Điều gì xảy nếu chúng ta uống quá nhiều cà phê?

29 tháng 11 năm 2022

Nếu bạn khởi đầu buổi sáng bằng một tách cà phê, bạn cũng giống như hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, vào ngày 9/11 tại TP.HCM, một nam thanh niên 22 tuổi đã phải nhập viện vì rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cà phê quá nhiều trong một thời gian dài. Vậy chúng ta nên sử dụng cà phê như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất? Hãy cùng Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) tìm hiểu ngay sau đây nhé!

 
Cà phê có đang là một phần không thể thiếu trong lối sống của Gen Z?
        Theo báo cáo Xu hướng Dữ liệu Cà phê Quốc gia (NCDT) năm 2021, có đến 65% người thuộc Gen Y (25-39 tuổi) được khảo sát cho biết đã uống ít nhất một ly cà phê mỗi ngày. Con số này đối với Gen Z là 46% và đã tăng 10% kể từ tháng 01 năm 2022. 
        Đối với Gen Z, “Đi cà phê” không chỉ để thưởng thức mà quán cà phê như là một địa điểm quen thuộc để học tập, làm việc và gặp gỡ các mối quan hệ. Bên cạnh một cốc cà phê ngon, không gian quán phù hợp với nhu cầu cũng là tiêu chí được đặt lên hàng đầu khi lựa chọn. Có rất nhiều loại hình không gian quán khác nhau đáp ứng nhu cầu của từng loại khách hàng như cà phê học bài, cà phê sách, cà phê Tây,... Có thể Gen Z chưa phải là đối tượng uống cà phê nhiều nhất, tuy nhiên thói quen “ đi cà phê” lại được thể hiện rõ nhất ở thế hệ này. 
 
Nguồn: enjoycoffee.vn
 
Có gì bên trong một ly cà phê?
       Thành phần của một ly cà phê đen được pha chế từ hạt cà phê rang xay có chứa các chất như: Caffeine, vitamin B2, Magie và một số chất hóa học thực vật khác.Một tách cà phê pha 8 ounce chứa khoảng 95 mg caffeine. Tuy nhiên, cà phê là một hỗn hợp phức tạp của hơn một nghìn loại hóa chất, tùy vào hạt cà phê được sử dụng, cách rang, cách pha chế mà các thành phần cũng sẽ có sự thay đổi.
 
Nguồn: enjoycoffee.vn
 
       Theo một phân tích chỉ ra rằng, khi so sánh những người tiêu thụ cà phê nhiều (10 tách/ngày) nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm 30% so với những người tiêu thụ cà phê ít (dưới 1 tách/ngày). Phân tích sâu hơn cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường giảm 12% cho những người uống trung bình 2 tách cà phê mỗi ngày[8]. Bên cạnh đó, kết quả từ một phân tích tổng hợp từ 21 nghiên cứu khoa học khác cũng chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đối với những người uống cà phê vừa phải (3 tách/ngày) thấp hơn 21% so với người không uống. Ngoài các lợi ích trên, cà phê cũng có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, sỏi mật, và tử vong sớm [11].
        Mặc dù theo các dẫn chứng trên, cà phê là một loại đồ uống hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, loại thức uống này chỉ phát huy tác dụng khi được chế biến riêng biệt không thêm bất cứ nguyên liệu nào khác. Cà phê có một vị đắng tự nhiên, do đó số người có thể thưởng thức chúng nguyên bản là rất ít. Thông thường mọi người thường cho thêm đường, sữa, kem, nước cốt dừa,... để tăng vị ngọt, vị béo của tách cà phê. Điều này vô tình khiến cà phê không còn tác dụng ban đầu vốn có của nó. Lượng đường khi thêm vào sẽ làm mất khả năng giảm đường trong máu của cà phê. Do đó, việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của cà phê sẽ không xảy ra.
 
Nguồn: ideas.ted.com
 
        Trên thực tế, tiêu thụ từ 3 đến 5 tách cà phê mỗi ngày được xem là tiêu chuẩn và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng lượng cà phê như vậy. Cơ thể của một số người không thể dung hòa khi được nạp một lượng cafein cao. Họ có thể có các triệu chứng như bồn chồn, lo lắng và mất ngủ. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ, ngất xỉu như trường hợp đầu bài viết. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học cho rằng cà phê không khuyên dùng đối với phụ nữ có thai vì có thể dẫn đến sẩy thai và sinh con nhẹ cân.
 
Một Gen Z sành điệu không nên lạm dụng cà phê
        Đối diện với đống bài vở, deadline cao như núi là điều quá quen thuộc với Gen Z. Khi áp lực càng cao, sự đòi hỏi về độ tỉnh táo và tập trung để thực hiện tốt công việc ngày càng lớn. Do đó, các giải pháp nâng cao tinh thần ngay lập tức luôn được Gen Z tìm đến. Uống cà phê là một trong các phương pháp quen thuộc và phổ biến nhất. Thành phần chính của cà phê là caffeine -  một chất gây nghiện. Vì vậy khi sử dụng một thời gian dài, bạn sẽ trở nên nghiện cà phê. Các tế bào não có thể bắt đầu sản xuất nhiều thụ thể adenosine như một cách bù đắp cho những tế bào bị chặn bởi caffeine. Nếu bạn ngừng uống cà phê đột ngột, điều này đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn cung cấp caffeine, do đó sẽ khiến não có rất nhiều thụ thể để adenosine liên kết. Điều này tạo ra cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung, buồn ngủ, khó chịu. 
 
Nguồn: nhathuoclongchau.com
 
        Uống cà phê trước lúc đi ngủ hoặc tối về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ, kéo theo vô vàn các căn bệnh nguy hiểm do thức khuya gây ra. Vậy uống cà phê vào lúc nào là hợp lý? Có một bộ phận trong não gọi là hạt nhân suprachiasmatic (SCN), bộ phận này có chức năng kiểm soát cortisol (hay còn gọi là hormone căng thẳng). SCN giải phóng cortisol theo nhịp sinh học, vì vậy chu kỳ 24 giờ sẽ khác nhau đối với mỗi người. Nếu bạn uống cà phê khi mức cortisol của bạn thấp, nó sẽ làm dịu tâm trạng và tăng mức năng lượng trong ngày. Đối với người bình thường, nồng độ cortisol đạt đỉnh ở 8 đến 9 giờ sáng, trưa đến 1h chiều và 5h30 đến 6h30 chiều. Vào các mốc thời gian này, bạn có thể cân nhắc để thưởng thức một tách cà phê nhé! 
        Ngoài ra, việc xây dựng một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giữ được tinh thần tỉnh táo và khả năng tập trung cao trong công việc. DSA khuyên bạn nên có một chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là rau xanh. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và stress. Cuối cùng, nâng cao kỹ năng quản lý thời gian sẽ không bao giờ là thừa nếu bạn muốn cân bằng giữa việc học và giải trí. DSA mách bạn một số bài viết thú vị liên quan đến chủ đề này, mong rằng chúng sẽ có ích đối với bạn. 
 
        Với các thông tin trên DSA hi vọng có thể cung cấp đến bạn một vài thông tin hữu ích về cà phê. Mong rằng bạn sẽ luôn trân trọng sức khỏe và yêu thương bản thân mình thật nhiều.
Tin, ảnh: Phòng chăm sóc và hỗ trợ người học DSA
 
Tài liệu tham khảo
  1. Tin tức về người bị ngất xỉu khi uống cà phê
  2. Bài viết về Coffee, School of Public Health, Harvard University (chủ yếu tham khảo từ bài viết này, các link bài báo khoa học đều tham khảo từ trang này)
  3. Dữ liệu Cà phê Quốc gia (NCDT)
  4. Je Y, Giovannucci E. Coffee consumption and risk of endometrial cancer: findings from a large up-to-date meta-analysis.  International Journal of Cancer. 2011 Dec 20.
  5. Jiang X, Zhang D, Jiang W. Coffee and caffeine intake and incidence of type 2 diabetes mellitus: a meta-analysis of prospective studies. Eur J Nutr. 2014 Feb;53(1):25-38.
  6.  Crippa A, Discacciati A, Larsson SC, Wolk A, Orsini N. Coffee consumption and mortality from all causes, cardiovascular disease, and cancer: a dose-response meta-analysis. Am J Epidemiol. 2014;180:763-75.
  7.  Grosso G, Godos J, Galvano F, Giovannucci EL. Coffee, Caffeine, and Health Outcomes: An Umbrella Review. Annu Rev Nutr. 2017 Aug 21;37:131-156.
  8.  van Dam RM, Hu FB, Willett WC. Coffee, Caffeine, and Health. NEJM. 2020 Jul 23; 383:369-378
  9. The Best Time of Day to Drink Coffee, According to Science
  10. Cafein: Gây nghiện, mất ngủ, ảnh hưởng khi mang thai
  11. How Gen Z is Shaping the Future of the Coffee Industry
  12. Những lợi ích khi uống cà phê đen không đường
 
Chia sẻ