Sinh hoạt chuyên môn Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH-CELG), chủ đề: "Giải Nobel Kinh tế 2024: Thể chế và Sự thịnh vượng của các quốc gia"

20 tháng 01 năm 2025

Ngày 16/01/2025, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH-CELG) đã tổ chức  sinh hoạt chuyên môn với chủ đề "Giải Nobel Kinh tế 2024: Thể chế và Sự thịnh vượng của các quốc gia" tại phòng B1.1001 - Cơ sở 279 Nguyễn Tri Phương P5 Q10.

TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng CELG phát biểu khai mạc

Buổi sinh hoạt chuyên môn với sự chủ trì của TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng CELG, Ban Chấp hành Công đoàn CELG phối hợp tổ chức và các giảng viên đăng ký tham gia.

Tại buổi sinh hoạt, TS. Hồ Hoàng Anh - Giảng viên khoa Kinh tế đã giới thiệu về Giải Nobel Kinh tế 2024, được trao cho các nhà kinh tế Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson vì những nghiên cứu đột phá về sự hình thành và tác động của thể chế đối với sự thịnh vượng quốc gia. Công trình của họ tiếp nối nghiên cứu của Douglass C. North (giải Nobel Kinh tế 1993), làm rõ cách các thể chế kinh tế và chính trị tác động đến tăng trưởng bền vững.

TS. Hồ Hoàng Anh sơ lược về bằng chứng thực nghiệm trong nghiên cứu thể chế kinh tế

Bằng cách sử dụng dữ liệu quy mô lớn và phương pháp kinh tế lượng hiện đại, nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng các quốc gia có hệ thống bảo vệ quyền sở hữu và tự do kinh doanh vững mạnh thường có mức độ thịnh vượng cao hơn. Điều này mở ra những góc nhìn quan trọng cho định hướng phát triển thể chế tại Việt Nam.

PGS.TS. Đỗ Minh Khôi - Giảng viên khoa Luật tiếp tục trình bày về vai trò của thể chế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhấn mạnh sự tương tác giữa thể chế pháp lý và thể chế kinh tế, đồng thời đặt ra vấn đề thiết kế "luật chơi" công bằng để đảm bảo sự phát triển bền vững.

PGS.TS. Đỗ Minh Khôi trình bày vai trò thể chế pháp lý trong phát triển kinh tế và xã hội

Trong phần thảo luận, các giảng viên đã trao đổi về mối quan hệ giữa thể chế và quyền lực, sự thay đổi thể chế khi xã hội đạt đến "ngưỡng chịu đựng", cũng như những thách thức trong việc xây dựng một hệ thống thể chế công bằng và hiệu quả tại Việt Nam.

Buổi sinh hoạt chuyên môn cũng gợi mở các hướng nghiên cứu tiềm năng tại UEH, bao gồm nghiên cứu liên ngành kết hợp kinh tế, luật và quản lý công để đề xuất giải pháp toàn diện cho việc xây dựng thể chế hiệu quả. Ngoài ra, nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam tập trung đánh giá sự thích ứng của chính sách kinh tế với hội nhập quốc tế, cũng như vai trò của doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong thúc đẩy phát triển bền vững.

Giảng viên CELG tham gia thảo luận tại buổi sinh hoạt 

Việc nghiên cứu về sự hình thành và vận hành thể chế cũng là một hướng quan trọng, phân tích tác động của công nghệ, văn hóa và chính sách công đến hệ thống thể chế quốc gia. Trong lĩnh vực đào tạo, UEH đã và đang tích cực gắn kết nội dung giảng dạy với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Mục tiêu 8 (Tăng trưởng kinh tế bền vững) và Mục tiêu 16 (Xây dựng thể chế vững mạnh). Điều này không chỉ giúp cho người học trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành qua các dự án thực tế và hợp tác quốc tế.

Buổi sinh hoạt chuyên môn đã giúp giảng viên và nhà nghiên cứu tại UEH có cái nhìn sâu sắc hơn về tác động của thể chế đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Với định hướng nghiên cứu và đào tạo gắn liền với thực tiễn, UEH tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc lan tỏa tri thức và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Sau buổi sinh hoạt chuyên môn, tập thể giảng viên CELG đã có buổi gặp mặt cuối năm trong không khí ấm cúng và thân tình. Đây là dịp để các Thầy Cô thuộc CELG cùng nhau nhìn lại một năm hoạt động, chia sẻ những thành tựu, bài học kinh nghiệm và hướng đến các mục tiêu mới trong năm tiếp theo. Sự kiện không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết mà còn tạo động lực để đội ngũ giảng viên tiếp tục phát huy sáng tạo và cống hiến trong nghiên cứu, giảng dạy và phát triển học thuật tại UEH.

Buổi tiệc gặp mặt cuối năm của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH-CELG)

Bên cạnh những câu chuyện học thuật, buổi tiệc còn mang đến những phút giây thư giãn với các hoạt động bốc thăm trúng thưởng, phát bao lì xì, trò chuyện thân mật, giúp gắn kết đội ngũ giảng viên hơn nữa. Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước cũng gửi đến các thầy cô những lời tri ân sâu sắc vì những nỗ lực và đóng góp không ngừng trong suốt năm qua. Những lời chúc tốt đẹp đã được trao gửi, cùng niềm tin vào một năm mới với nhiều thành công và bước tiến mới trong công tác nghiên cứu và giảng dạy tại CELG nói riêng và UEH nói chung.

Tập thể Quý Thầy Cô CELG chụp hình sau buổi tiệc

Một số hình ảnh khác:

Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên môn

TS. Trần Thị Tuấn Anh tổng kết buổi sinh hoạt chuyên môn

Bàn trang trí bữa tiệc gặp mặt cuối năm CELG

Hoạt động bốc thăm trúng thưởng tại buổi tiệc gặp mặt

   Tin, ảnh: BCH Công đoàn CELG, Văn phòng CELG
 

Chia sẻ