Làm thế nào để đối phó với nạn quấy rối tình dục nơi học đường?

27 tháng 05 năm 2022

Quấy rối tình dục (QRTD) là hành vi đáng lên án và cần được báo động khi mà hiện nay nó trở nên phổ biến nơi công sở, giảng đường và nơi công cộng, đặc biệt là trên không gian mạng với nhiều cách thức và hành vi khác nhau. Người học UEH cần hiểu rõ thế nào là hành vi QRTD và cách phòng tránh để nhận diện và bảo vệ bản thân trước các cuộc tấn công ngày càng nhiều như hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần mạnh mẽ đấu tranh chống lại và tìm cách đề phòng nạn quấy rối xảy ra trong môi trường trường học.

Hành vi thế nào được coi là quấy rối tình dục?

Theo Luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 định nghĩa QRTD là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không mong muốn và không phù hợp, gây xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường bất ổn, đáng sợ và khó chịu tại nơi học tập mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Các hành vi QRTD có thể được thể hiện qua ba hình thức khác nhau: thể chất, lời nói và phi lời nói: 

  • Biểu hiện dưới dạng thể chất gồm các hành vi cụ thể như: hành động, cử chỉ có tính chất tình dục, từ hành vi sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục...
  • Biểu hiện dưới dạng lời nói gồm những nhận xét về trang phục/cơ thể, những lời đề nghị và những yêu cầu mà người nhận không mong muốn hay các đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn…
  • Biểu hiện dưới dạng phi lời nói như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi cảm, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay…. Hình thức này bao gồm các việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, tin nhắn liên quan tới tình dục…

Như vậy, QRTD học đường thường được xác định thông qua 3 đặc điểm gồm: Hành động (thể hiện qua hành vi, lời nói, cử chỉ điệu bộ phi ngôn ngữ, cái nhìn…); Ý chí không trông đợi (người học thể hiện mình không mong muốn, khó chịu hoặc né tránh người có hành vi, cử chỉ…); Có hàm ý, gợi ý tình dục và ảnh hưởng tiêu cực (đến môi trường, kết quả học tập và sức khỏe tinh thần của học sinh).

(Trích từ Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, 2015 - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Chủ động đề phòng và chống đối để bảo vệ bản thân

Hãy học cách tự bảo vệ bản thân và sẵn sàng phản kháng với những “yêu râu xanh” (Nguồn: Yeah1 News)

Theo khảo sát của TS. Tâm lý học Trần Hoài Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội, có từ 32,5% đến 43% số học người học được hỏi xác định sai hành vi QRTD là hành vi chọc ghẹo hoặc tán tỉnh và đến 55% người học học đồng tình với quan điểm “Nếu bị QRTD ở trường cần phải có một nhân chứng chứng minh điều đó thì người khác mới phải để ý”. Từ kết quả trên, chúng ta thấy rằng người học chưa thực sự hiểu rõ thế nào mới là hành vi QRTD, chưa phân biệt rõ hành vi, biểu hiện để sớm nhận diện và bảo vệ bản thân trước các cuộc tấn công của đối phương đối với mình. 

Theo Amanda Spielman, người đứng đầu Văn phòng Tiêu chuẩn về Giáo dục, Dịch vụ Trẻ em và Kỹ năng, Anh Quốc chia sẻ, nói: "Thật đáng báo động khi nhiều trẻ em và thanh niên, đặc biệt là trẻ em gái, cảm thấy họ phải chấp nhận quấy rối tình dục như một phần của quá trình trưởng thành. Cho dù ở trường học hay trong cuộc sống xã hội, nhiều người chỉ đơn giản cảm thấy hành vi quấy rối không đáng để báo cáo”.

Để chấm dứt tình trạng trên, mỗi người cần chủ động đề phòng trước nạn quấy rối tình dục bằng cách tỏ thái độ dứt khoát, và lựa chọn cách phản ứng phù hợp. Bất cứ nơi đâu cũng đều có thể xảy ra nguy hiểm và bất cứ ai cũng có thể là kẻ xấu. Người quấy rối có thể là một người, nhóm người cùng giới hoặc khác giới, có thể là một người bạn quen biết. Vì vậy, bạn cần cảnh giác với những người có biểu hiện, hành vi không đứng đắn và không tôn trọng bạn và gây khó chịu cho bạn, sẵn sàng lên tiếng để chấm dứt các hành vi trên, tuyệt đối không tham gia quấy rối, xâm hại tình dục; biết kêu gọi sự hỗ trợ khi cần thiết bạn nhé.

Đã đến lúc mạnh mẽ đấu tranh, phòng chống nạn quấy rối xảy ra trong môi trường trường học (Nguồn: UK FC: End Sexual Violence in Conflict Global Summit, London)

Các quy định xử phạt về hành vi QRTD theo pháp luật và tại UEH

Quy định pháp luật:

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng (Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục còn chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác 
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

(Điểm g khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)

Tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tùy theo mức độ nghiệm trọng mà hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017):

  • Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 
  • Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: 

+ Phạm tội 02 lần trở lên; 

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

Như vậy, đối với hành vi quấy rối tình dục bằng hình ảnh không những bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 02 năm

Quy định trong môi trường giáo dục có thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định UEH cụ thể:

  • Thông tư số 9/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế học viên các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm vừa học ngày 10/3/2010;
  • Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo hệ chính quy ngày 5/4/2016;
  • Quy định công tác sinh viên hệ đại học chính quy số 3744/QĐ-ĐHKT-CTCT ngày 24 tháng 10 năm 2016 của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;

Với sự tiếp cận thông tin độc hại ngày càng dễ dàng, hành vi quấy rối tình dục đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và leo thang từ “công khai lộ liễu" đến “ẩn nấp tinh vi” tại trường học. Cảnh giác được sự biến tướng nguy hiểm đó, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) đã triển khai quy trình xử lý,  nắm bắt thông tin và có giải pháp phù hợp hỗ trợ người học nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các trường hợp liên quan đến hành vi quấy rối tình dục trong môi trường học tập tại UEH. Đội ngũ DSA sẽ giúp người học hiểu rõ thế nào là hành vi liên quan, hình thức thực hiện được xem là quấy rối tình dục; nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan để tư vấn người học tốt nhất.

Bạn có thể tham khảo thêm về Quy trình tiếp nhận và hỗ trợ người học bị QRTD tại UEH tại đây và chủ động trang bị cho mình bộ kiến thức, kỹ năng cần thiết để đối phó với nạn QRTD tại học đường.

Chúng ta cần cẩn thận và cảnh giác về hành vi quấy rối tình dục ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau (Nguồn: #N12BK: Sexual harassment ad campaign)

Khi gặp tình huống đối mặt với hành vi có tính chất tình dục mà chưa được sự chấp thuận của bạn tại UEH, bạn nên dứt khoát phản kháng và phản ánh thực trạng này đến DSA hoặc bộ phận Bảo vệ để kiểm soát kịp thời và bảo vệ quyền lợi của bạn trong quá trình học tập, nghiên cứu và sinh hoạt tại trường.

Thông tin liên hệ Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Fanpage: https://www.facebook.com/DSA.UEH

Email: dsa@ueh.edu.vn

Hotline: 028.7306.1976 (7:30-11:30 | 13:30-21:00, Chủ nhật 13:30-16:30)

Văn phòng:

Campus A: A.016 - 59C Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3

Campus B: B1.111 - 279 Nguyễn Tri Phương, Quận 10

Hoặc Campus N: N1.201 - UEH Nguyễn Văn Linh, H. Bình Chánh (trong giờ hành chính)

Tài liệu tham khảo:

Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

 

 

Chia sẻ