Sử dụng tình huống trong giảng dạy Kế toán - Kiểm toán với bộ phim False Assurance

23 tháng 08 năm 2021

Trong nhiều năm qua, sử dụng tình huống để giảng dạy trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán đã trở thành phương pháp tiếp cận phù hợp, và được giảng viên khoa Kế toán Trường Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) triển khai rộng rãi nhằm giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận thực tế. Tiếp tục mở rộng phương pháp hiện đại này, mới đây, khoa Kế toán đã tổ chức tập huấn để chính thức đưa vào sử dụng tình huống dạng phim làm học liệu hữu ích trong việc giảng dạy.

False Assurance là bộ phim đào tạo đầu tiên do Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) sản xuất, được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau và giành được nhiều giải thưởng của các tổ chức, các hiệp hội nghề nghiệp về đào tạo. Bộ phim dài 38 phút nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, tính hoài nghi nghề nghiệp và sự cần thiết của việc kiểm tra chất lượng, chất vấn thông tin khi điều hành tổ chức, doanh nghiệp. 
 
Sau khi ký hợp đồng nhận tài trợ quyền sử dụng bộ phim False Asssurance của ICAEW, ngày 17/08/2021 vừa qua, khoa Kế toán Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM phối hợp cùng với ICAEW đồng tổ chức chương trình “Tập huấn sử dụng phim ICEAW False Assurance trong giảng dạy Kế toán - Kiểm toán” cho tập thể giảng viên khoa và giảng viên kế toán phân hiệu Vĩnh Long. 
 
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việc gắn kết chương trình đào tạo với các tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng được xem là mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện tính bền vững của chương trình đào tạo và của đại học nói chung. Lãnh đạo Nhà trường đánh giá rất cao hoạt động này của khoa Kế toán với Viện kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) nói riêng và những Hiệp hội tổ chức nghề nghiệp quốc tế nói chung vì đây là những đối tác rất quan trọng, giúp Nhà trường tăng cường tính thực tiễn, tính toàn cầu và tính hội nhập trong chương trình đào tạo. Tôi nghĩ rằng bộ phim (case study) không chỉ dành cho 01 môn học mà nó phải được tiếp cận theo hướng nhiều môn học, tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực. Buổi tập huấn này không chỉ là giới thiệu phim, mà còn là cơ hội để giảng viên khoa Kế toán ở tất cả các môn học trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn, các kỹ năng, và phương pháp truyền đạt kiến thức cho người học". 
 
TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc chương trình
 
Tiếp nối, bà Đặng Thị Mai Trang - Trưởng Đại diện ICAEW Việt Nam nhấn mạnh: “ICEAW Việt Nam mong muốn triển khai bộ phim này đến các trường học tại Việt Nam, để giảng viên có thêm công cụ hỗ trợ việc đào tạo hiệu quả, hấp dẫn hơn đó chính là sử dụng công nghệ thông tin, hình ảnh, các ví dụ minh họa cho sinh viên tiếp cận thực tế qua lăng kính phim ảnh”.
 
Bà Đặng Thị Mai Trang - Trưởng đại diện ICAEW VN chia sẻ về bộ phim False Assurance
 
Tại buổi tập huấn, dưới sự dẫn dắt của ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, các giảng viên đã cùng nhau dõi theo 2 năm đầy sóng gió của một công ty giả định. Trước khi đi vào phần thảo luận, ông Hoàng tâm sự: “Mỗi lần tôi xem lại để chuẩn bị chia sẻ về phim là tôi lại thấy một góc độ khác về bộ phim. Ngoài những góc độ về kế toán, tài chính, quản trị rủi ro, kiểm toán,… đâu đó còn vấn đề tâm lý tình cảm trong cuộc sống. Tôi tin bộ phim “bám sát hơi thở” như False Assurance không chỉ hữu ích với những người hành nghề, mà còn cực kỳ giá trị với các bạn sinh viên. Các bạn có thể sớm tiếp xúc với không khí, môi trường làm việc và các vấn đề xung quanh công việc mà có khi chúng ta phải mất hàng năm để chiêm nghiệm ra.”
 
Ông Phan Vũ Hoàng dẫn dắt những thảo luận xoay quanh nội dung bộ phim False Assurance
 
Bộ phim nhận về nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ các giảng viên tham gia tập huấn như kịch bản rất hay mang lại sự cuốn hút, đầy hứng khởi cho người xem; hay bộ phim là những màn brainstorming chuyển biến nhanh tới chóng mặt, các nút thắt vẫn chưa được gỡ cho tới phút cuối...
 
Điều thấy rõ nhất là tâm trạng hào hứng của giảng viên khi trao đổi về việc dùng tình huống phim làm học liệu để giảng dạy cho sinh viên. So với phương pháp tình huống truyền thống, tình huống dạng phim mang lại nhiều ưu điểm hơn. Thứ nhất, bộ phim tạo cơ hội cho sinh viên có cái nhìn trực quan, sinh động về thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tạo động lực và sự hứng thú cho sinh viên trong quá trình học, giúp sinh viên tiếp thu bài tốt hơn. Thứ hai, việc xem một bộ phim còn giúp sinh viên theo dõi được các hoạt động thực tiễn kinh doanh diễn ra theo thời gian thực, phát triển khả năng tập trung, óc xét đoán khi quan sát các tình huống đan xen phát sinh liên tục, đồng thời hoàn thiện các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp - những điều mà case thông thường (đoạn văn mô tả) khó truyền tải đầy đủ. Thứ ba, học liệu này có thể sử dụng cho nhiều môn học, qua đó giúp sinh viên thấy được mối quan hệ kiến thức giữa các môn học... 
 
Hiện nay, khi hoạt động đào tạo trực tuyến đang đóng vai trò cốt lõi thì việc sử dụng một tài nguyên phim như False Assurance trong giảng dạy lại càng thích hợp, nhất là trong các lớp học hỗn hợp (blended) hay đảo ngược (flipped). Người giảng dạy sẽ dễ dàng thực hiện nguyên lý thiết kế bài giảng đảm bảo các tính chất kết hợp (combination), phân đoạn (granularity), tái sử dụng (reusability), tương thích (interopenability). Người học sẽ có sự chủ động nhiều hơn trong việc thu xếp thời gian học tập, có nhiều môi trường tự do hơn để sáng tạo và hoàn thành mục tiêu học tập.
Tin, Ảnh: Khoa Kế toán, Phòng Marketing - Truyền thông

 

Chia sẻ