Sinh hoạt chuyên môn CELG, chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá kết quả học tập sinh viên trong bối cảnh ứng dụng AI tại UEH"
07 tháng 11 năm 2024
Nhằm tạo dựng một không gian để giảng viên, viên chức có thể chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm về những vấn đề, những nội dung liên quan đến chuyên môn, thực hiện công việc tại UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) đã tổ chức chuỗi sinh hoạt chuyên môn định kỳ với nhiều nội dung khác nhau. Vừa qua, chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá kết quả học tập sinh viên trong bối cảnh ứng dụng AI tại UEH" vào ngày 01/11/2024 bằng hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và viên chức thuộc UEH-CELG tham gia.
- Nhìn lại 2024: Những hoạt động nổi bật định hình bản sắc UEH - CELG
- Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH - Những hoạt động nổi bật định hình bản sắc
- Chương trình giao lưu sinh viên quốc tế giữa sinh viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG) và sinh viên Trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT, Úc)
Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên môn "Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá kết quả học tập sinh viên trong bối cảnh ứng dụng AI tại UEH"
Phát biểu đề dẫn, TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH cho biết: “Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển một cách nhanh chóng, việc sử dụng AI trong quá trình học tập trở nên phổ biến trong sinh viên. Bên cạnh những ưu điểm của AI được tận dụng tối ưu giúp người học tiếp cận tri thức nhanh chóng, xử lý dữ liệu hiệu quả, vẫn tồn tại song song đó là những thách thức về tính chính xác của thông tin và đạo đức nghiên cứu. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra các tình huống lưỡng nan đối với cả người dạy và người học. Buổi thảo luận chuyên môn hướng đến chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cũng như đánh giá kết quả học tập trong buối cảnh AI phát triển vượt bậc như hiện nay.”
TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH chia sẻ thực trạng và các kinh nghiệm cá nhân tại buổi sinh hoạt chuyên môn.
Các giảng viên tham dự cùng nhau chia sẻ nhiều tình huống cụ thể gặp trong giảng dạy và nghiên cứu cụ thể như tiêu cực trong thi cử bằng công nghệ AI, việc lạm dụng AI trong nghiên cứu gây khó khăn, tốn kém thời gian trong việc đánh giá kết quả nghiên cứu của sinh viên,… những tiêu cực này phần lớn giảng viên đang xử lý bằng kinh nghiệm và các hình thức khuyến khích riêng để hạn chế sinh viên lạm dụng AI quá mức.
PGS.TS. Đỗ Minh Khôi, giảng viên khoa Luật, chia sẻ quan điểm về việc không nên cấm việc sử dụng AI mà nên ghi nhận AI giúp cho sinh viên tiếp cận tri thức rất tốt, quan trọng giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên về việc sử dụng AI có trách nhiệm, đạo đức trong học tập và nghiên cứu. ThS. Huỳnh Thiên Tứ, giảng viên khoa Luật, đã chia sẻ kinh nghiệm tại Đại học Monash với một ví dụ tình huống cụ thể mà trong đó giảng viên quy định mức độ sử dụng AI trong các bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Đại học Monash cũng công bố rõ những chính sách và quy định khi sử dụng AI trong học tập và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, những tác động tiềm tàng của AI cũng được thảo luận, chẳng hạn như sự an toàn dữ liệu cá nhân và khả năng cung cấp thông tin sai lệch từ AI. PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, đặt ra vấn đề cấp thiết trong thời gian sắp tới chính là cần thay đổi mục tiêu đào tạo trong các chương trình cho phù hợp với sự phát triển của AI, cần có những phương thức giáo dục sinh viên về trách nhiệm sử dụng AI và phát triển kỹ năng xử lý thông tin độc lập, sáng suốt. Đã có những phương pháp kiểm tra tiên tiến được đề xuất, cho phép nắm chắc kiến thức từ AI để tăng cường quá trình học tập.
PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH chia sẻ
Buổi thảo luận cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập các quy tắc và hướng dẫn cụ thể từ cấp độ môn học đến toàn trường, cũng như tạo ra môi trường học tập thúc đẩy tư duy sáng tạo và kỹ năng tư duy phản biện. Các thầy cô cũng nhấn mạnh việc học viên cần tự mình kiểm chứng và tìm hiểu sâu về những gì AI cung cấp, đồng thời ứng dụng công nghệ này để hỗ trợ việc học một cách có ý thức nhằm tăng cường chất lượng giáo dục.
Tin, ảnh: Văn phòng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước.
Chia sẻ