Nhiều chương trình lan tỏa và chuyển giao tri thức cho nông dân và nhà sản xuất thực phẩm
25 tháng 08 năm 2023
Trong năm 2023, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã triển khai nhiều chương trình, hội thảo, kết nối, lan tỏa và chuyển giao tri thức cho nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm, hướng đến phát triển bền vững cho cộng đồng.
- Lan tỏa kiến thức về an ninh lương thực, phát triển bền vững cho cộng đồng
- Sự đồng hành của UEH dành cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng thực phẩm và nông sản để giải quyết vấn đề lương thực
- Đẩy mạnh hợp tác với địa phương thông qua các chương trình thực tế của Khoa Quản lý nhà nước CELG
Hội thảo “Trồng Cam theo hướng phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”
Ngày 24/11/2023 tại Đại học Kinh tế TP.HCM – Phân hiệu Vĩnh Long, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Trồng Cam theo hướng phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”. Với mục đích tìm ra giải pháp làm sao cho người trồng cam an tâm, hạn chế những thiệt hại, góp phần định hướng canh tác, sản xuất theo quy hoạch; tìm giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm phổ biến, ứng dụng phục vụ nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các tổ hợp tác/hợp tác xã, nhà vườn, hộ nông dân trồng cam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, đề xuất các giải pháp trong tuân thủ các quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VIET GAP, GLOBAL GAP; sản xuất cam, cây ăn trái theo hướng hữu cơ,… góp phần hình thành vùng trồng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho cây cam, hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu theo định hướng chung của tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả, các nhà khoa học trình bày các tham luận về thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển, canh tác cây cam sành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo hướng bền vững; Giải pháp khắc phục sự suy thoái đất trồng cam sành và Giải pháp nâng cao giá trị nông sản theo hướng tuần hoàn bền vững. Bên cạnh đó, những khó khăn mà nông dân, thành viên HTX trồng cam gặp phải là: Giá cam sành đã sụt giảm (cung vượt cầu); Cam sành chưa được suất khẩu; nông dân canh tác theo kiểu truyền thống; Cam chưa đạt các loại chứng nhận, nên người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm; Trái cam sau thu hoạch không bảo quản được lâu … làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân.
Khảo sát, thảo luận nhóm với nông dân tại Sơn La, Đồng Tháp
Đề tài “Phát triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Viện nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) là đối tác chính. Đề tài này được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Chương trình John Dillon Fellowship quản lý bởi trường Đại học New England (UNE, Úc). Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung năng lực lao động nông nghiệp và kỹ năng cốt lõi, xác định các khoảng trống và sự thiếu hụt năng lực, kỹ năng cốt lõi cho lao động; cung cấp thông tin và các lộ trình khả thi nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cốt lõi cho người nông dân trồng xoài trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu xoài của Việt Nam trong tương lai.
Trong khuôn khổ của đề tài “Phát triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Viện nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe (HAPRI) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), các đơn vị đã tiến hành phỏng vấn sâu các doanh nghiệp xuất khẩu tại Sơn La và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về các điều kiện xuất khẩu xoài. Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức thảo luận nhóm các thành phần trong chuỗi xuất khẩu xoài về các khó khăn trong quá trình sản xuất nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 2 đến ngày 4/3/2023, VNUA đã tổ chức khảo sát thực tế về tình hình canh tác nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng và bán xoài của các nông hộ ở tỉnh Sơn La. Đại diện của Viện HAPRI, Ths. Vũ Ngọc Tân cũng đã có mặt để hỗ trợ đoàn hoàn thiện bảng hỏi và học hỏi kinh nghiệm để tổ chức khảo sát ở ĐBSCL. Sau buổi khảo sát này, HAPRI tiến hành khảo sát nông dân trồng xoài xuất khẩu ở Đồng Tháp. Dự kiến chuyến khảo sát sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3. Song song đó, VNUA sẽ tiến hành nhập liệu, làm sạch và phân tích kết quả khảo sát tại Sơn La. Kết quả khảo sát tại hai địa điểm sẽ được trình bày trong báo cáo kết thúc dự án.
Qua các ngày làm việc tại tỉnh Sơn La, đoàn đã lần lượt tiến hành trao đổi và khảo sát người dân trồng xoài ở hai huyện Mai Sơn và Yên Châu. Thông qua sự hỗ trợ của cán bộ địa phương và các trưởng bản tại điểm nghiên cứu, đại diện các hộ nông dân trồng và bán xoài tại các xã Hát Lót và Chiềng Mung của huyện Mai Sơn và các xã Chiềng Hặc và Sặp Vạt của huyện Yên Châu.
Trong các buổi làm việc nhóm khảo sát đã chia sẻ và lắng nghe mong muốn của người lao động trồng và bán xoài về những khó khăn trong việc canh tác, cũng như trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ của chính quyền và người dân tỉnh Sơn La để hoàn thành tốt đợt khảo sát này.
Tại Đồng Tháp, từ ngày 16-17/02/2023, viện HAPRI đã tiến hành tổ chức 02 buổi thảo luận nhóm tại huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh nhằm phục vụ dự án “Phát triển năng lực và kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam”. Dự án nằm trong chuỗi các hoạt động của viện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và y tế tại Việt Nam.
ThS. Vũ Ngọc Tân, chuyên viên nghiên cứu thuộc viện HAPRI, thành viên chính thực hiện dự án, đã có buổi gặp mặt với ông Nguyễn Khắc Mỹ, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Cao Lãnh, ông Lê Chí Hiếu, lãnh đạo TTDVNN TP. Cao Lãnh, nông dân Nguyễn Văn Mách (Phó chủ nhiệm Minh Tâm hội quán), ông Võ Tấn Bảo (Giám đốc HTX DVNN Tịnh Thới), và các đại diện nông dân và Hội nông dân tại HTX Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh và HTX Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh. Buổi gặp mặt nhằm tìm hiểu thực trạng sản xuất, tình hình liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu xoài và nhận thức của từng tác nhân về chuyển đổi số ở địa phương.
Hiện HTX Mỹ Xương và HTX Tịnh Thới là hai địa phương sản xuất xoài trọng điểm của Đồng Tháp. 3 loại xoài chính được trồng bao gồm xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, và xoài tượng da xanh, trong đó xoài cát Chu chiếm phần lớn tổng sản lượng. Hai HTX đang thực hiện thí điểm nhật ký điện tử để phục vụ quản lý trang trại và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, HTX Mỹ Xương còn thí điểm hệ thống tưới phun tự động và HTX Tịnh Thới đang bắt đầu áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến cải tạo đất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ từ giảm phân hóa học, tăng phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc thay thế thuốc hóa học.
Đẩy mạnh hợp tác với địa phương thông qua các chương trình thực tế
Với chủ trương đẩy mạnh hợp tác cùng địa phương, gắn kết kiến thức khoa học với các vấn đề thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các hoạt động học thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu khoa học trong lĩnh vực quản lý nhà nước; hàng năm, Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức các chuyến đi cho sinh viên trong khuôn khổ hợp tác giữa Khoa và địa phương.
Theo đó, sinh viên của Khoa đã tham gia chương trình thực tế tại UBND xã Thừa Đức, tỉnh Bến Tre - dựa trên thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa CELG và Trung tâm chuyển giao công nghệ dịch vụ và phát triển cộng đồng Nông - Ngư nghiệp Việt Nam (FACOD-VIETNAM).
Tại đây, sinh viên đã có cơ hội tham gia trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, tìm hiểu về chuỗi giá trị nông sản, thủy sản tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đây là địa phương có nhiều nguồn lực để phát triển đa dạng các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái. Xã có hơn 14km đường bờ biển tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nghêu. Chính vì thế, quản lý hoạt động khai thác nghêu tại đây là câu chuyện mà chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để đảm bảo được tính bền vững. Ngoài ra, với đặc điểm là đất giồng cát, xã Thừa Đức phù hợp trồng một số loại nông sản như dưa hấu hay củ cải. Với ý tưởng kết hợp các nguồn lực tại địa phương và phát huy những ưu đãi từ thiên nhiên, các hoạt động du lịch trải nghiệm dựa vào cộng đồng đang bắt đầu được phát triển tại đây.
Xuyên suốt địa điểm trong các chuyến đi thực tế, các bạn sinh viên đã lắng nghe chia sẻ của đại diện UBND xã Thừa Đức về tổ chức và quản lý mô hình du lịch cộng đồng, tập trung tìm hiểu về cách thức duy trì du lịch bền vững, và tận dụng các điều kiện sinh thái tại địa phương. Bên cạnh quan sát thực tiễn, sinh viên còn trực tiếp tham gia các hoạt động như trồng cây, khảo sát các hộ gia đình làm nông nghiệp tại địa phương về chuỗi giá trị của một số sản phẩm nông sản như dưa, củ cải, v.v. Ngoài ra, chuyến đi là dịp để các bạn sinh viên có thể trau dồi thêm những hiểu biết về hoạt động của các tổ chức quốc tế, thông qua tìm hiểu những nỗ lực của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện dự án “Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại vùng ven biển xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre”.
Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông
Chia sẻ