Giao thoa văn hoá: Việt Nam trong dòng chảy toàn cầu

25 tháng 04 năm 2025

Toàn cầu hoá đã đưa giao lưu, hội nhập văn hoá quốc tế trở thành xu thế của thời đại. Trong dòng chảy mạnh mẽ của sự giao thoa ấy, văn hoá là chiếc cầu nối gắn kết các cộng đồng, xóa dần đi những rào cản địa lý để hoà quyện, tạo nên một bức tranh đa dạng và hài hoà. Đi qua bề dày hơn 4000 năm lịch sử, Việt Nam tự hào là nơi lưu giữ những nét văn hoá đặc trưng và giá trị truyền thống bền vững, góp phần kiến tạo trong bức tranh văn hoá thế giới. Văn hoá Việt Nam như một mạch nguồn không ngừng tuôn chảy, tiếp tục lan tỏa những giá trị và khẳng định vị thế trong bức tranh đa sắc của nền văn hoá toàn cầu.

Giao thoa văn hoá là câu chuyện hai chiều

Trong bối cảnh hiện nay, giao lưu văn hoá là hiện tượng tất yếu, nơi những nền văn hoá gặp gỡ, tương tác và hoà quyện tạo nên những giá trị mới mẻ. Đối với Việt Nam, hành trình ấy không đơn thuần là tiếp thu những tinh hoa văn hoá từ bên ngoài mà còn tái định hình những giá trị ấy để dung hòa trong bản sắc dân tộc. Đồng thời, văn hoá Việt Nam cũng không ngừng vươn mình vượt qua ranh giới quốc gia và để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế. Sự song hành giữa tiếp nhận và lan tỏa đã làm phong phú thêm đời sống văn hoá xã hội, góp phần khẳng định sức sáng tạo và sự hoà hợp của con người Việt Nam trong dòng chảy thời đại. 

Việt Nam đã chứng minh khả năng bản địa hóa những trào lưu văn hoá từ các quốc gia trên thế giới một cách tinh tế và linh hoạt, chuyển hoá thành nguồn cảm hứng mới hòa nhịp cùng bản sắc dân tộc. Từ âm nhạc, thời trang cho đến ẩm thực và lối sống, các yếu tố ngoại lai đều được Việt hoá một cách độc đáo và riêng biệt, phản ánh rõ nét phong cách và tâm hồn người Việt. Sự lan toả ấy không chỉ qua các phương tiện truyền thông và các sự kiện văn hoá, mà còn từ sự góp mặt của những kiều bào đang sinh sống tại khắp mọi miền thế giới. Họ là những đại sứ văn hoá thầm lặng, luôn tự hào về cội nguồn của mình, khao khát chia sẻ những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc đến cộng đồng quốc tế. 


Giao lưu văn hóa thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế (Nguồn: Tạp chí Người Hà Nội)

Các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng trở thành một kênh chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Những chương trình nghệ thuật, triển lãm văn hoá hay những sự kiện mang đậm dấu ấn dân tộc đã đưa những giá trị văn hoá độc đáo của Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Qua đó, hình ảnh Việt Nam không chỉ được công nhận là một đất nước giàu truyền thống văn hoá mà còn gây ấn tượng bởi sự năng động, sáng tạo cùng tinh thần hội nhập mạnh mẽ.

Khi giới trẻ thổi làn gió mới vào những giá trị truyền thống 

Bước vào kỷ nguyên hội nhập, bản sắc văn hoá dân tộc không chỉ là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mà còn là kim chỉ nam để thế hệ trẻ Việt Nam định vị bản thân và vươn xa trên trường quốc tế. Trên cơ sở đó, họ đã và đang tạo nên những sự chuyển mình đáng kể, vừa kế thừa, vừa sáng tạo những giá trị truyền thống của dân tộc. Như sản phẩm âm nhạc “Bắc Bling” thu hút lượt xem cao và liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc. Sức hút của sản phẩm không chỉ ở âm nhạc chất lượng, hình ảnh bắt mắt mà còn khéo léo lồng ghép và tôn vinh những nét truyền thống của Bắc Ninh, một sự giao thoa tinh tế giữa dân gian và hiện đại. Những nét văn hoá đặc trưng của Bắc Ninh với mái đình, miếng trầu, không khí lễ hội, làng quê cùng sự xuất hiện của gần 300 người dân địa phương, không chỉ tái hiện ký ức của nhiều người, mà trở thành một sự kiện văn hoá, nơi nghệ sĩ và cộng đồng cùng nhau kể câu chuyện về quê hương. MV “Bắc Bling” là minh chứng rõ nét về sức sáng tạo của những người nghệ sĩ trẻ khi kết hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố dân gian với âm nhạc hiện đại.

Người dân địa phương góp mặt trong cảnh quay (Nguồn: MV “Bắc Bling”)

Trong lĩnh vực thời trang, thế hệ trẻ Việt Nam đang mang đến làn sóng cách tân mạnh mẽ khi kết hợp các chất liệu truyền thống như tơ, lụa, thổ cẩm với những thiết kế mang phong cách hiện đại. Các nhà thiết kế ngoài cách điệu những trang phục truyền thống còn khéo léo điểm vào những chất liệu mang bản sắc dân tộc. Hiện nay, bên cạnh các yếu tố thẩm mỹ, các bạn trẻ Việt Nam rất chú trọng đến tính bền vững. Do đó, việc lựa chọn sử dụng các chất liệu tự nhiên như tơ tằm, thổ cẩm hay đặc biệt là lụa, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường đã trở thành xu hướng. Nét tinh tế, thanh nhã trong văn hóa thưởng trà và vẻ đẹp mềm mại của lụa đang được giới trẻ khai thác như một chất liệu nghệ thuật, thổi hồn vào các thiết kế mang đậm chất Á Đông. Điều này đã thúc đẩy sự bảo tồn và tôn vinh di sản văn hoá dân tộc, đồng thời mở ra một không gian để thế hệ trẻ không ngừng sáng tạo và đổi mới các sản phẩm thời trang kết hợp giữa truyền thống và hiện đại thật ấn tượng.

Dự án “Lái lụa” của sinh viên UEH với chủ đề “Hương trà, sắc tơ”

Ẩm thực cũng là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nét khả năng sáng tạo của người Việt khi giao thoa những giá trị truyền thống với sự đổi mới không ngừng. Các món ăn đến từ các quốc gia trên thế giới đã được biến tấu khéo léo, phù hợp với khẩu vị và phong cách thường thức của người Việt. Bên cạnh đó, chính sự sáng tạo và nhiệt huyết của thế hệ trẻ đã giúp ẩm thực dân tộc được chào đón bởi các thực khách quốc tế. Những món ăn như phở, bún chả hay bánh mì được đa dạng hoá đã thu hút sự chú ý và được đưa vào thực đơn của các nhà hàng tại nhiều nước trên thế giới, ẩm thực Việt ngày càng được yêu thích.


Liên hoan Ẩm thực quốc tế lần thứ 10 tại Việt Nam (Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)

Hành trình bảo tồn di sản văn hóa trong thời đại số 

Hiện nay, trước những thách thức của thời đại, ảnh hưởng từ khí hậu cùng những áp lực của các yếu tố nhân tạo, nhiệm vụ bảo tồn những giá trị văn hóa đang gặp không ít khó khăn. Để đối diện với những trở ngại đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã trở thành giải pháp tất yếu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và gìn giữ những giá trị cốt lõi cho thế hệ tương lai. 

Ứng dụng công nghệ VR, AR và Trí tuệ nhân tạo trong bảo tồn di sản văn hoá

Công nghệ VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường) và AI (trí tuệ nhân tạo) đang thúc đẩy hành trình bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, giúp khoác lên mình một diện mạo mới, năng động và đầy tính tương tác. Với khả năng tái hiện và mô phỏng lại các không gian lịch sử, công nghệ ảo đóng vai trò quan trọng trong khả năng bảo tồn số hoá các di sản văn hoá của nước nhà. Bên cạnh khả năng giảm thiểu những tác động của con người, tránh nguy cơ bị huỷ hoại do thời gian hoặc thiên tai, công nghệ cho phép mở rộng khả năng tiếp cận của công chúng đối với các giá trị văn hoá của dân tộc. Công nghệ ảo nhưng mang đến những giá trị thực, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử lẫn phát triển du lịch.

Công nghệ VR trong mô phỏng di tích lịch sử (Nguồn: Vr360)

Hiện nay, các bảo tàng văn hoá đang được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hơn 50 nghìn hiện vật được triển khai số hoá dưới dạng 3D, giúp bảo tàng trở thành không gian mở nơi mọi người có thể tiếp cận các di sản mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, tại một số điểm thu hút du lịch như Hội An cũng áp dụng công nghệ AR để tái hiện những cảnh tượng của thương cảng ngày trước, sự giao thương hoặc các lễ hội truyền thống của thành phố,….đưa các di tích và di sản người Việt đến gần hơn với du khách quốc tế. Có thể thấy, số hoá di sản hiện nay đã trở thành xu hướng toàn cầu và thu hút sự quan tâm của cộng đồng và đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Vai trò của truyền thông trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá 

Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành công cụ truyền thông chủ lực của các đơn vị bảo tồn di sản văn hoá tại Việt Nam. Với khả năng tiếp cận rộng rãi, tính lan tỏa mạnh mẽ và mức độ tương tác cao, các đơn vị văn hoá đã chủ động đưa ra các chiến lược truyền thông đa dạng để đưa văn hoá truyền thống trở nên sống động, gần gũi và có thể chạm đến những người trẻ bằng ngôn ngữ của thời đại. Không chỉ dừng lại ở không gian mạng, các chương trình truyền hình thực tế cũng đang trở thành sân chơi hiệu quả để các di sản truyền thống đến gần hơn với khán giả đại chúng. Hơn cả một chương trình thực tế giải trí, những gameshow như “2 ngày 1 đêm”, “Hành trình rực rỡ” hay “Cuộc đua kỳ thú” không chỉ mang đến cho khán giả tiếng cười mà còn tạo dấu ấn đặc biệt khi khéo léo lồng ghép những yếu tố văn hoá bản địa, những phong tục địa phương vào từng chặng đường, làm bật lên vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu của công chúng, các phương thức truyền thông liên tục được đổi mới, mở ra những hướng tiếp cận mới mẻ, hiệu quả, giúp các di sản được sống lại trong từng ngày, từng khung hình, từng cú chạm màn hình và trong trái tim của nhiều thế hệ. Những giá trị ấy được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành chất liệu tinh thần và khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ tương lai.

“Hành trình rực rỡ” quảng bá văn hoá đến người khán giả (Nguồn: Báo tuổi trẻ)  

Định hướng giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá trong kỷ nguyên hội nhập

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, song cũng phải đối mặt với những thách thức. Quá trình giao lưu, tiếp biến và hội nhập với các luồng văn hoá quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp nhận có chọn lọc, từ đó chủ động xây dựng các chiến lược phát triển văn hoá bền vững. Chiến lược này không chỉ bảo vệ bản sắc truyền thống mà còn thúc đẩy khả năng thích ứng và sáng tạo trong thời đại mới. 

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt 

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thạc sĩ Nguyễn Trần Hương Thảo chia sẻ rằng: “Bản sắc dân tộc chính là yếu tố giúp Gen Z định hình bản sắc cá nhân”, và tiếng Việt là phương tiện cơ bản nhất để nuôi dưỡng bản sắc ấy. Tuy nhiên thực trạng hiện nay, ngôn ngữ mạng, tiếng lóng hay các hình thức ngôn ngữ ngoại lai đang ngày càng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ đang lớn lên trong môi trường giao thoa văn hoá toàn cầu. Do đó, việc tôn vinh, giáo dục và lan tỏa tình yêu tiếng Việt trở nên vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng văn hoá.

Chương trình giao lưu văn hóa Việt – Lào – Campuchia tại UEH lan tỏa tình yêu tiếng Việt 

Đổi mới nhưng không đổi màu

Song song với bảo tồn, việc cách tân các giá trị trong nghệ thuật cũng cần được khuyến khích. Từ âm nhạc, thời trang, sân khấu đến điện ảnh, những yếu tố mang hơi thở hiện đại có thể là cầu nối để những di sản đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, quá trình đổi mới ấy không nên bị chi phối bởi thị hiếu thương mại ngắn hạn mà cần hướng đến mục tiêu gìn giữ hồn cốt dân tộc. Đổi mới nhưng không đổi màu nên trở thành nguyên tắc xuyên suốt, định hướng cho các nhà sản xuất văn hoá và các nghệ sĩ trong bối cảnh hiện nay, không đơn thuần là một lựa chọn trong cách làm nghệ thuật mà còn là trách nhiệm văn hoá. Mỗi tác phẩm được ra mắt nên vừa mang tính đột phá, vừa góp phần giữ gìn, lan tỏa và làm giàu bản sắc Việt trong dòng chảy toàn cầu.

Đồng kiến tạo các giá trị văn hoá

Một chiến lược phát triển văn hoá hiệu quả không thể thiếu sức mạnh kết nối từ cộng đồng và sự chủ động của mỗi cá nhân. Trong đó, việc khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ để đồng sáng tạo các giá trị văn hoá là một giải pháp thiết yếu. Bảo tồn các di sản không chỉ là quá trình lưu giữ thụ động mà còn cần được thúc đẩy trở thành một hành trình sáng tạo, nơi mọi người có thể đóng góp tiếng nói cá nhân. Khi những người trẻ có điều kiện tham gia vào quá trình tái hiện, chuyển thể và lan tỏa các yếu tố văn hoá dân tộc, di sản mới thật sự “sống” và tiếp tục được phát triển, bắt nhịp với thời đại. 

Sinh viên UEH tham gia biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc tại Hội diễn văn nghệ sinh viên năm 2023

Giao thoa văn hoá không chỉ là chính sách phát triển của một quốc gia, mà còn là hành trình kết nối những giá trị chung của nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Định hình bản sắc Việt trong dòng chảy ấy vừa là trách nhiệm bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa là cơ hội khẳng định vị thế văn hoá dân tộc trên bản đồ thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, đồng thời đưa bản sắc dân tộc đến gần hơn với cộng đồng quốc tế. Mỗi người trẻ hôm nay chính là mắt xích quan trọng trong hành trình tiếp bước, kể tiếp câu chuyện văn hoá Việt bằng tinh thần cội nguồn trong hơi thở của thời đại. 

Với tinh thần năng động và sẵn sàng hội nhập, sinh viên UEH đã và đang góp phần giữ gìn, phát huy và viết tiếp những câu chuyện về văn hóa dân tộc. Hành trình giao lưu và lan tỏa ấy không chỉ trở thành nhịp cầu kết nối văn hoá Việt Nam và thế giới, mà còn khẳng định bản lĩnh của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống giữa dòng chảy hội nhập toàn cầu.

Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học (DSA)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Trần Hương Thảo. (2024). Lớn lên trong thời đại giao thoa văn hóa: Bản sắc dân tộc chính là yếu tố giúp Gen Z định hình identity riêng biệt. Advertising Vietnam. Advertising Vietnam
  2. Tạp chí Cộng sản. (2018). Toàn cầu hóa văn hóa và mô hình phát triển văn hóa Việt Nam đương đại. Tạp chí Cộng sản 
  3. Thanh Niên. (2025). Vì sao MV ‘Bắc Bling” gây sốt?
  4. Nhân Dân. (2024). Tối ưu hóa giá trị văn hóa và bảo tồn di sản. https://special.nhandan.vn/toi-uu-hoa-gia-tri-van-hoa-va-bao-ton-di-san/index.html 
Chia sẻ