Chạy lên trước bóng tối: Học cách bảo vệ bản thân trước quấy rối tình dục

15 tháng 07 năm 2024

Những hành vi mang tính gợi tình sai trái vẫn luôn hiện diện xung quanh chúng ta, từ những bình luận kệch cỡm trên mạng xã hội cho đến những cuộc tấn công tình dục tàn nhẫn. Vì vậy, là sinh viên đại học, chúng ta cần làm gì để nhận biết, phòng tránh và bảo vệ bản thân trước hành vi sai trái, bất kể là trong giảng đường hay môi trường công sở? Bài viết này nhằm gợi mở thông tin cũng như trang bị cho người học những kiến thức pháp luật liên quan và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị quấy rối tình dục (QRTD).

Năm 2018, nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội tiến hành trên bốn tỉnh của Việt Nam cho thấy có tới 60% thanh thiếu niên từ cấp trung học đến đại học đã từng trải qua ít nhất một trường hợp bị QRTD. Rộng hơn, trong Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021, UN Women đã chỉ ra rằng trên toàn quốc, tỷ lệ phụ nữ từng bị QRTD trong đời là khoảng 11,4%, tức là cứ mỗi mười phụ nữ thì có một người đã trải qua ít nhất một hình thức QRTD. Điều đáng buồn hơn cả là vẫn còn rất nhiều những vụ việc QRTD không được báo cáo, và bởi vì tính nhạy cảm của vấn đề mà dữ liệu thu thập được chỉ là một phần nhỏ của tình trạng thực tế.

Cứ mỗi mười phụ nữ thì có một người là nạn nhân của QRTD

Trên thực tế, nhận thức về hành vi QRTD vẫn còn thấp và một số nạn nhân thậm chí còn không biết bản thân đang bị quấy rối. Cũng theo nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, có đến 60% thanh thiếu niên được khảo sát ở 4 tỉnh thành Việt Nam cho rằng nhìn chằm chằm vào bạn nữ và huýt sáo không phải là hành vi QRTD. Vậy hành vi QRTD được hiểu như thế nào?


Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì: “Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.


Đối với môi trường học tập, tài liệu về Quy trình Tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người học bị quấy rối tình dục tại UEH quy định rõ: QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu của bất kỳ người học nào đối với người học khác hoặc viên chức với người học và ngược lại, tại nơi học tập mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận, gồm:

  • Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất biểu hiện qua việc tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, từ hành vi sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn  cho tới tấn công tình dục.
  • Quấy rối tình dục bằng lời nói biểu hiện bằng các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội và văn hóa và không được đối phương mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn, lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục mà không được đối phương chấp nhận hay các đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn.
  • Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói biểu hiện thông qua các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi cảm, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay…. Hình thức này bao gồm các việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính hay các áp phích cũng như thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Các hình thức QRTD nơi học đường. Nguồn: EZ LAW

Khi “bóng tối” gần hơn chúng ta nghĩ

Hiện tượng người ngoài là nam giới vào giảng đường giả làm sinh viên, đi nhầm vào WC nữ, hay đi qua các khu giảng đường vào ban đêm với mục đích không trong sáng, cố tình đụng chạm rồi chạy đi… cũng là một hành vi quấy rối tình dục tại giảng đường, người học cần cảnh giác, lên án và tố cáo những hành vi này, không nên phớt lờ những vi phạm đạo đức trên.

Trên đây là một số tình huống điển hình mà nạn nhân dũng cảm lên tiếng hay gửi câu hỏi để được hỗ trợ. Tuy nhiên còn rất nhiều trường hợp nạn nhân QRTD chọn im lặng chịu đựng. Điều đáng báo động là những hành vi QRTD, dù chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, lại có thể để lại những vết thương lòng sâu sắc, khiến họ phải gánh chịu những tổn thương tâm lý nặng nề. RAINN (một tổ chức chống bạo lực tình dục) cho biết nạn nhân bị QRTD có thể sẽ bị tổn thương về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn như nhức đầu, rối loạn ăn uống/giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Việc giấu kín nỗi đau không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân của từng nạn nhân, mà vô tình còn tạo điều kiện cho vấn đề xã hội này trở nên ngày càng nghiêm trọng.

Quấy rối tình dục sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của nạn nhân. Nguồn: Pinterest

Sinh viên cần nhớ rằng môi trường đại học hay công sở đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị QRTD. Ngoài các hành vi đã được nêu trên, trong công sở còn tồn tại những hành vi QRTD như: trao đổi, đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa hoặc ép buộc đổi quan hệ tình dục với lợi ích công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối như: lời nói quấy rối hay việc chạm vào những vị trí nhạy cảm. Nạn nhân có thể là nhân viên lâu năm, nhân viên mới hoặc thậm chí là sinh viên thực tập. Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ đây là các hành vi vi phạm pháp luật và người thực hiện hành vi QRTD sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuỳ thuộc vào tính chất và hậu quả của hành vi.

Infographic: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Nguồn: Văn phòng Giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Pháp luật không bỏ rơi người bị QRTD

Theo quy định pháp luật, đối với hành vi quấy rối tình dục bằng lời lẽ, cử chỉ có tính chất tình dục, gây tổn thương đến tâm lý của nạn nhân thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể tới 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.

Trường hợp hành vi quấy rối tình dục được thực hiện nơi làm việc thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt đến 30.000.000 đồng. Cụ thể, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 11, Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Trường hợp hành vi quấy rối tình dục là xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối là người đã đủ 18 tuổi có hành vi dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Ngoài ra, hành vi quấy rối tình dục ở mức độ muốn quan hệ tình dục với nạn nhân bằng cách sử dụng vũ lực, bạo lực thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Hiếp dâm" hoặc tội "Cưỡng dâm" theo từng tình huống cụ thể và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Học cách bảo vệ bản thân trước quấy rối tình dục

Để tự bảo vệ bản thân và tạo ra một môi trường an toàn, bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết. Dưới đây là những kỹ năng quan trọng giúp phòng tránh bị quấy rối tình dục trong môi trường đại học và công sở.

  • Hiểu biết về quyền lợi và pháp luật

Hiểu biết về quyền lợi của bản thân và các quy định pháp luật liên quan đến QRTD là bước đầu tiên để tự bảo vệ. Sinh viên cần nắm rõ các chính sách của trường học về QRTD, biết cách báo cáo khi bị quấy rối và nhận thức rõ ràng về quyền lợi của mình. Điều này giúp sinh viên tự tin và biết cách hành động khi gặp tình huống không mong muốn.

  • Biết cách tố cáo và tìm kiếm sự giúp đỡ

Bạn cần nắm rõ các phòng ban nào hỗ trợ về QRTD, chẳng hạn như Cơ quan công an nơi bạn đang cư trú, văn phòng các trường nơi người học đang theo học, Đoàn thanh niên - Hội sinh viên trường, phòng nhân sự, các tổ chức công đoàn có thể hỗ trợ người lao động… Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết, vì điều này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn giúp ngăn chặn hành vi quấy rối trong tương lai.

Tại UEH, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ qua Hoạt động tư vấn tại DSA: https://dsa.ueh.edu.vn/hoat-dong-tu-van/

  • Biết cách nhận diện nguy cơ

Để tự bảo vệ bản thân, một trong những điều thiết yếu là phải nhận diện được những nguy cơ tiềm ẩn. Hãy cảnh giác với những người lạ mặt có hành vi bất thường, những người có lời nói, cử chỉ khiếm nhã, những người cố tình tiếp cận bạn một cách bất thường. Bất kỳ một hành vi gần gũi, tiếp xúc hay lời nói ám chỉ, không phù hợp nào khiến bạn cảm thấy không thoải mái đều là một dấu hiệu của QRTD. Việc nhận ra những dấu hiệu này sớm sẽ giúp bạn tự bảo vệ và ngăn ngừa trước những tình huống không may có thể xảy ra.

  • Kỹ năng giao tiếp rõ ràng và quyết đoán

Giao tiếp rõ ràng và quyết đoán là một kỹ năng quan trọng trong việc phòng tránh QRTD. Trước hết, sinh viên nên xác định giới hạn của bản thân và quyết định những hành vi mà bạn cho là không thể chấp nhận. Khi những tình huống bị xâm phạm xảy đến, sinh viên cần biết cách diễn đạt rõ ràng quan điểm của mình, từ chối một cách dứt khoát khi cảm thấy không thoải mái và không để cho người khác hiểu nhầm ý định của mình. Kỹ năng này giúp tránh các tình huống gây hiểu lầm và giảm thiểu nguy cơ bị quấy rối.

Hành vi được cho là QRTD

  • Tránh những tình huống nguy hiểm

Theo khảo sát của ActionAid, đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ QRTD cao nhất theo đánh giá của 57% phụ nữ/trẻ em gái và 47% nam giới/ người chứng kiến đã tham gia khảo sát. Địa điểm có nguy cơ cao tiếp theo bao gồm công viên, trường học và trên các phương tiện giao thông công cộng. Vì thế, khi đến các địa điểm trên, bạn nên nâng cao cảnh giác với môi trường xung quanh và tránh xa những người có dấu hiệu bất thường. Hãy hạn chế đi một mình vào ban đêm, tránh những khu vực vắng vẻ và luôn có kế hoạch an toàn khi tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc tiệc tùng. Khi cảm thấy không an toàn, hãy rời khỏi nơi đó ngay lập tức và tìm sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc người có trách nhiệm.

  • Sử dụng các ứng dụng an toàn và công nghệ

Công nghệ hiện đại cung cấp nhiều ứng dụng và công cụ giúp bảo vệ an toàn cá nhân. Sinh viên nên sử dụng các ứng dụng an toàn như ứng dụng chia sẻ vị trí với bạn bè, ứng dụng gọi điện khẩn cấp hoặc các thiết bị báo động cá nhân. Các công cụ này giúp người học dễ dàng liên lạc và nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi gặp nguy hiểm.

  • Học kỹ năng tự vệ và mang theo vật dụng phòng thân

Điều này không đồng nghĩa bạn cần luyện tập thành thục một môn võ thuật nào đó, chỉ đơn giản là học những kỹ năng tự vệ cơ bản như: cách thoát khỏi những tình huống nguy hiểm, cách tự vệ khi bị tấn công, cách sử dụng các vật dụng xung quanh để tự bảo vệ mình. Vật dụng phòng thân có thể kể đến như đèn pin tự vệ (có cường độ sáng cực cao dùng để chiếu thẳng vào mắt kẻ tấn công), thiết bị báo động (giúp thu hút sự chú ý của những người xung quanh trong trường hợp khẩn cấp) hay móc khóa tự vệ (được làm từ chất liệu cứng và có thiết kế đầu nhọn có thể làm đau và nới lỏng cảnh giác của kẻ xấu để chạy thoát thân).

Một số ví dụ về vật dụng phòng thân. Nguồn: Shadow.vn

  • Luôn luôn đề cao cảnh giác với các thiết bị quay 

Kiểm tra camera quay lén là một việc cần thiết khi ở không gian riêng tư như nhà nghỉ, khách sạn, phòng thay đồ, nhà vệ sinh công cộng… Bạn có thể sử dụng camera trong điện thoại, ứng dụng của bên thứ ba hoặc các thiết bị chuyên d​ụng để phát hiện camera quay lén.

Lên tiếng vì bản thân

Lên tiếng không chỉ là cách để tạo ra sự thay đổi trong tình huống hiện tại mà còn là cách để ngăn chặn sự quấy rối trong tương lai. Bằng cách lên tiếng, bạn đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng hành vi này không được chấp nhận và sẽ không được phớt lờ. Với cách đó, bạn có thể giúp bảo vệ chính mình và ngăn chặn người khác trở thành nạn nhân.

Hãy nhớ rằng bạn được bảo vệ bởi pháp luật, gia đình và xã hội. Nếu bản thân có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bạn cần có thái độ dứt khoát, có cảnh báo với đối tượng đồng thời lưu giữ chứng cứ để có thể tố cáo đến những nơi phù hợp. Ở UEH, các bạn sinh viên có thể chia sẻ câu chuyện của mình đến với Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA). DSA hiểu rằng quấy rối tình dục là một vấn đề nghiêm trọng và có thể gây tổn thương tâm lý và thể chất cho các bạn. Chính vì vậy, hơn ai hết, DSA mong muốn được đồng hành cùng các bạn vượt qua tình trạng hiện tại cũng như trên con đường chữa lành vết thương.

Không ai xứng đáng phải chịu đựng quấy rối tình dục. Người học ở tất cả các bậc, hệ của UEH đều có thể xem DSA là nơi đáng tin cậy để gửi gắm niềm hy vọng của mình.

Thông tin liên hệ Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Fanpage: https://www.facebook.com/UEH.DSADSA

Email: dsa@ueh.edu.vn

Số điện thoại: 028 7306 1976

Văn phòng:

  • Cơ sở A: A.016 – 59C Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
  • Cơ sở B: B1.111 – 279 Nguyễn Tri Phương, Quận 10
  • Cơ sở N: N1.201 – UEH Nguyễn Văn Linh, H. Bình Chánh (trong giờ hành chính)

Lời kết

Cả trong môi trường học tập và công sở, quấy rối tình dục không chỉ là vấn đề cho phụ nữ, mà còn có thể ảnh hưởng đến cả nam giới. Việc nhận thức về các hành vi quấy rối và biết cách phòng tránh và đối phó với chúng là yếu tố quan trọng để bảo vệ bản thân và tạo ra một môi trường lành mạnh. Đồng thời, việc tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến quấy rối tình dục cũng giúp chúng ta biết rằng hành vi này sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh. Bằng việc nắm vững kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân, chúng ta hoàn toàn có thể “chạy lên trước bóng tối” và tạo ra một môi trường học tập, làm việc an toàn và tôn trọng cho mọi người.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

UN Women (Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ). (2021). Báo cáo tóm tắt Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021 (CGEP).

https://asiapacific.unwomen.org/sites/default/files/Field%20Office%20ESEAsia/Docs/Publications/2021/10/vn-CCGEP_Executive-Summary_Tieng-Viet-s.pdf

Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội. (2011). Quấy Rối Tình dục trong Thanh thiếu niên tại Trường học.

https://isds.org.vn/an-pham/quay-roi-tinh-duc-qrtd-trong-thanh-thieu-nien-tai-truong-hoc/

RAINN. Sexual Harassment.

https://rainn.org/articles/sexual-harassment

Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam. (2015). Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

https://www.ilo.org/vi/publications/bo-quy-tac-ung-xu-ve-quay-roi-tinh-duc-tai-noi-lam-viec-0

Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam. (2014). Tóm tắt Chính sách cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật.

https://vietnam.actionaid.org/sites/vietnam/files/publications/Policy%20Brief%20%28Vietnamese%29.pdf

Liên Hợp Quốc Việt Nam. (2020). Hiện tại, Việt Nam cần “nói là làm” về quấy rối tình dục.

https://vietnam.un.org/vi/53875-hi%E1%BB%87n-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A7n-%E2%80%9Cn%C3%B3i-l%C3%A0-l%C3%A0m%E2%80%9D-v%E1%BB%81-qu%E1%BA%A5y-r%E1%BB%91i-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c

Ngô Thuỳ Dung. (2019). Quấy rối tình dục và phòng chống quấy rối tình dục trong trường đại học. Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM.

https://scholar.dlu.edu.vn/thuvienso/bitstream/DLU123456789/125291/1/CVv391S332019099.pdf

Báo điện tử VOV. (2022). 51,3% sinh viên 3 trường sư phạm được khảo sát cho biết từng bị quấy rối tình dục.

https://vov.vn/xa-hoi/513-sinh-vien-3-truong-su-pham-duoc-khao-sat-cho-biet-tung-bi-quay-roi-tinh-duc-post989021.vov

Chia sẻ