“Mãi mãi tuổi hai mươi” – Ngọn lửa “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”

01 tháng 05 năm 2025

 Có những trang nhật ký không bao giờ cũ, bởi trong đó chứa đựng cả lý tưởng, khát vọng và linh hồn của một thế hệ. “Mãi mãi tuổi hai mươi” không chỉ là những dòng viết của một người lính, mà là bản hùng ca thầm lặng về lòng yêu nước và lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Từ những suy tư chân thật đến khát vọng cống hiến mãnh liệt, từng trang viết nhắc nhớ thế hệ hôm nay sống trọn, sống tử tế và sống có ích. Nếu tuổi hai mươi của ngày ấy là bước chân ra trận, thì tuổi hai mươi hôm nay là hành trình kiến tạo hòa bình và lan tỏa yêu thương. Đó là cách thế hệ trẻ đang tiếp nối và “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” mà cha anh chúng ta đã khởi đầu bằng cả cuộc đời.

Thiêng liêng hai tiếng “hòa bình”

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí” (Hồ Chí Minh Toàn Tập, 2011, p. 273)

Và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952-1972) - chàng sinh viên Hà Nội đã chọn viết tiếp “hòa bình” ở tuổi hai mươi của mình bằng máu, bằng lý tưởng và bằng cả sự sống. “Mãi mãi tuổi hai mươi” là cuốn nhật ký của anh viết từ ngày nhập ngũ, chất chứa một thế giới nội tâm với những dòng cảm xúc chân thành, những khắc khoải riêng tư, những suy tư về sự sống, cái chết và tình yêu đất nước, tất cả được soi rọi bởi một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng

Qua từng trang viết, người đọc bắt gặp hình ảnh một hình mẫu thanh niên đầy nhiệt huyết, cảm xúc - một chàng trai Hà Nội yêu văn chương, yêu quê hương, mang trong mình khát vọng được sống đẹp và sống có lý tưởng. 

(Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc)

“Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến”

Dù chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi, Nguyễn Văn Thạc đã sớm hình thành trong mình một lý tưởng sống lớn lao - lý tưởng của một thế hệ thanh niên sẵn sàng rời xa mái trường, rời xa những ước mơ đời thường để cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Từ những cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của làng quê, trước hình ảnh những đứa trẻ vô tư nô đùa hay giọt nước mắt của người mẹ tiễn con ra trận, anh không chỉ nhìn thấy điều thiêng liêng cần được gìn giữ, mà còn cảm thấy mình phải có trách nhiệm góp phần bảo vệ điều thiêng liêng đó.

Trong một đoạn viết đầy xúc động, anh bộc bạch:“Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng…”. Đó không chỉ là một lời tự sự, mà là tuyên ngôn của tuổi trẻ – một tuổi trẻ không ngại hy sinh, dám sống hết mình vì một lý tưởng lớn hơn bản thân. Xuyên suốt những trang nhật ký, Nguyễn Văn Thạc luôn thể hiện một quan niệm sống rõ ràng rằng tuổi trẻ không được phép sống hoài, sống phí. Với anh, “Sống một ngày cũng phải sống cho đàng hoàng”, tư tưởng ấy chịu ảnh hưởng từ nhân vật Paven – hình mẫu thanh niên lý tưởng trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô Viết Nikolai A. Ostrovsky, một cuốn sách mà anh nhắc đến nhiều lần trong nhật ký như kim chỉ nam của tuổi trẻ. 

Đồng thời, lý tưởng sống cống hiến của anh cũng được hun đúc từ bối cảnh lịch sử sục sôi của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đối với Nguyễn Văn Thạc, tuổi trẻ không thể tách rời trách nhiệm với dân tộc. Là một người thanh niên, anh chọn con đường ra trận không phải vì bắt buộc, mà vì đó là cách anh sống đúng với lý tưởng của mình. Trở thành “bộ đội Cụ Hồ” là lựa chọn khiến anh cảm thấy vững tâm và tự hào – một niềm tự hào giản dị nhưng sâu sắc: “Mình đã yên tâm dần với cuộc đời cống hiến này. Có thể tự hào một chút chứ nhỉ”.

“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Với tác giả, cống hiến không phải là sự lựa chọn nửa vời hay một điều gì đó mang tính hình thức. Đã sống là phải sống cho lý tưởng, cho những giá trị lớn lao vượt lên trên mục đích cá nhân. Người thanh niên ấy không màng đến những toan tính đời thường, mà luôn hướng mình đến một cuộc đời được sống trọn trong dấn thân và phụng sự – sống để cho đi, chứ không phải để giữ lại điều gì cho riêng mình. Chính điều ấy đã được anh khẳng định trong cuốn nhật ký của mình vào ngày 24/01/1972: Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến. Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi hưởng thụ. Hãy cao hơn những tính toán cá nhân”

Khi đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, ta dễ dàng nhận ra những khoảnh khắc Nguyễn Văn Thạc thành thật với chính mình – những dòng nhật ký không ngại phơi bày sự giằng xé nội tâm, những phút yếu lòng rất đỗi con người. Như lúc anh chợt nhớ đến quyết định dừng việc học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, anh đã nghĩ rằng: “Thạc còn buồn không? Có buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tậpVì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc, sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay…”. Nhưng rồi, anh tự vấn khi trót để tâm đến những so đo cá nhân, nỗi buồn riêng tư, hay cảm giác chưa đủ xứng đáng với sứ mệnh của một người lính giữa thời chiến. Thay vì để mình trôi theo những cảm xúc bi lụy, anh luôn kịp kéo mình trở lại với lý tưởng lớn lao bằng cách gạt bỏ cái tôi, lấy lý tưởng cách mạng làm kim chỉ nam. Bởi với anh, “con người với đất nước là một” – khi đã khoác lên mình màu áo lính, thì từng suy nghĩ, từng hành động đều phải hướng về Tổ quốc. 

Tuy chỉ vỏn vẹn 208 trang, “Mãi mãi tuổi hai mươi” không chỉ đơn thuần là một cuốn nhật ký, mà còn là bản anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những dòng chữ của Nguyễn Văn Thạc là chân dung sống động của một thế hệ thanh niên dám ước mơ, dám yêu và dám sống, hay thậm chí dám chết cho lý tưởng cao đẹp, cho độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Đã hơn nửa thế kỷ từ ngày anh ngã xuống, khi hòa bình đã trở thành hiện thực, nhưng lý tưởng của anh vẫn không hề cũ. Nó chuyển hóa thành lời nhắc nhở âm thầm nhưng kiên định gửi đến thế hệ trẻ hôm nay, rằng: Hòa bình không phải là đích đến, mà là hành trình không ngừng gìn giữ và xây dựng. Hòa bình không chỉ là sự vắng mặt của tiếng súng, mà còn là sự hiện diện của yêu thương và bao dung, đứng về lẽ phải trong lòng của mỗi con người.

Vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và vun đắp hòa bình

Các đại biểu và thanh niên tình nguyện tại Lễ ra quân các chương trình, chiến dịch Tình nguyện hè năm 2024

(Nguồn: Báo Thanh niên)

Hòa bình là thành quả thiêng liêng của những vết thương chưa lành trên bản đồ thế giới. Bên cạnh đó, là sự phát triển không ngừng của công nghệ, một mặt mang lại tiến bộ vượt bậc, mặt khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể kể đến như vấn đề an ninh mạng, vũ khí trí tuệ nhân tạo, thao túng thông tin… 

Trước những thách thức của thời đại, thế hệ trẻ không chỉ là những người thụ hưởng hòa bình, mà đã và đang trở thành lực lượng tiên phong để viết tiếp câu chuyện ấy. Trách nhiệm đó bắt đầu từ tinh thần học tập nghiêm túc, rèn luyện không ngừng để trở thành những công dân có ích, góp phần phát triển quê hương, đất nước. Lòng tự hào dân tộc được hun đúc qua từng trang sử, từng câu hát, và được thể hiện qua ý thức giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ văn hóa truyền thống của nước nhà trước làn sóng hội nhập toàn cầu. Nhiều bạn trẻ chọn dấn thân vào các hoạt động thiện nguyện, môi trường, giáo dục và phát triển bền vững – những mảnh ghép cần thiết để xây dựng một thế giới công bằng và văn minh. Có những người trẻ đã mạnh dạn bước ra thế giới, tham gia vào các chương trình giao lưu quốc tế để lan tỏa hình ảnh một Việt Nam thân thiện, nhân ái và yêu chuộng hòa bình. Không dừng lại ở đó, thế hệ trẻ ngày nay còn biết cách tận dụng công nghệ, kỹ năng và tư duy của một công dân toàn cầu để kết nối, truyền cảm hứng và hành động vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. Họ đang “chiến đấu” theo cách riêng của thời đại mình – bằng tri thức, sự tử tế, sáng tạo và lòng nhân ái.

Trong năm 2024, nhiều gương mặt trẻ Việt Nam đã được vinh danh vì những nỗ lực nổi bật trong các lĩnh vực giáo dục, môi trường, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội. Họ không chỉ là niềm tự hào, mà còn là nguồn cảm hứng để mỗi người trong chúng ta nhìn lại và tự hỏi: Mình có thể làm gì để tiếp nối những giá trị tốt đẹp của cha anh ta để lại và viết tiếp câu chuyện hòa bình cho các thế hệ mai sau?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên năm 2025

 (Nguồn: Trang thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh)

Thế hệ trẻ hôm nay, dù không sống giữa bom đạn, nhưng đang sống trong một thế giới đầy những thách thức mới. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần mang trong mình tinh thần sống trọn, sống có trách nhiệm và sẵn sàng hành động vì cộng đồng. Là sinh viên UEH, chúng ta không chỉ được trang bị tri thức, mà còn mang sứ mệnh lan tỏa các giá trị nhân văn. Thông qua các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia sáng kiến vì cộng đồng, dự án khởi nghiệp xã hội hay thiện nguyện vì môi trường, mỗi việc làm đều là cách để thế hệ trẻ UEH viết tiếp câu chuyện hòa bình bằng chính trái tim, tri thức và hành động của mình. Không chỉ sinh viên UEH nói riêng, mà tất cả thế hệ tuổi trẻ trên khắp Việt Nam đều đang cùng nhau thắp lên những ngọn lửa trách nhiệm, sáng tạo và cống hiến, viết tiếp hành trình gìn giữ hòa bình theo cách của thời đại chúng ta đang sống.

Ngọn lửa của “Mãi mãi tuổi hai mươi” không chỉ soi sáng ký ức một thời, mà còn thắp lên lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ tuổi trẻ hôm nay. Hy vọng rằng những UEHer của ngày hôm nay sẽ tiếp bước tinh thần ấy bằng cách sống có lý tưởng, hành động có trách nhiệm và không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trụ cột: Đào tạo, Cộng đồng

Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học (DSA)

Tài Liệu Tham Khảo

  • Hồ Chí Minh. (2011). Hồ Chí Minh Toàn tập. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật.
  • Nguyễn Văn Thạc. (2005). Mãi mãi tuổi hai mươi. NXB Thanh Niên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình. (2021). Vnu.edu.vn. https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29801/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-hoa-binh.htm

Chia sẻ