Tuyển sinh Đại học chính quy 2021: Nhất kinh doanh, nhì công nghệ thông tin
17 tháng 05 năm 2021
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy nhóm ngành kinh doanh và quản lý tiếp tục 'hot' nhất năm 2021 với hơn 1,2 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin "về nhì" với 336.000 nguyện vọng đăng ký.
- UEH công bố kết quả xét tuyển ĐHCQ 2021 theo 4 phương thức xét tuyển riêng: Chất lượng đầu vào cao
- UEH công bố kết quả xét tuyển ĐHCQ 2021 theo 4 phương thức xét tuyển riêng: Chất lượng đầu vào cao
- UEH công bố kết quả xét tuyển ĐHCQ năm 2022: Nhiều ngành đào tạo mới hấp dẫn, chỉ tiêu tăng, điểm chuẩn ổn định
1,2 triệu nguyện vọng vào kinh doanh, quản lý
Năm 2021 có đông thí sinh chọn nhóm ngành kinh doanh và quản lý nhất. Nhóm ngành này thu hút tới 1.218.773 nguyện vọng trong khi chỉ tiêu chỉ có 118.679.
"Hot" thứ hai là nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin. Năm 2021 nhóm ngành này thu hút 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Nắm bắt nhu cầu thị trường, năm nay nhiều trường mở thêm các ngành như an ninh mạng hay cử nhân ngôn ngữ Anh (chuyên sâu về kinh doanh - công nghệ thông tin) và ngành kỹ sư tự động hóa và tin học (Theo Báo Tuổi trẻ online).
UEH - Khi công nghệ đi cùng các ngành lĩnh vực kinh tế
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng Phòng Đào tạo UEH cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng và hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam thì nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế - kinh doanh cũng tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH) đã nỗ lực không ngừng để đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu về nguồn nhân lực này. Nhiều ngành nghề liên quan đến kinh doanh và quản lý từ lâu đã là thế mạnh của UEH trong đào tạo và đã khẳng định được thương hiệu, danh tiếng học thuật trên thị trường lao động như: kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, marketing, quản trị, tài chính, kế toán, kinh tế đầu tư v.v… hàng năm luôn thu hút một khối lượng lớn các thí sinh đăng ký mỗi mùa tuyển sinh. Đặc biệt, trước sự phát triển của công nghệ số, chương trình đào tạo cũng được đưa vào các môn học mới, liên quan đến các kiến thức công nghệ như công nghệ bán lẻ, thương mại điện tử, ngân hàng số, tài chính số, tiền kỹ thuật số Cryptocurrency, dữ liệu lớn…để giúp sinh viên theo kịp yêu cầu công việc trong môi trường thế giới liên tục thay đổi.
Một số ngành học mới, gắn liền với xu thế quốc tế hoá của nền kinh tế như logistic và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, tài chính quốc tế, luật kinh doanh quốc tế hay ngôn ngữ Anh cũng đã ra đời để đón đầu xu hướng phát triển và đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các đô thị cùng với quá trình phát triển kinh tế cũng khiến các ngành học về kiến trúc, thiết kế đô thị thông minh cũng trở nên hấp dẫn. UEH cho ra đời ngành học này để đào tạo các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, thiết kế và tư vấn giải pháp thông minh cho các bài toán về xây dựng và phát triển đô thị chắc chắn sẽ là nguồn nhân lực cần thiết trong thời gian tới khi các đô thị lớn của Việt Nam ngày càng mở rộng và phát triển.
Ngành kinh doanh nông nghiệp trong kỷ nguyên số
Trước đây, kinh doanh nông nghiệp truyền thống tập trung đào tạo cách thức quản trị, marketing, nâng cao hiệu quả sản xuất ở cấp độ nông trại. Hiện nay, việc đào tạo ngành thay đổi đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm cho người tiêu dùng khu vực thành thị, thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, thay vì đào tạo những nhà kinh tế thiên về nghiên cứu hàn lâm để giúp các nông trại gia tăng năng suất, đa dạng hóa thu nhập, thì chương trình kinh doanh nông nghiệp đào tạo những doanh nhân, các nhà quản trị để khởi nghiệp, điều hành doanh nghiệp nông nghiệp. Chương trình tập trung vào cách thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường từ nội địa đến xuất khẩu quốc tế, từ kênh tiếp cận bán hàng truyền thống đến bán hàng số như thương mại điện tử.
Ngoài ra, nhà trường cũng hướng sinh viên tìm hiểu kiến thức về môi trường bên ngoài như thay đổi chính sách, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu, phong trào bảo vệ môi trường, ... Bởi lẽ, những điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hành vi người tiêu dùng.
Hiện, UEH có cách tiếp cận đào tạo nhân sự chất lượng nhằm phục vụ xu hướng quốc tế hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ trong tương lai.
Thứ nhất, chương trình dạy học, tài liệu học tập thiết kế trên cơ sở tham khảo từ 03 trường đại học hàng đầu về kinh doanh nông nghiệp trên thế giới là: Đại học Purdue (Mỹ), Đại học Newcastle (Anh), và Đại học Queensland (Úc).
Thứ hai, tất cả các học phần chuyên ngành phối hợp giảng dạy bởi giảng viên giỏi của khoa Kinh tế, khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing và các doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp - thực phẩm.
Thứ ba, chương trình tập trung vào bốn khối kiến thức quan trọng: quản trị chuỗi cung ứng, kênh phân phối thực phẩm nông nghiệp; marketing nông nghiệp; phân tích chính sách nông nghiệp và thực phẩm; kiến thức về tài chính và giao dịch hàng hóa phái sinh về các nông sản. Giao dịch hàng hóa là một lĩnh vực phát triển rất mạnh, hứa hẹn cơ hội việc làm hấp dẫn với thu nhập cao cho sinh viên tốt nghiệp ngành kinh doanh nông nghiệp.
Thứ tư, chương trình được thiết kế một cách linh hoạt để sinh viên có cơ hội học song ngành với ngành Logistics & quản lý chuỗi cung ứng, ngành Kinh doanh quốc tế.
Thứ năm, đây là chương trình duy nhất của UEH có giảng dạy các học phần cho những sinh viên có nguyện vọng làm việc ở các tổ chức phi chính phủ như: viết đề xuất dự án, kỹ năng gây quỹ và doanh nghiệp xã hội.
Theo Thạc sĩ Phùng Thanh Bình, ngành kinh doanh nông nghiệp mới nổi khoảng 04 năm gần đây. Theo khảo sát của UEH với 23 doanh nghiệp tại TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp và Trà Vinh, 73% các doanh nghiệp cho rằng sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh nông nghiệp của UEH có kiến thức, kỹ năng, thái độ tốt.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngành kinh doanh nông nghiệp đang làm việc tại nông trại organic của Vinamit
Nguồn: Theo Báo Tuổi trẻ, Phòng Đào Tạo, Phòng Marketing - Truyền thông.
Chia sẻ