02 tháng 10 năm 2021
“Giáo dục là việc chuẩn bị cho người học giải quyết các tình huống của cuộc sống” (S.B. Robinsohl 1967). Con người bắt đầu suy nghĩ khi bản thân xuất hiện nhu cầu hiểu biết một vấn đề nào đó. Tư duy luôn luôn bắt đầu từ một vấn đề hoặc một câu hỏi, từ sự ngạc nhiên hay nỗi băn khoăn thắc mắc. Sự lôi cuốn cá nhân vào quá trình tư duy được xác định bởi tình huống thực tiễn xảy ra xung quanh họ. Khi phim và hình ảnh chuyển động được sử dụng trong giáo dục, nó được coi là một sự giới thiệu thú vị về các khái niệm, ý tưởng hoặc sách mới, một thứ gì đó sáng tạo và nằm ngoài cách giảng dạy và học tập truyền thống. Phim tình huống giúp phát triển khả năng phản ánh phê phán và kiến thức hoài nghi. Vì thế, dạy học bằng tình huống phim (THP) là một trong những phương pháp dạy học tích cực góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đầu tư chiều sâu cho yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Đây là phương pháp dạy học hữu hiệu nhằm mang lại niềm vui, hứng thú, khơi gợi niềm say mê, tìm tòi chiếm lĩnh tri thức; phát triển tư duy, và giải quyết vấn đề; từ đó hình thành ở sinh viên (SV) nhân cách của người lao động mới, tự chủ, sáng tạo, có khả năng giải quyết tốt các tình huống do cuộc sống đặt ra.
Hình thành năng lực giải quyết vấn đề thực tế cho sinh viên thông qua tình huống phim
Theo John Dewey, hình thành mục tiêu là hoạt động phúc tạp, bao gồm: (1) Quan sát trong điều kiện bối cảnh xác định; (2) Tập hợp kiến thức về việc đã xảy ra trong bối cảnh tương tự tại quá khứ. Kiến thức có được một phần thông qua tổng hợp lại và một phần từ thông tin, lời khuyên và cảnh báo của người nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia; (3) Phán đoán, đó là sự kết hợp giữa những điều đã quan sát được trong bối cảnh tương tự và những điều sẽ hiện thị khi quan sát hiện tượng.
Như vậy, tình huống phim là công cụ hiệu quả giúp SV hình thành mục tiêu, kích thích động cơ học tập, đồng thời thúc đẩy các hoạt động, các tương tác giữa các SV, giữa SV với GV, và giữa SV với bối cảnh phim. Bối cảnh phim đáp ứng mục tiêu học tập, cung cấp thông tin cho người học thông qua các hình ảnh, âm thanh. Người học sẽ quan sát hiện tượng trong bối cảnh xác định.
Việc liên tưởng với kiến thức được học và với kinh nghiệm bản thân về thông tin sẽ hình thành động cơ, kích thích SV hoạt động thông qua các tương tác để đưa ra các dự đoán, nhằm hình thành nên sản phẩm học. Sản phẩm học chính là các năng lực - trong đó có năng lực giải quyết vấn đề - sẽ có được trong quá trình tương tác với phim. Quá trình này là một chu trình, nó được mở rộng qua các bối cảnh phim được xây dựng phù hợp với mục tiêu học tập.
Sơ đồ về mối quan hệ giữa tình huống phim và sản phẩm học - năng lực giải quyết vấn đề của SV_Nguồn Đỗ Hương Trà và Trần Quang Diệu 2015
Hiệu quả giảng dạy bằng tình huống phim đã được chứng minh qua thực tế
Có một loạt nghiên cứu cho thấy rằng người học được học thông qua các thuyết trình đa phương tiện tốt hơn là phương pháp giảng dạy bằng lời nói. Hakkâri và cộng sự (2008) xác nhận rằng người học có thể tập trung vào bài giảng nhiều nhất là 16-20 phút trong giờ, do đó, việc sử dụng tình huống phim có tầm quan trọng đáng kể để thu hút sự chú ý trong thời gian dài. Theo Hartley và Davies (1978), trong quá trình giảng dạy bằng lời nói, người học đại học có thể nhớ 70% những gì đã được dạy trong 10 phút đầu tiên và chỉ 20% những gì đã được dạy trong vòng 10 phút tiếp theo. Demirel và cộng sự (2008) nghiên cứu tỷ lệ ghi nhớ kiến thức theo các giác quan và kết luận rằng mọi người nhớ 50% những gì họ nhìn và nghe và 80% những gì họ nhìn, nghe và nói.
Kabadayi, L. (2012) tiến hành một cuộc khảo sát ý kiến của sinh viên về vai trò của tình huống phim trong giáo dục đại học. Kết quả nghiên cứu (hình 2) đã chứng minh rằng tình huống phim nên được thiết kế trong lớp học.
Ý kiến của SV về vai trò của tình huống phim trong giáo dục đại học (Nguồn Kabadayi L (2012)
Những lợi ích tích cực khi sử dụng phim tình huống giúp giảng dạy hiệu quả hơn
Tình huống phim giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và khả năng hiểu bài. Cho phép người học nhớ các môn học một cách dễ dàng và tạo ra sự diễn đạt phong phú. Hỗ trợ tư duy sáng tạo. Nhờ thời lượng phim, câu chuyện được tạo ra ngắn gọn, tiết kiệm và tập trung vào chủ đề mong muốn; việc người học dần xuất hiện thói quen suy nghĩ bằng những hình ảnh trực quan và hình ảnh sẽ giúp củng cố lại kiến thức. Do đó, nhu cầu nhắc lại kiến thức cũ trong các giờ học giảm dần và hình thành khả năng nhớ lâu. Sức mạnh của quan sát tăng lên nhờ sự tham gia tích cực. Kỹ năng đánh giá các mối quan hệ của con người, giải thích sự tương tác lẫn nhau của các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, và thiết lập mối quan hệ nguyên nhân-và-kết quả của người học tăng lên. Người học phát triển khả năng làm việc nhóm, nhận trách nhiệm, hoàn thành trách nhiệm và trải nghiệm thành tích nhóm. Hơn nữa, tình huống phim giúp minh họa nội dung chủ đề được lựa chọn, để suy luận và thiết lập mối liên hệ với những kiến thức được dạy trước đó.
Tình huống phim và UEH
Nhận thức được những lợi ích của việc sử dụng tình huống phim trong việc hình thành các kỹ năng của người công dân toàn cầu, Khoa Kế toán trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã kết hợp cùng Hiệp hội kế toán công chứng Vương Quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức tập huấn và chính thức đưa tình huống phim ICAEW False Assurance vào giảng dạy.
TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tình huống phim không chỉ dành cho 01 môn học mà có thể ứng dụng cho nhiều môn học, tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực. Việc sử dụng tình huống phim được thiết kế phù hợp trong giảng dạy sẽ giúp UEH tăng cường tính thực tiễn, tính toàn cầu và tính hội nhập của chương trình đào tạo, giúp người học học tập hiệu quả hơn nữa."
TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc buổi tập huấn
Ngay sau buổi tập huấn, nhiều giảng viên khoa Kế toán đã triển khai sử dụng bộ phim trong học kỳ mới. Khi được hỏi về tính hiệu quả của phương pháp học bằng tình huống phim so với phương pháp tình huống truyền thống, các bạn sinh viên hào hứng chia sẻ: “Học tình huống dạng phim giúp lớp học sôi động hơn, dễ tiếp thu kiến thức hơn. Việc chia nhóm thảo luận tình huống trong phim cũng giúp sinh viên năng động hơn khi học online, được khuyến khích trình bày ý kiến của mình nhiều hơn thay vì chỉ nghe giảng từ thầy cô” - bạn Hoàng Ngọc Tường An (KNC02-K45 ĐHCQ) cho biết. Bạn Trần Gia Bảo (KNC01-K45 ĐHCQ) thì cho rằng: “Thông qua việc xem bộ phim và kết hợp với quá trình nghe giảng bài thì em thấy dễ tiếp thu kiến thức hơn và hiểu lý thuyết sâu hơn".
Thầy Nguyễn Phước Bảo Ấn UEH sử dụng tình huống phim False Assurance tại lớp học
Hiện nay, khi hoạt động đào tạo trực tuyến đang đóng vai trò cốt lõi thì việc sử dụng tình huống phim như phim ICAEW False Assurance trong giảng dạy lại càng thích hợp, nhất là trong các lớp học hỗn hợp (blended) hay đảo ngược (flipped). Người giảng dạy sẽ dễ dàng thực hiện nguyên lý thiết kế bài giảng đảm bảo các tính chất kết hợp (combination), phân đoạn (granularity), tái sử dụng (reusability), tương thích (interopenability). Người học sẽ có sự chủ động nhiều hơn trong việc thu xếp thời gian học tập, có nhiều môi trường tự do hơn để sáng tạo, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu học tập.
Tin, Ảnh: Khoa Kế toán, Phòng Marketing - Truyền thông
Báo chí đưa tin:
Chia sẻ