Thách thức và triển vọng: Hành trình hướng tới thời trang bền vững tại Việt Nam
27 tháng 10 năm 2023
Khi những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường dần trở nên rõ rệt, giới trẻ ngày càng có nhận thức sâu sắc hơn về sự bền vững trong xu hướng tiêu dùng. Chính vì vậy, thời trang bền vững đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong thời gian gần đây. Người tiêu dùng trẻ trở nên ưa chuộng những loại vải có nguồn gốc thiên nhiên, chất liệu truyền thống và để tâm hơn đến cách thức bảo quản quần áo sao cho hợp lý, hạn chế sự lãng phí. Những nhu cầu ngày càng cao về thời trang bền vững của giới trẻ đã mở ra các cơ hội và đặt ra thách thức cho xu hướng này tại Việt Nam.
- Ready for Next 2022 – Điểm tin ngày 7/12/2022
- Buổi làm việc giữa Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về Chiến lược UEH Bền vững và cơ hội hợp tác
- Hoạt động tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy môn học Phát triển bền vững tại Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH
Cơ hội rộng mở cho sự phát triển
Thời trang bền vững được hiểu là các sản phẩm từ chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng với quy trình sản xuất bảo đảm giảm thiểu chi phí nguyên liệu, hạn chế xả thải ra môi trường. Xu hướng này đang tạo ra phong cách thời trang mang tính nhân văn, thân thiện với môi trường và được giới trẻ quan tâm và hướng ứng (Theo Báo Người lao động).
Trên thế giới, thời trang bền vững đã đạt được những thành tựu nổi bật sau thời gian dài phát triển. Sự ra đời vào năm 2022 của giải thưởng The CNMI Sustainable Fashion Awards với sự kết hợp giữa CNMI của Ý và dự án Ethical Fashion Initiative (EFI) của Liên Hợp Quốc đã góp phần khẳng định tiếng nói của thời trang bền vững trong nền công nghiệp đầy cạnh tranh này. Hơn nữa, sự chuyển mình của những nhãn hàng lớn theo xu hướng thời trang bền vững với những mục tiêu và hành động cụ thể càng khẳng định vị thế và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Các sản phẩm bền vững đến từ những thương hiệu lớn (Nguồn: Adidas, H&M, Levi’s)
Tại Việt Nam, thời trang bền vững cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Như La Phạm trở thành thương hiệu Việt Nam duy nhất góp mặt trong chương trình thời trang bền vững lớn nhất tại Thuỵ Sỹ – UN-DRESS. Bên cạnh đó, bộ đôi nhà thiết kế Huỳnh Hải Long và nhà thiết kế Đặng Thế Huy cũng đã mang bộ sưu tập Hồi sinh trình diễn tại khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York. Trong chiều hướng phát triển tích cực, sự ra đời của các nhãn hiệu thời trang với định hướng sử dụng nguyên liệu sinh thái thân thiện với môi trường đã thể hiện một tương lai đầy triển vọng của thời trang bền vững trong nước.
Một thiết kế áo khoác bằng vải gai với các họa tiết được vẽ bằng sáp ong của NTK Phạm Ngọc Anh tại UN-DRESS (Nguồn: Bazaar Vietnam)
Khi thời trang nhập cuộc 4.0
Với việc sử dụng AI trong quá trình xây dựng hình ảnh quảng bá và cho phép người dùng trải nghiệm sản phẩm, các thương hiệu thời trang đã có thể giảm phần lớn sản lượng quần áo dùng cho mục đích mặc thử của khách hàng. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ in 3D để tạo ra các phụ kiện, đồ trang sức cũng góp phần giúp các nhãn hàng tiết kiệm chi phí và hầu như không tạo ra chất thải, giúp giảm tác động tiêu cực có thể đem lại cho môi trường.
Việc sử dụng công nghệ in 3D là một bước khởi đầu cho xu hướng thời trang bền vững trong thời đại tiên tiến, hiện đại. (Nguồn: Balenciaga)
Mặc dù thời trang bền vững chỉ vừa xuất hiện tại Việt Nam song những cơ hội và tiềm năng phát triển của xu hướng trên luôn đầy triển vọng. Sự xuất hiện của công ty ECOSOI với sản phẩm chủ lực là vải từ sợi dứa đã thể hiện cơ hội đầy rộng mở cho ngành thời trang bền vững tại Việt Nam. Công ty đã kí hợp đồng xuất khẩu với Pinatex - đơn vị sản xuất da từ sợi dứa lớn nhất trên thế giới. Đồng thời, công ty dự kiến doanh thu vào năm 2023 với con số lên đến 40 tỷ đồng và năm 2024 sẽ vào khoảng 71,5 tỷ đồng.
Các công đoạn để tạo nên sợi dứa bền vững dành cho ngành công nghiệp thời trang tại ECOSOI (Nguồn: ECOSOI)
Thách thức để ngày càng hoàn thiện
Mỗi khi nhắc đến thời trang bền vững, giá thành cao là suy nghĩ của phần đông người tiêu dành cho các sản phẩm này. Ý kiến trên được nhận định bởi ông Brittany Burns, giám đốc chiến lược và phát triển doanh nghiệp tại tổ chức phi lợi nhuận Fashion For Good. Về mặt bằng chung, các sản phẩm thời trang bền vững thường sẽ có giá khá cao so với các sản phẩm đến từ thời trang nhanh. Tuy nhiên, những khác biệt trong chất liệu và các công đoạn sản xuất, cùng với các công nghệ tiên tiến chính là những lý do khiến cho giá thành sản phẩm có sự khác biệt. Chất liệu bền vững, sử dụng được lâu hơn, sẽ tương đương với một mức giá đắt đỏ hơn. Vì vậy, thay vì chỉ suy ngẫm về giá cả, hãy luôn nhớ "Mua đồ chất lượng và mua ít đồ hơn". Nếu giúp cho bản thân có một tầm nhìn dài hạn, với giá tiền mà bạn bỏ ra, các sản phẩm bền vững hoàn toàn xứng đáng.
Một trong số những định kiến khác mà các sản phẩm thời trang bền vững rất hay gặp phải chính là về màu sắc không bắt mắt, đa dạng và không phù hợp với xu hướng thời trang hiện thời. Thực chất, rất nhiều nhà thiết kế đều nhận định thời trang bền vững đã, đang, và sẽ là một xu hướng phát triển không thể bỏ qua trong tương lai của ngành công nghiệp “nghìn tỷ” này. Các nhãn hàng thời trang lớn vẫn luôn phát triển các kiểu dáng, màu sắc đa dạng và cho ra đời nhiều bộ sưu tập độc đáo, bắt mắt với các sản phẩm bền vững. Ngoài ra, cũng phải kể đến các nhãn hiệu trong nước như Kilomet109, The 31, TimTay,... đều đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm thời trang về cả mặt hình ảnh và mặt chất liệu.
Chất liệu tơ tằm tự nhiên Đũi cùng với phương pháp nhuộm màu tự nhiên trên khăn lụa (Nguồn: Timtay)
Khi các nguyên liệu bền vững đa phần đều được lấy từ những địa điểm khác nhau cùng với số lượng hạn chế, việc xây dựng một dây chuyền sản xuất “xanh” đã dần trở thành một bài toán hàng đầu cho mỗi nhãn hàng thời trang mong muốn theo đuổi xu hướng này. Không chỉ gặp khó khăn trong nguồn cung ứng nguyên vật liệu, các hãng thời trang còn phải đối đầu với việc triển khai công đoạn sản xuất bền vững với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Với việc phải xử lý thông qua nhiều công đoạn hơn, giá thành sản phẩm có nguy cơ bị đẩy lên cũng là một trong những lo ngại của các thương hiệu thời trang bền vững. Không những vậy, với khâu vận chuyển nguyên vật liệu và vận chuyển sản phẩm, khó có thể bỏ qua những tác hại đối với môi trường của giai đoạn này. Điều này rất có thể sẽ khiến cho sản phẩm tuy “bền vững” nhưng cũng đã gây hại đến môi trường.
Ứng dụng thời trang bền vững tại UEH
Với tầm nhìn và mục tiêu hướng đến một Đại học bền vững, UEH đã lấy việc đóng góp cho tương lai bền vững của cộng đồng & xã hội làm đích đến cùng với các chương trình, sự kiện hướng đến một môi trường Đại học Xanh Green Campus. Nhận được sự ủng hộ tích cực từ người học và viên chức, người lao động trong việc tạo các nền tảng và triển khai hoạt động truyền thông kiến thức, lan toả các giá trị xanh và thông điệp thực hành lối sống xanh, thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng “Rethink & Be Green”. UEH còn tạo điều kiện cho các UEHers được đắm chìm trong thời trang lối sống xanh qua các Triển lãm “Greenlife Artistry”; Fashion show “Green Fashion for life” và lan tỏa tinh thần sống xanh qua các bài viết, hướng dẫn về cách áp dụng thời trang bền vững vào cuộc sống hàng ngày.
Những trang phục đặc biệt tại Fashion show “Green Fashion for life” được làm hoàn toàn từ nguyên vật liệu thân thiện với môi trường
Như vậy, có thể thấy thời trang bền vững là một trong những lối đi mới mẻ và độc đáo trong ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bền vững đang dần lên ngôi, ngày càng nhiều cơ hội phát triển được mở ra cho thời trang bền vững như ứng dụng các công nghệ in 3D để tạo ra sản phẩm và các chất liệu truyền thống từ thiên nhiên dần nhận được sự ưu ái của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời trang bền vững Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn, nguồn nguyên vật liệu chưa đảm bảo khả năng cung ứng. Không thể phủ nhận các trở ngại, thách thức này sẽ khiến cho hành trình hướng tới thời trang bền vững tại Việt Nam tốn nhiều thời gian hơn nhưng một khi vượt qua, xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam sẽ đạt được cơ hội phát triển mạnh mẽ và đem lại thành tựu to lớn. Đặc biệt với các UEHer, việc hành động và sử dụng thời trang bền vững chắc chắn sẽ góp một phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nên Đại học Xanh. Để từ đó tạo nên những công dân UEHer toàn cầu luôn quan tâm và hướng tới sự bền vững, đóng góp cho cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
Ngân Hà. (2023). Giới trẻ chuộng xu hướng thời trang bền vững. Báo Người Lao Động. Truy cập ngày 16/10/2023 tại: https://nld.com.vn/thoi-su/gioi-tre-chuong-xu-huong-thoi-trang-ben-vung-20230304184523472.htm
Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học
Chia sẻ