Sau thi, tôi “bí”
27 tháng 06 năm 2023
Mọi người thường cảm thấy bế tắc, mệt mỏi trước kỳ thi căng thẳng và mong những ngày thi cử trôi qua thật nhanh. Nhưng liệu khi kỳ thi đã qua đi, bạn có đang thật sự thoải mái? Bài viết này dành cho những bạn đang cảm thấy tiêu cực vì một mùa thi không suôn sẻ, những bạn mông lung lo lắng cho kỳ học sắp tới hay đơn giản là bạn không biết nên đi đâu, làm gì cho một mùa hè ý nghĩa.
- Sinh viên UEH giành giải nhất cuộc thi Truyền thông về Kỹ năng Quản lý Tài chính
- Đêm hội truyền thống "Sức trẻ Kinh tế 2015" chào mừng 84 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM (26/3/1931 – 26/3/2015) và Lễ tuyên dương cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu 2014
- Công diễn và trao giải thưởng Hội diễn văn nghệ truyền thống Sinh viên UEH lần thứ 41 - năm 2016
Đâu là điều cản trở ngày hè của bạn?
Trước khi tận hưởng kỳ nghỉ hè, các bạn học sinh - sinh viên luôn phải trải qua kỳ thi cuối kỳ vô cùng căng thẳng và bận rộn. Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị tốt nhưng bạn lại trải qua một kì thi không mấy suôn sẻ và bạn luôn lo lắng cho kết quả học tập của mình. Ngoài ra, bạn có kỳ nghỉ hè hơn hai tháng nhưng bạn không biết nên làm gì, bối rối và chán chường? Những điều trên có phải là những thứ làm mùa hè của bạn thêm “oi bức”?
Sẽ ra sao nếu bạn tiếp tục giữ những điều trên?
Việc giữ những suy nghĩ hối hận về bài thi không tốt có thể dẫn đến stress và làm bạn luôn chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực. Theo Medlatec, điều này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bản thân bạn và thậm chí nếu kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn qua những biểu hiện như đau đầu, nhức mỏi, mất tập trung hay thậm chí là rối loạn giấc ngủ.
Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng, thời gian trôi qua không bao giờ có thể lấy lại được. Những suy nghĩ tiêu cực trên có thể sẽ cản trở bạn khỏi những kế hoạch tuyệt vời trong mùa hè và những dự định sắp tới vì bạn mải nghĩ ngợi mông lung mà chẳng biết nên làm gì tiếp theo. Và tất nhiên, một mùa hè ý nghĩa sẽ vuột mất mà bạn chẳng kịp nhận ra!
Bạn sẽ stress vì luôn giữ những suy nghĩ tiêu cực (Nguồn: Pinterest)
Làm sao để giải bí?
Kỳ nghỉ hè kéo dài trung bình từ 2 đến 3 tháng dành cho sinh viên là khoảng thời gian không gì tuyệt vời hơn để bạn làm những điều mà mình muốn. Vì vậy, đừng chìm đắm trong stress hay để thời gian trôi qua lãng phí, bạn có thể làm được rất nhiều điều nếu bạn biết kết hợp chúng và lên thời gian biểu một cách khoa học.
Đầu tiên, mùa hè là quãng nghỉ để bạn có thời gian để tự đánh giá bản thân và lấy lại tinh thần. Một kỳ thi không như ý chỉ là một bài học để cải thiện bản thân và cải thiện quá trình phát triển bản thân của một người. Do đó, hãy xem đó như cách để tích lũy kinh nghiệm. Nỗ lực là cả một con đường dài, dù có thể có chướng ngại vật cũng đừng nản chí bạn nhé!
Sau khi đã chuẩn bị cho mình một “tâm hồn đẹp”, hãy lập kế hoạch cho những hoạt động để mùa hè thêm sôi động như:
● Đi làm thêm
Việc chọn một công việc làm thêm để kiếm thu nhập là một lựa chọn không tệ cho bạn, vì có thể bạn cần chuẩn bị một khoản tiền kha khá cho những dự định sắp tới. Ngày nay, công việc làm thêm rất đa dạng và tất nhiên là thu nhập cũng rất khá. Tuy nhiên, điều bạn cần làm là chọn cho mình một công việc liên quan đến chuyên ngành mà mình đang học. Hoặc nếu không hãy chọn những công việc như: Gia sư, Cộng tác báo chí, Content creator,... những công việc như thế sẽ giúp bạn tích lũy kiến thức và năng động hơn. Vừa có thu nhập, vừa trải nghiệm cuộc sống, hẳn là một điều nên làm ngay khi bắt đầu kì nghỉ hè đúng không nào? Bên cạnh đó, các bạn đang tìm kiếm cơ hội thực tập có thể tham khảo các công việc siêu chất lượng tại vieclam.ueh.edu.vn nhé! Tuy các công việc trên sẽ đòi hỏi một số kỹ năng và lượng kiến thức nhất định, điều mà khi ra trường chắc chắn bạn cũng rất cần. Nên ngay từ khi còn là sinh viên, hãy trang bị tốt cho mình những kỹ năng cần thiết nhé!
● Học ngôn ngữ hoặc 1 bộ môn nào đó bạn yêu thích
Mùa hè là thời gian tuyệt vời để học những thứ bạn đam mê nhưng chưa thể thực hiện trong năm học. Thời đại hội nhập đòi hỏi các bạn sinh viên cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng hơn là kiến thức ở trường lớp. Học ngôn ngữ là một sự lựa chọn phổ biến cho các bạn sinh viên, vì đây là kỹ năng đặc biệt quan trong bối cảnh hiện nay. Ở UEH, các bạn sinh viên cũng được cung cấp môi trường luyện tập tiếng Anh cực kỳ hữu ích và vui nhộn ở công viên tiếng Anh (UEH English Zone) với vô vàn hoạt động được tổ chức quanh năm. Ngoài ra các bạn cũng có thể học các môn khác mà mình yêu thích như học lập trình, thiết kế, hay đơn giản chỉ là học đàn hay vẽ.
● Đi du lịch hoặc tham gia chương trình tình nguyện
Sứ mệnh cao cả của tuổi trẻ là lan tỏa những việc tử tế, nên một chuyến đi tình nguyện là điều nên có trong lịch trình nghỉ hè của bạn. Sau những giờ làm việc, những giờ học căng thẳng, bạn nên tìm cho mình những niềm vui từ việc giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, thời sinh viên là quãng thời gian dành riêng cho bạn. Vậy nên sau khi tích góp được một khoản kha khá, trước khi kì nghỉ hè khép lại bạn nên trích ra một cho chuyến du lịch cùng bạn bè hoặc gia đình.
Lập kế hoạch chi tiết cho mùa hè hiệu quả (Nguồn: Pinterest)
Bên cạnh đó, thay vì cứ vấn vương năm học cũ, hãy chuẩn bị tinh thần cho năm học tiếp theo. Lên kế hoạch học tập, đặt mục tiêu mới và sắp xếp thời gian biểu khoa học để cân bằng giữa việc học và làm thêm hay các hoạt động ngoại khóa. Những điều này sẽ giúp bạn có một học kì thành công và suôn sẻ, thay vì cứ để mặc mọi chuyện “tới đâu hay tới đó”.
Tuy nhiên, để duy trì động lực thực hiện kế hoạch mà mình đã đề ra, bạn cần phải giữ kỷ luật cho bản thân thật tốt, vì sẽ luôn có muôn vàn thứ cám dỗ bạn khi bạn không phải tới trường. Bạn có thể tham khảo bài viết về nỗ lực ảo mà DSA đã chia sẻ để tránh rơi vào tình trạng đề ra thật nhiều mục tiêu nhưng chẳng thực hiện tới đâu, và khi nhận ra thì mùa hè đã qua đi.
Chúc các bạn sẽ có một mùa hè thật năng động nhé!
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Reference
Medlatec (2022), Cảnh báo về tác hại của stress công việc đối với sức khỏe.
Vanhoagiaitri.vn, (2016), Sinh viên nên làm việc gì vào kì nghỉ hè?.
VCcorp, (2022), Growth Mindset là gì? Làm thế nào để phát triển Growth Mindset?.
Chia sẻ