CELG Seminar Chuyên đề 1: “Uncertainty And Corporate Default Risk: Novel Evidence From Emerging Markets”

01 tháng 06 năm 2022

Sáng ngày 26/5 vừa qua, Chuỗi sinh hoạt khoa học định kỳ của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) với chuyên đề 1: “Uncertainty And Corporate Default Risk: Novel Evidence From Emerging Markets” đã chính thức diễn ra tại phòng B1-1001.

Môi trường nghiên cứu năng động là nền tảng vững chắc, là bệ phóng cho các nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng. Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) luôn chú trọng xây dựng một hệ sinh thái nghiên cứu đa dạng. Do đó, sự ra đời của CELG Seminar (CELGS) hướng đến sự phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, đóng góp tạo ra giá trị học thuật, gia tăng về lượng và chất nghiên cứu hàn lâm, đa dạng chủ đề nghiên cứu trong nội bộ trường, đồng thời, tạo môi trường giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. CELG seminar định kỳ sinh hoạt 2 lần/tháng, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu danh tiếng trong và ngoài nước, có uy tín học thuật cao và cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển cộng đồng học thuật vững mạnh.

Buổi sinh hoạt khoa học đầu tiên CELGS có sự tham gia của TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng CELG; PGS.TS. Võ Tất Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và sức khỏe; cùng quý giảng viên CELG và các nhà nghiên cứu trong - ngoài trường.

TS. Nguyễn Phúc Cảnh - Giảng viên khoa Ngân hàng UEH và TS. Nguyễn Đức Nguyên - Giảng viên Trường Đại học Đà Lạt đã mang đến cho các giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia CELGS một chủ đề nghiên cứu mới đầy tiềm năng khai thác: “Uncertainty And Corporate Default Risk: Novel Evidence From Emerging Markets”. Bài nghiên cứu đề cập đến phương pháp tiếp cận mới bằng việc đo lường và tìm các kênh tác động của sự bất ổn của một quốc gia (uncertainty) đến rủi ro vỡ nợ (default risk) của doanh nghiệp tại 26 thị trường mới nổi trong giai đoạn 1991-2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự bất ổn có tương quan dương với rủi ro vỡ nợ và tác động này có xu hướng lớn hơn đối với các công ty thận trọng nhất và sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhất. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, sự bất ổn có tương quan dương đến hành vi chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp (risk-taking behaviour) và chi phí sử dụng vốn vay (cost of debt), tương quan âm với tỉ lệ nắm giữ tiền mặt (cash holdings) và hiệu suất tài chính (financial performance). Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra sự bất ổn ít ảnh hưởng tới rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp lớn và những doanh nghiệp niêm yết trên những thị trường chứng khoán phát triển.

Chủ đề nghiên cứu của TS. Nguyễn Phúc Cảnh và TS. Nguyễn Đức Nguyên đã thu hút sự quan tâm của những đại biểu và khách mời tham dự. Trong hoạt động thảo luận đã gợi mở ra các vấn đề mới cần được thực hiện và giải quyết trong tương lai.

TS. Nguyễn Phúc Cảnh trình bày bài nghiên cứu

TS. Nguyễn Đức Nguyên trình bày và thảo luận trực tuyến trên nền tảng Webex

TS. Phạm Khánh Nam chủ trì CELG seminar

CELG Senimar chuyên đề đầu tiên “Uncertainty And Corporate Default Risk: Novel Evidence From Emerging Markets” đã diễn ra thàn công tốt đẹp và mang đến những khía cạnh cùng kiến thức nghiên cứu chuyên sâu, hữu ích dành cho đại biểu và khách mời tham dự. Song song đó, nhiều kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu và công bố giữa các nhà nghiên cứu cũng đã được chia sẻ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế ngày càng vững mạnh, gia tăng tri thức Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Dự kiến CELG Senimar chuyên đề 2 sẽ được tiếp tục tổ chức trong tháng 6/2022. Rất mong nhận được sự quan tâm và tham gia từ quý nhà nghiên cứu.

Tin, ảnh: Phòng Tổng hợp CELG, Phòng Marketing - Truyền thông

 

Chia sẻ