Biến áp lực đồng trang lứa thành động lực trong học tập

28 tháng 07 năm 2023

Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) đã và đang trở thành một hiện tượng phổ biến và tác động tích cực lẫn tiêu cực đến kết quả học tập của người học. Dành một vài giây để suy nghĩ, có bao giờ bạn cảm thấy tự ti khi nhìn vào những thành tích học tập nổi bật của bạn bè đồng trang lứa, dù khi ta vẫn có thể học hỏi họ từ những kinh nghiệm ấy? Nhưng bạn biết không, chúng ta vẫn có thể chủ động khai thác tiềm năng của áp lực này và biến chúng thành động lực học tập mạnh mẽ.

Ngày nay, các bạn trẻ thường cảm thấy áp lực xã hội theo nhiều cách khác nhau như trong lựa chọn phong cách ăn mặc, đồ dùng, phụ kiện và giải trí. Đối với môi trường đại học, phần lớn người học gặp khó khăn khi đối mặt với việc duy trì thành tích học tập tốt và áp lực đồng trang lứa. Giữa những kỳ vọng của trường học, hướng dẫn của cha mẹ, mong muốn hòa nhập và ảnh hưởng của bạn bè, chúng ta dần choáng ngợp và đi theo số đông, nhưng lại không nắm rõ mục đích thật sự của bản thân là gì.

Thế nhưng, bên cạnh những khía cạnh xấu trên, việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước sẽ mang lại nhiều trải nghiệm bổ ích cho bản thân. Thấu hiểu được tầm quan trọng đó, ngày 20/07/2023, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) đã tổ chức chuyên đề “Language Workshop: Transform peer pressure into study motivation” trong khuôn khổ hoạt động định kỳ Tọa đàm ngôn ngữ tại UEH English Zone với sự tham dự của Thầy Mo Ayman, giảng viên tại TESOL International Academy.

Tại nền tảng Microsoft Teams của Công viên tiếng Anh – UEH English Zone, Thầy Mo Ayman đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá cho người học, giúp người tham dự có cái nhìn nghiêm túc và trọn vẹn hơn về áp lực đồng trang lứa. Diễn giả chia sẻ, tuy áp lực từ bạn bè có thể là một thế lực mạnh mẽ, nhưng nó không phải là một nguồn năng lượng tiêu cực. Bằng cách làm theo những lời khuyên được chia sẻ, người học hoàn toàn có thể khai thác sức mạnh của áp lực từ bạn bè và sử dụng nó để thúc đẩy bản thân đạt được mục tiêu học tập của mình.

Cụ thể, thầy bắt đầu bằng cách thảo luận về tác động tích cực và tiêu cực của áp lực đồng trang lứa, và điều quan trọng là phải nhận thức được cả hai loại. Áp lực tích cực từ bạn bè có thể thúc đẩy người học học tập chăm chỉ hơn và đặt mục tiêu cao hơn. Mặt khác, áp lực tiêu cực từ bạn bè có thể dẫn đến sự phân tâm và thiếu tập trung vào việc học.

Từng câu hỏi được diễn giả phân tích chi tiết trong chương trình cũng như các phương pháp giúp người học ứng dụng kiến thức vào thực tế.

Diễn giả nhấn mạnh, một cách để biến áp lực của bạn bè thành động lực tích cực là chia việc học của bạn thành những nhiệm vụ nhỏ, cũng như tập trung vào các bước hơn là tập trung vào mục tiêu. Điều này có thể làm cho nhiệm vụ có vẻ ít khó khăn hơn và dễ đạt được hơn. Ví dụ: nếu bạn sắp có một bài kiểm tra lớn, bạn có thể chia nó thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, chẳng hạn như xem lại ghi chú, làm các bài tập thực hành và tạo lịch học. Ngoài ra, thầy Ayman cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc biến việc học thành thói quen, như việc bố trí thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần hợp lí để học. Khi bạn biến việc học thành thói quen, việc duy trì động lực và đi đúng hướng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thầy Ayman cũng chỉ ra rằng bạn không đơn độc trong việc học của mình. Có rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ bạn, chẳng hạn như bạn bè, gia đình, giáo viên và bạn học của bạn. Đừng ngại liên hệ để được giúp đỡ khi bạn cần. Cũng có lúc, nghỉ giải lao sẽ quan trọng hơn việc tiếp tục học, vì điều này sẽ giúp bạn tập trung và tránh bị kiệt sức. Đứng dậy và di chuyển xung quanh, hoặc dành vài phút để thư giãn, có thể giúp bạn trở lại với việc học một cách sảng khoái và sẵn sàng tập trung.

Hiểu được tâm lý của sinh viên, học viên ở môi trường đại học, thầy  Ayman lưu ý đến việc chịu trách nhiệm cho việc học của chính mình. Đối với mỗi người, chúng ta nên đặt mục tiêu cho bản thân, tuân thủ lịch trình học tập và chăm sóc bản thân. Khi bạn chịu trách nhiệm cho việc học của mình, bạn luôn phải biết được lí do vì sao ta đang học, cũng như mục tiêu, hy vọng của bạn trong học tập. Khi bạn có một câu hỏi "tại sao" mạnh mẽ, bạn sẽ dễ dàng duy trì động lực hơn khi mọi thứ trở nên khó khăn.

Cuối cùng, thầy Ayman khuyến khích sinh viên tự thưởng cho mình vì đã làm việc chăm chỉ. Điều này sẽ giúp bạn duy trì động lực và đi đúng hướng. Khi bạn tự thưởng cho thành tích của mình, về cơ bản bạn đang nói với bản thân rằng bạn đang làm rất tốt. Thầy chỉ ra rằng việc so sánh bản thân với người khác có thể là một động lực mạnh mẽ, nhưng điều quan trọng là bạn phải so sánh bản thân với chính mình trong quá khứ chứ không phải với người khác.

Tọa đàm đã diễn ra thành công và nhận được nhiều sự quan tâm từ người học UEH. Buổi tọa đàm đã diễn ra gần 2 tiếng đã giải đáp những thắc mắc, trăn trở của người tham dự về việc đối mặt với những nỗi lo lắng mà áp lực đồng trang lứa gây ra. Dưới hình thức trực tuyến, người tham dự có thể gia tăng kết nối và mở rộng cơ hội học hỏi và trau dồi tiếng Anh của bản thân.

Bạn có thể xem lại bản ghi hình của buổi tọa đàm tại đây.

Thông qua những chia sẻ của diễn giả, người tham dự đã có phần thảo luận và trao đổi rất sôi nổi về chủ đề

Nằm trong đề án Công viên tiếng Anh – UEH English Zone, Tọa đàm ngôn ngữ là hoạt động định kỳ được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề thiết thực giúp người học và viên chức cải thiện khả năng ngôn ngữ cũng như các kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế. Nếu bạn quan tâm đến chương trình hoặc các hoạt động giao lưu, chia sẻ khác bằng tiếng Anh, hãy tương tác và theo dõi tại fanpage UEH English Zone để cập nhật những thông tin mới nhất về các chương trình.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Chia sẻ