Quấy rối tình dục qua mạng: Tổn thương thật trên không gian ảo

26 tháng 06 năm 2024

Theo nghiên cứu của UNESCO năm 2014, 70% trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 18 tuổi tại Việt Nam đã từng bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội​​. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng chỉ có 20,2% người bị quấy rối lên tiếng phản đối trực tiếp, trong khi phần lớn giữ im lặng và tránh gặp lại kẻ quấy rối​. Đây là một phần lý do khiến vấn nạn này tiếp tục diễn ra mà không được báo cáo hoặc giải quyết triệt để. Những con số khiến chúng ta phải dừng lại suy ngẫm về những khó khăn mà nạn nhân QRTD đã âm thầm chịu đựng và vượt qua. Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn xoa dịu những thương tổn không may gặp phải, biết thêm nhiều kiến thức liên quan và hướng dẫn bạn cách lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho chính bản thân khi gặp phải tình huống QRTD qua mạng.

Thực trạng quấy rối tình dục qua mạng: Ngỡ mới nhưng không mới

Trong thời đại công nghệ số ngày nay, việc giao tiếp và kết nối với mọi người trở nên đơn giản và thuận tiện hơn bao giờ hết. Theo Báo cáo của Datareport vào quý I năm 2024, Việt Nam có khoảng 72,7 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội đang hoạt động, chiếm khoảng 73,3% tổng dân số​. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích đó, các hành vi quấy rối tình dục qua mạng cũng đang trở thành nỗi lo ngại ngày càng lớn của xã hội.      

Mặt trái, tình trạng quấy rối tình dục qua mạng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Trong năm 2020, số liệu từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho thấy đã có khoảng 18.000 vụ việc liên quan đến quấy rối tình dục qua mạng được ghi nhận.

Ranh giới mong manh giữa lời trêu đùa và sự quấy rối

Bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội (Nguồn ảnh: Vtv.vn)

Nhiều người hồn nhiên cho rằng những lời nói, hành động của mình khi bình luận về cơ thể của người khác chỉ là trò đùa vui. Vậy cần làm rõ như thế nào là quấy rối tình dục?

Theo khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động 2019, điều 84 Nghị định 14 năm 2020 quy định rõ, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Quấy rối tình dục ngoài xã hội, trong đó có quấy rối tình dục trên không gian mạng thì hiện tại Việt Nam và trên thế giới chưa có khái niệm hay định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, quấy rối tình dục trên không gian mạng được hiểu là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào dù là công khai hay riêng tư. Đây được công nhận là một hình thức của bạo lực tình dục.

Bình luận khiếm nhã trên mạng xã hội

Tại SEA Games 32, đội tuyển nữ Việt Nam đã đi vào lịch sử với tấm huy chương Vàng môn bóng đá nữ lần thứ 4 liên tiếp. Bên cạnh những lời khen ngợi, trên các bài đăng, một bộ phận cư dân mạng đã để lại những bình luận cợt nhả, thô tục nhắm đến hình thể các cô gái, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

"Ước gì tôi được một lần trực tiếp hôn lên lá cờ trên ngực trái của các tuyển thủ thay cho lời cảm ơn" hay "Vì các cầu thủ nữ đã dùng đôi chân để làm rung động trái tim người hâm mộ, nên tôi muốn dùng đôi tay để chạm đến trái tim họ" là những câu bớt khiếm nhã nhất đăng trên 1 trang Fanpage về thể thao. Một người mở màn, lại có thêm vài người theo sau hưởng ứng với các lượt thả like, thả haha hay bình luận tiếp nối màn trêu đùa đó.

Bình luận khiếm nhã về cầu thủ Thanh Nhã trên mạng xã hội (Nguồn ảnh: Vtv.vn)

Loạt hành vi quấy rối thái quá khác của những kẻ ẩn danh trên mạng

Quấy rối tình dục qua mạng xã hội không chỉ giới hạn ở các bình luận không phù hợp, mà còn bao gồm nhiều hành vi khác như chỉnh sửa ảnh của người khác với nội dung không đứng đắn, gửi tin nhắn spam hoặc gửi các hình ảnh, video clip thô tục. Nhiều nạn nhân cho biết khi đăng tải những hình ảnh đẹp lên MXH, họ nhận lại những tin nhắn... xin làm quen, rủ đi ăn tối, rủ đi du lịch, thậm chí có cả những đề nghị khiếm nhã. Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân còn nhận lại được những lời bông đùa, trêu chọc, thậm chí tán tỉnh với những câu từ phản cảm, dung tục. Có người còn bình phẩm nhan sắc, ngoại hình của các nạn nhân một cách kệch cỡm…

Trong môi trường học đường, kẻ xấu lợi dụng thông tin trong các group, nhóm học tập, lợi dụng những thông tin được chia sẻ công khai để mạo danh quấy rối. Một số trường hợp còn chỉnh sửa hình ảnh của nạn nhân thành các nội dung khiêu dâm và lan truyền trên mạng xã hội. Như trường hợp hình ảnh kỷ yếu của nữ sinh tại Hà Nội bị nhiều người bình phẩm với những lời lẽ tục tĩu, biến thái, thậm chí còn có nhiều kẻ biến thái bình luận bằng các video clip quay cận cảnh bộ phận sinh dục… Điều này không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của nạn nhân.

Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tạo ra một môi trường mạng không an toàn và độc hại. Các nạn nhân của quấy rối tình dục trực tuyến thường phải đối mặt với căng thẳng tâm lý, lo lắng và thậm chí trầm cảm.

Đây không phải là lần đầu tiên những người phụ nữ trở thành mục tiêu của những hành vi đùa cợt quá đà, mang hàm ý quấy rối một cách công khai như vậy. Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, con số này thậm chí còn cao hơn Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh. Ở một quốc gia luôn đề cao và trân trọng giá trị truyền thống lại có con số phản ánh một thực tế đáng buồn.

Hậu quả vô tình từ những lưỡi dao vô hình

Quấy rối tình dục qua mạng là một hình thức xâm phạm nghiêm trọng đối với quyền riêng tư, danh dự và nhân phẩm của con người. Nó không chỉ gây ra những tổn thương về mặt tinh thần mà còn có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý và xã hội đáng báo động. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hành vi quấy rối tình dục trực tuyến có thể lan truyền rộng rãi và khó kiểm soát, gây ra những tổn hại khó lường cho nạn nhân.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần: Nạn nhân thường gặp các vấn đề về trầm cảm, lo âu, mất ngủ, giảm khả năng tập trung, v.v.

Ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và xã hội: Nạn nhân có thể mất đi những cơ hội nghề nghiệp, bị cô lập xã hội, thậm chí còn rơi vào tình trạng bạo lực gia đình.

Với những hậu quả nghiêm trọng như vậy, việc ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi quấy rối tình dục qua mạng là một trong những vấn đề cấp bách của xã hội hiện nay.

Vậy làm thế nào để có thể ứng xử với những trường hợp này?

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục. Những kẻ ẩn danh gây ra hành vi này không hề phân biệt lứa tuổi, giới tính hay quốc tịch nào. Chính vì thế, mỗi người trong chúng ta cần phải nâng cao ý thức bảo vệ bản thân dù ở bất cứ nơi đâu.

Tư vấn về cách xử lý tình huống này, chuyên gia Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) nhận định: "Mạng xã hội thì không thể ngăn cấm theo dạng cơ học vật lý được nên việc phản đối, tỏ thái độ của mọi người khiến cho những người buông lời khiếm nhã phải tự rụt lại. Khi thấy không đồng ý, mình phải thể hiện quan điểm và nói rằng: 'Tôi không đồng ý', 'Tôi yêu cầu bạn chấm dứt bình luận về cơ thể của tôi và cách bình luận của bạn'. Có một cách rất đơn giản đó là nếu bạn không muốn bị phản ứng, bạn cần cân nhắc bất cứ điều gì viết ra có thể liên quan đến người khác”. Nếu đối tượng không dừng lại mà tiếp tục quấy rối với tính chất, mức độ ngày càng tăng, rõ ràng là để xúc phạm danh dự, nhân phẩm mình, thì cần có biện pháp kiên quyết. Trong các cơ quan, tổ chức thì cần phản ánh sự việc với người có trách nhiệm để có biện pháp xử lý. Nếu tình hình không được cải thiện, thì hãy sử dụng công cụ pháp luật. Bằng việc trình báo đến cơ quan chức năng, sự việc sẽ được giải quyết triệt để với chế tài xử phạt thích đáng dành cho kẻ quấy rối.

Mỗi nền tảng mạng xã hội đều có những lỗ hổng trong việc xử lý các nội dung và việc khắc phục đều cần sự chung tay vào cuộc của những đơn vị có thẩm quyền. Hãy tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội bằng cách:

  1. Sử dụng mật khẩu mạnh, không chia sẻ mật khẩu và luôn đăng xuất tài khoản sau khi dùng.
  2. Thiết lập quyền riêng tư phù hợp, không nên để công khai các thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, email,...
  3. Không chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người lạ và không cung cấp thông tin hoặc hình ảnh cá nhân
  4. Suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải nội dung, tránh xúc phạm hoặc làm tổn thương người khác.
  5. Luôn tôn trọng và tránh xúc phạm người khác, không chia sẻ hoặc nhắn tin hình ảnh khỏa thân, nghịch ngợm hay bình luận thô tục kể cả với những bạn trẻ đang yêu nhau.
  6. Báo cáo khi thấy có dấu hiệu bình luận khiếm nhã, quấy rối ở những nơi công cộng trên mạng xã hội để tạo một cộng đồng văn minh hơn.

 Việc biết được đâu là ranh giới giữa tiếp xúc thông thường và hành vi quấy rối tình dục sẽ giúp bạn sớm nhận ra ý đồ của kẻ xấu và biết cách bảo vệ mình. Hãy nhớ rằng, DSA luôn ở đây bên cạnh và đồng hành cùng bạn. DSA luôn lắng nghe và đưa ra giải pháp để hỗ trợ bạn tốt nhất, đừng ngần ngại gửi email về hộp thư dsa@ueh.edu.vn, gọi đến số hotline 028 7306 1976 hoặc đăng ký gặp tư vấn viên tại https://dsa.ueh.edu.vn/hoat-dong-tu-van/.

Tin, Ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Tài liệu tham khảo

1. Thảo, M. (2024) Quấy rối Tình Dục Trên Mạng xã hội: định Nghĩa, Loại Hình và Hậu Quả, Cậu Bé Sìn Sú. https://caubesinsu.com/quay-roi-tinh-duc-tren-mang-xa-hoi/ (Accessed: 29 May 2024).

2. Trang thông tin phổ biến giáo dục Pháp Luật (no date) Quấy rối tình dục trên môi trường mạng, vấn nạn không thể bỏ qua và xem nhẹ. https://pbgdpl.haiphong.gov.vn/Su-kien---Binh-luan/Quay-roi-tinh-duc-tren-moi-truong-mang--van-nan-khong-the-bo-qua-va-xem-nhe-94415.html (Accessed: 29 May 2024).

3. Linh, L.T.K. (2024) Digital Việt Nam 2024 - Báo Cáo Toàn diện VỀ digital 2024, FPT Skillking. https://skillking.fpt.edu.vn/tin-tuc/tinh-hinh-digital-viet-nam-2024/ (Accessed: 29 May 2024).

4. Person (2024) We are social - toàn cảnh digital Tại Việt Nam đầu Tháng 1/2024 (phần 1): Thời Gian Trung bình Người Việt sử dụng internet là 6 giờ 18 phút, MarketingAI. https://marketingai.vn/we-are-social-toan-canh-digital-tai-viet-nam-dau-thang-1-2024-phan-1-thoi-gian-trung-binh-nguoi-viet-su-dung-internet-la-6-gio-18-phut-194240228161025809.htm (Accessed: 29 May 2024).

5. Person (2024) We are social - toàn cảnh digital Tại Việt Nam đầu Tháng 1/2024 (phần 1): Thời Gian Trung bình Người Việt sử dụng internet là 6 giờ 18 phút, MarketingAI. https://marketingai.vn/we-are-social-toan-canh-digital-tai-viet-nam-dau-thang-1-2024-phan-1-thoi-gian-trung-binh-nguoi-viet-su-dung-internet-la-6-gio-18-phut-194240228161025809.htm (Accessed: 29 May 2024).

6. Baodientuvtv (2023) 87% PHỤ NỮ việt nam Từng Bị Quấy Rối, BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/xa-hoi/87-phu-nu-viet-nam-tung-bi-quay-roi-20230523130250247.htm (Accessed: 29 May 2024).

Chia sẻ