bất cập và trao đổi hướng hoàn thiện tốt nhất để thực hiện HKDN. Chính vì thế, Khoa Luật tổ chức Toạ đàm với thành phần tham dự bao gồm: Khoa Luật, các doanh nghiệp, giảng viên Khoa Luật tham gia hướng dẫn sinh viên tham gia HKDN; cố vấn từ phía doanh nghiệp và những người làm việc trực tiếp với sinh viên. Đặc biệt, tọa đàm còn mời các sinh viên đã tham gia HKDN, họ sẽ nói lên các cảm nhận và kinh nghiệm tốt hơn cho việc tham gia HKDN.”

TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật chia sẻ tại tọa đàm

Buổi Tọa đàm được đồng chủ trì bởi TS. Nguyễn Thị Anh - Phó Trưởng Khoa Luật, và TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Giám đốc Chương trình đào tạo Luật Kinh Doanh. Tiến sĩ Nghị cho rằng, học phần HKDN được thiết kế với thời lượng 8 tín chỉ, kéo dài trong thời gian 3 tháng, với hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, giúp sinh viên có dịp trải nghiệm vị trí công việc, có cơ hội áp dụng những kiến thức, kĩ năng và phẩm chất đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thứ hai, rèn luyện sinh viên làm quen với môi trường công việc để có thể sẵn sàng cho vị trí công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Học phần cũng xây dựng thái độ tự chủ, tự quyết và năng lực chịu trách nhiệm của sinh viên.

TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị - Giám đốc Chương trình đào tạo Luật Kinh Doanh phát biểu

Báo cáo tổng kết về 2 năm thực hiện học phần HKDN dành cho sinh viên ĐHCQ K43, K44, TS. Nguyễn Thị Anh chia sẻ: Với tôn chỉ “Học đi đôi với hành”, Quyết định 716/2020 của Trường Đại Học Kinh Tế TP.Hồ Chí Minh, Khoa Luật trân trọng và đề cao sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp đối với chương trình”. Năm 2021, có 12 doanh nghiệp đã đồng hành với Khoa Luật và tiếp nhận sinh viên đến thực hiện chương trình. Năm 2020, tổng cộng có 23 sinh viên tham gia chương trình thì đến năm 2021, tổng số sinh viên đăng ký tham gia học phần là 113 sinh viên, với 41 sinh viên được tuyển chọn tham gia chương trình. Khoa Luật cũng đã xây dựng quy trình để thực hiện học phần trôi chảy. Đầu tiên, sinh viên sẽ đăng ký với Phòng Đào Tạo và Phòng sẽ lập danh sách gửi về cho Khoa. Khoa Luật sẽ tiến hành tuyển chọn, phỏng vấn để chọn ra sinh viên phù hợp. Sau đó, sinh viên phải tiến hành phỏng vấn tại vòng doanh nghiệp và báo cáo với giảng viên hướng dẫn về kết quả phỏng vấn. Khi tiến hành thực hiện học phần HKDN, sinh viên sẽ tiến hành báo cáo và gửi kết quả về cho Khoa.

Về thành tựu, sinh viên có cơ hội trải nghiệm cơ hội làm việc thực tế, được học thêm các kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống, và cải thiện về tư duy pháp lý, phân tích vấn đề và phát triển kỹ năng xử lý vấn đề, nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đồng thời, góp phần bổ sung phong phú cho CV xin việc, thể hiện được ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn như đại dịch Covid-19 khiến quá trình trải nghiệm công việc thực tế trở nên khó khăn, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình còn hạn chế và quy trình thực hiện còn bất cập.

TS. Nguyễn Thị Anh trình bày tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Luật sư Đặng Quốc Anh - Luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Đất Luật cũng đã trình bày một số ý kiến đánh giá, đề xuất hoàn thiện học phần HKDN. Luật sư cho rằng, “Học phần HKDN mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, gia tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, tạo cơ hội hợp tác và nhiều tiềm năng phát triển cho cả doanh nghiệp và sinh viên trong tương lai”. Ngoài ra, Luật sư cũng đề xuất nhà trường cần trang bị nhiều kỹ năng mềm cho sinh viên trước khi gửi sinh viên đến tham gia HKDN. Ông cũng đề xuất tích hợp chương trình kiến tập vào chương trình HKDN và bỏ chương trình kiến tập để quá trình nhận hướng dẫn sinh viên diễn ra thực chất hơn. Cuối cùng, ông đề xuất nhà trường và doanh nghiệp cần hợp tác xây dựng một bộ khung mục tiêu và đánh giá để thuận tiện hơn trong việc hướng dẫn sinh viên.

LS. Đặng Quốc Anh - Luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Đất Luật chia sẻ

Từ góc nhìn từ đối tác doanh nghiệp và người cố vấn, Luật sư Hoàng Văn Độ - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long phát biểu: Đây là năm đầu tiên Công ty Luật TNHH Hồng Long tham gia chương trình HKDN. Chúng tôi đánh giá cao lợi ích của HKDN”. Ông cũng có lời khen đến thái độ tích cực tham gia hoạt động HKDN của sinh viên, tuy nhiên vẫn có sinh viên còn yếu kỹ năng soạn thảo văn bản và chậm tiếp thu góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp.

LS. Hoàng Văn Độ - Phó Giám đốc Cty Luật TNHH Hồng Long

Về phía giảng viên, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền có ý kiến rằng, các quy định và tài liệu theo Quyết Định 716/QĐ-ĐHKT-QLĐTCTSV được sử dụng xuyên suốt trong học phần HKDN giữa các bên cùng tham gia, đồng thời đề xuất nên xây dựng một bộ mục tiêu học tập rõ ràng, thống nhất để cả sinh viên và những người hướng dẫn đều hình dung được về những mục tiêu cần đạt, từ đó có hướng xây dựng phù hợp. Các giảng viên cũng chỉ ra một số bất cập trong quy trình đánh giá của HKDN từ góc độ của người hướng dẫn đánh giá sinh viên trong HKDN. TS. Hiền cũng góp ý nhiều đối với thang đánh giá và các tiêu chí đánh giá, đặc biệt là tiêu chí thứ 26 của mục A.  

TS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Giảng viên Bộ môn Luật Quốc tế

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Luật sư Châu Huy Quang - Giám đốc điều hành Công ty Rajah & Tann LCT kỳ vọng rằng, ứng viên tham dự HKDN sau khi ra trường phải định hướng được trở thành Luật sư tranh tụng, tư vấn hay trọng tài. Những ứng viên được trường đề xuất tham dự HKDN và được tuyển chọn sẽ có những mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, có khả năng hợp tác lâu dài với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đưa ứng viên vào đời sống thực tế của doanh nghiệp, rèn luyện những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm như một luật sư tập sự thực thụ.

Luật sư Châu Huy Quang - Rajah & Tann LCT

Bên cạnh đó, sinh viên Liêu Thị Phúc và Lê Thị Thu Hiền, LQ001 K44 - là những sinh viên được tuyển chọn và đã đạt được một số thành tựu nhất định khi tham dự HKDN, các bạn đã đúc kết một số kinh nghiệm và những góp ý về quy trình đăng ký để HKDN thật sự phát huy được những thế mạnh trong tương lai. Ứng viên phải rèn luyện những tư duy về thương mại, kinh tế và đặc biệt rèn luyện những kỹ năng giao tiếp.

Sinh viên Liêu Thị Phúc chia sẻ

Sinh viên Lê Thị Thu Hiền chia sẻ

Một số hình ảnh khác của Tọa đàm:

ThS. Nguyễn Khánh Phương, giảng viên Bộ môn Luật Đại cương trình bày bài tham luận

ThS. Trần Thị Minh Đức - Giảng viên Bộ môn Luật Đại cương

Luật sư Lê Hữu Trí - Công ty TriLaw phát biểu tại Tọa đàm

Luật sư Lê Quỳnh Nhi - Rajah & Tan LCT phát biểu tại tọa đàm

Chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời đến tham dự buổi tọa đàm trực tuyến

Chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời đến tham dự buổi tọa đàm trực tiếp

Tin, Ảnh: Khoa Luật UEH, Phòng Marketing - Truyền thông

Chia sẻ