Chủ động xây dựng cộng đồng bền vững, chung tay vượt qua thách thức thiên tai
16 tháng 05 năm 2025
Thiên tai đã và đang diễn biến phức tạp và khó lường. Từ bão lũ, giông lốc đến sạt lở, động đất,... Những hiểm họa đó không chỉ gây tổn thất nặng nề về người và của, mà còn để lại những mất mát kéo dài về tinh thần, sinh kế và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2025 với chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”, nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho từng UEHers. Việc chủ động ứng phó với thiên tai là cách mỗi người bảo vệ bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ cộng đồng.
Nhận diện thiên tai và khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), những hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện với tần suất ngày càng cao và gay gắt hơn ở nhiều nơi trên thế giới chục năm trở lại đây. Tốc độ gia tăng dân số, tình trạng đô thị hóa nhanh, môi trường suy thoái và đặc biệt là biến đổi khí hậu,... là những nguyên nhân chính khiến các đợt nắng nóng, hạn hán, những trận mưa lớn, lũ lụt cũng như các cơn bão nhiệt đới xuất hiện thường xuyên, khó lường, gây ra những tổn thất nghiêm trọng.
Là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai do vị trí địa lý và đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam thường xuyên hứng chịu nhiều thiên tai như:
- Nhóm thiên tai khí tượng (do hiện tượng thời tiết cực đoan): Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, mưa dông kèm theo lốc, sét và mưa đá, nắng nóng, rét đậm, rét hại, sương muối
- Nhóm thiên tai thủy văn (do nước sông, mưa lũ gây ra): Lũ lụt, lũ quét, xâm nhập mặn;
- Nhóm thiên tai địa chất (do địa hình, cấu trúc đất đá): Động đất, sạt lở đất.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã ghi nhận những thiệt hại nghiêm trọng và bất thường gây ra bởi thiên tai. Theo Tạp chí điện tử Thiên nhiên & Môi trường, hàng trăm ngôi nhà đã bị hư hỏng, hàng nghìn hecta lúa và cây trồng khác bị ảnh hưởng, ngập úng,... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong quý I/2025 ước tính lên tới 116,7 tỷ đồng. Trong đó, mưa đá - giông lốc - sét, bão và lũ lụt là ba loại thiên tai phổ biến và gây thiệt hại lớn nhất.
- Mưa đá, giông lốc và sét thường xảy ra vào tháng 3-5, nhất là tại vùng núi, ven biển hoặc nơi có điều kiện thời tiết nóng ẩm. Các hiện tượng này có thể xuất hiện đột ngột, đi kèm gió giật mạnh, sấm chớp và mưa đá, gây nguy hiểm cho người dân và phá hoại nhà cửa, cây trồng.
- Bão là hiện tượng thời tiết nguy hiểm với gió mạnh, mưa to và giông lốc. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 7-8 cơn bão, có năm lên tới 11-12 cơn, thường đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung như Thanh Hóa đến Bình Định.
- Lũ lụt diễn ra chủ yếu ở Trung Bộ, nhiều vùng trũng ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng hạ lưu các sông lớn ở Nam Trung Bộ vào các tháng 9, 10, do mưa lớn kéo dài, bão, triều cường hoặc lũ nguồn. Hệ thống đê điều, mật độ xây dựng dày đặc và biến đổi khí hậu làm tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế và an toàn của cộng đồng.
Làm gì để ứng phó với thiên tai một cách thông minh và hiệu quả?
Thiên tai là một phần không thể đoán định của tự nhiên, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và ứng phó khoa học, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro và tổn thất đến mức thấp nhất.
Hành động sớm, chủ động trước thiên tai
Hãy luôn trang bị các thông tin và kiến thức phòng chống thiên tai ngay từ hôm nay qua các thông tin chính thống, uy tín như: Mini App “Phòng chống thiên tai Việt Nam", ứng dụng Phòng chống thiên tai (tải trên CH Play hoặc App Store) do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phát hành. Đặc biệt, khi truy cập ứng dụng Phòng chống thiên tai, người dùng còn có thể tìm hiểu Bộ kỹ năng để ứng phó với từng loại thiên tai khác nhau.
Hàng triệu tin nhắn phòng chống và cảnh báo về thiên tai đã được gửi đến người dân kịp thời
Nguồn: Sức khỏe và đời sống
Không chỉ có kiến thức, ta còn cần luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai. Với các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng, cần lên kế hoạch dự trữ và giữ liên lạc với chính quyền địa phương. Chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa, xác định vị trí trú ẩn an toàn, đồng thời di chuyển khỏi những nơi không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm thiết yếu như nước sạch, lương thực, thuốc men và các vật dụng sinh tồn đủ dùng trong ít nhất 7 ngày. Quan trọng nhất, mỗi người cần nghiêm túc chấp hành sự hướng dẫn và chỉ đạo của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng trong mùa thiên tai. Cụ thể ứng phó với các thiên tai sau:
1. Ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, sạt lở đất:
Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt và sạt lở đất là những hiện tượng phổ biến và thường diễn ra bất ngờ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Do đó, việc nâng cao ý thức phòng tránh và chủ động ứng phó là vô cùng cần thiết, đặc biệt với các hộ dân sinh sống ở vùng ven biển, ven sông, miền núi và trung du. Những biện pháp ứng phó cần thiết như:
- Khi có bão, lũ hoặc sạt lở đất, người dân cần nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm theo hướng dẫn của chính quyền, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người khuyết tật.
- Nếu sống gần biển, sông hoặc khu vực nuôi trồng thủy sản, hãy đưa tàu thuyền, lồng bè vào nơi trú ẩn an toàn. Không ra khơi khi có cảnh báo bão.
- Chủ động gia cố nhà cửa, che chắn cửa sổ, chằng chống mái tôn. Bảo vệ tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng, vật dụng cần thiết ở nơi cao ráo.
- Không đi vào vùng nước sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Hạn chế di chuyển, tuyệt đối không cố vượt qua dòng nước chảy xiết.
- Luôn giữ liên lạc, theo dõi thông tin từ chính quyền, lực lượng chức năng. Nếu cần hỗ trợ khẩn cấp, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc đội cứu hộ.
2. Ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn
Hạn hán kéo dài và tình trạng xâm nhập mặn đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Khi nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của hàng triệu người dân. Do vậy, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm thiểu thiệt hại:
- Trong mùa hạn hán hoặc khi nước bị nhiễm mặn, người dân nên sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt là nước sạch để uống và sinh hoạt.
- Ưu tiên trữ nước mưa, nước ngọt trong các dụng cụ chứa sạch sẽ. Nếu trồng trọt, nên chọn giống cây ngắn ngày, ít cần nước.
- Không bơm tưới tràn lan để tránh lãng phí. Cần làm theo hướng dẫn của chính quyền về lịch lấy nước, vận hành các công trình thủy lợi.
- Theo dõi thông tin về độ mặn trong nước để chủ động lấy nước ngọt đúng thời điểm, tránh ảnh hưởng đến cây trồng và sinh hoạt.
3. Ứng phó với rét đậm, rét hại
Rét đậm, rét hại là hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuất hiện vào mùa đông, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiệt độ xuống thấp kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là người già, trẻ em và người có bệnh nền, mà còn tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, vật nuôi và cây trồng. Một số biện pháp được khuyên thực hiện để ứng phó với rét như:
- Giữ ấm cho cơ thể, nhất là người già và trẻ nhỏ. Mặc đủ ấm, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng.
- Nếu chăn nuôi, cần che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn và nước ấm cho gia súc. Không thả vật nuôi ra ngoài vào sáng sớm hoặc ban đêm khi trời lạnh.
- Chủ động che phủ cây trồng bằng nilon hoặc vật liệu phù hợp để giảm thiệt hại do sương muối và rét gây ra.
4. Ứng phó với động đất, sóng thần
Tuy động đất không thường xảy ra ở Việt Nam, nhưng thỉnh thoảng các khu vực của chúng ta vẫn có khả năng bị ảnh hưởng từ các dư chấn, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và vùng ven biển. Các kỹ năng và biện pháp quan trọng cần biết bao gồm:
- Tìm nơi trú ẩn an toàn dưới gầm bàn, góc tường vững chắc, tránh xa cửa kính, tủ kệ.
- Nếu ở gần biển và có cảnh báo sóng thần, cần sơ tán ngay lên nơi cao, tránh tụ tập gần bờ hoặc bến cảng.
- Sau thiên tai, nếu nhà cửa bị hư hỏng hoặc không còn an toàn, hãy tạm thời đến nơi ở tập trung theo hướng dẫn của địa phương để được hỗ trợ lương thực, nước uống và chăm sóc y tế.
5. Đối với nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng do tự nhiên và các loại thiên tai khác: Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với tình huống cụ thể.
Hồi phục sau thiên tai
Sau thiên tai, giai đoạn hồi phục đóng vai trò quyết định đến khả năng tái thiết và phát triển bền vững của cộng đồng. Khi trở về nơi sinh hoạt, hãy kiểm tra hệ thống điện, nước thật kỹ lưỡng trước khi sử dụng để phòng tránh rò rỉ điện, cháy nổ hay ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập. Đồng thời, việc vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn không gian sống và xử lý rác thải đúng cách cũng là hành động thiết yếu để ngăn ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe sau thiên tai.
Từ ứng phó đến thích ứng: Chủ động xây dựng cộng đồng bền vững
Trong bối cảnh giáo dục, các trường, đại học giữ vai trò trung tâm trong việc lan toả tri thức, đào tạo, xây dựng cộng đồng trường học an toàn, bền vững trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Không nằm ngoài xu thế tất yếu, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực tiên phong trong các dự án học thuật, nghiên cứu, chương trình phát triển bền vững, các hội thảo, các chương trình nghiên cứu về phát triển bền vững, môi trường, biến đổi khí hậu,... trong nước và quốc tế, cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, UEH cũng thường xuyên triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang theo học tại nhà trường.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà người học và gia đình tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai đang phải đối mặt, UEH cam kết đồng hành cùng người học để không một ai bị bỏ lại phía sau thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực. Mong rằng các bạn sinh viên sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần vượt khó, nỗ lực học tập và vững bước trên hành trình chinh phục tri thức, phát triển bản thân. Bằng chính sự kiên cường và chủ động thích ứng, mỗi người học sẽ là một hạt nhân lan tỏa tinh thần cộng đồng bền vững, góp phần kiến tạo tương lai.
UEH định kỳ tổ chức hội thảo, các chương trình nghiên cứu về phát triển bền vững, môi trường, biến đổi khí hậu,... trong nước và quốc tế
Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2025 với chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai” một lần nữa khẳng định rằng, thích ứng không còn là lựa chọn sau cùng khi thiên tai đã xảy ra, mà phải trở thành năng lực cốt lõi - được bồi đắp thông qua giáo dục, công nghệ, tri thức bản địa và hợp tác liên ngành. Từ đó xây dựng cộng đồng có khả năng thích ứng cao, không chỉ giảm thiểu thiệt hại, mà còn phục hồi nhanh hơn, linh hoạt hơn và tăng cường khả năng chống chịu trong tương lai. Khi mỗi người hiểu đúng, làm đúng và sẵn sàng chia sẻ, đoàn kết, cùng nhau hành động để góp phần bảo vệ tính mạng và giảm thiểu thiệt hại, từ đó góp phần xây dựng một cộng đồng biết phòng ngừa, biết ứng phó và quan trọng hơn hết, biết thích ứng một cách chủ động với thiên tai.
Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học UEH
Chia sẻ