Chiến binh cầu vồng: Một nền giáo dục hy vọng
23 tháng 02 năm 2023
Cầu vồng tượng trưng cho những điều tốt đẹp bằng dãy màu sắc trong trẻo mang lại sau những cơn mưa. Phải chăng đằng sau những vệt sáng mờ ảo tưởng như mong manh kia lại ẩn chứa một sức mạnh thật sâu sắc, mãnh liệt như những nhân vật trong tác phẩm “Chiến binh cầu vồng” của nhà văn Andrea Hirata. Cuốn sách là một bức tranh ngập tràn màu sắc: nỗi buồn xen niềm vui, nước mắt lẫn tiếng cười.
- UEH mở rộng cơ hội tuyển sinh và tuyển dụng cho các nhóm ít được đại diện: Xây dựng môi trường giáo dục đa dạng và toàn diện
- Lễ khai giảng Khóa Bổ sung kiến thức lần 3 - CEO VRG2024 cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)
- Phát triển Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thống nhất trên tất cả các mặt hoạt động
Chiến binh cầu vồng - tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia (nguồn: plems.edu.vn)
Qua từng trang sách, người đọc như được đồng hành cùng nhân vật trong những câu chuyện đong đầy cảm xúc, đó là cuộc sống nghèo khó của người dân nơi đây, đó là ý chí nghị lực phi thường của cô cậu học sinh, đó là tình thầy trò, khát vọng đem con chữ, đem giáo dục tri thức vượt qua cái nghèo, cái khó. Và hơn hết, đó cũng là ước mơ, khát vọng về quyền được giáo dục bình đẳng không chỉ riêng đất nước Indonesia của tác giả mà còn mọi quốc gia trên thế giới.
“Chiến binh cầu vồng” là những câu chuyện đầy sống động cùng nhiều nỗi gian truân diễn ra tại hòn đảo Belitong, Indonesia - nơi mà giáo dục đã trở thành nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái nghèo khó. Khi nhắc đến đảo Belitong, người ta nhớ đến sự giàu có bởi những tài nguyên màu mỡ nơi đây, tuy nhiên những người Mã Lai bản địa phải sống dưới sự phân biệt đối xử và sự nghèo khổ khi phải đi làm thuê trong các hầm mỏ hoặc sống nhờ vào biển cả, bữa được bữa mất. Và khi cái ăn cái mặc trở thành gánh nặng đè lên vai,thì giáo dục, tri thức, con chữ đều trở thành những thứ thật xa xỉ. Cuốn sách là câu chuyện xoay quanh ngôi trường Tiểu học Muhammadiyah chỉ có 10 học sinh, 1 cô giáo và 1 thầy hiệu trưởng, họ đã cùng nhau chiến đấu với sự khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất, sự phân biệt đối xử,....
“Nhưng thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh. Đó là định nghĩa hết sức thú vị về giáo dục của thầy Harfan.”
Sự thiếu thốn và những khó khăn của trường chạm đến cảm xúc của độc giả khi chỉ mới mở đầu cuốn sách. Ngày đầu tiên đi học của đám trẻ có thể là ngày cuối cùng nếu trường không có đủ mười học sinh. Dù trường Muhammadiyah không cần phải đóng học phí nhưng trong cái suy nghĩ của cha mẹ bọn trẻ lại lẩn quẩn nên cho con đi học hay để chúng nó đi làm thuê, nạo dừa,...kiếm tiền, rằng thật tốt nếu chúng không phải đi học, sẽ có thêm sức lao động trong gia đình, sẽ giảm đi phần nào gánh nặng tài chính. Thế nhưng, giữa những mưu sinh cơ cực ấy, vẫn có những bậc phụ huynh tin rằng học tập chính là con đường sáng suốt nhất để con em mình có thể thay đổi vận mệnh của nó và may mắn hơn là của cả gia đình.
Điều gì làm cho cuốn sách này trở thành tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia?
Giáo dục là cội nguồn của hạnh phúc
Những đứa trẻ dám khát khao và chiến đấu vì tri thức bằng một niềm tin mãnh liệt (nguồn: wowweekend.vn)
Lớp học có 10 học sinh như 10 mảnh ghép khác nhau về tính cách, tài năng,... Một Lintang với tài năng về Toán Học và KHTN, Madhar với xúc cảm nghệ thuật thiên bẩm, Trapani đẹp trai với ước mơ trở thành thầy giáo, Sahara với ước mơ trở thành một nhà nữ quyền. Và cậu bé Ikal người đã viết lên quyển sách này với mối tình đầu ngây thơ, trong sáng, với những kế hoạch A, kế hoạch B cho tương lai. Và còn Harun, A King,…. Những mảnh ghép ấy làm nổi bật tính cá nhân, sự sáng tạo của riêng mình khi đến lớp. Bởi vì thầy cô trường Muhammadiyah xem giáo dục là cội nguồn của sự hạnh phúc. Họ không có nhu cầu tạo ra lứa học sinh giống như những bộ máy di động mà thay vào đó, các cô bé cậu bé học sinh được khuyến khích ước mơ trở thành người mà bọn trẻ muốn.
Những người thầy, người cô vĩ đại
Tuy trường chỉ có 2 giáo viên, một là hiệu trưởng - thầy Harfan và cô giáo trẻ vừa hoàn thành xong chương trình dạy nghề - cô Mus. Tuy thầy cô đều có cuộc sống khó khăn nhưng tình cảm giữa thầy và trò, sự nghiêm túc với giáo dục và cả sự tử tế cùng tấm lòng kiên nhẫn là những hình ảnh nổi bật xuyên suốt câu chuyện. Thầy Harfan có những quan điểm giáo dục cực kỳ sáng suốt và đúng đắn. Cả đời của người thầy dành trọn cho giáo dục và có lẽ khát khao lớn nhất của thầy là đem tri thức đến với mọi đứa trẻ. Và cô Mus nổi bật lên với hình ảnh một người trẻ say mê cống hiến với nghề. Họ là những thủ lĩnh của các “chiến binh cầu vồng” đấu tranh với cái nghèo cái khó, đấu tranh với sự phân biệt giàu nghèo, đấu tranh với thế lực phản đối trường học,... để mang con chữ đến với những đứa trẻ.
Cô giáo Mus và những chiến binh cầu vồng (nguồn: sachhaynendoc.net)
Sức mạnh của sự đoàn kết, ý chí và nghị lực
Những đứa trẻ tại trường Tiểu học Muhammadiyah được cô giáo Mus đặt cho cái tên rất đẹp “Chiến binh cầu vồng”. Đó là Lintang - một chiến binh đặc biệt vẫn hàng ngày đạp xe 40 cây số tới trường, băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu. Đó là Mahar - một chiến binh với tài năng nghệ thuật và sự láu lỉnh, thông minh của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình thay đổi số phận vĩ đại mà các bạn mình đã đặt ra. Đó là những chiến binh chiến đấu với bằng cả ước mơ, nỗ lực và khát khao tri thức.
Phản ánh thực trạng đáng buồn
Nếu như soi chiếu, ta sẽ thấy được nội dung, hình ảnh và những chi tiết mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm đều phản ánh một cách sâu sắc về đất nước, xã hội Indonesia giai đoạn sau 1970. Đó là tham nhũng trầm trọng, mắc nợ công do quản lý yếu kém lĩnh vực tài chính, sự cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này đã tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân Indonesia và cụ thể hơn là người dân của hòn đảo Belitong mà tác giả đã đề cập trong tác phẩm. Mặc dù đất nước của họ đã hoàn toàn độc lập nhưng họ lại bị thống trị theo một kiểu khác, đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp. Những người lao động bị bóc lột đến kiệt sức, trẻ em nghèo không được tiếp cận với giáo dục. Bên cạnh đó, hình ảnh ngôi trường PN - nơi chỉ nhận những con em của nhân viên sống tại Điền Trang với những trang thiết bị đầy đủ và hiện đại nhất chính là sự hiện hữu của chủ nghĩa thực dụng. Việc đặt hai hình ảnh đối lập nhau giữa một bên là ngôi trường PN xa hoa, lộng lẫy với một bên là ngôi trường Muhammadiyah đang xiêu vẹo cũng đã thể hiện sâu sắc việc phân biệt đối xử trong xã hội Indonesia. Những đứa trẻ nghèo không được phép bước chân vào trường PN cũng giống như những người dân lao động không thể bước qua khỏi ranh giới giữa giàu và nghèo.
Lớp học chỉ với mười đứa trẻ nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương - hình ảnh từ bộ phim chuyển thể cùng tên (nguồn: reviewsach.net)
Cuốn sách được viết lên bằng niềm vui, nước mắt, sự chân thành của tác giả đã lấy đi nước mắt của hàng vạn độc giả. Thông qua những câu chuyện sâu sắc và đầy cảm động, người đọc nhận được những bài học mang đậm giá trị nhân văn, cùng khóc cùng cười trên từng trang sách cùng những nhân vật trong chuyện. Sự tôn trọng học sinh, nỗ lực tạo ra môi trường tốt nhất có thể để mỗi học sinh có thể phát triển bản thân là những điều thật sự cao đẹp. Đây cũng chính là điều mà UEH luôn nỗ lực đem đến cho người học - thỏa sức sáng tạo, chủ động tương lai, toàn diện giá trị.
Nếu bạn đang tìm một cuốn sách hay mang đậm cảm xúc nhưng lại lôi cuốn hấp dẫn thì “Chiến binh cầu vồng” là một sự lựa chọn hoàn hảo.
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Tài liệu tham khảo:
Review Chiến binh cầu vồng - Giáo dục & sự nghiệt ngã của số phận. (n.d.). Reviewsach.net. Retrieved January 12, 2023, from https://reviewsach.net/chien-binh-cau-vong-review-sach/
5 phút review sách // Chiến binh cầu vồng // Thảo Nguyên. (2021, March 2). YouTube. Retrieved January 12, 2023, from https://www.youtube.com/watch?v=KD-fj7PJmdI
Chia sẻ